CẨM NANG: 8- KẾT HÔN NHỜ ĐẶC ÂN T. PHAOLÔ, ĐẶC ÂN ĐỨC TIN - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 09/09/2017 03:21

CẨM NANG: 8- KẾT HÔN NHỜ ĐẶC ÂN T. PHAOLÔ, ĐẶC ÂN ĐỨC TIN - JB. Lê Ngọc Dũng

Khi hôn phối được thành lập hữu hiệu thì tạo nên dây ràng buộc không thể tháo gỡ, bất kỳ là hôn phối được cử hành theo thể thức công của Công Giáo hay ngoài Công Giáo như của Tin Lành hay của người lương. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hôn nhân có thể được tháo gỡ bởi đặc ân Thánh Phaolô hay đặc ân Đức Tin. Đặc ân Thánh Phaolô, được ban theo những nguyên tắc luật, tháo cởi dây hôn phối giữa hai người lương, nghĩa là giữa hai người không được rửa tội, khi một trong hai người theo đạo Công Giáo. Đặc ân Đức Tin, được ban bởi Đức Giáo Hoàng, tháo cởi dây hôn phối mà ít nhất một trong hai người đã được rửa tội, ví dụ tháo cởi hôn nhân giữa hai người lương mà bên lương không chịu theo đạo, hoặc hôn nhân khác đạo đã cử hành hữu hiệu.
8. KẾT HÔN NHỜ ĐẶC ÂN

8.1. Đặc ân thánh Phaolô

8.1.1. Ý nghĩa

Hôn nhân giữa hai người không chịu phép Rửa tội được tháo gỡ nhờ đặc ân thánh Phaolô vì lợi ích đức tin của người đã được Rửa tội do chính sự kiện người ấy tái hôn, miễn là người không được Rửa Tội chia tay người ấy (đ 1143§1).
Thông thường việc kết hôn giữa hai người đã không được Rửa tội (hai người lương), theo giáo thuyết Công giáo là thành sự, tạo thành dây hôn phối bất khả phân ly. Sự ly dị của hai người lương, ngay cả khi được tòa án dân sự công nhận, cũng không tiêu hủy được dây hôn phối. Vì vậy, cho dù đã ly dị, họ vẫn mắc ngăn trở dây hôn phối, không thể tiến tới kết hôn hữu hiệu với người Công giáo.
Để tháo cởi dây hôn phối giữa hai người lương, cần phải nhờ đến Đặc ân Thánh Phaolô. Đặc ân này ban cho người lương khi người này theo đạo và tiến tới kết hôn theo thể thức Công giáo.
Đặc ân có mục đích trợ giúp đức tin cho người tân tòng, dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô, trong thư 1Cr 7,12-16:
(12)Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. (13) Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. (14) Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. (15) Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! (16) Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ?

8.1.2. Những quy định pháp lý

Những điều kiện thiết yếu để áp dụng đặc ân thánh Phaolô là:
- Đã có kết hôn giữa hai người không được Rửa tội (lương). Nếu chỉ có một người trong đôi vợ chồng đã Rửa tội Tin Lành hay Chính Thống… thì đặc ân cũng không được ban.
- Sau đó một người và chỉ một người trong hai người đó, được Rửa tội. Nếu bên người lương kia cũng bằng lòng theo đạo thì đặc ân không được ban.[1]
- Sự "chia tay" của bên không Rửa tội.[2]
Ngoài ra, Giáo luật thêm quy định: Sau khi được Rửa tội, nếu người này gây ra nguyên nhân để người kia chia tay một cách chính đáng, thì đặc ân cũng không được ban (đ. 1143§2).[3]
Khi hội đủ những điều kiện và khi tân tòng kết hôn thì hôn nhân trước được giải gỡ "theo luật định". Cha sở cứ tiến hành chứng hôn theo những nguyên tắc của bộ Giáo luật, không cần xin phép hay được ban quyền từ Đấng Bản quyền địa phương hay Tòa Thánh, ngoại trừ một số quy định riêng biệt.

1) Sự "chia tay" phải hiểu theo nghĩa pháp lý

Sự “chia tay” trong đặc ân Thánh Phaolô không được hiểu theo nghĩa thông thường, nhưng theo nghĩa của Giáo luật quy định:
Người không chịu phép Rửa tội được kể là chia tay, nếu không muốn sống chung với người đã được Rửa tội hay không muốn sống chung hòa thuận mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, trừ trường hợp sau khi chịu phép Rửa tội, người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân khiến người kia được chia tay một cách chính đáng (đ. 1143§2).
Để hiểu được đặc ân Thánh Phaolô, cần nhìn lại bối cảnh thời các Tông đồ. Trong thư thứ nhất Corintô, Thánh Phaolô ngài nói với những "người anh em" tức là những người mới tin theo Đức Kitô (x. 1Cr 7,12-13). Ngài nhận thấy người vợ hay chồng của những "anh em này" vẫn là người ngoại đạo. Người vợ hay chồng ngoại đạo đó có thể chống lại Kitô giáo, gây khó khăn cho cuộc sống chung hòa bình của người chồng hay vợ mới theo đạo (x. 1Cr 7,15). Vì vậy, Thánh Phaolô ban đặc ân xóa bỏ hôn phối để bên tân tòng dễ dàng sống đạo và có thể thiết lập một hôn nhân mới khác.
Cũng trong ý nghĩa nêu trên, bên ngoại đạo được kể là muốn "chia tay" không nhất thiết phải là người này đã chủ động chia tay, nhưng cũng được kể là "chia tay" khi người này, đã gây ra sự bách hại hay gây ra sự không chịu đựng nỗi về thể lý hay tinh thần khiến bên tân tòng phải chủ động chia tay. Người lương này có thể vẫn muốn sống chung nhưng lại chống Kitô giáo. Vì vậy, Giáo luật quy định phải chất vấn: "người này có muốn sống chung hoà thuận với người đã được Rửa Tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá hay không" (đ. 1144§1).
"Xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa", theo thánh Ambrosio vào thế kỷ thứ tư, có ý nói đến những tình trạng người lương cấm cách người tân tòng giữ đạo hoặc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo hoặc đòi hỏi thực hiện tính dục đồi bại. Người lương này, tuy vẫn muốn sống chung, nhưng xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa.[4]
Trong trường hợp người lương tuy vẫn không muốn ly dị nhưng lại xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, đặc ân Thánh Phaolô vẫn được phép ban, để trợ giúp đức tin cho người tân tòng.
Ngược lại, trong trường hợp bên người lương vẫn không muốn ly dị và cũng không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa, thì bên tân tòng không có lý do gì để chia tay, vì vẫn được an bình sống đạo. Trong hoàn cảnh này, đặc ân không được ban. Việc ban đặc ân để trợ giúp đức tin cho người tân tòng trong trường hợp này không còn ý nghĩa.

2) Người được Rửa tội gây ra chia tay

Đặc ân không được ban nếu: người được Rửa tội đã gây ra nguyên nhân khiến người kia được chia tay một cách chính đáng (đ. 1143§2).
Về phía người tân tòng, để được hưởng đặc ân, phải có cuộc sống đúng đắn, không gây ra nguyên nhân khiến người lương kia phải chia tay một cách chính đáng.
Luật chỉ quy định gây ra nguyên nhân chia tay của bên tân tòng là “sau khi chịu phép Rửa tội”. Vì vậy, nguyên nhân gây chia tay của người này “trước khi” được Rửa tội thì không kể là cản trở cho việc hưởng đặc ân.
Chữ “chính đáng” ở đây được hiểu là bên người lương có lý do chính đáng để chia tay. Ví dụ, người chồng tân tòng ngoại tình, hay đánh đập, mắng chửi vợ… thì làm cho bên vợ ngoại giáo có lý do chính đáng để chia tay chồng. Trong trường hợp này, người chồng tân tòng này không được ban đặc ân Thánh Phaolô.
Tuy nhiên, nếu bên tân tòng chỉ có “gợi ý” cho bên kia chia tay trước hay sau khi mình được Rửa tội, thì không kể là đã gây cho lương bên kia có cớ chính đáng để chia tay. Sự gợi ý này không có nghĩa là sự có lỗi gây ra chia tay, nên đặc ân vẫn được ban.[5]
3) Vấn đề gây cớ chia tay trước hay sau Rửa tội?
Theo luật gia Cappello,[6] mà Beal trích dẫn, nếu tân tòng đã gây ra chia tay “trước” khi được Rửa tội thì vẫn có thể được hưởng đặc ân; tội lỗi này không ngăn cản sự hưởng đặc ân vì bí tích Rửa tội xóa bỏ tội lỗi của con người cũ.[7]
Tuy nhiên, đây là áp dụng luật cho những trường hợp ban đặc ân Thánh Phaolô một cách rất đúng theo ý nghĩa ban đầu. Khi đó, người lương tin theo đạo và được Rửa tội, trở thành người tân tòng trước khi có vấn đề chia tay vợ chồng. Đặc ân giúp người tân tòng được tự do sống đức tin trong một hôn nhân mới với người Công giáo.
Đa số trường hợp ngày nay thì khác: người lương muốn tiến tới kết hôn với người Công giáo trước đã, sau đó mới theo đạo để hưởng đặc ân. Hiếm khi có trường hợp là đã có chủ ý theo đạo trước khi kết hôn.
Vì vậy, với lý do mục vụ, không cho hưởng đặc ân Thánh Phaolô khi người tân tòng đã gây ra nguyên cớ để người kia chia tay một cách chính đáng ngay cả trước khi người này được Rửa tội.
Ví dụ: Một người lương vì đã có ý muốn kết hôn với người Công giáo, đã đi lại hay ngoại tình với người Công giáo; hoặc đã đối xử tệ bạc khiến vợ hay chồng ngoại giáo của mình phải chia tay, “trước khi” mình được Rửa tội. Nếu cho người lương này được hưởng đặc ân thánh Phaolô thì quả thực là đã cộng tác vào sự xấu. 

4) Chất vấn (interpellatio)

Theo luật, để “được kể là chia tay” phải được kiểm chứng qua sự chất vấn, theo như điều 1144§1 quy định. Nếu không, việc tái hôn không thành sự:
Để người được Rửa tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa tội để biết:
- người này có muốn được Rửa tội hay không;
- ít là người này có muốn sống chung hòa thuận với người đã được Rửa tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa hay không (đ. 1144§1).
Việc chất vấn được làm sau khi bên lương đã được Rửa tội. Nếu vì lý do quan trọng phải làm trước khi ban bí tích Rửa tội thì phải xin phép Đấng Bản quyền (đ. 1144§2). Việc chất vấn có thể qua một thủ tục đơn giản, ngoại tư pháp, do Đấng Bản quyền (hành pháp), hoặc cha sở, hay ngay cả bên trở lại làm riêng tư khi có khó khăn.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp sự kiện chất vấn và kết quả của việc chất vấn phải được xác minh ở tòa ngoài (đ. 1145). Vì vậy, bất cứ ai thực hiện việc chất vấn, ngay cả bên trở lại làm riêng tư, cũng phải làm bản xác nhận, ký tên, và cha sở lưu vào hồ sơ.
 Nếu bên được chất vấn từ chối trả lời thì đặc ân vẫn được ban (đ. 1144).

5) Xin miễn chuẩn việc chất vấn

Nhiều khi cha sở thấy rõ việc chất vấn không thể thực hiện được, hoặc có chất vấn cũng vô ích, ví dụ như thấy họ đã có giấy ly dị dân sự, bên kia vẫn là người lương và đã có vợ chồng khác rồi. Tuy vậy, cha sở cũng không được tự động bỏ qua, nhưng phải xin Đấng Bản quyền miễn chuẩn việc chất vấn, cho dù thấy không thể thực hiện được hoặc có chất vấn cũng vô ích.
Việc chất vấn phía bên người lương là một điều kiện để việc cử hành đặc ân thánh Phalô được “thành sự”. Nếu bỏ việc chất vấn mà không xin miễn chuẩn chất vấn, việc kết hôn sẽ vô hiệu (đ. 1144).[8]

6) Thực hành chất vấn trong đặc ân thánh Phaolô

Sự ly dị của hai người lương ở tòa án dân sự, cho dù có chứng thư ly dị cũng không đủ để kể là "chia tay" theo Giáo luật. Vì vậy, cần phải chất vấn (interpellatio) như Giáo luật quy định thì mới đủ.
Hiện nay, đa số trường hợp là đôi vợ chồng người lương đã chia tay hay đã ly dị trước khi tiến hành cho hưởng đặc ân. Nếu đặt câu hỏi y như luật định thì thấy có những vô nghĩa hay dư thừa, nên đề nghị được chuyển thành 2 câu hỏi tế nhị như sau:
Ông/bà còn có muốn tái hợp với ông/bà. .. này nữa không?
Ông/bà có khi nào muốn theo đạo Công Giáo không?
Nếu câu trả lời là "muốn tái hợp", nghĩa là vẫn muốn sống chung, thì không thể cho hưởng đặc ân, trừ khi người lương này không cho bên tân tòng giữ đạo hay làm điều xấu xa, đồi bại (nghĩa là xúc phạm đến Chúa).
Nếu câu trả lời là “có muốn theo đạo” thì bên tân tòng cũng không được nhận đặc ân. Nếu người này muốn theo đạo thì lý do bảo vệ đức tin cho người tân tòng không tồn tại, nên không còn lý do để ban đặc ân để xóa bỏ hôn phối và cho tái hôn.[9]  Thánh Phaolô nói đến người vợ hay chồng kia là “ngoại đạo”, nghĩa là không có ý muốn theo đạo hay theo đạo: "Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc" (1Cr 7,15)
Sau đó, nên hỏi thêm một ít để biết lý do họ chia tay, để thẩm định rằng bên tân tòng – người xin đặc ân, có gây ra cớ để bên ngoại đạo chia tay một cách chính đáng không.

7) Vấn đề mục vụ

Có một số vấn đề liên quan đến mục vụ, nên lưu ý:
- Trong việc áp dụng đặc ân Thánh Phaolô, khi người xin đặc ân lại không muốn theo đạo, sẽ thắc mắc: "Tại sao bên đạo lại bắt tôi theo đạo mới cho kết hôn?".[10]
Nên cho họ biết rằng, theo luật Công giáo thì chính hôn nhân trước của hai người lương đã tạo thành dây hôn phối. Theo giáo thuyết đạo Công Giáo thì họ đang mắc ngăn trở dây hôn phối, không được kết hôn với người Công giáo. Tuy nhiên khi họ theo đạo, thì họ được hưởng một "đặc ân". Giáo hội không đòi theo đạo như là một điều kiện bắt buộc để cho phép kết hôn với người Công giáo. Giáo Hội vẫn ban miễn chuẩn cho kết hôn khác đạo, chứ không đòi buộc theo đạo mới cho kết hôn. Ở đây, vấn đề là được “hưởng đặc ân” do việc tự nguyện theo đạo.
- Người lương theo đạo, để được hưởng đặc ân, trước tiên phải là một tân tòng có đức tin. Vì vậy không được chấp thuận rút ngắn thời gian dự tòng. Họ nên được học giáo lý và trải qua thời gian dự tòng ít là 6 tháng cho đầy đủ. Khi có hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người tân tòng, đặc ân Thánh Phaolô không được phép ban, dù bên lương đã được Rửa tội.[11]
- Nên cho đôi bạn biết trước, việc bên lương theo đạo không đương nhiên cha sở bị buộc phải cho họ hưởng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn.
- Nên tránh Rửa tội cho họ một vài ngày trước khi cử hành kết hôn. Thời Thánh Phaolô họ đã là tân tòng, nghĩa là đã theo đạo và sống đạo một thời gian. Và hơn nữa, Giáo luật quy định một số công việc phải làm "sau khi" được Rửa tội, trước khi ban đặc ân như sau:
- Không được ban đặc ân khi:
Sau khi chịu phép Rửa Tội, người được Rửa Tội đã gây ra nguyên nhân khiến người kia chia tay một cách chính đáng (đ. 1143§2).
- Thực hiện việc chất vấn sau khi được Rửa tội:
Việc chất vấn này phải được thực hiện sau khi đương sự đã được Rửa Tội nhưng vì một lý do quan trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép thực hiện việc chất vấn ấy trước khi đương sự được Rửa Tội (đ. 1144§2).

8) Kết hôn với một Kitô hữu không Công giáo

Thông thường, người lương theo đạo Công Giáo được hưởng đặc ân Thánh Phaolô để kết hôn với người Công giáo. Tuy nhiên Bản Quyền địa phương cũng có thể cho phép bên tân tòng Công giáo kết hôn với một Kitô hữu không Công giáo (Vd.  Tin Lành, Anh Giáo), hoặc ban miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo để kết hôn với người lương, chiếu theo quy tắc của điều 1147:
Tuy nhiên vì một lý do nghiêm trọng, Đấng Bản quyền địa phương có thể cho phép bên đã được Rửa tội dùng đặc ân thánh Phaolô để kết hôn với bên không Công giáo đã được Rửa tội hay không, nhưng cũng phải tuân giữ những điều mà luật đã quy định về hôn nhân hỗn hợp (đ. 1147).

9) Người lương, sau kết hôn, theo một Kitô giáo

Một người lương đã kết hôn bên lương, sau đó lại được Rửa tội trong một cộng đoàn thuộc một giáo hội hay một cộng đoàn giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo (Vd. Anh Giáo, Tin lành…), thì vẫn được hưởng đặc ân để kết hôn với bên Công giáo.[12]
 

8.2. Đặc ân Đức tin (in Favorem Fidei)

Đặc ân Đức tin (in Favorem Fidei) không được ghi trong bộ Giáo Luật 1983, nhưng được quy định trong một số văn kiện Tòa Thánh. Những quy định mới nhất được ghi trong trong huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin, năm 2001.

a- Tên gọi: Đặc ân Đức tin - In Favorem Fidei

Đặc ân này đôi khi được gọi là Đặc ân Thánh Phêrô, nhưng trong văn bản chính thức của Tòa Thánh, chữ "Đặc ân Đức tin" (in Favorem Fidei) được dùng.[13]
Cũng nên biết, theo nghĩa chung, đặc ân thánh Phaolô (đ. 1143-1147) hay thánh Phêrô (đ. 1148-1149) đều là đặc ân đức tin, nhằm trợ giúp đức tin. Tuy nhiên, ở đây, "Đặc ân Đức tin" (in Favorem Fidei) là tên gọi của một loại đặc ân riêng, được ban bởi Đức Giáo Hoàng.
Chỉ có Đức Giáo Hoàng, với quyền Đại diện Chúa Kitô, mới có thể tháo gỡ hôn nhân với đặc ân này.[14] Hồ sơ xin đặc ân sẽ được gởi qua bộ Giáo Lý Đức Tin, có sự chứng thực của Giám mục địa phương.

b- Đối tượng được hưởng đặc ân

Đặc ân Đức Tin tháo gỡ một hôn nhân không bí tích, nghĩa là, hôn nhân mà ít nhất trong đó có một bên là người không được Rửa tội (lương). Như vậy, có hai trường hợp được tháo gỡ chính yếu:
- Hôn nhân của hai người đều không được Rửa tội, nghĩa là, hôn nhân của hai người lương. Nay họ đã ly dị và một bên người lương muốn được ban Đặc ân Đức tin để kết hôn với người Công giáo với miễn chuẩn khác đạo.  
Như vậy, khác với đặc ân Thánh Phaolô, Đặc ân Đức tin ban cho ngay cả trường hợp bên người lương không muốn theo đạo.
- Hôn nhân chuẩn khác đạo, nghĩa là, hôn nhân đã được cử hành theo thể thức Công giáo với miễn chuẩn khác đạo. Nay họ đã ly dị và một trong hai bên đều có thể xin Đặc ân Đức Tin để kết hôn mới, với những quy định như sau:
- Bên Công giáo có thể xin Đặc ân chỉ khi tiến tới kết hôn với người Rửa tội Công giáo hay Kitô giáo khác. Nếu tiến tới kết hôn với người lương với phép chuẩn khác đạo thì không được (Vì họ đã được miễn chuẩn khác đạo một lần rồi, nay Giáo hội không cho lần nữa).
- Bên người lương có thể xin Đặc ân chỉ khi người này theo đạo, hay được Rửa tội Công giáo hay Tin lành … và kết hôn với một người đã được Rửa tội (Công giáo, Tin lành), (Chỉ ban đặc ân để kết hôn ít ra là hỗn hợp, Giáo hội không cho miễn chuẩn khác đạo một lần nữa).

c- Những điều kiện hưởng Đặc ân Đức tin

Những điều kiện hưởng đặc ân được thấy ở điều 4 và 5 của huấn thị Potestas Ecclesiae năm 2001 như sau:
1) Hoàn toàn không thể tái hợp, không có lỗi trong việc ly hôn 
Điều 4:
Để được ban Đặc ân tháo gỡ dây hôn phối, yêu cầu vào lúc ban Đặc ân cần phải:
1) Hai người phối ngẫu không có hy vọng nào để có thể phục hồi sống đời hôn nhân với nhau nữa;
2) Người đứng đơn không có lỗi gì, do bản thân mình hay phần lớn do mình, trong việc gây ra đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước; và người phối ngẫu tương lai cũng không có trách nhiệm gây ra cuộc ly hôn trước.
Điều kiện về người đứng đơn, ở điều 4 là “không có lỗi gì” trong việc gây đổ vỡ hôn nhân trước. Điều này quả là thu hẹp lại phạm vi được ban đặc ân. Xác định được một bên không có lỗi gì trong việc chia tay là một điều khó khăn đối với thẩm phán hoặc người phụ trách điều tra.
2) Cả hai bên phải cam kết về việc giữ đạo; đặc ân chỉ ban một lần
Điều 5:
§1. Về phía người Công giáo, nếu muốn kết ước hoặc hợp thức hóa hôn nhân mới với người chưa Rửa tội hay người đã Rửa tội không Công giáo, cần phải loại bỏ những nguy cơ mất đức tin và người không Công giáo phải hứa để tự do giữ đạo cho người Công giáo và để cho con cái được rửa tội và giáo dục Công giáo.
§2. Đặc ân tháo gỡ hôn nhân chỉ được ban khi điều trên được làm bằng giấy tờ và được cả hai bên ký xác nhận. Đặc ân đức tin này chỉ được ban cho một lần, không thể xin một lần nữa.
Điều 5 đòi hỏi những điều kiện tương tự như trường hợp cho phép kết hôn hổn hợp hoặc kết hôn khác đạo (đ. 1125). Tuy nhiên việc ban đặc ân đòi hỏi mạnh mẽ hơn là phải hứa: “người không Công giáo phải hứa để tự do giữ đạo cho người Công giáo và để cho con cái được rửa tội và giáo dục Công giáo”.
Một điều kiện khác là cả hai bên trong kết hôn trước phải ký đơn, nghĩa là, bên xin đặc ân cũng phải có sự đồng ý và ký đơn của bên kia.
Đặc ân chỉ ban một lần. Nếu hôn nhân với đặc ân bị tan vỡ thì không được xin tiếp đặc ân khác.
3) Không có hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo
Điều 7§3
 Đức Giám Mục không được gởi thỉnh cầu lên Bộ Giáo Lý Đức Tin nếu có sự hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người đứng đơn hay lời hứa của người kia trong hôn nhân, dù một hay cả hai đã nhận phép rửa tội.
Đặc ân đòi hỏi sự chân thành trở lại đạo của người đứng đơn một cách rõ rệt hơn, so với đặc ân Thánh Phaolô.

d- Áp dụng đặc ân Đức Tin ở Việt Nam

Đối tượng có thể xin và được hưởng Đặc ân Đức tin ở Việt Nam rất nhiều, cụ thể là những trường hợp:
- Hôn nhân với miễn chuẩn khác đạo bị tan vỡ, bên Công giáo có thể tái hôn với người Công giáo,  hoặc bên người lương nay theo đạo muốn kết hôn với người Công giáo.
- Một trong hai vợ chồng người lương đã ly dị muốn tái hôn với người Công giáo nhưng lại không muốn theo đạo (Đặc ân Thánh Phaolô đòi hỏi phải theo đạo).
Thủ tục và việc thẩm tra được thực hiện trong giáo phận bởi những người chuyên trách do Đức Giám mục ủy thác hoặc bởi tòa án giáo phận. Đặc ân đòi điều tra kỹ lưỡng để xác minh bên người lương chưa hề được Rửa tội, vì ở Tây Phương hầu hết đã được Rửa tội. Mặt khác, phải xác nhận người đứng đơn không có lỗi lầm gì trong việc tan vỡ của cuộc hôn nhân trước; và người phối ngẫu tương lai cũng không có trách nhiệm gây ra cuộc ly hôn trước (điều 4, số 2).
Trước khi gởi hồ sơ lên Tòa Thánh, cần có xác thực và ý kiến tích cực của Đức Giám mục Giáo phận.
Ở Việt Nam, trong các Giáo phận, việc xin Đặc ân Đức tin hầu như chưa thực hiện được. Có lẽ do thiếu nhân sự, và cũng do thủ tục nhiều, kỹ lưỡng và phải viết bằng ngoại ngữ.
 
[1] Thời các Tông Đồ, họ là những người tân tòng, nghe rao giảng và đã theo đạo.
[2] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…,1365.
[3] Nếu người lương đã theo đạo đó có những hành vi xấu nghiêm trọng, khiến cho người lương kia có lý do chính đáng để chia tay; ví dụ,  có những hành vi bạo hành, ngoại tình...
[4] x. Ibid.
[5] x. Ibid.
[6] X. F.M. CAPPELLO, De matrimonio, n. 770.
[7] X. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1366.
[8] Giấy ly dị dân sự không thay thế được cho việc chất vấn. Nếu không chất vấn và cũng không xin phép miễn chất vấn, hôn nhân vô hiệu.
[9] Điều này chứng tỏ việc họ chia tay và có giấy ly dị cũng chưa đủ. Còn phải xác định thêm bên ngoại đạo kia không có ý muốn theo đạo.
[10] Thắc mắc cho thấy, việc áp dụng đặc ân cho những người này quả là không đúng với ý Thánh Phaolô. Vì vào thời ngài, người lương đã nghe giảng và theo đạo, trước khi kết hôn mới.
[11] Sự đòi hỏi học ít là 6 tháng này được dựa vào bản chất của đặc ân, là đức tin và hổ trợ đức tin cho người tân tòng. Một cách tương tự, huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin, năm 2001, đòi hỏi để ban Đặc Ân Đức tin như sau: "Đức Giám Mục không được gởi thỉnh cầu lên Bộ Giáo Lý Đức Tin nếu có sự hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người đứng đơn hay lời hứa của người kia trong hôn nhân, dù một hay cả hai đã nhận phép rửa tội"  (đ. 7§3).
[12] x. J.P. BEAL et alii, New Commentary…, 1366, Trả lời của Bộ GLĐT, 30-8-1976, CLD 8, 837-840.
[13] Huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin về hướng dẫn thủ tục điều tra tháo gỡ dây hôn phối nhờ đặc ân đức tin, ban hành tại Rôma ngày 30/4/2001. 
[14] Đức Giáo Hoàng, với tư cách Đại diện Chúa Kitô, ban đặc ân tháo cởi hôn phối. Ngài không lấy quyền cai quản của Thánh Phêrô để tháo cởi. Vì vậy, một cách có ý nghĩa hơn, Tòa Thánh dùng tên “Đặc ân Đức Tin”, chứ không dùng tên “Đặc ân Thánh Phêrô”. Mặt khác, Thánh Phêrô đã không chỉ dạy về đặc ân này, như trường hợp của đặc ân thánh Phaolô.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay1,150
  • Tháng hiện tại35,792
  • Tổng lượt truy cập11,236,164
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi