LUẬT NỘI VI - Maria Trần Thị Tố Oanh
Lm JB Dũng
2020-05-15T23:43:49-04:00
2020-05-15T23:43:49-04:00
https://giaoluatconggiao.com/doi-song-thanh-hien/luat-noi-vi-220.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ ba - 12/05/2020 23:23
Khi nói tới nghĩa vụ và quyền lợi của các tu hội và các thành viên, Giáo luật trình bày về nghĩa vụ giữ luật nội vi trong điều 667. Dựa trên khía cạnh pháp lý, bài viết trình bày vài nét cơ bản liên quan đến khái niệm và mục đích của luật nội vi. Đồng thời dựa trên giáo huấn của Giáo hội bài viết nêu lên mối tương quan giữa luật nội vi và sự thinh lặng tâm hồn cùng những thách đố trong việc giữ luật lê này.
LUẬT NỘI VI
Kỷ luật về nội vi đã có từ lâu bởi nó được đặt nền tảng trên bản chất của đời sống thánh hiến là sự xa cách thế gian. Kỷ luật này được Giáo hội qui định cho các tu hội đời sống thánh hiến, đặc biệt là các đan viện sống đời chiêm niệm, qua luật lệ chung và qua các giáo huấn của Giáo hội. Thế nhưng trong xã hội hiện nay, khi có quá nhiều tiếng ồn thì nội qui này có lẽ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Để giữ được tinh thần và những ích lợi của việc giữ luật nội vi, Giáo hội có những đổi mới, thích nghi qua việc tái khẳng định ý nghĩa và mục đích của nó.
Bài viết trình bày một cách ngắn gọn khái niệm và mục đích của nội vi, đồng thời nêu lên mối tương quan thực sự của kỷ luật này với sự thinh lặng nội tâm và những thách đố hiện nay mà không ít tu sĩ gặp phải.
1. KHÁI NIỆM - PHÂN LOẠI
Khi nói đến quyền lợi và nghĩa vụ của các tu sĩ, Giáo luật lưu tâm đến một nghĩa vụ của tu sĩ là sống luật nội vi: “Trong tất cả các nhà, phải giữ nội vi thích hợp với đặc tính và sứ mạng của tu hội theo những qui định của luật riêng, một phần của nhà dòng luôn được dành riêng cho các thành viên mà thôi” (đ. 667§1).
Giáo sư Tomás Rincón đã giải thích một cách chung, nội vi là một luật lệ cấm các tu sĩ ra ngoài và người lạ không được vào trong nhà hoặc một phần nhà mà tu hội chọn làm nơi ở hoặc sử dụng[1]. Đồng thời, Giáo luật cũng dành cho luật riêng của mỗi tu hội qui định cách thức giữ nội vi cụ thể cho phù hợp với bản chất (đ. 667§1), thích nghi với đặc tính và sứ mạng của mình.
Một cách đặc biệt với các nữ đan viện chiệm niệm, nội vi “‘là không gian đan tu tách biệt khỏi thế giới bên ngoài’, là nơi ‘chỉ dành cho các nữ đan sĩ’, và sự hiện diện của những người bên ngoài chỉ được công nhận duy nhất trong trường hợp cần thiết”[2].
Dựa trên Giáo luật và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta có thể phân loại nội vi như sau:
- Nội vi chung. Nội vi chung cần thiết cho tất cả mọi dòng tu nam cũng như nữ (đ. 667§ 1).
- Nội vi đan viện. Đối với các đan viện chiêm niệm nói chung, Giáo luật đòi hỏi một sự tuân giữ nội vi cách nghiêm ngặt hơn (đ. 667§ 2). Khoản 2 của điều 667 không có ý nhắm đến những qui tắc được viết trong hiến pháp, vì thế, điều này được hiểu là những nguyên tắc trong nội vi chung nhưng cần được tuân giữ chặt chẽ hơn và có thể được quy định ở luật riêng[3]. Trong Tông hiến Vultum Dei Quaerere, năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi đây là nội vi đan viện. “Nội vi của các đan viện, mặc dù vẫn duy trì đặc tính ‘luật nội vi phải được giữ nghiêm ngặt’ so với nội vi nói chung, ngoài bổn phận chính yếu là thờ phượng Thiên Chúa, có thể cho phép đón tiếp và chia sẻ hợp với đặc tính của mỗi dòng”[4].
- Nội vi theo hiến pháp. Nội vi theo hiến pháp là những kỷ luật về nội vi được qui định trong hiến pháp riêng của các nữ đan viện chiêm niệm phù hợp với đặc tính của từng đan viện (x. đ. 667§3).
- Nội vi giáo hoàng. Giáo luật trình bày nội vi giáo hoàng là những qui định do chính Tòa Thánh ban hành (x. đ. 667§3). Tất cả các nữ đan viện hoàn toàn sống đời chiêm niệm phải tuân giữ nội vi này.
Luật về nội vi giáo hoàng được thành lập vào năm 1298 do Đức Thánh Cha Bonifacio VIII[5]. Từ sau Công đồng Vaticano II, nội vi này được trình bày cụ thể cho các nữ đan sĩ trong Huấn thị Venite Seorsum vào năm 1969. Sau đó, vào năm 1999 luật này được qui định cụ thể và có nhiều đổi mới về kỷ luật của đời sống chiêm niệm và nội vi các nữ đan sĩ qua Huấn thị Verbi Sponsa. Tiếp đến, vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông hiến Vultum Dei Quarere. Và 2 năm sau, với Huấn thị Cor Orans về đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ, gồm những hướng dẫn để áp dụng Tông hiến trên, Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ đã tái xác định về khái niệm của nội vi giáo hoàng[6].
Chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao trong Giáo hội lại có luật nội vi, và những luật lệ này được duy trì và thích nghi với điều kiện thời gian và nơi chốn[7]. Lời giải thích được diễn tả một phần ngang qua mục đích của luật này.
2. MỤC ĐÍCH
Luật nội vi trong đời sống thánh hiến được đặt nền trên bản chất của lối sống này đó chính là việc tách biệt khỏi thế gian[8]. Điều đầu tiên trong đề mục về Các Hội Dòng, Giáo luật 1983 viết: “Việc các tu sĩ phải làm chứng công khai cho Đức Kitô và cho Giáo hội bao hàm sự xa cách thế gian là điều hợp với đặc tính và mục tiêu của mỗi tu hội” (đ. 607§3). Thật vậy, luật nội vi và sự tách biệt thế gian có liên kết chặt chẽ với nhau. Vì với không gian riêng biệt, tu sĩ gỡ mình khỏi sự ồn ào của những sinh hoạt thường nhật và tránh khỏi những giao tiếp với những người ngoài tu viện khi không cần thiết. Trong điều kiện không gian thinh lặng và yên tĩnh, tu sĩ dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa hơn. Lúc này, nội vi thể lý sẽ cần thiết và là phương tiện giúp tu sĩ bước vào nội vi của tâm hồn. Nơi đó, tu sĩ được kết hiệp thiêng liêng với Thiên Chúa và với các anh chị em của mình. Trong ý nghĩa này, kỷ luật nội vi thật sự là một hồng ân được ban tặng nhằm giúp tu sĩ lớn lên trong tình thân với Chúa và được kết hợp sâu xa hơn với người[9].
Ngang qua luật nội vi, tu sĩ tách biệt khỏi thế gian như dấu chỉ cho sự sống đời sau. Công đồng giải thích: “Khi giải gỡ người tu sĩ khỏi những lo lắng trần gian, bậc tu trì đã tỏ lộ cách rõ rằng ơn cứu chuộc của Đức Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, lại vừa tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời”[10]. Dù xa cách về thể lý nhưng tu sĩ vẫn hiện diện với tha nhân một cách sâu xa hơn nhờ mối dây hiệp nhất thiêng liêng. Thật vậy, tu sĩ cùng với con người xây dựng xã hội trần thế luôn hướng về Thiên Chúa[11].
Cách riêng, đối với các nữ đan viện sống đời chiêm niệm, kỷ luật nội vi trở thành một quà tặng hầu có thể giữ được đặc tính xa cách thế gian của đời sống đan tu[12]. Nơi đó, nội vi không chỉ trở thành phương tiện khổ chế có giá trị vô song mà còn giúp tu sĩ sống cuộc vượt qua của Đức Kitô[13]. Nhờ sống chiều kích thân mật với Đức Kitô trong thinh lặng của nội vi các đan sĩ diễn tả một đời sống tràn đầy ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa[14].
Ngoài ra, luật nội vi giáo hoàng còn giữ cho các nữ đan viện hoàn toàn chiêm niệm giữ được bản chất đích thực của mình[15]. Một cách cụ thể, “nội vi là phương thế để gìn giữ tinh thần và mục đích chiêm niệm nghiêm ngặt trong các nhà này”[16]. Thật vậy, trong nội vi, tu sĩ tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống chiêm niệm là “một tâm trí trong sáng, một tâm trí có thể cảm nhận nhịp điệu của Lời và âm vang của Chúa Thánh Thần như một làn gió nhẹ”[17].
3. THINH LẶNG NỘI TÂM VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ
Như đã trình bày ở trên, nội vi là một không gian dành riêng cho các tu sĩ, để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của tu hội và nhu cầu thiêng liêng cho từng thành viên. Trong nội vi của tu hội, tu sĩ có thể dành trọn con tim của mình cho Thiên Chúa nhờ sự thinh lặng. Không gian nội vi giúp cho tu sĩ gặp gỡ Thiên Chúa thì đó là một sự thinh lặng có sự hiện diện của Ngài[18]. Thật vậy, sự thinh lặng bên ngoài sẽ giúp người tu sĩ dễ dàng có được sự thinh lặng bên trong, nhờ đó, tu sĩ có thể nhìn lại chính con người của mình, và có thể đối diện với những “cám dỗ tinh vi”. Trong thinh lặng tu sĩ có thể đón nhận anh chị em của mình[19].
Ngoài qui luật nội vi, một vài tu sĩ đang gặp thách đố lớn về sự thinh lặng nội tâm. Nếu chỉ là không gian không bóng người về thể lý nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người tu sĩ không tìm được sự bình an và tĩnh lặng thì ý nghĩa đích thực của luật nội vi vẫn chưa đạt được. Có nhiều nguyên nhân làm cho đời sống của tu sĩ bị ảnh hưởng và mất đi sự thinh lặng trong tâm hồn. Hay “sự thinh lặng thiếu giá trị thiêng liêng”, dù không có tiếng động bên ngoài nhưng trong tâm hồn chưa được rèn luyện đôi khi lại làm tổn thương đến đức ái huynh đệ bởi cần nói những điều cần thiết trong cộng đoàn[20].
“Không có giờ” là câu cửa miệng chúng ta thường được nghe nơi một vài tu sĩ. Các tu sĩ đôi khi làm việc tông đồ và cả những việc bác ái rất cần thiết cho tu hội nhưng lại không đủ thời gian dành cho Chúa và tham gia các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Có quá nhiều công việc cuốn hút tu sĩ để tâm trí của họ cũng bị chi phối theo. Nhiều việc, phải suy nghĩ nhiều, thiếu thời gian cầu nguyện và dĩ nhiên tâm hồn và tâm trí của tu sĩ cũng “bận rộn nhiều”. Lúc này sự thinh lặng nội tâm thật khó để có được!
Ngày nay người ta cũng nói nhiều đến những tiếng ồn của mạng xã hội. Có quá nhiều điều người tu sĩ bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Do một số nguyên nhân giới hạn một vài tu sĩ bị lôi cuốn vào đó. Cũng vì thế họ đã làm mất đi sự thinh lặng nội tâm, sao lãng thời gian dành cho Chúa, đổ vỡ tương quan cộng đoàn và có thể không đem lại kết quả tốt đẹp cho việc tông đồ. Cũng đâu đó, không thiếu một vài tu sĩ đã để cho mạng xã hội “cho phép” bất kỳ ai vào trong nội vi tâm hồn một cách dễ dàng bất kể nơi đâu và giờ nào.
TẠM KẾT
Qua một vài suy tư khởi đi từ luật nội vi mang tính pháp lý của các tu hội, đặc biệt của các nữ đan sĩ sống đời chiêm niệm, chúng ta có thể thấy được Giáo hội luôn khôn ngoan đặt để cho con cái những phương tiện cần thiết. Trong không gian nội vi đó, tu sĩ có được sự thinh lặng cần thiết cả bên trong lẫn bên ngoài để phát triển tình thân với Thiên Chúa hơn và nhờ đó, tu sĩ sống thân thiết với anh chị em. Trong thinh lặng, người tu sĩ không xa lánh con người đồng thời của mình, nhưng luôn liên kết mật thiết với họ trong sự hiệp thông thiêng liêng mà chính Thiên Chúa là nguồn nối kết đích thực.
Trong thực tế của xã hội ngày nay, nhiều tu sĩ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tiếng ồn bên ngoài ngoài do nhiều trào lưu, đặc biệt là phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nếu chỉ giữ những luật nội vi bên ngoài có lẽ còn chưa đủ. Tu sĩ được mời gọi giữ được nội vi tâm hồn là sự thinh lặng của con tim. Nơi đó, tu sĩ thực sự gặp được Chúa, tìm thấy mình và sống chan hòa với anh chị em. Ước gì, những kỷ luật mang tính pháp lý bên ngoài lại trở thành những không gian thinh lặng thật sự giúp tu sĩ mang lại ích lợi thiêng liêng cho tâm hồn và trở thành lối sống mang tính ngôn sứ loan truyền Danh Chúa và sự bình an cho nhân loại[21].
[1] x. RINCÓN Tomás, Codice Di Diritto Canonico e Leggi Complementari Commentato, Coletti a San Pietro 2004, p. 481.
[2] Website: BÀI THAM LUẬN KHỐI BIỂN ĐỨC - Những đề nghị thực hành của Huấn thị Cor Orans nơi các cộng đoàn đan tu Việt Nam.
[3] x. RINCÓN Tomás, p. 482.
[6] x. Cor Orans từ số 173-180.
[9] x. Cor Orans 162, 187.
[13] x. Verbi Sponsa 5; x. VC 59
[14] x. Vultum Dei Quarere 5.
[15] x. Cor Orans 185-186.
[16] Vultum Dei Quarere 5
[17] Vultum Dei Quarere 11.
[18] x. Vultum Dei Quarere 33.
[19] x. Vultum Dei Quarere 11
[20] x. Chứng Tá Phúc Âm 46.
[21] x. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 46.