GỢI Ý SOẠN THẢO HIẾN PHÁP & LUẬT DÒNG TU, ĐIỀU 587 - Maria Trần Thị Tố Oanh

Thứ năm - 07/06/2018 05:49
Mỗi tu hội được mời gọi gìn giữ và phát huy gia sản của tu hội và những nét riêng biệt được gợi hứng từ Đấng sáng lập qua việc có những bản văn luật riêng. Những bản văn này mang sắc thái đặc biệt của từng tu hội bởi ngoài gia sản, nó còn chứa đựng một truyền thống thực hành lâu đời. Một trong những bản văn luật đó được Giáo luật nhắc đến như một phương tiện cần thiết trong đó chứa đựng những quy tắc căn bản liên quan đến đời sống và cơ cấu quản trị của tu hội, đó là hiến luật (constitutiones). Vậy hiến luật là gì? Nội dụng như thế nào? Và ai là người có quyền phê chuẩn hiến luật?
            Bài viết lần lượt trình bày những nét chính nêu trên và nội dung của bài viết được trình bày dựa trên Giáo luật điều 587, Giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là 2 tài liệu của công đồng Vaticano II: Perfectae Caritatis và Lumen Gentium.
            MỘT VÀI GỢI Ý CHO VIỆC SOẠN THẢO HIẾN LUẬT THEO ĐIỀU 587
 
NHẬP ĐỀ: 
 Mỗi tu hội được mời gọi gìn giữ và phát huy gia sản của tu hội và những nét riêng biệt được gợi hứng từ Đấng sáng lập qua việc có những bản văn luật riêng. Những bản văn này mang sắc thái đặc biệt của từng tu hội bởi ngoài gia sản, nó còn chứa đựng một truyền thống thực hành lâu đời. Một
trong những bản văn luật đó được Giáo luật nhắc đến như một phương tiện cần thiết trong đó chứa đựng những quy tắc căn bản liên quan đến đời sống và cơ cấu quản trị của tu hội, đó là hiến luật (constitutiones). Vậy hiến luật là gì? Nội dụng như thế nào? Và ai là người có quyền phê chuẩn hiến luật?
Bài viết lần lượt trình bày những nét chính nêu trên và nội dung của bài viết được trình bày dựa trên Giáo luật điều 587, Giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là 2 tài liệu của công đồng Vaticano II: Perfectae CaritatisLumen Gentium.

 
  1. KHÁI NIỆM HIẾN LUẬT
Trước khi nói về hiến luật, thiết tưởng cần phân biệt bản văn luật trong mỗi tu hội. Giáo hội mời gọi mỗi tu hội (Istituto) có luật riêng (Ius proprium) để phân biệt với luật chung hoặc luật riêng của giáo phận hay của Hội Đồng Giám Mục. Luật riêng của mỗi tu hội bao gồm: hiến luật[1] hay còn được gọi với nhiều tên như bộ luật căn bản, bộ luật nền tảng, hiến pháp, hiến chương hoặc tổng quy chế… (đ.587§1) và các bộ luật khác (đ.587§4). Những bộ luật khác này, với nhiều tên gọi khác nhau: quy chế, kim chỉ nam, nội quy…, được xem là những chỉ dẫn giúp các cộng đoàn và các thành viên áp dụng các quy tắc của hiến luật trong đời sống cụ thể. Ngoài ra, tu hội cũng có thể xác định thêm trong hiến luật nội dung của các bản văn luật bao gồm: các nghị quyết của Tổng công hội. Hoặc một số tu hội có quy chế tỉnh dòng là những luật lệ liên quan đến đời sống của tỉnh dòng hay những quy tắc áp dụng hiến luật dòng trong hoàn cảnh cụ thể hay văn hóa đặc biệt.
Vậy hiến luật là gì? Hiến luật là bản luật chính thức của tu hội trong đó đề ra những quy luật sống cho tu hội và từng thành viên, được hướng dẫn bởi tinh thần Phúc Âm, các giáo huấn của Giáo hội và theo tinh thần của Đấng Sáng Lập.
  • Được hướng dẫn bởi tinh thần Phúc Âm. Chúng ta tìm thấy trong Sắc lệnh Perfectae Caritatis như sau: "Tiêu chuẩn tối hậu của đời tu trì là sống theo giáo huấn của Tin Mừng trên đường bước theo Chúa Kitô, vì thế đây phải là quy luật tối thượng của tất cả các Hội Dòng"[2]. Bởi vì việc đi theo Đức Kitô do Phúc Âm đề ra và được trình bày trong hiến luật (của luật riêng) phải là luật tối thượng của đời sống của mỗi tu sĩ (đ.662). Do đó, mọi hiến luật phải được khởi đi từ tinh thần Phúc âm.
  • Được hướng dẫn bởi giáo huấn của Giáo Hội. Những chỉ dẫn liên quan đến đời sống thánh hiến được trình bày trong rất nhiều văn kiện của các Đức Thánh Cha, của Bộ Đời sống Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ. Đặc biệt, những nguyên tắc mang tính pháp lý được Giáo hội thiết lập trong phần III của quyển 2 Giáo luật 1983 với tựa đề: Các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ. Trong giáo huấn của Giáo hội chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố cốt yếu của đời sống thánh hiến và những quy tắc liên quan đến việc tổ chức cơ cấu cũng như đời sống của từng thành viên và cả tu hội.
  • Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập. Ngay từ đầu Giáo hội rất trân quý những ân sủng Chúa ban cho Giáo hội qua các vị sáng lập. Thật vậy, bởi thánh ý Thiên Chúa, nhiều cộng đoàn tu sĩ đã được thiết lập với sự phong phú lạ lùng do những người nam người nữ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy[3]. Đây là những hoa trái thiêng liêng làm gia tăng sức sống và sự thánh thiện cho Giáo hội, nên Giáo hội duy trì và phát huy đặc tính riêng biệt từng tu hội[4], đồng thời, giúp cho các tu hội sinh hoa trái qua việc trung thành với tinh thần của các Đấng sáng lập[5]. Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã viết như sau: "Bản sắc của mỗi tu hội bao hàm một linh đạo và hoạt động tông đồ riêng, quy định dần dần trong một truyền thống nhất định, với những yếu tố khách quan. Theo chiều hướng này, Giáo hội quan tâm lo cho các tu hội được tăng trưởng và phát triển trong sự trung thành với tinh thần của các đấng sáng lập và với những truyền thống lành mạnh của họ"[6].
Tinh thần Phúc Âm, giáo huấn của Giáo hội và nét tinh hoa của Đấng Sáng lập có thể được sánh ví như sợi chỉ đó xuyên suốt hiến luật của mỗi tu hội nhằm bảo vệ ơn gọi riêng và căn tính của tu hội đó. Sợi chỉ đó được đan kết như thế nào còn tùy thuộc nội dung của Hiến luật.  
 
  1. NỘI DUNG HIẾN LUẬT
Để bảo vệ ơn gọi riêng và căn tính của mỗi tu hội cách trung thành hơn, ngoài những gì mà điều 578 đã ấn định phải duy trì, luật căn bản hay hiến pháp của bất cứ tu hội nào cũng phải có những quy tắc căn bản về việc lãnh đạo của tu hội và về kỷ luật của các thành viên, về việc thu nhận và đào tạo các thành viên, cũng như về đối tượng riêng của dây ràng buộc thánh (đ.587§1)
Theo ý muốn của Giáo hội, trong hiến luật phải bao gồm 5 yếu tố căn bản:
  • Bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội theo đ.578.
  • Những quy tắc căn bản về việc lãnh đạo của tu hội.
  • Những quy tắc căn bản về kỷ luật của các thành viên
  • Những quy tắc căn bản về việc thâu nhận và đào tạo các thành viên.
  • Đối tượng riêng của dây ràng buộc thánh.
  1. Bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội:
Theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II, khởi đi từ sắc lệnh về canh tân Dòng tu: "Mỗi hội dòng có đặc tính và phận vụ riêng nhằm mưu ích cho Giáo hội. Do đó, phải trung thành đón nhận và tuân giữ tinh thần cũng như ý hướng đặc biệt của các Đấng Sáng lập, cùng với các truyền thống tốt lành đã có, vì đó là những yếu tố tạo nên di sản của mỗi Hội Dòng"[7]. Bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của mỗi tu hội được đưa vào hiến luật như một sứ vụ gìn giữ, phát huy và giới thiệu căn tính của tu hội. Đồng thời, căn tính này được các thành viên suy gẫm, sống và thể hiện cho mọi người biết về tu hội[8]
  1. Những quy tắc căn bản về việc lãnh đạo của tu hội:
Quy tắc lãnh đạo của tu hội phải được áp dụng theo nguyên tắc của luật chung từ điều 617-640, thế nhưng Giáo hội dành rất nhiều quyền lợi cho tu hội. Nhiều điều luật chung cần được triển khai, áp dụng và cụ thể hóa trong hiến luật của các tu hội. Xin nêu cử một vài điểm cụ thể như sau cần lưu ý: 
  • Bề trên: Bề trên cao cấp được đặt lên như thế nào (đ.623; đ.625§1), nhiệm kỳ ra sao (đ.624§2), cách thức điều hành tu hội (đ.627) và những bổn phận đặc biệt của ngài (đ.628-630). Riêng đối với vị Điều hành tổng quyền, luật chung quy định phải được chỉ định bằng việc bầu cử đúng giáo luật chiếu theo các quy tắc của hiến pháp (đ.625)[9].
  • Ban cố vấn: Ban cố vấn là hội đồng riêng của bề trên giúp ngài thi hành nhiệm vụ cai quản và phục vụ tu hội. Mỗi tu hội có quyền lựa chọn số thành viên và cách thức bầu chọn. Ngoài những trường hợp do luật phổ quát quy định, hiến luật cần xác định những trường hợp nào buộc phải có sự chấp thuận hay buộc phải hỏi ý kiến để hành vi được hữu hiệu (đ.627§2).
  • Tổng công nghị: Giáo luật ghi rõ sứ mạng chính của tổng công nghị (đ.631§1), đồng thời dành cho tu hội quyền quy định thành phần và quyền hạn của tổng công nghị (đ.631§2). Ngoài ra, luật riêng của mỗi tu hội cần xác định bản chất, quyền bính, thành phần, cách tiến hành và thời gian của các cuộc họp đó (đ.632).
  • Quản trị tài sản: hiến luật quy định rõ cách thức về việc quản trị tài sản của tu hội, của cộng đoàn hay cá nhân tu sĩ, dựa trên những chỉ dẫn của giáo luật với các điều 634-640 và đ.668[10]. Tài sản của tu hội được chi phối bởi những quy định của quyển V về Tài sản vật chất của Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi tu hội phải ấn định các các quy tắc thích hợp về việc sử dụng và quản trị tài sản cho phù hợp với căn tính riêng (đ.635§2).  
  1. Những quy tắc căn bản về kỷ luật của các thành viên:
  • Đời sống cộng đoàn: tình huynh đệ được phát triển và trở nên một sự tương trợ lẫn nhau cho tất cả các thành viên trong việc chu toàn ơn gọi của mình (đ.602). Giáo luật đưa ra những chỉ dẫn chung về nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến đời sống cộng đoàn, do đó hiến luật cần có những chỉ dẫn cụ thể cho những vấn đề này (đ.608; đ.665; đ.667).
  • Đời sống thánh hiến liên hệ đến 3 lời khấn: theo tinh thần của đ. 598 mỗi tu hội phải quy ước cách thức tuân giữ các lời khuyên Phúc âm về đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, tuy nhiên phải phù hợp với những quy tắc chung (đ.599-601).
  • Đời sống thiêng liêng và cầu nguyện: ngoài những thực hành theo truyền thống và cách thế riêng của từng tu hội, Giáo luật đưa ra một chương nói về các nghĩa vụ và quyền lợi của các tu hội và các thành viên, đặc biệt về đời sống thiêng liêng (đ. 663-664).
  • Đời sống tông đồ truyền giáo: hiến luật mỗi tu hội cần xác định phạm vi, cách thức và những hình thức của việc tông đồ cho phù hợp với bản tính của mỗi tu hội (đ.675).
  1. Thâu nhận và đào tạo các thành viên:
  • Tổng quát việc huấn luyện: việc huấn luyện trong tu hội phải được đặt hàng đầu trong sự quan tâm của tu hội, vì "công cuộc canh tân thích ứng cho các hội dòng lệ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo tu sĩ"[11]. Trong mục này, hiến luật có thể xác định trách nhiệm chung của việc huấn luyện, các giai đoạn kéo dài thế nào, hay những đặc điểm riêng của tu hội liên quan đến việc huấn luyện.
  • Theo tinh thần của Giáo luật, mỗi tu hội cần có giai đoạn chuẩn bị với những quy định, điều kiện, thời gian và cách thức theo luật riêng (đ.597§1) và không ai có thể được nhận vào một tu hội thánh hiến nếu không được chuẩn bị thích đáng (đ.597§2).
  • Khóa tập: khóa tập (Novizia) được Giáo luật nói đến rất kỹ với những chỉ định về việc thâu nhận vào tập viện (đ.641-645); việc đào tạo tập sinh (đ.646-653). Giáo hội để cho tu hội phác họa một chương trình đào tạo cách cụ thể theo hiến luật cho phù hợp với đặc sủng của mỗi tu hội.
  • Khấn dòng: việc khấn dòng thực sự là một dấu chỉ hết sức quan trọng thể hiện khía cạnh pháp lý của đời sống thánh hiến: gia nhập vào tu hội với những quyền và bổn phận do luật quy định (đ.654). Mỗi tu hội cần xác định những điều kiện, thời gian từ khi khấn lần đầu tới khi khấn trọn, chương trình học như thế nào, và những đòi hỏi cần thiết mà tu hội muốn dành riêng cho các thành viên của mình để làm nên nét căn bản của tu hội theo quy tắc của luật chung (đ.655-661).           
  • Huấn luyện liên tục: Bề trên phải cung cấp cho họ các phương tiện và thời giờ cần thiết cho việc đào tạo này, do vậy, luật riêng mỗi dòng cần phác họa rõ nét ý hướng của Giáo hội (đ.661).
  1. Việc rời bỏ tu hội
Việc các thành viên rời bỏ tu hội thiết tưởng cũng được hiến luật quy định dựa trên nền tảng các quy tắc luật chung. Một số tu hội đã qui chiếu theo luật chung cho những trường hợp thành viên chuyển sang một tu hội khác (đ.684-685); thành viên rời bỏ tu hội (đ.686-693); việc sa thải các thành viên (đ. 694-703). Tuy nhiên, Giáo luật đòi hỏi luật riêng của mỗi tu hội phải xác định rõ: thời gian và cách thức thử luyện trước khi một thành viên được tuyên khấn trong tu hội mới (đ.684§4), đồng thời cũng có thể đưa thêm những lý do để sa thải một tu sĩ khấn tạm (đ.696§2).
 
  1. QUYỀN PHÊ CHUẨN HIẾN LUẬT (đ.587§2)
Hiến luật của mỗi tu hội phải được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn và chỉ được thay đổi với sự đồng ý của cùng nhà chức trách (đ.587§2). Vậy thẩm quyền đó là ai? Thưa, đối với tu hội luật giáo phận, đó là Giám mục của trụ sở chính (đ. 595§1), ngài cũng là vị chủ tọa cuộc bầu cử bề trên tổng quyền của tu hội thuộc luật giáo phận (đ.625§2). Đối với tu hội thuộc luật giáo hoàng thì thẩm quyền phê chuẩn hiến pháp chính là Tòa Thánh (đ.593). 
Đức Giám mục nơi có trụ sở chính này có quyền chuẩn y những thay đổi (tu chính) được đưa vào hiến pháp cách hợp lệ (đ. 595§1). Hiến luật ban đầu thường được Đấng sáng lập soạn thảo và viết ra. Theo thời gian, hiến luật cần phải được canh tân để tu hội cũng có những phương hướng mới phù hợp với công cuộc canh tân đời sống tu trì theo yêu cầu của Giáo hội[12]. Do đó, "việc ấn định các tiêu chuẩn và thiết lập các khoản luật về canh tân và thích nghi … phải là nhiệm vụ của các vị có thẩm quyền, nhất là tổng tu nghị"[13]. Với Giáo luật 1983, vai trò quan trọng này được trao cho tổng công nghị là cơ quan quyền bính tối cao trong tu hội với sứ mạng bảo vệ gia sản của tu hội, cổ võ việc canh tân và thích nghi gia sản ấy (đ.631§1). Như vậy, ngay trong hiến pháp mỗi tu hội cần xác định thành phần, quyền hạn của tổng công nghị và những quy tắc phải giữ khi diễn ra tổng công nghị (đ.631§2).   
Còn đối với các Giám mục giáo phận các ngài có thể miễn chuẩn hiến pháp trong những trường hợp cá biệt (đ.595§2). Việc miễn chuẩn, theo điều 85, là một sự nới lỏng một luật thuần túy Giáo hội trong một trường hợp đặc biệt, cũng thế, giáo luật dành cho các giám mục quyền miễn chuẩn một vài trường hợp cụ thể trong hiến luật của tu hội. 

THAY LỜI KẾT
Mục đích của hiến luật trong mỗi tu hội là gì? Ta thấy rõ có hai mục đích: thứ nhất, đưa ra đường hướng để giúp các thành viên cũng như toàn thể tu hội sống đúng ơn gọi, giữ vững đặc sủng và hướng đến mục đích đời sống thánh hiến là đạt đến sự hoàn hảo. Mục đích thứ hai là hiến luật xác định rõ ràng những quyền lợi và bổn phận của từng thành viên[14], đâu là những điều cần thiết về khía cạnh pháp lý trong Giáo hội hoàn vũ, trong giáo địa phương và ngay trong tu hội. Trong lãnh vực này, lời lẽ của hiến luật phải rõ ràng hầu các thành viên có thể thực hiện chính xác.
Với mục đích của hiến luật, giáo luật dành cho mỗi tu hội một lối áp dụng cụ thể những quy tắc liên quan đến đời sống thánh hiến thích hợp với linh đạo và đặc sủng riêng. Thiết tưởng việc khai triển, sắp xếp các nội dung tùy thuộc vào mỗi tu hội. Tuy nhiên, tu hội không được tăng thêm các quy tắc khi không cần thiết (đ. 587§3).
 
 
[1] Có thể tham khảo nghĩa từ Hiến Luật tại: PHAN TẤN THÀNH, Giải thích Giáo Luật tập III, Hội Dòng Tận Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, Học Viện Đaminh-Gò Vấp 2012, tr.204.
[2] PC 2a.
[3] x. PC 1.
[4] x. LG 44.
[5] x. LG 45.
[6] LG 48
[7] PC 2b; x. đ.578.
[8] Ngoài ra, nếu một tu hội có một lịch sử phức tạp, thì có thể diễn tả hành trình khai sinh tu hội mình trong hiến luật, hay cũng có thể nêu ra các Tổng công hội trong đó có sự canh tân hiến luật cho phù hợp, những giai đoạn quan trọng để hình thành các "đời" của hiến luật cho đến quyển hiến luật hiện tại.
[9] Hiến luật xác định rõ việc bầu cử của tu hội dựa trên giáo luật về bầu cử từ đ.164-183.
[10] Tu hội cũng cần tham khảo quyển V của Giáo luật 1983 về: Tài sản vật chất của Giáo hội.
[11] PC 18.
[12] x. PC 2.
[13] PC 3.
[14] x. PHAN TẤN THÀNH, Giải Thích Giáo luật, tập III, Hội Dòng Tận Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, Học Viện Đa minh, Gò Vấp, 2012, tr. 205. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay744
  • Tháng hiện tại29,255
  • Tổng lượt truy cập11,182,588
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi