BẢN CHẤT VÀ MỤC ĐÍCH NHÀ TẬP THEO TINH THẦN GIÁO LUẬT
Maria Trần Thị Tố Oanh
Trong sắc lệnh Đức Mến Trọn hảo, các nghị phụ đã đề cao vai trò của việc đào tạo tu sĩ khi nói rằng: "Công cuộc canh tân thích ứng cho các Hội dòng lệ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo tu sĩ"
[1]. Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo hội đang giúp các tu sĩ ý thức hơn tầm quan trọng của việc đào tạo và tự đào tạo, vốn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của các Tu hội. Các giai đoạn huấn luyện dù khác nhau nhưng mục đích của việc đào tạo là chuẩn bị cho ứng sinh thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa
[2]. Do đó mỗi ứng sinh có quyền và có nghĩa vụ hiểu biết đầy đủ và tham dự vào tiến trình đào tạo và tự đào tạo này.
Giai đoạn huấn luyện đầu tiên được Giáo hội nhắc đến với những qui tắc pháp lý chính là tập viện. Giáo hội nhấn mạnh những điều kiện thiết yếu và mục tiêu của giai đoạn này một cách rõ ràng. Bài viết trình bày ba điểm sau: 1) điều kiện vào nhà tập, 2) bản chất nhà tập, 3) mục đích nhà tập.
1. ĐIỀU KIỆN VÀO NHÀ TẬP
Giáo hội đề cập đến quyền lợi của mọi tín hữu có thể chọn lựa bậc sống cho mình. Mọi người công giáo có ý muốn ngay lành, hội đủ các đức tính do luật phổ quát và luật riêng đòi hỏi, không vướng mắc ngăn trở thì đều có thể được nhận vào một Tu hội (đ. 597§1). Dĩ nhiên người đó phải được chuẩn bị thích đáng để bước vào một giai đoạn theo giáo luật, vì không ai được nhận vào Tu hội nếu không có sự chuẩn bị này (đ. 597§2).
Để một tập sinh có khả năng hiểu và đạt được những mục đích căn bản và thiết yếu của năm tập, các bề trên chỉ nhận vào nhà tập những ứng sinh đủ tuổi đòi buộc, có sức khỏe, tính tình thích hợp, có các đức tính và sự trưởng thành đủ hầu có thể đảm nhận nếp sống riêng của Tu hội (đ. 642). Một cách cụ thể, nhà lập pháp lưu ý những ứng sinh cần hội đủ các điều kiện sau: đạt đến mười bảy tuổi trọn; không còn ràng buộc bởi dây hôn phối; không còn liên kết với một Tu hội thánh hiến hay đã nhập tịch vào một Tu đoàn tông đồ; vào Tu hội với tự do và được bề trên nhận vào một cách tự do; không giấu giếm việc mình đã gia nhập một Tu hội hay Tu đoàn nào khác (đ. 643).
Mỗi Tu hội cần thu thập những giấy tờ cần thiết trước khi nhận ứng sinh vào tập viện bao gồm: chứng thư rửa tội và chứng thư thêm sức, giấy chứng nhận tình trạng thong dong của mình, nghĩa là không bị bó buộc dây hôn nhân (đ. 645§1). Đây là những điều kiện chiếu theo luật chung cho các Tu hội. Luật riêng của mỗi Tu hội cũng có thể đặt ra những điều kiện khác cho phù hợp với bản chất của Tu hội (đ. 643§2).
2. BẢN CHẤT NHÀ TẬP
Tập viện, nơi khởi đầu đời sống trong tu hội, được tổ chức thế nào để các tập sinh có một nhận thức tốt nhất về ơn gọi thần linh, cũng là ơn gọi riêng của tu hội, để thử nghiệm nếp sống của tu hội, để họ làm cho lòng trí mình được thấm nhuần tinh thần của hội dòng, cũng như để họ chứng minh ý định và khả năng của mình (đ. 646).
Tập tu là một giai đoạn chuẩn bị rất cần thiết cho đời sống thánh hiến, với việc vào nhà tập, ứng sinh khởi đầu đời sống trong Tu hội. Dĩ nhiên là chưa chính thức đời sống tu trì, bởi vì đời sống tu trì chỉ thực sự bắt đầu với sự thánh hiến bằng việc cam kết tuân giữ ba lời khuyên phúc âm, họ được trở nên dấu chỉ hữu hình cho Giáo hội và được gia nhập vào Tu hội (đ. 607; đ. 654). Tuy nhiên, thời gian tập tu là một kinh nghiệm cá nhân lệ thuộc vào kinh nghiệm nội tâm, siêu nhiên, xã hội và cộng đoàn. Kinh nghiệm này phải được thực hiện với Ơn của Chúa Thánh thần. Do đó bên cạnh việc huấn luyện về chiều kích văn hóa và tri thức, chiều kích thiêng liêng phải được ưu tiên hàng đầu trong các lãnh vực huấn luyện. Việc huấn luyện các tu sĩ qua nhiều giai đoạn khác nhau có mục đích chính là giúp các tu sĩ có kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và giúp họ có thể hội nhất những kinh nghiệm ấy vào đời sống
[3]. Mỗi Tu hội phải tạo môi trường cũng như có một chương trình thích hợp để đạt được mục đích trên. Một điều cần lưu ý là trong thời gian tập tu các ứng sinh không được học những môn học hay đảm nhận những công tác không trực tiếp góp phần vào việc đào tạo ấy (đ. 652§2,§5).
Để có một sự thống nhất trong tiến trình huấn luyện, Giáo hội đòi buộc các tập sinh phải được đào tạo dưới sự hướng dẫn của vị giáo tập. Vì tầm quan trọng của giai đoạn huấn luyện này, là thời gian đúc khuôn, "đúc" làm sao thì ra tập sinh như vậy, nên Giáo hội đề nghị các vị hữu trách về huấn luyện phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, Giáo hội muốn các vị dành mọi bận tâm và trọn vẹn thời gian cho trách vụ này. Do đó, Giáo hội lưu ý các vị không đảm nhận những trách nhiệm khác để có thể chu toàn phận sự được ủy thác một cách hiệu quả và bền vững (đ. 651§3). Vị giáo tập phải là người đã có kinh nghiệm thiêng liêng vững chắc và có đời sống nhân bản để hướng dẫn tập sinh. Giáo tập phải là thành viên của Tu hội, để qua ngài, các tập sinh đạt được mục đích chính của giai đoạn huấn luyện này là hiểu sâu xa về ơn gọi của chính Tu hội. Giáo tập phải là người đã khấn trọn đời và là người được chỉ định hợp pháp (đ. 651§1). Nếu cần, bề trên có thể cắt đặt các vị phụ tá để giúp vị giáo tập thực hiện tốt chương trình đào tạo và đạt đến mục đích của nhà tập. Tuy nhiên các vị phụ tá phải tùy thuộc vị giáo tập trong việc hướng dẫn việc tập tu và trong chương trình đào tạo (đ. 651§2).
Liên quan đến việc tổ chức nhà tập, Giáo hội đưa vào luật chung những nguyên tắc về thời gian. Việc tập tu trong giai đoạn nhà tập phải kéo dài mười hai tháng trong chính cộng đoàn tập viện (đ. 648§1), tuy nhiên bề trên cao cấp có thể cho một đoàn tập sinh lưu trú một thời gian tại nhà khác của Tu hội do chính ngài chỉ định (đ. 647§3). Không kể thời gian trên theo luật chung này, hiến pháp của mỗi Tu hội có thể ấn định một hay nhiều thời gian sinh hoạt tông đồ ngoài cộng đoàn tập viện (đ. 648§2). Tuy nhiên tất cả thời gian tập tu không được kéo dài quá hai năm (đ. 648§3).
Với thời gian 12 tháng nói trên để thành sự việc tập tu, nhà làm luật còn đưa ra những tình huống có thể vắng mặt trong nhà tập. Sẽ không thành sự giai đoạn tập tu nếu ứng sinh vắng mặt khỏi tập viện quá ba tháng, dù liên tục hay cách quãng. Và nếu như sự vắng mặt vượt qua 15 ngày tại tập viện, và không quá 3 tháng thì khóa tập vẫn thành, nhưng ứng sinh phải làm bù lại (đ. 649§1). Trong trường hợp này, luật riêng mỗi Tu hội có thể đưa ra những nội qui. Bề trên cao cấp, qua việc lắng nghe ý kiến của vị giáo tập và suy xét đến những động lực, hoàn cảnh và những hiệu quả thực tế của sự vắng mặt này, quyết định cho ứng sinh bù lại tất cả số ngày hay một phần
[4].
3. MỤC ĐÍCH CỦA NHÀ TẬP
Theo tinh thần của điều 646, mục đích của năm tập cần đạt được như sau: nhận thức tốt nhất về ơn gọi vào đời sống thánh hiến; thử nghiệm nếp sống của Tu hội; chứng minh ý định và khả năng của ứng sinh.
a. Nhận thức tốt nhất về ơn gọi vào đời sống thánh hiến
Đời sống thánh hiến là ơn gọi thần linh được khởi đi từ phía Thiên Chúa và lời đáp trả tự do từ phía con người. Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người để bước theo Ngài sát hơn, vì đời sống này không phải là một con đường duy nhất để đạt đến sự hoàn thiện của đức ái, nhưng là lời mời gọi cho những ai Ngài muốn
[5]. Như thế, với ơn Thiên Chúa và sự tự do của mình mỗi một ứng sinh khi bước vào tập viện, họ cần tìm hiểu, thích ứng và làm cho ơn gọi mỗi ngày một lớn lên. Mỗi ứng sinh có thể khám phá về ơn gọi đích thực của mình qua cách sống thực tế với chương trình và những đòi hỏi của tập viện. Ứng sinh có thể thực hành việc sống những yêu cầu thực thụ của một tu sĩ. Đặc biệt Giáo hội nêu ra những lãnh vực cần được đào tạo: nhân bản và nhân đức kitô giáo; được đưa vào con đường trọn lành nhất nhờ lời cầu nguyện và từ bỏ mình; họ phải được đào tạo về cách chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ, cách đọc và suy gẫm Thánh kinh; họ phải được giáo huấn về đặc tính và tinh thần, mục đích và kỷ luật, lịch sử và đời sống của Tu hội; họ phải được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo hội cũng như các vị chủ chăn có chức thánh của Giáo hội (đ. 652§2)
[6]. Giáo hội đòi hỏi ứng sinh có một sự trưởng thành nhân bản, tâm cảm và tâm linh bởi vì ứng sinh cần có khả năng đảm nhận những ràng buộc của đời sống thánh hiến, đặc biệt trong thời gian ở tập viện, ứng sinh cần đạt đến sự trưởng thành này
[7].
Trong huấn thị về việc huấn luyện trong các Hội dòng, Giáo hội nêu ra bốn phương hướng huấn luyện rất cụ thể như sau: nhận thức sâu xa và sống động về Đức Kitô và về Chúa Cha; dẫn vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô qua việc từ bỏ mình; đời sống huynh đệ theo Tin Mừng; đào sâu lịch sử và sứ vụ riêng của Tu hội
[8]. Với những nội dung thiết thực, Giáo hội giúp cho mỗi ứng sinh nhận thức tốt nhất về ơn gọi của mình. Trong luật riêng của mình, mỗi Tu hội có quyền áp dụng cụ thể chương trình cho phù hợp với hoàn cảnh, văn hóa và theo bản chất riêng.
b. Lòng trí được thấm nhần tinh thần Tu hội và ơn gọi riêng của Tu hội
Trong Giáo hội có rất nhiều dòng tu với những hồng ân khác nhau tùy theo ân sủng đã được ban cho mỗi Tu hội (đ. 577), nên thời gian tập tu là cơ hội cụ thể để các ứng sinh khám phá ra những nét riêng biệt của Tu hội, để từ đó ứng sinh có thể có một cách sống cụ thể và làm cho mình mỗi ngày một yêu mến Tu hội hơn
[9]. Để giúp cho ứng sinh thấm nhuần tinh thần của mình, Tu hội cần cho ứng sinh thấy rõ căn tính và tinh thần của mình qua những giáo huấn về đặc tính và tinh thần, mục đích và kỷ luật, lịch sử và đời sống của Tu hội trong chương trình đào tạo (đ. 652§2).
Vì mục đích của việc đào tạo là giúp ứng sinh có một tâm tình vui sướng thuộc về Thiên Chúa và thuộc về Tu hội, nên trong tiến trình đào tạo sơ khởi này, Tu hội tạo cho ứng sinh những cơ hội nhằm củng cố sự gắn bó của họ với đoàn sủng và sứ mạng của Tu hội
[10]. Mỗi Tu hội cũng có thể lập ra một giai đoạn cho các ứng sinh thực tập việc tông đồ một cách cụ thể vào việc tông đồ cụ thể của dòng
[11]. Bởi vì tập sự việc tông đồ của Tu hội là điều hết sức cần thiết vì mỗi Tu hội đều có một hoạt động tông đồ như là bản chất của chính tu hội (đ. 674; đ. 675).
c. Thẩm tra ý định và khả năng của ứng sinh
Sau khi nhận biết tốt nhất ơn gọi đích thực và tinh thần của Tu hội, mục đích cuối cùng là nhận định xem ứng sinh có thực sự muốn và đủ khả năng theo đuổi ơn gọi của Tu hội hay không. Đây là công việc hết sức quan trọng cần sự cộng tác giữa ứng sinh và vị giáo tập, cùng sự đóng góp của cả Tu hội. Ý thức trách nhiệm của riêng mình, các tập sinh phải tích cực cộng tác với vị giáo tập để trung thành đáp lại ơn gọi của Chúa (đ. 652§3). Việc phân định này cần đến nỗ lực của chính đương sự trong việc nhìn vào lương tâm và trách nhiệm cá nhân của mình
[12]. Trong tương quan với Thiên Chúa, mỗi ứng sinh phải nhìn rõ được khả năng của mình với những đòi hỏi của đời tu nói chung và của Tu hội nói riêng.
Cùng với nỗ lực cá nhân của ứng sinh, Giáo hội nhắc đến vai trò của vị giáo tập và các cộng tác viên là nhận định và trắc nghiệm ơn gọi của các ứng sinh (đ. 652§1). Họ phải là những con người thật sự có kinh nghiệm thiêng liêng, nhờ những kinh nghiệm này họ hướng dẫn các ứng sinh trong việc biện phân ơn gọi ngang qua việc gặp gỡ một cách đều đặn
[13]. Qua việc gặp gỡ trực tiếp và thường xuyên họ có thể giúp cho chính ứng sinh phân định và chính họ cũng là người phân định xem ứng sinh có ơn kêu gọi tu trì hay không ở giai đoạn huấn luyện sơ khởi
[14]. Theo giáo sư L. Sabbarese, viện trưởng khoa Giáo luật tại Giáo hoàng học viện Urbaniana-Roma, sự phân định về khả năng của ứng sinh rất nền tảng cho việc chọn lựa và trung thành với một bậc sống trong Giáo hội
[15].
Mặc dù vai trò của bề trên cao cấp và vị giáo tập mang tính trực tiếp trên việc huấn luyện ứng sinh (đ. 650§2), nhưng các thành viên của Tu hội cũng được mời gọi và ý thức bổn phận phải hết lòng cộng tác, theo cách của mình, vào việc đào tạo tập sinh, bằng gương sáng đời sống và bằng lời cầu nguyện (đ. 652§4). Như vậy việc đào tạo mang tính cộng đồng, là trách nhiệm của toàn dòng.
Đây cũng là trách nhiệm của toàn Giáo hội vì qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm tu sĩ được kết hợp cách đặc biệt với Giáo hội và với mầu nhiệm Giáo hội (đ. 573§2). Đặc biệt trong sứ điệp ngày quốc tế ơn gọi lần thứ 53 sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên mối tương quan của từng ơn gọi với cộng đoàn Giáo hội. Ơn gọi được sinh ra, lớn lên và được nâng đỡ nơi Giáo hội, nên việc huấn luyện cũng phải được bắt đầu từ mỗi một Kitô hữu
[16].
Khi kết thúc khóa tập, ứng sinh trình với Bề trên đơn xin khấn, trong đó trình bày rõ sự nhận thức mình có ơn gọi và một ước muốn tận hiến mình cho Chúa qua bậc sống thánh hiến
[17]. Họ phải diễn tả sự thích hợp và có khả năng đi theo lối sống mà mình tự do đảm nhận bằng việc tuyên khấn (đ. 654); hoặc họ có thể rời bỏ Tu hội bất cứ lúc nào trong thời gian tập tu. Về phía Tu hội, bề trên cũng có quyền sa thải tập sinh bất kỳ lúc nào trong suốt khóa tập. Hoặc sau khi khóa tập kết thúc nếu xét thấy ứng sinh có khả năng xứng hợp thì phải được nhận cho tuyên khấn tạm. Trong trường hợp khi kết thúc khóa tập mà ứng sinh vẫn chưa đạt được sự trưởng thành đủ để đảm nhận bậc sống tu trì, các bề trên cao cấp có thể cho ứng sinh một thời gian thử luyện theo luật riêng, nhưng không được quá sáu tháng hoặc nếu xét thấy ứng sinh không có khả năng, Tu hội cũng có thể sa thải (đ. 653§1,2)
[18].
[4] x. D.J. ANDRÉS,
Le forme di vita consacrata, commentario teologico giuridico al Codice di diritto canonico, Ediurcla, Roma 2008, p. 358.
[9] x. ANDRÉS,
Le forme di vita consacrata,… cit., p. 336.
[15] x. L. SABBARESE, «Esclaustrazione, uscita e dimissione dei religiosi dall'istituto», in
Euntes Docete 64 (2011/2), 99-128, p. 114.
[16] x. PHANXICÔ,
Sứ điệp nhân dịp ngày thế giới cầu cho ơn gọi lần thứ 53, xem tại: http://vietcatholic.org/News/Html/181318.htm (mở ngày 05/04/2016).
[17] x. A. GUTIERRES, «La Consacrazione dei religiosi e voti temporanei e voti perpetui», in AA.VV.,
Il nuovo diritto dei religiosi, Editrice Rogate - Roma 1984, 61- 97, p. 73.
[18] x. S. ROSEMARY,
New commentary on the Code of canon law, Paulist Press, New York 2000, p. 820.