CẨM NANG: 6- THỦ TỤC KẾT HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Chủ nhật - 10/06/2018 04:17

CẨM NANG: 6- THỦ TỤC KẾT HÔN - JB. Lê Ngọc Dũng

Cha sở nào phải làm tờ rao, cha sở bên nam hay bên nữ hay cha sở nơi họ tạm trú? Cha sở không chịu rao hay không chịu cấp giấy giới thiệu thì cha sở nơi cử hành hôn phối có được phép cử hành không? Đây là một vấn đề cần phải minh định rõ theo những nguyên tắc của Giáo Luật, để tránh những bất đồng trong mục vụ bí tích hôn phối.
Nguyên tắc hướng dẫn nền tảng là: cha sở nơi chứng hôn có năng quyền chứng hôn, cho dù đôi bạn không thuộc quyền mình và khi đảm nhận việc chứng hôn, cha phải chắc chắn rằng không có gì ngăn cản cho việc cử hành hữu hiệu và hợp luật. Vì vậy, cha sở nơi cử hành phải làm tất cả những gì để chứng tỏ rằng không có những ngăn cản đó, nghĩa là, cha có trách nhiệm chính thức lập hồ sơ để điều tra, rao báo... để biết chắc và chứng tỏ đôi bạn ởtrong tình trạng thong dong khi kết hôn. Cha sở mà có một trong đôi bạn thuộc quyền mình thì có nhiệm vụ phụ giúp cha sở nơi cử hành thực hiện việc điều tra rao báo đó, cụ thể là cấp giấy giới thiệu, chứng chỉ, nhận rao báo... và cũng có thể là tự nguyện làm thay cho cha sở nơi cử hành việc chu toàn hồ sơ trong một số trường hợp.
6. THỦ TỤC KẾT HÔN

6.1. Giáo xứ, nơi kết hôn

Hôn nhân phải được cử hành tại giáo xứ mà một trong hai người kết hôn có cư sở hoặc bán cư sở hay đã cư ngụ một tháng, hoặc nếu là những người không có cư sở, phải được cử hành tại giáo xứ mà họ đang cư ngụ; hôn nhân có thể cử hành tại nơi khác, khi có phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha sở riêng (đ. 1115).

a- Tùy chọn giáo xứ

Giáo luật đưa ra quy định thật rộng rãi về nơi có thể kết hôn, chỉ cần một bên nam hay nữ có cư sở (thường trú), bán cư sở (tạm trú) hay nơi đã cư ngụ được một tháng. Hôn nhân cũng được cử hành tại nơi khác khi có phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha sở riêng của một bên, nếu cư ngụ chưa đủ một tháng.
Bộ Giáo luật hiện hành không quy định kết hôn ở giáo xứ bên nữ hay ưu tiên bên nữ, cũng không ấn định ưu tiên cho cha sở của bên nào chứng hôn.
Kết hôn là một sự kiện trong đại của cuộc sống con người nên vị mục tử hãy để tùy theo sự chọn lựa và quyết định của đôi bạn về nơi cử hành hôn phối, trừ khi vì những lý do đặc biệt nào khác, như có sự quá khó khăn trong việc điều tra để chứng minh tình trạng thong dong.
Đôi bạn sẽ đăng ký kết hôn tại giáo xứ mà họ được chấp nhận cử hành hôn phối, bất kể là giáo xứ của bên nam hay bên nữ hoặc ở một giáo xứ khác.

b- Cư sở, bán cư sở

Việc cử hành hôn nhân liên quan đến cư sở và bán cư sở. Vì vậy, cần phải xác định theo Giáo luật, với những điều kiện nào thì một tín hữu có cư sở (thường trú) hay bán cư sở (tạm trú).
Phải chăng muốn có cư sở hay bán cư sở, giáo dân phải trình diện và đăng ký với cha sở; hoặc muốn nhập vào giáo xứ phải có giấy xuất khỏi giáo xứ cũ, như kiểu nhập tịch xuất tịch?
Thủ đắc cư sở
Điều 102 quy định về cư sở hay bán cư sở:
§1. Cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó vĩnh viễn, nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã được kéo dài năm năm trọn.
§2. Bán cư sở được thủ đắc do việc cư ngụ trong địa hạt của một giáo xứ hay ít ra của một Giáo phận, với ý định sẽ ở đó ít là ba tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc việc cư ngụ đã thực sự được kéo dài suốt ba tháng.
Điều 102 quy định người tín hữu thủ đắc được cư sở hay bán cư sở là do những điều kiện theo luật định chứ không do sự đăng ký nhập giáo xứ. Cần phân biệt, việc đăng ký nhập giáo xứ thuộc về phần tổ chức để chu toàn nhiệm vụ điều hành giáo xứ. Nó là cần thiết cho việc mục vụ, nhưng tự nó không quyết định cho việc thủ đắc cư sở hay bán cư sở.
Theo luật, nếu giáo dân chứng minh được thời gian cư ngụ đối với cư sở là 5 năm hay đối với bán cư sở là 3 tháng thì họ thủ đắc được cư sở hay bán cư sở. Bổn phận của cha sở là phải lo liệu cho họ, như một mục tử có nhiệm vụ biết và chăm sóc con chiên. Ngài không thể lấy lý do là không biết đến con chiên đó. Ngài có bổn phận phải tổ chức đội ngũ các chức việc để giúp ngài nhận biết các con chiên và chăm sóc họ.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý, sự thủ đắc cư sở hay bán cư sở cũng còn tùy thuộc vào "ý định" của tín hữu, miễn là họ chứng minh được ý định đó. Ví dụ họ đến giáo xứ và mua nhà để ở vĩnh viễn. Điều này chứng minh được ý định và vì vậy họ thủ đắc được cư sở.
Mất cư sở
Giáo luật quy định, cư sở hay bán cư sở "bị mất do việc rời khỏi nơi ấy với ý định không trở về lại" (đ.106).
Ví dụ 1: Người di cư qua Mỹ, không có ý định trở về lại, bị mất cư sở ở Việt Nam.
Ví dụ 2: Người đi lên thành phố hay tỉnh khác để làm việc lâu dài nhưng vẫn có ý định trở về lại nơi cũ, không bị mất cư sở nơi cũ.
Hai cư sở
Một người có thể có hai cư sở một lúc: nơi đã cư ngụ được 5 năm và nơi mà mình còn muốn trở về lại.
Một người đã đi lâu năm, có một cư sở mới, nhưng nếu họ có "ý định" trở về lại,  cha sở vẫn phải coi họ vẫn thuộc về giáo xứ. Cha sở vẫn có trách nhiệm trên họ như người thuộc quyền mình.

6.2. Cha sở nơi cử hành hôn phối thụ lý hồ sơ

Vấn đề cũng thường hay đặt ra là cha sở nào, của bên nam hay bên nữ, có trách nhiệm thụ lý hồ sơ ?
Các hồ sơ cần thiết lập cho một vụ kết hôn, thông thường bao gồm: Giấy giới thiệu kết hôn; Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức; Bản khai trước kết hôn; Giấy rao hôn phối; Chứng chỉ giáo lý hôn nhân; Giấy chứng nhận kết hôn dân sự; Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu có ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật.

a- Theo nguyên tắc pháp lý

Giáo luật không quy định rõ là cha sở bên nào sẽ thụ lý hồ sơ. Chủ trương bên nữ thụ lý hồ sơ là chiếu theo luật cũ, vì hôn nhân được cử hành bên nữ. Bộ luật 1983 không còn quy định như vậy nữa, nhưng cho phép tùy chọn giáo xứ kết hôn, bên nam hay bên nữ.
Theo nguyên tắc của điều 19, trường hợp mà luật không quy định minh nhiên, cần phải theo những nguyên tắc của luật đã được áp dụng với sự hợp tình hợp lý. Vậy, để xác định ai là có trách nhiệm chu toàn hồ sơ hôn phối, ta cần dựa vào hai điều luật:
a- Nếu cha sở "ủy quyền" cho cha khác cử hành hôn nhân thì: Trước khi ban ủy quyền riêng biệt, phải chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113).
Về điểm (a), dĩ nhiên là vị nào có năng quyền thì mới có quyền ủy. Vị đó chính là Đấng Bản quyền địa phương, hoặc cha sở của nơi hay địa hạt cử hành hôn phối. Vì vậy, Đấng Bản quyền địa phương, hoặc cha sở của nơi cử hành có trách nhiệm phải "chu toàn tất cả những gì ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên (đ.1113).
b- Luật đòi cha chứng hôn: Trước khi cử hành hôn nhân phải biết chắc không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp luật (đ. 1066).
Điểm (b) quy định về cha chứng hôn. Vị này có thể là Đấng Bản quyền, cha sở hay vị được ủy quyền chứng hôn. Nếu vị này là Đấng Bản quyền hay cha sở thì chính việc điều tra hay việc thiết lập hồ sơ giúp ngài biết chắc "không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp luật" (đ. 1066).
Nếu vị này là vị được ủy quyền để chứng hôn thì cũng phải biết chắc như vậy, nhờ vào việc chu toàn hồ sơ của vị ủy quyền, tức là  Đấng Bản quyền hay cha sở của nơi cử hành.
Tóm lại, Đấng Bản quyền hay cha sở của "nơi cử hành hôn phối" có trách nhiệm, "phải chu toàn tất cả những gì đã ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên", nghĩa là phải thiết lập hồ sơ, chứ không quy trách nhiệm này cho Đấng Bản quyền hay cha sở riêng của bên nam hay bên nữ.

b- Có thể được giúp lập hồ sơ bởi một cha sở khác

Từ những nguyên tắc luật đã nêu (đ. 1113, 1066), phải xác định rằng: nhiệm vụ lập hồ sơ hôn phối thuộc về cha sở nơi cử hành hôn phối. Tuy nhiên, trách nhiệm này cũng có thể được thực hiện bởi một cha sở khác nhưng với tư cách phụ giúp.
Thông thường, cha sở của đôi bạn có nhiệm vụ phụ giúp cho cha sở nơi cử hành hôn phối lập hồ sơ như cấp giấy giới thiệu, cấp các chứng nhận, rao báo… chuẩn bị giáo lý hôn nhân...
Cha sở riêng của một trong đôi bạn có thể thực hiện việc giúp này ở mức độ nhiều hơn, nếu tình nguyện chu toàn tất cả việc thiết lập hồ sơ. Tuy nhiên cha giúp việc này cũng chỉ với tư cách phụ giúp cho cha sở nơi cử hành chứ không bị buộc phải làm theo trách nhiệm pháp lý.
Việc sẵn lòng giúp chu toàn hồ sơ kết hôn bởi cha sở của tín hữu sẽ giúp cho cha sở nơi cử hành dễ dàng chấp nhận chứng hôn. Vì khi nhận chứng hôn cho đôi bạn không thuộc quyền mình, do họ chỉ có tạm trú, hay ở nơi khác đến, thì cha sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra. Vì vậy, ngài thường từ chối khi đôi bạn này xin chứng hôn, ngoại trừ khi có cha khác giúp điều tra và thiết lập hồ sơ. Sự giúp này tạo thuận lợi đôi bạn dễ được chấp nhận  cử hành kết hôn tại một nhà thờ ở một giáo xứ thứ ba, nơi họ chỉ tạm trú hay chỉ ở trong một thời gian ngắn.
Khi một cha sở, hay một người nào đó thực hiện việc điều tra, với tư cách phụ giúp đảm nhận thiết lập hồ sơ, thì  vị này cần phải gởi hồ sơ cho cha sở nơi chứng hôn, và trong đó cần có đính kèm văn thư bảo đảm "không có cản trở" (nihil obstat), chiếu theo điều 1070:
Nếu người thực hiện việc điều tra không phải là cha sở có thẩm quyền chứng hôn, thì người này phải thông báo sớm hết sức cho cha sở biết kết quả việc điều tra ấy bằng một văn thư chính thức.
Trong thực tế hiện nay, có những đôi hôn phối muốn kết hôn ở thành phố nơi họ đang làm việc hay tạm trú; hoặc cả hai đôi bạn đều cư ngụ ở ngoại quốc, như bên Hoa Kỳ, họ lại muốn kết hôn tại quê nhà Việt Nam. Cha sở ở thành phố hay ở Việt Nam, nơi mà đôi bạn được chứng hôn có nhiệm vụ thụ lý hồ sơ hôn phối, theo như nguyên tắc nêu trên.
Tuy nhiên, áp dụng nguyên tắc giúp lập hồ sơ, cha sở riêng của một trong đôi bạn sau khi đã chu toàn việc lập hồ sơ, cha gởi đến cho cha sở nơi cử hành hôn phối. Trong hồ sơ thường có văn thư nihil obstat (do cha sở hoặc Bản Quyền địa phương xác nhận). Khi nhận được hồ sơ như vậy, dù không ai trong các bên cư ngụ tại giáo xứ đủ một tháng, cha sở Việt Nam nhận chứng hôn một cách hữu hiệu và hợp pháp (sự "xin phép" cha sở hay Bản Quyền riêng coi như đã được thực hiện qua hồ sơ gởi đến). [1]
Ví dụ 1:
Bên nam thường trú tại Nha Trang, bên nữ thường trú tại Mỹ Tho. Họ đến Tp. HCM tạm trú để làm việc và muốn kết hôn tại giáo xứ Vườn Xoài ở Tp. HCM. Nếu cha sở Vườn Xoài chấp thuận chứng hôn cho họ, thì:
- Cha sở Vườn Xoài, theo nguyên tắc luật, phải chịu trách nhiệm lập hồ sơ, rao báo để chứng minh tình trạng thong dong cũng như về tình trạng được chuẩn bị sẵn sàng cho việc kết hôn của mỗi bên. Cha sở ở Gp Nha Trang hay Gp Mỹ Tho đều có bổn phận phụ giúp như cấp giấy giới thiệu, các chứng nhận…
- Tuy nhiên, cha sở ở Gp Nha Trang hay Mỹ Tho, với tư cách phụ giúp đều có thể tự nguyện chu toàn hồ sơ để gởi đến cha sở Vườn Xoài nếu cha sở Vườn Xoài chấp nhận chứng hôn mà không muốn thụ lý hồ sơ.
Ví dụ 2:
Một đôi ngoại kiều ở Pháp gốc Việt muốn xin cử hành hôn phối tại giáo xứ Chính Tòa của một giáo phận nào đó tại Việt Nam mà họ chỉ có tạm trú trong giáo xứ chỉ một thời gian rất ngắn, với lý do muốn cử hành tại quê cha mẹ là giáo xứ Chính Tòa.
Cha sở Chính Tòa có quyền chấp thuận để cử hành hữu hiệu và hợp pháp. Nếu họ chưa cư ngụ trong giáo xứ chưa được một tháng thì ngài cần có giấy phép của cha sở hay Đấng Bản quyền riêng của một bên nào đó.
Theo nguyên tắc, khi chấp nhận chứng hôn, cha sở Chính Tòa phải thụ lý hồ sơ: đăng ký, điều tra, rao báo…, trong đó có việc yêu cầu họ xin các chứng nhận các bí tích, xin chuẩn ngăn trở tiêu hôn nếu có, và các giấy tờ dân sự cần thiết khác. Trong trường hợp này, đôi bạn đăng ký kết hôn tại cha sở Chính Tòa.
Tuy nhiên, cha sở Chính Tòa có quyền từ chối chứng hôn cho họ khi thấy việc thụ lý hồ sơ quá khó khăn, do khó có thể có đủ cơ sở để chứng minh tình trạng thong dong đối với người ở ngoài giáo xứ hay ở ngoại quốc.
Cha sở Chính Tòa, nếu muốn giúp đôi bạn, có thể nhận chứng hôn và đòi hỏi điều kiện: Nếu có một cha bên Pháp, là cha sở riêng hay cha quản nhiệm đối với một bên, nam hay nữ, sẵn lòng làm thay cha chu toàn các hồ sơ, chứng minh được tình trạng thong dong để kết hôn. Trong trường hợp này, đôi bạn đăng ký kết hôn và làm thủ tục tại cha bên Pháp đó. Cha bên Pháp sẽ gởi hồ sơ với xác nhận Nihil obstat cho cha sở Chính Tòa.
Sau khi đã chứng hôn, cha sở Chính Tòa sẽ gởi giấy chứng nhận kết hôn của họ cho cha sở riêng của họ bên Pháp và cha sở nơi Rửa tội để ghi chú vào sổ Rửa tội.

c- Có nên quy định: Cha sở bên nữ lập hồ sơ?

Vì muốn theo lệ cũ, một số cha đề nghị nên có quy định chung: Cha sở bên nữ lập hồ sơ. Có nên hay không?
Không nên, vì sẽ có nhiều bất tiện. Quy định này có thể sẽ dễ dàng trong phạm vi nội bộ của giáo phận, nhưng sẽ có nhiều khó khăn phức tạp, khi đôi bạn kết hôn có người ở giáo phận khác.
Ví dụ, cha sở cử hành hôn phối tại một giáo xứ ở giáo phận Nha Trang mà lại đòi cha sở bên nữ ở Quy Nhơn hay Thanh Hóa thụ lý hồ sơ thì quả là khó khăn. Cha sở Quy Nhơn hay Thanh Hóa có quyền từ chối vì ngài không bị chi phối bởi quy định riêng của giáo phận Nha Trang.
Vì vậy, cần phải làm theo nguyên tắc luật chung của Giáo hội, để dễ thống nhất, ít gây khó khăn cho cha sở hay giáo dân. Một quy định riêng và khác lạ của giáo phận là điều không nên làm.
Có thể đúc kết cách tóm tắt nhiệm vụ lập hồ sơ như sau:
- Cha sở nơi cử hành có nhiệm vụ chính yếu phải lập hồ sơ: nhận đăng ký, điều tra, rao báo…Cha sở này thường là cha sở riêng của một trong đôi bạn, nhưng cũng có thể không là cha sở riêng của bên nào cả. Cha sở này cũng có thể là cha sở bên người lương, nghĩa là, người này cư ngụ trong địa hạt của ngài.
- Một cha khác, với tư cách phụ giúp cho cha sở nơi cử hành, có thể lập một phần hay toàn bộ hồ sơ. Vị này có thể là: cha sở riêng của mỗi bên hoặc cha quản nhiệm, hoặc ngay cả cha phó hay phụ tá của cha nơi cử hành hoặc của cha sở mà một bên là thuộc quyền ngài.

d- Bổn phận chứng hôn của cha sở

Chứng hôn và chúc hôn là một nhiệm vụ được Giáo hội ủy thác đặc biệt cho cha sở, theo quy định của điều 530 như sau:
Những nhiệm vụ đã được uỷ thác đặc biệt cho cha sở là:
10 Ban bí tích Rửa tội;
20 Ban bí tích Thêm sức cho những người nguy tử, chiếu theo quy tắc của điều 883,30;
30 Ban của ăn đàng và bí tích Xức dầu bệnh nhân, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 1003 §2. và 3; cũng như ban phép lành Tông toà;
40 Chứng hôn và chúc hôn;
50 Cử hành lễ nghi an táng;
60 Làm phép giếng Rửa tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước kiệu ngoài nhà thờ, cũng như ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ;
70 Cử hành Thánh Lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc.
Trong địa hạt của mình, vì vậy, cha sở phải có bổn phận chứng hôn, cho giáo dân thuộc quyền mình. Sẽ là lỗi bổn phận chăm sóc và phục vụ cho con chiên nếu mục tử từ chối khi giáo dân trong xứ xin được cử hành hôn phối hoặc xin giúp đỡ được cử hành hôn phối ở giáo xứ khác.
Cha sở có năng quyền chứng hôn trong địa hạt giáo xứ mình, nhưng không bị đòi buộc phải chứng hôn cho tín hữu chỉ có bán cư sở hay tạm trú thời gian ngắn. Vì vậy ngài có quyền từ chối chứng hôn cho họ.

e- Khi đôi bạn muốn cử hành tại một giáo xứ khác

Khi cử hành ở một giáo xứ khác, tức là nơi mà một bên:
- Tạm trú (bán cư sở), hay đã cư ngụ ở đó đủ một tháng.
- Cư ngụ chưa đủ một tháng và có phép của Đấng Bản quyền riêng hay của cha xứ riêng của một bên trong đôi hôn phối (đ.1115).[2]
Đôi bạn phải xin và được sự chấp nhận chứng hôn của cha sở ở đó. Ngài có quyền nhận hay từ chối chứng hôn trong giáo xứ ngài.
Đôi bạn sẽ đăng ký kết hôn tại giáo xứ nào?
Việc này tùy theo sự thỏa thuận và sắp xếp của các cha sở, nhưng theo nguyên tắc sau: đôi bạn sẽ đăng  ký tại nơi cha sở chấp nhận chu toàn hồ sơ hôn phối. Nếu cha sở nơi tạm trú chấp nhận thực hiện hồ sơ và chứng hôn, đôi bạn sẽ đăng ký kết hôn tại giáo xứ tạm trú đó. Nếu một cha sở riêng nào của một trong đôi bạn chấp nhận chu toàn hồ sơ giúp thì đôi bạn đăng ký kết hôn tại giáo xứ riêng này. Sau khi chu toàn hồ sơ, cha sở riêng sẽ gởi hồ sơ đến cha sở nơi tạm trú để ngài chứng hôn.

6.3. Hồ sơ hôn phối

6.3.1. Kết hôn thông thường

Việc thiết lập hồ sơ nhằm có mục đích chứng minh tình trạng thong dong không có ngăn cản nào (nihil obstat) cho việc kết hôn, nghĩa là, các bên kết hôn không ai bị ngăn trở cho việc kết hôn hữu hiệu và hợp pháp.
Ngoài ra, việc thiết lập và lưu giữ những hồ sơ cũng cần thiết cho việc mục vụ quản trị điều hành, cung cấp những thông tin hay chứng nhận khi cần thiết.
Những giấy tờ cần có thông thường, theo quy định ở Việt Nam là:
1- Giấy giới thiệu kết hôn;
2- Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức;
3- Bản khai trước kết hôn;
4- Giấy rao hôn phối;
5- Chứng chỉ giáo lý hôn nhân;
6- Giấy chứng nhận kết hôn dân sự;
7- Giấy miễn chuẩn ngăn trở hay giấy phép kết hôn, nếu có ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật.

1)- Giấy giới thiệu kết hôn

Giấy giới thiệu kết hôn được làm bởi cha sở của phía một bên Công giáo gởi cho cha chứng hôn. Giấy này, thực ra, là một giấy mang tính xác nhận ban đầu hay sơ khởi về tình trạng không có ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật của tín hữu sắp kết hôn. Nó không là một giới thiệu về hạnh kiểm tín hữu hay một bảo đảm rằng hôn nhân này là hoàn toàn không có ngăn trở.
Giấy giới thiệu cần có những điểm:
- Xác nhận về cư sở, nghĩa là xác nhận giáo dân thuộc giáo xứ hoặc đã cư ngụ trong thời gian nào đó.
- Cho biết là sơ khởi không thấy ngăn trở tiêu hôn hay cấm hôn nào, ít ra trong thời gian người kết hôn cư ngụ ở giáo xứ.
Khi gởi giấy giới thiệu, cha sở nên gởi kèm chứng thư bí tích Rửa tội có giá trị 6 tháng trước ngày cưới và chứng thư bí tích Thêm sức nếu đương sự đã nhận các bí tích ấy trong giáo xứ.
Vì giấy có tính xác nhận ban đầu về tình trạng thong dong kết hôn, chứ không phải là một xác nhận về hạnh kiểm hay tình trạng đạo đức, cho nên cha sở có bổn phận cấp giấy giới thiệu, không được từ chối vì lý do đương sự chưa học giáo lý hôn nhân, không đi lễ, không thuộc kinh… Về những khiếm khuyết này hay về tình trạng thiếu chuẩn bị hay thiếu khả năng kết hôn của đôi bạn, nếu thấy cần thiết, cha sở có thể thông báo riêng cho cha chứng hôn biết để cha sở nơi chứng hôn biết và lo liệu.
Theo nguyên tắc của điều 1113, cha sở có năng quyền chứng hôn, tức là cha sở nơi cử hành hôn nhân có trách nhiệm phải chứng minh và xem xét có gì ngăn cản cho việc chứng hôn thành sự và hợp luật hay không (đ. 1066). Trách nhiệm này không thuộc về cha sở cấp giấy giới thiệu. Vì vậy, cha sở có bổn phận giới thiệu không được vì lý do có quyền trên tín hữu thuộc giáo xứ mình hay vì lý do mục vụ riêng mà ngăn cản việc kết hôn của tín hữu này ở một giáo xứ khác.
Hiện nay, ở Việt Nam, đôi khi giáo dân gặp khó khăn, do cha sở không chịu cấp giấy giới thiệu. Cha sở của bên kia lại không chịu lập hồ sơ và chứng hôn khi không có giấy giới thiệu của bên này! Nên tránh gây những khó khăn bất hợp luật như vậy.
Trong trường hợp cha sở không chịu cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi chứng hôn, một khi đã "chu toàn tất cả những gì ấn định để chứng minh tình trạng thong dong của các bên” (đ.1113) và biết chắc không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp luật (đ. 1066), thì ngài vẫn có quyền chứng hôn.
Cần lưu ý, khi một bên là người lương hay Tin lành… ở trong một địa hạt của giáo xứ khác, cha chứng hôn không nên xin cấp "giấy giới thiệu" của cha sở nơi đó. Vì với lý do là không biết đến người lương hay Tin lành đó trong địa hạt của mình nên ngài thường từ chối cấp giấy giới thiệu.
Thay vì xin giấy giới thiệu, cha chứng hôn nên xin cha sở, của nơi bên người lương ở, "giúp điều tra sơ khởi", trước khi lập hồ sơ. Sau khi nhận được thông tin sơ khởi là không có ngăn trở thì lập hồ sơ và gởi tờ xin rao cho cha sở bên người lương ấy rao như quy định thông thường về rao hôn phối.
Trước khi nhờ giúp điều tra, cha sở cũng cần yêu cầu người lương… sắp kết hôn làm một bản lý lịch khá chi tiết, trong đó có ghi số điện thoại và địa chỉ của cha mẹ hay thân nhân. Cha sở nơi chứng hôn cần gởi bản sao lý lịch đó đến cho cha sở của địa sở người này thường trú, để giúp ngài dễ dàng hơn trong việc điều tra.
Về phần cha sở của giáo xứ có người lương hay Tin lành, khi nhận được sự giúp điều tra sơ khởi, và ngay cả vì vô tình, xin giấy giới thiệu nơi cha, thì cha cần sẵn lòng giúp điều tra sơ khởi, do chính mình, hoặc nhờ sự giúp đỡ của ban chức việc, hay ông biện khu vực.
Về thủ tục cấp giấy giới thiệu của một hôn nhân khác đạo, hiện nay gặp nhiều khó khăn, vì cha sở chứng hôn đòi có giấy giới thiệu thì mới chịu chứng hôn, cha sở bên người ngoài Công giáo (lương, Tin lành...) lại không chịu cấp giấy giới thiệu.
Khó khăn này nên được giải quyết theo hướng dẫn trên. Các cha liên hệ nên liên lạc với nhau qua điện thoại[3] hay phương tiện truyền thông kỷ thuật số khác, để giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.

2) Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức

Giấy chứng nhận Rửa tội phải ghi đầy đủ các chi tiết tên tuổi, thời gian (ngày, tháng, năm), giáo xứ, của nơi Rửa tội và Thêm sức.
Chứng thư Rửa tội phải không nên quá sáu tháng, để tránh sự thiếu cập nhật những tình trạng nhân thân, vì một số tình trạng nhân thân thay đổi như kết hôn, được giải gỡ hôn phối, chịu chức thánh, khấn dòng… đều được ghi chú vào sổ Rửa tội.
Không chấp nhận bản sao sổ gia đình Công giáo thay cho chứng thư Rửa Tội, trừ khi biết chắc chắn là không có giả mạo và không có thay đổi về tình trạng nhân thân.
Khi không thể chứng minh được sự lãnh nhận bí tích Rửa tội bằng giấy chứng nhận, thì cha sở cũng có thể chấp nhận là đã lãnh nhận, theo quy tắc Giáo luật:
Lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được Rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên, đủ để làm bằng chứng cho việc ban bí tích Rửa tội, nếu điều đó không gây thiệt hại cho ai (đ. 876).
Điều 876 nói trên cũng áp dụng cho việc chứng tỏ là đã lãnh nhận bí tích Thêm sức (đ. 894).
Khi có hồ nghi một người đã được Rửa tội hay chưa thì áp dụng điều 869:
§1. Nếu hồ nghi một người đã được Rửa tội hay chưa, hoặc bí tích Rửa tội được ban cho người đó có thành sự hay không, và nếu vẫn còn hồ nghi sau khi đã điều tra cặn kẽ, thì phải ban bí tích Rửa tội cho họ với điều kiện.
§2. Những người đã được Rửa tội trong một cộng đoàn Giáo hội không Công giáo, thì không được Rửa tội với điều kiện, trừ khi có một lý do nghiêm chỉnh để hồ nghi về tính thành sự của bí tích Rửa tội, sau khi đã điều tra về chất thể và mô thể đã được dùng khi ban bí tích, cũng như về ý muốn của người thành niên được Rửa tội và của thừa tác viên ban bí tích Rửa tội.

3) Bản khai trước khi kết hôn

Bản khai hay còn gọi là bản tra vấn kết hôn mà hiện nay vẫn thường làm.
Cần lưu ý là không được làm theo mẫu bản tra vấn kết hôn quá ngắn gọn hoặc để cận kề ngày kết hôn mới làm.
 Nếu tờ khai quá ngắn gọn thì sẽ dễ bị sơ sót về những ngăn trở hay những hoàn cảnh gây hà tỳ ưng thuận. Nếu để vào cận kề ngày kết hôn mới làm bản khai, sẽ không xử lý kịp nếu có ngăn trở tiêu hôn hoặc đôi bạn sẽ khai gian dối để việc kết hôn được tiến hành suông sẻ (Nếu không thì họ bị thiệt hại lớn, do thiệp mời, đặt tiệc… đã chuẩn bị sẵn sàng).
Bản khai trước kết hôn, cần làm khi mới đăng ký kết hôn tại giáo xứ, vào ngày hẹn gặp gỡ đăng ký. Tuy nhiên, nếu khi đăng ký có sự hiện diện của cha mẹ và chức việc thì nên để việc làm bản khai ra sau khi cha mẹ và chức việc đã ra về, vì đôi bạn cần có thời gian để suy nghĩ cẩn thận và viết bản khai.
Bản khai được làm riêng biệt từng người, không để đôi bạn giúp lẫn nhau khi viết bản khai. Một linh mục có trách nhiệm chứng giám và giúp thực hiện bản khai. Tránh hết sức có thể, trao việc này cho chức việc, hoặc các sơ các thầy, vì chính vị linh mục có trách nhiệm mới đủ sự hiểu biết để xử lý những hoàn cảnh bất thường.
Bản khai cần có nội dung:
- Lý lịch ngắn gọn, nhưng cần có số điện thoại của người khai và thân nhân để có thể liên lạc, điều tra.
- Sự ý thức và chấp nhận tự do của đôi bạn về hôn nhân: bất khả phân ly, đơn nhất, sinh sản và giáo dục con cái.
- Liệt kê những ngăn trở tiêu hôn và ngăn trở bất hợp luật để đôi bạn xem xét và khai báo.
- Những hoàn cảnh có thể xảy ra khiến sự ưng thuận bị hà tỳ như: thiếu khả năng phán đoán hay tâm lý, bệnh tật, khả năng sinh sản, lầm lẫn, đặt điều kiện kết hôn…
Người khai, vì vậy, không được giấu giếm những điều có thể gây lầm lẫn, làm nhiễu loạn đời sống hôn nhân, do: bệnh đồng tính, bệnh nan y, nghiện, vô sinh, có con riêng, nợ nần lớn, đang có quan hệ nam nữ với người khác. ..
(Có mẫu tờ khai, được đề nghị ở phần phụ lục)

4) Rao hôn phối


Hội Đồng Giám mục phải ấn định những quy tắc về việc khảo hạch các đôi bạn, cũng như về việc rao hôn phối và về những phương thế thích hợp khác để thực hiện những cuộc điều tra, những việc đó là cần thiết trước khi cử hành hôn nhân; một khi những quy tắc ấy đã được tuân giữ cẩn thận, cha sở có thể tiến hành việc chứng hôn (đ. 1067)
Nguyên tắc rao ba lần          
Rao hôn phối là một trong những phương thức để điều tra, đã được HĐGMVN ấn định những quy tắc cụ thể. Ở các quốc gia khác, như ở Mỹ hiện nay, có thể có những phương thức điều tra khác, không dùng phương thức rao.
HĐGMVN ấn định: Hôn phối được rao ba lần, thường được rao vào ba Chúa Nhật liên tiếp. Cha sở có quyền tha rao một lần, cha Quản hạt tha rao hai lần, và Bản quyền địa phương tha rao ba lần.[4]
Cha sở nào lập tờ rao?
Theo nguyên tắc chung: cha sở phụ trách chứng hôn tại giáo xứ mình, có bổn phận lập hồ sơ để chứng minh tình trạng thong dong của đôi bạn, lập tờ rao và phải gởi đi để nhờ rao.
Tờ rao gởi đến đâu?
Tờ rao được đến các cha sở, nơi mà người kết hôn đang thường trú hay có cư sở.
Còn phải gởi tờ rao đến cha sở nơi mà họ đã cư ngụ trong một thời gian khá lâu (3-5 năm) và nhất là khi có hồ nghi là họ có những ngăn trở tiêu hôn hay bất hợp luật.
Ngoài việc có ngăn trở tiêu hôn hay không, cũng cần lưu ý đến những điều có thể gây kết hôn bất hợp luật hoặc có sự lừa gạt kết hôn. Đôi khi người kết hôn che dấu những cuộc sống chung ngoại hôn với người khác và đã có con riêng rồi. Nếu người này chưa chu toàn những nghĩa vụ tự nhiên phát sinh do cuộc phối hợp trước, đối với bên kia hoặc đối với con cái (đ. 1071§1,30), thì phải xin phép Đấng Bản quyền địa phương. Người này cũng buộc phải cho bên mình sắp kết hôn biết về sự kiện mình đã có sống chung hoặc đã có con riêng để tránh sự lầm lẫn hay lừa gạt.
Cũng phải gởi đến bên giáo xứ người lương cư ngụ
Trong trường hợp kết hôn hỗn hợp, khác đạo, hay hôn nhân có người tân tòng thì cũng phải gởi giấy rao cho bên lương hay tân tòng đó đã cư ngụ, để khám phá ra những ngăn trở hay bất hợp luật cản trở việc kết hôn. Cha sở bên người không Công giáo đó cũng phải có bổn phận rao và báo kết quả rao.[5]
Tập tục không rao nơi giáo xứ của người lương hay của người ngoài Công giáo, với lý do là cha sở hay giáo dân không biết đến người lương đó, nên được sửa đổi. Vì đây là một hình thức điều tra, giúp tránh kết hôn vô hiệu hay bất hợp luật, do có thể có những sự che dấu, lừa gạt, tội phạm, từ phía người ngoài Công giáo.
Gởi kết quả rao
Các cha đã nhận tờ rao phải gởi kết quả tờ rao hôn phối cho cha xứ nơi cử hành hôn phối sau khi hoàn thành việc rao, cùng với lời ghi chú, nếu có, về vấn đề nào thấy nghiêm trọng hay hoài nghi cho việc kết hôn thành sự và hợp luật (đ. 1070).
Rao không đơn thuần là thủ tục nhưng là một phương cách điều tra. Vì vậy, cha sở nhận giấy rao cần tích cực rao để giúp đỡ cha chứng hôn, không nên lấy lý do giáo dân không thuộc quyền mình (người lương, đã xuất khỏi giáo xứ…) để từ chối rao. Ví dụ, khi nhận được tờ xin rao của một cha sở nào đó cho một vụ kết hôn, mà không ai trong đôi bạn thuộc giáo xứ mình, mà chỉ tạm trú trong một thời gian vài ba năm, thì cha sở cũng nên cho rao và báo kết quả cho cha sở xin rao.
Về phía cha sở xin rao, nếu không nhận được kết quả do bị từ chối rao hoặc do quên sót của cha sở bên kia, thì vẫn có thể tiến hành chứng hôn một cách hợp luật, miễn là cha đã chu toàn nhiệm vụ và biết chắc là không có gì cản trở cử hành bí tích thành sự và hợp pháp (đ. 1066).
Được rao vẫn không đương nhiên được kết hôn
Vì việc rao là để điều tra, chuẩn bị cho kết hôn, chứ không đương nhiên là để cho phép kết hôn. Không nên hiểu lầm là khi cho rao thì cũng có nghĩa là hoàn toàn phải cho kết hôn. Không cấm việc rao báo tiến hành trước, quá ba tuần, hoặc trước khi đôi bạn hội đủ những điều kiện khác (học giáo lý, đăng ký kết hôn dân sự…) của việc chuẩn bị và cử hành kết hôn.
Phải thông báo rõ cho đôi bạn biết rằng họ chỉ được cử hành kết hôn khi họ đã chu toàn những điều kiện mà thủ tục đòi hỏi để chứng tỏ rằng không có gì ngăn trở họ kết hôn hữu hiệu và hợp luật. Nếu có xuất hiện có một ngăn trở nào đó, việc kết hôn có thể bị đình chỉ hay hoãn lại. Ví dụ: Cho họ biết nếu đến ngày đã định mà chưa có giấy chứng nhận kết hôn dân sự thì có thể họ sẽ phải hoãn lại việc cử hành kết hôn.

5) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân

Chứng chỉ giáo lý hôn nhân là bằng chứng giúp xác nhận tình trạng được chuẩn bị kiến thức của đôi bạn về hôn phối Công giáo. Các đôi bạn có thể được cấp chứng chỉ này tại giáo xứ riêng của mình hay tại một giáo xứ khác thuận tiện cho mình.
Các cha sở nơi cử hành hôn phối, tức là cha sở có năng quyền chứng hôn, có trách nhiệm xem xét tình trạng đôi bạn có được chuẩn bị đầy đủ và có ngăn trở nào không (đ.1066). Khi hồ nghi về sự chuẩn bị này, ngài có thể khảo hạch lại và bổ túc kiến thức về hôn nhân cho đôi bạn, cho dù họ đã có chứng chỉ cấp từ nơi khác.[6] Tuy nhiên, để việc mục vụ được tốt đẹp giữa các mục tử, các cha sở nên chấp nhận giá trị của các chứng chỉ.
Trong trường hợp cần thiết, nếu không thể có được chứng chỉ giáo lý, cha sở có thể linh động liệu cách giúp họ học hỏi những nét chính yếu của ý nghĩa hôn nhân và về quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng cũng như bậc cha mẹ (đ. 1063) trong một thời gian vài giờ hay vài buổi học.

6) Giấy chứng nhận kết hôn dân sự

Giáo luật đòi phải xin phép Bản Quyền địa phương khi chứng hôn cho những người không thể được công nhận hay không thể kết hôn theo luật dân sự (đ. 1071§1,20). Vì vậy, cần thiết phải có giấy chứng nhận kết hôn dân sự trước khi cử hành hôn phối.[7]
Nếu đến cận kề ngày cưới mà không có chứng nhận kết hôn dân sự, thì tùy theo sự khôn ngoan của cha sở để tiến hành chứng hôn. Nếu thấy việc cấp giấy có chậm trễ và không có gì khác cản trở cho việc kết hôn thành sự và hợp pháp, thì cha sở cứ tiến hành cho kết hôn, dựa trên sự miễn trừ vì lý do "cần thiết", của điều 1071 quy định.
Nếu có hồ nghi có sự bất hợp pháp theo dân luật khiến đương sự không thể kết hôn thì cần cẩn thận xem xét để có thể tiến hành xin phép hay không, tùy theo sự thẩm định mục vụ của Đấng Bản quyền.
Tuy nhiên, đối với diện kết hôn với người ngoại quốc, trong sự tôn trọng luật pháp của các quốc gia, Đấng Bản quyền phải đòi buộc có giấy đăng ký và được chấp nhận cho kết hôn của chính quyền một cách nghiêm ngặt hơn.

7) Giấy "miễn chuẩn" ngăn trở hay giấy "xin phép" kết hôn.

Trong trường hợp có ngăn trở tiêu hôn như kết hôn dị giáo, có họ máu, có họ kết bạn... thì cần phải xin "miễn chuẩn" ngăn trở nơi Đấng Bản quyền địa phương. Nếu không có miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn, kết hôn vô hiệu.
Đối với những trường hợp Giáo luật đòi "xin phép", như thiếu giấy đăng ký kết hôn dân sự, kết hôn hỗn hợp... thì cần xin phép Đấng Bản quyền địa phương để được hợp luật.
Các đơn xin được miễn chuẩn ngăn trở tiêu hôn hay đơn xin phép kết hôn, không nhất thiết là phải gởi đến Đức Giám mục Giáo phận. Có thể gởi đơn đến một trong các cha khác cũng có chức vụ là "Đấng Bản quyền địa phương", như cha Tổng Đại diện, cha Đại diện Giám mục, hay linh mục nào khác được Đức Giám mục ban quyền miễn chuẩn.
Đơn xin ít nhất phải làm thành hai bản, để lưu Tòa Giám mục một bản.

6.3.2. Kết hôn với người ngoại quốc

Thủ tục kết hôn với người ngoại quốc cần chú ý đến việc đăng ký kết hôn dân sự và sự khác biệt của thủ tục hôn phối Công giáo của nước ngoài.

1) Giấy giới thiệu hay giấy chứng nhận pháp lý

Tương tự như ở Việt Nam, giấy giới thiệu của cha sở hay cha quản nhiệm[8] cũng cần thiết.
Đối với người ngoài Công giáo hay người Công giáo mà không có giấy giới thiệu hay chứng nhận tình trạng thong dong, thì buộc phải có một giấy chứng minh pháp lý dân sự nào đó để chứng tỏ tình trạng thong dong:
- Giấy chứng minh tình trạng chưa có kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng người phối ngẫu đã qua đời, do cơ quan chính quyền cấp chưa quá 6 tháng.
Tùy theo quốc gia, có những hình thức giấy tờ khác nhau, nhưng điều cần thiết là giấy đó phải có xác nhận là chưa từng kết hôn, hay xác nhận chưa có kết hôn lần nào trước đó.
Cần lưu ý rằng, nếu giấy cấp bởi chính quyền dân sự mà chỉ là xác nhận độc thân hay tình trạng được phép kết hôn; hoặc bản khai với "lời thề" chưa kết hôn của đương sự trong hồ sơ, thì không đủ để chứng minh tình trạng thong dong kết hôn.
Vì vậy, trong trường hợp cha sở thấy không đủ chắc chắn, thì yêu cầu bên người nước ngoài không Công giáo đến gặp cha sở của giáo xứ nơi mình cư ngụ, xin ngài xác nhận rằng các giấy tờ được chính quyền cấp này có giá trị chứng minh là đương sự không có ngăn trở kết hôn. [9]   Chỉ cần xác nhận giá trị chứng minh của giấy tờ, chứ không đòi ngài phải xác nhận tình trạng thong dong của người ngoài Công giáo. Vì ngài là người chính quốc nên có nhận định đúng đắn về giấy tờ đó hơn.
Đôi bạn cũng có thể tìm gặp một linh mục Việt Nam đang làm việc mục vụ tại nước đó để được ngài xác nhận về giấy tờ dân sự một cách tương tự.[10]
Những yêu cầu về mặt giấy tờ nói trên cần cho đôi bạn biết trước, ngay lúc họ bắt đầu lo liệu cho việc kết hôn.
Trong một số trường hợp, giáo dân di chuyển nhiều chỗ ở, họ được kể là người không có cư sở, không có được giấy giới thiệu, thì phải cần có phép của Đấng Bản quyền địa phương để kết hôn (đ.1071§1n.1). Người ngoài Công giáo không có cư sở thì cũng cần sự xác nhận của linh mục Công giáo về giấy tờ dân sự của họ như đã nói trên.
Trong một số trường hợp khác, giáo dân cũng có thể tưởng mình không thuộc giáo xứ nào, vì họ đã không đăng ký nhập giáo xứ, nhưng thực ra, họ đã có hay thủ đắc được cư sở nếu họ đã cư ngụ một nơi trên 5 năm, chiếu theo quy định của luật (đ. 102). Nên hướng dẫn họ đến gặp cha sở nơi đó để xin giấy giới thiệu.
- Nếu là người Việt Nam đang ở nước ngoài, do tạm trú, mới nhập cư v.v. mà không thể có giấy chứng nhận của chính quyền nước đó thì buộc phải có giấy chứng nhận tình trạng chưa kết hôn hoặc tương tự của chính quyền VN hay Đại Sứ Quán VN tại nước đó.
Cuối cùng, trong trường hợp đặc biệt, không thể có giấy tờ chứng minh tình trạng thong dong bằng giấy tờ chính thức của chính quyền, và ngay cả khi đã có được những chứng minh pháp lý này mà có hồ nghi, thì tùy theo sự khôn ngoan, cha sở có thể có những cách "điều tra riêng" thêm, miễn là đủ để bảo đảm không có gì cản trở cho việc cử hành hôn phối hữu hiệu và hợp pháp.
Cách "điều tra riêng" thêm được đề nghị như sau: Yêu cầu người ngoại quốc gởi cho bản sao chụp ID hay căn cước của cha mẹ người ấy (hoặc anh em nếu cha mẹ không còn) số điện thoại và một bản xác nhận chưa kết hôn, có chữ ký, của cha mẹ.

2) Giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức

Theo như yêu cầu thông thường ở VN.

3) Bản khai trước kết hôn

Cha sở cần có sẵn bản khai bằng tiếng Anh để người ngoại quốc có thể khai báo cho cẩn thận, rõ ràng. Chú ý về những tình trạng đã kết hôn ngoài luật đạo hay sống chung mà đã có con riêng, hoặc có bệnh tật, bất lực… có thể đã xảy ra, nhất là đối với người ngoại quốc cao tuổi.
Người Công giáo ở Việt Nam có thể bị lầm lẫn về tình trạng nhân thân của ngoại kiều. Vì vậy, nếu chỉ điều tra về sự có ngăn trở dây hôn phối thì cũng chưa đủ mà còn điều tra đến những tình trạng bất hợp luật khác nữa, khiến gây cản trở cho việc kết hôn và đời sống chung. Đó là những trường hợp mà Giáo luật đòi có sự xin phép của Đấng Bản quyền địa phương mới được kết hôn, được nói đến ở điều 1071§1.

4) Giấy rao hôn phối

Sẽ không gởi giấy rao ra nước ngoài, nếu nước đó không có áp dụng phương thức rao báo.

5) Chứng chỉ giáo lý hôn nhân

Nếu họ không có chứng chỉ giáo lý hôn nhân, hoặc có khó khăn trong việc học giáo lý lâu dài, cha sở nếu thấy cần thiết, có thể gặp gỡ và dạy về những điều chính yếu về sự đơn nhất và bất khả phân ly hôn nhân cùng với những quyền lợi và nghĩa vụ hôn nhân, trong thời gian một vài buổi. Nếu có khó khăn ngôn ngữ đối với người ngoại quốc, cha nhờ một linh mục khác giúp.
Trong mỗi giáo phận nên có một số cha thông thạo về những ngôn ngữ khác nhau, đảm nhận việc dạy giáo lý dự tòng hay giáo lý hôn nhân.

6) Giấy chứng nhận kết hôn dân sự

Trước khi cử hành hôn phối nhất thiết đôi bạn phải có giấy chứng nhận kết hôn của quốc gia họ đăng ký, hoặc giấy chứng nhận kết hôn do chính quyền Việt Nam cấp.
Nếu đăng ký ở Việt Nam mà chưa có được giấy chứng nhận kết hôn, ít nhất phải có giấy hẹn của bên chính quyền và thấy có lý do chính đáng. Trong trường hợp có nghi ngờ sự cho phép nhập cư để họ có thể chung sống vợ chồng hợp pháp, thì phải hoãn lại việc kết hôn.
Đôi khi có người Việt Nam sắp được bảo lãnh di cư ra nước ngoài với hồ sơ còn độc thân. Và như vậy người này không thể có giấy đăng ký kết hôn dân sự. Trong trường hợp đó, Bản Quyền không nên cho phép kết hôn theo thể thức Công giáo. Vì với hoàn cảnh xa cách của họ, ở hai nước khác nhau, có thể là lâu năm, sự chung thủy vợ chồng bị đặt trong nguy cơ. Hơn nữa, có sự lẫn tránh quy định của luật nước ngoài nếu đã cho kết hôn tôn giáo mà trong hồ sơ dân sự lại ghi độc thân. Đối với quốc gia có luật nhập cư chặt chẽ như Hoa Kỳ, sự man khai sẽ khiến người phối ngẫu ở Việt Nam bị từ chối cho nhập vào quốc gia họ.
Mặt khác, pháp luật về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài rất chặc chẻ, như những quy định được trích dẫn ở phần kế tiếp. Đôi hôn nhân chưa đăng ký kết hôn ở các cơ quan chính quyền dân sự mà lại được cho kết hôn Công giáo trước, thì ngoài nguy cơ không chung thủy vì ở xa cách nhau, còn có nguy cơ không được chấp nhận cho đăng ký kết hôn hoặc không cho được nhập cư diện hôn thê, do bởi chính quyền dân sự.
Giải pháp tốt nhất cho trường hợp này là cho phép họ được đính hôn (đ.1062). Sau khi một bên đã được di cư ra nước ngoài, có cuộc sống ổn định, họ có thể lo liệu đăng ký kết hôn. Một khi đăng ký kết hôn của họ được cơ quan chính quyền chấp nhận, cha sở mới có thể chấp nhận cho kết hôn.

7) Hồ sơ theo luật dân sự

Về kết hôn có yếu tố nước ngoài, theo Nghị định 24/2013/NĐ-CP, Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình, đôi bạn cần có hồ sơ như sau:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam, và giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;
- Giấy khám sức khỏe;
- Bản sao Hộ chiếu và các giấy tờ có giá trị như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú đối với công dân nước ngoài;
- Bản sao Sổ Hộ khẩu đối với công dân Việt Nam cư trú trong nước.
Điều 26 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về các trường hợp đăng ký kết hôn bị từ chối như sau :
1- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn từ chối đăng ký kết hôn trong các trường hợp sau đây:
a) Một hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam;
b) Bên công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân;
c) Bên nam, bên nữ không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
2- Việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.

6.3.3. Hôn nhân với ngoại kiều không Công giáo

Ngoài những giấy tờ cần thiết như trường hợp ngoại kiều Công giáo, cha sở nơi cử hành hôn phối giúp làm giấy xin miễn chuẩn hôn phối khác đạo (với người lương) hay xin phép cử hành hôn nhân hỗn hợp (với người Tin Lành, Anh giáo...).
Cha sở chỉ đề nghị lên Đấng Bản quyền để cho phép kết hôn hay miễn chuẩn ngăn trở sau khi đã điều tra cẩn thận và không có nghi ngờ gì về việc cử hành hôn phối thành sự và hợp pháp.
Người lương đã ly dị và muốn theo đạo để hưởng đặc ân thánh Phaolô thì cần được đào tạo và có đức tin. Không nên chấp thuận cho kết hôn nếu đương sự đã không trải qua thời gian dự tòng ít là 6 tháng và cha nhận thấy họ có đức tin. Đối với người Việt kiều thì cũng vậy, không nên chấp nhận cho học giáo lý ngắn hạn, theo đạo để hưởng đặc ân Thánh Phaolô.
Nếu họ không có thời gian ở Việt Nam lâu dài và không có người dạy đạo cho họ, thì yêu cầu họ học đạo và được Rửa tội tại quốc gia họ thường trú.
Một số giáo phận, thấy có sự khó khăn trong việc điều tra, cùng với  đòi hỏi được học giáo lý dự tòng ngắn hạn của người ngoại kiều, và có thể có sự lừa dối, cho nên quy định không chấp nhận cho hưởng đặc ân Thánh Phaolô đối với ngoại kiều.
Cần lưu ý, ở Tây phương hay Mỹ đa số đều đã được Rửa tội trong đạo Công Giáo hay Tin Lành, hiếm khi họ là người chưa hay không được Rửa tội. Xác quyết không theo đạo nào của người Tây phương không đủ để chứng minh họ chưa hay không được Rửa tội.
Các giấy tờ chứng nhận của người ngoại quốc, nếu thấy cần thiết, cha sở yêu cầu họ dịch sang tiếng Việt có công chứng bản dịch.

6.4. Mục vụ điều tra, chuẩn bị

a- Những hình thức điều tra khác

Cha sở chứng hôn, trong trách nhiệm chứng minh và chắc chắn về tình trạng thong dong của các bên (đ. 1113; đ. 1066), tùy theo sự khôn ngoan, có thể bổ túc thêm những cách điều tra khác, cho những trường hợp cụ thể có khó khăn hay có sự hồ nghi. Những phương thức sau đây, cha sở nên tùy nghi áp dụng:
- Gọi điện thoại thăm dò: Cha sở gọi điện thoại cho cha mẹ, anh chị em hoặc họ hàng của bên người lương hay tân tòng để thăm dò một cách khôn ngoan, xem người lương này đã có kết hôn hay có gì trở ngại cho việc sắp kết hôn không.
- Giấy làm chứng tình trạng hôn nhân: Ngoài việc dùng điện thoại để thăm dò tình trạng thong dong kết hôn của người ngoài Công giáo, cha sở có thể yêu cầu cha mẹ hay anh chị em làm một giấy xác nhận tình trạng thong dong của người của họ. Trong giấy làm chứng này, có thể có phần ghi ý kiến (thuận hay chống) của cha mẹ hay người bảo hộ của người dự tòng về việc người này theo đạo và kết hôn.
(Xin xem bản mẫu ở phần phụ lục).

b- Niêm yết thông báo thủ tục kết hôn

Những quy định về tiến trình thủ tục và những điều kiện kết hôn nên được niêm yết rõ ràng tại nhà thờ hoặc nhà xứ cho giáo dân được biết rộng rãi.[11] Từ đó, giáo dân có thể dự liệu chương trình kết hôn và thực hiện đúng đắn quy định kết hôn. Ngược lại, đôi khi, vì không biết rõ, có những bất trắc xảy ra, hoặc có sự đối chọi giữa những hoạch định về lễ cưới của giáo dân và chương trình của cha sở, dễ phát sinh mâu thuẫn hoặc gây khó xử cho đôi bên.
Khi có những quy định được niêm yết, cha sở có thể dựa vào đó như những nguyên tắc chung để thi hành, và hơn nữa, cha có thể có điểm tựa để xử lý những trường hợp khó khăn.
Tuy nhiên, dù có những nguyên tắc hay những quy định chung được đặt ra, cha sở vẫn có thể uyển chuyển để thực hiện việc mục vụ cách thích đáng và hợp lý trong những trường hợp riêng biệt.
Ví dụ, đối với một đôi bạn cần kết hôn gấp vì lỡ có thai, chưa được chuẩn bị về hôn nhân, cha sở có thể có thể từ chối, không cho họ kết hôn dựa trên cơ sở đã quy định về thời gian chuẩn bị, đăng ký, học giáo lý…Tuy nhiên, nếu thấy họ thật lòng yêu thương nhau và có đủ trưởng thành đức tin cũng như sự hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ hôn nhân thì cha có thể chấp nhận cho họ kết hôn.

6.5. Gởi chứng nhận kết hôn và ghi chú sổ Rửa tội

Điều 1123 quy định về ghi chú vào sổ Rửa tội như sau:
§1. Việc kết ước hôn nhân cũng phải được ghi chú vào sổ Rửa tội, trong đó đã ghi việc lãnh nhận bí tích Rửa tội của hai vợ chồng.
§2. Nếu một người phối ngẫu không kết ước hôn nhân trong giáo xứ mình đã được Rửa tội, thì cha sở nơi cử hành hôn lễ phải thông báo sớm hết sức cho cha sở nơi đương sự đã được Rửa tội biết là hôn nhân đã được kết ước.
 Sau khi hoàn thành việc cử hành hôn phối, cha chứng hôn có bổn phận cấp giấy chứng nhận kết hôn cho đôi bạn và gởi giấy thông báo hôn phối đến cho cha sở riêng của đôi bạn.
Cũng phải gởi giấy thông báo hôn phối cho cha sở nơi Rửa tội của mỗi bên, khi nơi Rửa tội là một nơi khác, để cha ấy ghi chú vào sổ Rửa tội.[12]
Cha sở nơi Rửa tội khi nhận được giấy báo, cần phải ghi chú vào sổ Rửa tội cẩn thận.
Giáo luật quy định tất cả những thay đổi nhân thân quan trọng phải được ghi chú vào sổ Rửa tội: Thêm sức, Khấn dòng, Chức thánh, hôn phối, nhận dưỡng tử, hôn nhân vô hiệu… (đ. 535§2).

 
 
[1] Cha sở thường ngại nhận chứng hôn cho đôi hôn nhân mà chỉ có một bên tạm trú tại giáo xứ hoặc cả hai bên đều ở giaó xứ khác, vì theo nguyên tắc cha sở phải lập hồ sơ và điều tra để biết chắc đôi bạn không có gì ngăn trở. Khi có cha sở của một trong hai đôi bạn giúp thực hiện việc lập hồ sơ, điều tra và chuẩn bị giáo lý hôn nhân cho đôi bạn rồi thì ngài dễ dàng chấp nhận hơn.
[2] Giáo luật không nói xin phép cha sở hay Bản Quyền của cả hai bên nam và nữ hay chỉ một bên. Beal chú giải là chỉ cần phép của một bên, x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1333.
[3] Nên tìm trên mạng tên giáo xứ và số điện thoại của cha sở. Cũng có thể điện thoại tới hỏi văn phòng Tòa Giám Mục để hỏi số điện thoại của cha sở liên hệ. Vị phụ trách văn phòng Tòa Giám Mục, cần có sẵn sàng danh sách và số điện thoại của các linh mục trong giáo phận.
[4]. x. Bản năng quyền thập niên 1971-1980, tr. 67.87. Giáo luật điều 1067 trao cho HĐGM quy định những nguyên tắc về việc rao. Ở VN hiện nay vẫn áp dụng theo Bản năng quyền thập niên này.
[5] Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng,  cha sở có bổn phận giúp đỡ người lương trong địa hạt mình. Giáo luật cũng nói đến lý do của bổn phận này: “vì việc coi sóc các linh hồn phải được nới rộng đến họ” (đ. 771§2).
[6] Đã có xảy ra một vài tình trạng thiếu trách nhiệm của người dạy giáo lý dự tòng, chỉ dạy qua loa và cho người dự tòng Rửa tội. Cha sở có thể khảo hạch lại vì không thể nào chấp nhận cho rửa tội hay kết hôn đối với người tân tòng mà không biết gì về Thiên Chúa Ba Ngôi, không thuộc kinh Lạy Cha, không biết cách xưng tội.
[7] Ngay từ khi chấp nhận cho đăng ký tại giáo xứ, khuyên họ nên lo làm giấy kết hôn dân sự. Không đòi phải có giấy chứng nhận kết hôn trước khi rao, mà chỉ đòi phải có trước khi chứng hôn. Nếu sau cùng mà không có thì cha chứng hôn nếu muốn tiến hành thì phải xin phép Đấng Bản quyền.
[8] Nên phân biệt cha quản nhiệm với cha sở. Cha quản nhiệm phụ trách một địa hạt như: chuẩn giáo xứ (đ. 516) hay giáo họ biệt lập; hoặc một cộng đoàn giáo dân lớn nào đó (ví dụ người Việt Nam ở nước ngoài được một cha quản nhiệm coi sóc). Ngài có thể được Giám mục ban năng quyền như một cha sở những không được mang chức vụ là cha sở. Cha giám quản giáo xứ (đ. 539), để tránh lẫn lộn với cha giám quản giáo phận, có thể được gọi là cha quản nhiệm.
[9] Chỉ dẫn cho người ngoài Công giáo tìm đến một nhà thờ Công giáo gần nơi mình ở nhất để xin giúp đỡ. Cha sở ở đó sẽ không từ chối, nhất là khi cha ý thức rằng mình có  nhiệm vụ coi sóc tất cả mọi người trong địa hạt giáo xứ mình, bất kể là người lương hay giáo. Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng,  cha sở có bổn phận giúp đỡ người lương trong địa hạt mình. Giáo luật cũng nói đến lý do của bổn phận này: “vì việc coi sóc các linh hồn phải được nới rộng đến họ” (đ. 771§2).
[10] Điều này không có ý đòi linh mục nào đó bảo đảm sự thong dong kết hôn của bên người ngoài Công giáo ở ngoại quốc, nhưng có ý xin ngài giúp xem những giấy tờ như vậy, là có giá trị để chứng minh hay không.
[11] Có giáo xứ cho in những hình thức: quy chế, tờ sinh hoạt hằng năm… trong đó có ghi những quy định về việc học giáo lý và lãnh nhận các bí tích, thủ tục đăng ký kết hôn…
[12] Việc này, đôi khi do không biết, cha sở không gởi giấy thông báo đến cha sở nơi Rửa tội để ghi chú.

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay734
  • Tháng hiện tại20,673
  • Tổng lượt truy cập11,104,523
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi