CẨM NANG: 11: TÒA ÁN HÔN PHỐI - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 09/09/2017 04:23
Trong mỗi giáo phận, Đức Giám Mục có bổn phận thành lập tòa án giáo phận để xử các vụ án về hộ sự và hình sự nói chung hoặc chỉ xử những vụ án hôn phối: ly thân, tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Bài này chỉ trình bày sơ lược về tòa án hôn phối, xử những vụ hôn nhân vô hiệu.
11. TÒA ÁN HÔN PHỐI

11.1. Tổng quát

Tòa án hôn phối của giáo phận có nhiệm vụ chính yếu  là thực hiện việc thẩm tra và xét xử để tuyên bố sự vô hiệu của một hôn nhân và một số vụ để cho phép ly dị mà dây hôn phối vẫn còn.
Tuyên bố hôn nhân vô hiệu của tòa án Giáo phận có giá trị pháp lý trong toàn Giáo hội. Người được tòa án tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu có thể kết hôn một lần nữa ở bất cứ nơi nào trong Giáo hội, trừ một vài trường hợp bị cấm hôn.
Thông thường vụ án vô hiệu hôn phối được xử tại tòa án giáo phận, bởi hiệp đoàn ba thẩm phán cùng với bảo hệ viên và lục sự.
Tiến trình một vụ án hôn phối được tóm tắt như sau:
a- Tư vấn cho tín hữu, nếu thấy cơ sở tiêu hôn nào đó thì Tòa nhận đơn;
b- Tòa giúp thiết lập nghi vấn tiêu hôn, tức là đối tượng của việc thẩm cứu, điều tra;
c- Tòa thu thập chứng cớ qua việc thẩm vấn các bên và các nhân chứng…
d- Hiệp đoàn ba thẩm phán họp nghị án và tuyên án.
Thời hạn giải quyết vụ án là một năm, theo luật định đối với vụ xử cấp một (đ. 1453).

11.2. Nền tảng sự vô hiệu của hôn nhân

Một kết ước hôn nhân có thể vô hiệu do một trong ba điều chính yếu:
- Có ngăn trở tiêu hôn;
- Sự ưng thuận bị hà tỳ;
- Khiếm khuyết thể thức Giáo luật.

a- Kết hôn vô hiệu do ngăn trở tiêu hôn

Khi kết hôn mà đang mắc ngăn trở tiêu hôn thì hôn nhân bị vô hiệu, cho dù người kết hôn hay người chứng hôn không hay biết hoặc sai lầm. Giáo luật quy định 12 ngăn trở tiêu hôn (đ.1083-1094).
Trong thực tế, các vụ án xử vô hiệu do ngăn trở thì rất ít. Đôi khi bên lương đã có vợ hay chồng trước mà không biết hay giấu giếm khi kết hôn với người Công giáo. Hôn nhân này vô hiệu do mắc ngăn trở dây hôn phối.

b- Kết hôn vô hiệu do hà tỳ hay khiếm khuyết ưng thuận

Chính sự "ưng thuận" kết ước làm nên hôn nhân, được thực hiện bởi ý chí tự do (đ. 1057). Giáo luật đã kể ra những trường hợp sự ưng thuận bị hà tỳ khiến hôn nhân vô hiệu như:
- Thiếu khả năng kết hôn (đ. 1095): thiếu sử dụng trí khôn, thiếu phán đoán về nghĩa vụ vợ chồng, có tâm lý bất thường không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân, thường được thấy nơi người thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm trí, rối loạn nhân cách nặng, có bệnh đồng tính, nghiện hút, xáo trộn tính dục, đam mê…
- Không biết (đ. 1096): Không biết hôn nhân là một sự hiệp thông vĩnh viễn giữa một người nam và một người nữ, nhắm đến việc sinh sản con cái do một sự cộng tác nào đó thuộc phái tính. Ví dụ, một cô gái tưởng rằng chỉ hôn nhau cũng đã có thể sinh con, hoặc tưởng rằng kết hôn là để sống chung với nhau như anh em.
- Lầm lẫn (đ. 1097,1098): Lầm lẫn gây tiêu hôn, nói chung là những lầm lẫn nghiêm trọng mà có thể gây ra nhiễu loạn đời sống hôn nhân. Sự giấu giếm những điều quan trọng trước kết hôn như: vô sinh, có con riêng, nợ nần lớn, bệnh nan y… có thể gây sự lầm lẫn cho bên kia, khiến kết ước hôn nhân bị vô hiệu.
- Kết hôn giả hình, simulatio, (đ. 1101§2): Được coi là kết hôn giả hình (simulatio) nếu khi kết hôn đã có ý muốn loại trừ hay coi thường thiện ích hôn nhân, sinh sản và giáo dục con cái, sự chung thủy một vợ một chồng hay sự bất khả phân ly. Ví dụ như kết hôn chỉ để được một điều gì đó và sau đó ly dị, kết hôn chỉ để lấy danh dự sau đó thì chia tay, kết hôn chỉ để lợi dụng…
- Kết hôn với điều kiện (đ. 1102): Được coi là điều kiện kết hôn khi một điều được đặt ra như một điều tiên quyết để kết hôn, nghĩa là, nếu không đồng ý với điều kiện đó thì bên kia sẽ không chịu kết hôn. Kết hôn với điều kiện tương lai thì bất thành, với điều kiện quá khứ hay hiện tại chỉ bất thành khi điều kiện không được thỏa mãn.
- Kết hôn do sợ hãi nghiêm trọng (đ. 1103): sợ hãi có thể do ép buộc hay đe dọa bởi cha mẹ hay người khác, có thể do sợ một điều xấu xảy đến như có thai nên sợ đành miễn cưỡng kết hôn, sợ cha mẹ buồn phiền đau bệnh …

c- Kết hôn vô hiệu do thiếu thể thức Giáo luật

Sự ưng thuận kết hôn phải được diễn tả bằng một hình thức được Giáo luật quy định theo điều 1108 và một số điều khác. Nếu không cử hành hay cử hành mà không thực hiện đầy đủ những yếu tố cần thiết mà luật đòi để được hữu hiệu thì sự kết ước vô hiệu.
Sự vô hiệu hôn nhân do thiếu thể thức ít khi xảy ra. Tuy nhiên cũng có thể kể một số trường hợp: Cha chứng hôn không có năng quyền chứng hôn và cũng không được sự ủy nhiệm năng quyền (đ. 1108); cử hành hôn nhân theo đặc ân thánh Phaolô (đ. 1143) nhưng bỏ qua không tra vấn (interpellatio) mà không xin Đấng Bản quyền miễn chuẩn (đ. 1144).

11.3. Nhiệm vụ mục tử

Trong não trạng cũ, mục tử cảm thấy có tội hay cảm thấy mình làm điều xấu, nếu giúp tín hữu tiến hành làm đơn xin tòa án hôn phối để được công bố hôn nhân vô hiệu. Cảm thức này hoàn toàn đi ngược lại với Giáo Huấn Giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 15-8-2015 đã ra Tông Thư với hình thức Tự Sắc Chúa Giêsu Thẩm Phán Nhân Từ (Mitis Iudex Dominus Iesus),[1] canh tân thủ tục tòa án hôn phối để giúp tín hữu có cơ hội dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc giải quyết vấn đề hôn phối.  Quy tắc hướng dẫn đầu tiên của Tự sắc nhắc nhở:
Giám mục có nghĩa vụ phải giữ lòng nhiệt thành tông đồ đối với những đôi bạn đã ly thân hay đã ly dị, có lẽ vì hoàn cảnh sống mà bỏ việc thi hành đạo. Vì thế, ngài phải cùng với các linh mục quản xứ (x.đ. 529§1) chia sẻ nỗi ưu tư mục vụ đối với các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn”.[2]
Để triển khai nghĩa vụ tông đồ đối với hôn nhân gia đình, bản Quy Tắc hướng dẫn thực hiện Tự Sắc Mitis Iudex của THĐGM đề ra một chương trình mục vụ mới gọi là điều tra tiền tư pháp hay mục vụ.[3] Chương trình mục vụ bao gồm việc:
- Tiếp đón trong khung cảnh giáo xứ hay giáo phận những tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay tin chắc là hôn nhân của họ bất thành.
- Sau khi điều tra sơ khởi, nếu vị hữu trách thấy có những yếu tố thích hợp thì giúp cho giáo dân tiến hành thủ tục xin tòa án hôn phối, để tuyên bố hôn nhân của họ vô hiệu.[4]
Đức Giáo Hoàng muốn chính linh mục quản xứ là người được ủy thác ưu tiên trong nhiệm vụ điều tra tiền tư pháp:
Việc điều tra tiền tư pháp hay mục vụ này được ủy thác cho những người xét là có khả năng. Trong số những người được ủy thác công việc điều tra sơ khởi này, ưu tiên phải là chính linh mục quản xứ hay người đã chuẩn bị cho các đôi hôn phối cử hành lễ cưới. Cũng có thể ủy thác công việc tư vấn này cho các giáo sĩ khác, các tu sĩ hay những giáo dân được Đấng Bản quyền địa phương chuẩn nhận.[5]
Theo những giáo huấn nói trên, ngoài những vị chuyên môn hữu trách, cha sở có nhiệm vụ giúp cho giáo dân tiến hành thủ tục xin tòa án hôn phối để tuyên bố hôn nhân của họ vô hiệu, mỗi khi thấy họ có những nền tảng nào đó về sự vô hiệu, nhờ qua những điều tra của cha sở hay qua những gặp gỡ mục vụ.
Đối với các Giám mục Giáo phận, Đức Giáo Hoàng còn kêu gọi: phải lo liệu sớm hết sức có thể, đào tạo những nhân sự có khả năng làm việc trong tòa án được thiết lập cho những vụ án hôn nhân, kể cả qua những khóa đào tạo thường xuyên và liên tục, được bảo trợ bởi giáo phận hay liên giáo phận.[6]
 
 
 
 
 
[1] Gọi tắt là Mitis Iudex, được viết tắt là MI.
[2] MI, Regole procedurali, art 1.
[3] Cf. MI, Regole procedurali, art 2&3.
[4] Cf. MI, Regole procedurali, art 5.
[5] MI, Regole procedurali, art. 3.
[6] Cf. MI, Regole procedurali, art. 8.1.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay1,771
  • Tháng hiện tại19,421
  • Tổng lượt truy cập11,219,793
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi