LỜI KHẤN THEO GIÁO LUẬT 1983 - Maria Trần Thị Tố Oanh

Thứ bảy - 06/02/2016 03:47
IMG 9580 1
IMG 9580 1
 
LỜI KHẤN THEO GIÁO LUẬT 1983
 
Trên bình diện pháp lý lời khấn dòng là một yếu tố cốt yếu để có thể được Giáo hội công nhận như một bậc sống tu trì. Điều 207§2 của Giáo luật 1983 khẳng định như sau: trong cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân có những kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và phục vụ sứ mạng cứu độ của Giáo hội do việc tuyên giữ các lời khuyên phúc âm hoặc những mối ràng buộc thánh khác được Giáo hội phê chuẩn và công nhận (đ. 207§2). Bậc sống của họ thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội (đ. 574§1). Do đó việc tuyên khấn được coi như một hành vi pháp lý bao gồm những yếu tố thiết yếu là nội dung lời khấn và những kết quả pháp lý đi kèm theo việc khấn dòng và được thực hiện bởi khấn sinh có tư cách (đ. 124).
Bài viết trình bày 3 yếu tố mang tính pháp lý liên quan đến lời khấn như sau: 1) chủ thể có tư cách, 2) bản chất và phân loại lời khấn, 3) hiệu quả của của lời khấn.

I. CHỦ THỂ CÓ TƯ CÁCH

Khi tuyên khấn Giáo hội đòi khấn sinh phải hiểu biết đầy đủ về bậc sống mà họ muốn dấn thân vào và tự do để chọn lựa bậc sống này.
1. Một sự hiểu biết
 Ngay phần khởi đầu của chương 3 về việc thâu nhận ứng sinh và đào tạo các tu sĩ nhà làm luật đã đề nghị các bề trên chỉ nhận vào dòng các ứng sinh có một sự trưởng thành đủ. Giáo hội không yêu cầu một sự trưởng thành trọn vẹn, nhưng ở mức đủ bởi vì các ứng sinh phải đảm nhận một nếp sống thực sự của Tu hội (đ. 642). Và để đạt được điều này Giáo hội đòi hỏi mục đích của nhà tập là làm sao giúp cho các tập sinh có được một nhận thức về ơn gọi thần linh và ơn gọi của riêng Tu hội (đ. 646). Trong thời gian tập viện tập sinh phải hoàn thành giai đoạn mà trong đó mỗi một ứng sinh cảm nhận về ơn gọi từ phía Thiên Chúa, và đạt đến sự trưởng thành về nhân bản và tâm linh là những yếu tố giúp cho ứng sinh đáp lại lời mời gọi với đầy đủ tự do và trách nhiệm[1].
Một khía cạnh quan trọng khác mà Giáo luật nói tới với một sự quan tâm lớn đó là độ tuổi. Với độ tuổi người ta có thể có một sự nhận thức và có một quyết định với tất cả những điều kiện của một con người, nghĩa là việc sử dụng trí khôn (uso di ragione) và khả năng hành động (capacità d'agire). Độ tuổi vị thành niên được xác định trong giáo luật hiện thời là 18 tuổi trọn (đ. 97). Đây cũng là độ tuổi mà Giáo hội yêu cầu cho những ứng sinh tuyên khấn lần đầu (đ. 656), và dĩ nhiên độ tuổi cho nhà tập sinh là 17 (đ. 643).
2. Một giao ước tự do
Giữa người bước vào đời tu và Tu hội phải có một giao ước như chứng từ của sự tự do ưng thuận giữa đôi bên. Giao ước này được diễn tả qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm. Đối với một tu sĩ sự ràng buộc được gắn kết sau khi mãn nhà tập và kéo dài trong giai đoạn thử luyện hay còn gọi thời gian khấn tạm, và được nới rộng cho đến khi tuyên khấn trọn đời[2]. Phương diện pháp lý của lời khấn như hệ quả của giao ước được diễn tả trong hiến pháp riêng của mỗi Tu hội, và mỗi bên phải có những đáp ứng cần thiết tương ứng. Mỗi một ứng sinh phải có trách nhiệm về những điều mình làm, và dĩ nhiên phải có tự do.Vì điều này mà giáo luật đã nói rõ lời khấn được làm vì sợ hãi nghiêm trọng, vì bất công hay vì man trá thì vô hiệu do luật định (per il diritto stesso) (đ. 1191§3).
Sự tự do còn được thể hiện khi giáo luật dành cho tu sĩ những thời điểm để quyết định một hành vi mang tính pháp lý. Sự tự do này được xác định trong chương 6, tiết 2 về việc rời bỏ Tu hội. Thành viên nào muốn rời bỏ Tu hội khi mãn hạn giữ lời khấn, thì đều có thể rời bỏ Tu hội (đ. 688§1). Hoặc khi mãn thời gian giữ lời khấn, tu sĩ nào tự ý xin khấn và được xét là có khả năng xứng hợp, thì phải được nhận cho tái khấn hoặc cho khấn trọn đời, nếu không thì phải ra khỏi Tu hội (đ. 657§1).
Ngoài sự tự do chọn lựa của khấn sinh, về phía Tu hội, giáo luật dành cho bề trên quyền nhận xét và cho khấn. Việc nhận cho khấn này được thực hiện do bề trên có thẩm quyền với sự biểu quyết của ban cố vấn (đ. 656). Lời khấn tạm phải được thực hiện trong khoảng một thời gian do luật riêng ấn định, thời gian ấy không được dưới ba năm và không được quá sáu năm (đ. 655). Bề trên có thể kéo dài thời gian khấn tạm đến chín năm và luôn theo qui tắc luật riêng của Tu hội (đ. 657§2). Ngoài ra khi mãn hạn giữ lời khấn tạm, giáo luật cũng dự trù trường hợp nếu có những lý do chính đáng, một thành viên có thể bị loại bỏ không cho khấn tiếp (đ. 689§1).

 
II. BẢN CHẤT VÀ PHÂN LOẠI LỜI KHẤN

1. Bản chất lời khấn
Điều 1191§1 của giáo luật 1983 định nghĩa lời khấn là lời hứa có suy nghĩ và tự do với Thiên Chúa về một ích lợi khả thi và tốt hơn; vì thuộc về nhân đức thờ phượng, nên một khi đã tuyên hứa, lời khấn phải được thực hiện. Cũng trong khoản hai của điều luật này, các nhà làm luật đề cập đến khả năng của lý trí. Người khấn phải có lý trí một cách đầy đủ để lời khấn có hiệu lực. Trừ khi bị luật cấm, tất cả mọi người biết sử dụng đủ trí khôn, đều có thể khấn (đ. 1191§2).
Bàn về chủ thể của hành vi Giáo hội đòi hỏi một người như một chủ thể đủ năng cách, nghĩa là có đủ các điều kiện yêu cầu và tránh đi những hà tỳ làm cho lời khấn vô hiệu: do sự thiếu sử dụng trí khôn, do man trá, do sự vô tri, do lầm lẫn, do bạo lực hoặc do sự sợ hãi ngăn trở đương sự thực hiện một quyết định với việc sử dụng sự hiểu biết và tự do (đ. 1191§3). Sự quyết định của việc khấn dòng bao gồm sự hiểu biết đầy đủ về nội dung của lời hứa và những nghĩa vụ đòi buộc theo sau. Sự quyết định hoàn hảo cần đến một sự tự do tuyệt đối[3]. Do đó ai tuyên khấn với sự vô tri tự bản chất (ignoranza sostanziale) và sự nhầm lẫn tự bản chất (errore sostanziale) thì cả hai đều làm vô hiệu hóa lời khấn.
Bàn về nội dung lời khấn Giáo hội yêu cầu rằng lời khấn phải là một lợi ích khả thi và tốt hơn, nghĩa là phải khấn với Thiên Chúa một điều gì tốt lành hơn, nhưng phù hợp với khả năng con người. Một lời khấn sẽ không có hiệu lực nếu như lời khấn ấy không thể thực hiện được xét về yếu tố thể lý cũng như tinh thần[4]. Một lời khấn là lời hứa được làm cho Thiên chúa tối cao, chứ không phải làm cho con người, đó là một hành vi tôn giáo. Hành vi này như một yếu tố chính yếu và quan trọng nhất làm nên đặc tính của lời khấn[5].  
2. Phân loại
  Trong điều 1192§1 của giáo luật hiện thời lời khấn được xem xét như hai loại: lời khấn công nếu được bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội, nếu không thì lời khấn là tư. Điều khoản này trình bày hai yếu tố cần có để thực hiện một lời khấn công: hình ảnh bề trên của Tu hội và trong danh Giáo hội. Hai khía cạnh này là những yếu tố thiết yếu của lời khấn được coi như là lời khấn công. Nếu thiếu một trong hai thì không thể được xem là lời khấn công. Lời khấn này không phải là được làm công khai hay nhiều người biết đến mà là được làm trước Giáo hội (coram ecclesia). Thực vậy "với quyền hành Thiên Chúa ban, chính Giáo hội nhận lời tuyên khấn của các tu sĩ, dâng lời cầu nguyện chung xin Chúa trợ giúp và ban ân sủng cho họ, phó thác họ cho Thiên Chúa, và ban phúc lành thiêng liêng cho họ bằng cách kết hợp sự dâng hiến của họ vào Hy lễ tạ ơn"[6]. Như thế lời khấn công cần thiết được chấp nhận từ Giáo hội qua vị bề trên nhận lời khấn nhân danh Giáo hội. Ngược lại là một lời khấn tư nếu chỉ được thực hiện trước mặt Thiên Chúa (coram Deo).
Đối với Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ cả hai đều không có lời khấn công. Đây là điều khác biệt rất quan trọng giữa Tu hội (Istituto religioso), Tu hội đời (Istituto secolare) và Tu đoàn tông đồ tự bản chất. Với Tu hội đời Giáo hội xác định bậc sống của các thành viên thuộc Tu hội đời như người sống đời thánh hiến trong Giáo hội qua các mối ràng buộc thánh (đ. 207§2 và đ. 573§2). Do đó điều 712 đòi hỏi hiến pháp của mỗi Tu hội phải ấn định rõ mối ràng buộc thánh, nhờ đó các lời khuyên phúc âm được đảm nhận. Khi thời gian thử luyện đã mãn, ứng sinh nào được xét là có khả năng xứng hợp thì phải đảm nhận ba lời khuyên phúc âm được đóng ấn bằng một mối ràng buộc thánh này (đ. 723). Đối với các Tu đoàn tông đồ, điều 731§2 xác định có những Tu đoàn tông đồ trong đó các thành viên đảm nhận các lời khuyên phúc âm bằng một mối ràng buộc nào đó. Qua những qui tắc của điều luật trên Giáo hội công nhận những ràng buộc này như một đặc điểm mang tính pháp lý của một vài Tu đoàn tông đồ[7] bởi vì những thành viên trong các Tu đoàn đã đảm nhận lời khuyên phúc âm bằng một mối ràng buộc phải sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo như qui tắc của các điều 598-602 (x. đ. 732). Như vậy trong các Tu hội đời và Tu đoàn tông đồ mối ràng buộc thánh hay một ràng buộc nào đó không phải là lời khấn công nhưng Giáo hội công nhận và chuẩn y những ràng buộc này trong hiến pháp riêng của mỗi Tu hội và Tu đoàn.
Giáo luật nói về lời khấn công như dây ràng buộc liên kết với bản chất của dòng tu, và từ đó chúng ta có lời khấn công vĩnh viễn hay tạm thời (đ. 607§2). Với việc vĩnh khấn, một tu sĩ sẽ giữ cho đến trọn đời lời khấn mà mình tuyên khấn. Ngược lại những lời khấn tạm có một mục đích như giai đoạn để chuẩn bị cho một sự viên mãn hoặc chỉ có nhiệm vụ để đổi mới lời khấn. Tính tạm thời của lời khấn không phải là cuộc thử nghiệm, nhưng ai dấn thân tuyên hứa phải có nguyện vọng tuân giữ trọn đời và không bị giới hạn trong thời gian[8]. Thật vậy không ai có thể được nhận cho tuyên lời khấn lần đầu nếu không có một sự chắc chắn mang tính luân lý về ơn gọi thần linh và về sự liên tục của ơn gọi[9].
Trong khoản 2 của điều 1192 nhà làm luật giữ cách phân loại truyền thống của lời khấn: là lời khấn trọng nếu đươc Giáo hội công nhận như vậy, nếu không thì lời khấn đơn. Về kết quả pháp lý chúng ta không còn thấy phân biệt hai loại lời khấn này trong giáo luật 1983. Trước đây trong giáo luật 1917 điều 488 lời khấn trọng được tuyên khấn trong các dòng tu (Ordine religioso), và lời khấn đơn được tuyên khấn trong các hội dòng (Congregazione). Với giáo luật hiện thời không còn phân biệt gì hai loại lời khấn này nhưng để biết được lời khấn trọng và khấn đơn thì cần phải nhìn vào luật riêng của mỗi Tu hội.     
Ngoài ra người ta cũng thấy xuất hiện lời khấn đổi mới mang tính vĩnh viễn[10]. Trong một vài cộng đoàn tu sĩ tuyên khấn lời khấn thuộc về một năm và các tu sĩ lặp lại lời khấn này mỗi một năm vào một ngày cố định. Trong những cộng đoàn đó người ta không cho tuyên khấn những người không kiên trì cho đến chết trong đời sống tu trì, và ai đọc lời khấn cũng có cùng một quyết định mang tính vĩnh viễn như vậy[11]. Như thế dù là nhắc lại hằng năm hay khấn một lần cho tất cả thì tính bền vững và vĩnh viễn của lời khấn luôn là yếu tố nền tảng của đời sống thánh hiến[12].

III. HIỆU QUẢ CỦA LỜI KHẤN

Ngoài sự thánh hiến, hiệu quả của lời khấn qua việc khấn dòng theo qui tắc của điều 654 là sự gia nhập vào Tu hội và thủ đắc những quyền lợi và bổn phận mang tính pháp lý. Sự gia nhập này diễn tả sự thuộc về Tu hội và tạo nên đặc tính của nó là đời sống chung.
1. Sự thuộc về Tu hội
Có thể nói rằng cảm thức thuộc về là hoa trái của ơn gọi bởi vì ơn gọi là yếu tố nền tảng để hiểu được một sự lệ thuộc của một người vào một Tu hội. Thiên Chúa đã khởi sự và thúc đẩy một người hướng về một Tu hội xác định, và trong Tu hội đó người này được hội nhập vào khát vọng nền tảng mà cảm thấy muốn trao dâng cho Chúa và anh em[13]. Lúc này ơn gọi cá nhân được xác định trong một Tu hội và được lớn lên. Người ta chỉ có được cảm thức thuộc về khi cảm nghiệm được họ như một phần của Tu hội.
Khi thuộc về Tu hội, người tu sĩ cần phải duy trì mãi thái độ muốn thuộc về này ngang qua việc thực hành hiến luật dòng với sự bền bỉ. Bởi vì nội dung của hiến luật chính là sự phản tỉnh về đặc sủng và kế hoạch của Đấng sáng lập. Tuân giữ hiến luật dòng đồng nghĩa với việc làm sống dậy đặc sủng của Đấng sáng lập và làm cho Tu hội luôn có thể diễn tả trung thành đặc sủng đó. Điều này đòi người tu sĩ phải có một sự hiểu biết về đặc sủng của Đấng sáng lập, về hiến luật riêng của Tu hội và sự trung thành với hiến luật ấy. 
Giáo luật hiện thời bàn đến nội dung luật riêng của mỗi Tu hội cần phải có những qui tắc về việc quản trị, về kỷ luật của các thành viên, về việc thâu nhận và đào tạo cũng như về đối tượng của dây ràng buộc thánh (đ. 587§1). Riêng về điểm sau cùng này Giáo hội đã dành cho mỗi Tu hội một khoảng rất lớn qua việc thiết lập trong hiến pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên phúc âm khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục (đ. 598§1). Mỗi một tu sĩ được mời gọi xem xét một cách nghiêm túc những ràng buộc đã khấn hứa với Chúa, cố gắng chuyên cần tuân giữ và tuân theo luật lệ của chính Tu hội.
Giáo hội đề nghị mỗi một Tu hội trở về với tinh thần của Đấng sáng lập một cách thường xuyên. Đặc biệt trong sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì Giáo hội mời gọi mỗi Tu hội phải trung thành đón nhận và tuân giữ ý hướng đặc biệt của Đấng sáng lập nhằm mưu ích cho Giáo hội[14]. Nhiệm vụ nền tảng của tất cả các thành viên là gìn giữ ý hướng và chủ trương của Đấng sáng lập (x. đ. 578). Sự hài hòa giữa kỷ luật và tinh thần của Đấng sáng lập phải giúp các thành viên lớn lên về tinh thần, làm sao cho mỗi tu sĩ phải cảm nghiệm thấy sự thích ứng phù hợp với chính ơn gọi của mình trong gia sản của Tu hội. 
Sự trung thành với đặc sủng là điều rất căn bản cho đời sống thánh hiến. Mỗi một Tu hội có đặc sủng riêng biệt, có một sứ mạng đặc biệt và một cơ cấu nền tảng. Khi các cơ cấu này được diễn tả ra thì cũng là lúc ân sủng nguyên thủy là hồng ân của Chúa Thánh Thần dành cho Giáo hội được gìn giữ nguyên vẹn[15]. Như vậy khi nói đến trung thành với đặc sủng cũng là nói đến trung thành với Thánh Thần, Người đang hành động trong Giáo hội ngang qua đặc sủng cho Đấng sáng lập dòng. Thật vậy trung thành với đặc sủng là điều cần thiết để trung thành với những đặc tính nền tảng của đời thánh hiến và bản tính riêng biệt của mỗi Tu hội.
2. Đời sống chung huynh đệ
Đời sống chung huynh đệ rất quan trọng nhưng không phải là một yếu tố cốt yếu của sự thánh hiến trong việc làm nên bản chất của lời khấn dòng. Đời sống cộng đoàn chỉ là yếu tố mang tính tổ chức vì đời sống đó đến sau sự khai sinh và sự thiết lập đời sống tu trì. Tuy nhiên trong giáo luật hiện nay đời sống chung huynh đệ là một yếu tố đặc thù của các hội dòng. Giáo luật đã nối kết định nghĩa của đời sống chung vào chính định nghĩa của hội dòng là một hiệp hội trong đó các thành viên tuyên giữ các lời khấn công vĩnh viễn hay tạm thời, nhưng họ phải tuyên khấn lại khi mãn hạn và chung sống đời huynh đệ (đ. 607§2). Cũng cần lưu ý rằng ý hướng của các nhà làm luật phải là sống đời huynh đệ, bản chất của đời sống này là một gia đình trong đó các tu sĩ nhận được sự trợ giúp hỗ tương để thực hiện ơn gọi riêng của mình[16].
Thật cần thiết để nhấn mạnh đến sự hiệp thông của cộng đoàn trong chiều kích chứng tá. Cộng đoàn tu trì phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiệp thông huynh đệ là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà người ta có thể kinh nghiệm được sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục sinh[17]. Sự hiệp thông thực sự cần đến sự hiệp nhất trong đời sống, trong cầu nguyện và trong việc tông đồ. Mỗi tu sĩ trở nên những chuyên viên và dấu chỉ của sự hiệp thông khi sống đúng các chiều kích này trong cộng đoàn. Sống được vậy "đời sống huynh đệ là chỗ tốt nhất để nhận định và đón nhận ý Thiên Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau"[18], bởi vì trong cộng đoàn các tu sĩ trở thành anh em và chị em của nhau như anh chị em trong cùng một gia đình và họ hạnh phúc trong tình thân sống đời huynh đệ.
Trong cộng đoàn tu sĩ cũng cần sống chiều sâu của trách nhiệm là khả năng suy nghĩ và đảm nhận những hành động với kết quả của chúng và dám trả lời với lương tâm của mình, với những người khác và với Thiên Chúa. Mỗi một cộng đoàn phải sống những giá trị, những cách thế hành động của đời sống thánh hiến. Vì điểm chính yếu và nền tảng của sự thuộc về chính là sự gia nhập vào Tu hội, do đó ngoài một sự hiểu biết chắc chắn về Tu hội và phải có sự hợp tác giữa các thành viên với bề trên và giữa các thành viên với nhau. Mỗi người trong vai trò và sứ mạng của mình có thể cùng nhau xây dựng Tu hội và ngày càng làm lộ rõ hơn sự phong phú gia sản thiêng liêng. Sự hợp tác song phương giúp các tu sĩ sống trong tinh thần đồng trách nhiệm. Và đây cũng là một đặc tính cao quý của đời sống hiệp thông.
3. Quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến khấn dòng
Qua việc tuyên hứa các lời khuyên phúc âm tu sĩ được gia nhập vào Tu hội với những quyền lợi và những bổn phận mang tính pháp lý phù hợp với hiến luật dòng.
Đời sống tinh thần
Trước tiên các tu sĩ phải coi việc đi theo Đức Kitô do Phúc Âm đề ra và được trình bày trong hiến pháp của Tu hội là luật tối thượng của đời sống (đ. 662). Việc bước theo này là chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu trong chính điều kiện riêng biệt, do vậy các tu sĩ cần nếm cảm được Chúa Giêsu, hiện diện với Ngài và lắng nghe Lời Ngài. Với ý hướng này công đồng Vaticano II ngỏ lời với những ai đã khấn hứa các lời khuyên phúc âm đều tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự[19]. Cùng trong thao thức đó Đức Thánh Cha Phaolo VI khuyên khích mỗi Tu hội dành cho đời sống cầu nguyện một chỗ đứng trước tiên trong hiến luật của mình[20]. Ngài nhấn mạnh đến đời sống cầu nguyện của đời thánh hiến như một sức mạnh để bước theo Đức Kitô một cách bền vững và mang tính quyết định. Thực vậy trong lịch sử chứng thực sự trung thành trong cầu nguyện hay sự chểnh mảng là thước đo cho sự triển nở hay sự xuống dốc của đời tu[21].
Để có được tình yêu và sự hăng say trong đời sống nội tâm bổn phận hàng đầu và đặc biệt của tu sĩ là chiêm ngắm những thực tại thần linh và kết hợp liên lỉ với Ngài trong cầu nguyện (đ. 663§1). Hơn nữa các tu sĩ phải tham dự Hiến lễ tạ ơn hàng ngày, chuyên cần đọc Kinh Thánh, thực hành tâm nguyện, cử hành các giờ kinh Phụng vụ và thực hành các việc đạo đức khác (đ. 663§2,4). Các thành viên được mời gọi phải đặc biệt tôn kính Đức Maria như mẫu gương của đời Thánh hiến với việc lần hạt Mân Côi. Bên cạnh đó Giáo hội khuyên các tu sĩ kiên trì hướng tâm hồn lên Chúa, phải xét mình hằng ngày và thường xuyên lãnh nhận bí tích sám hối (đ. 664).
Đời sống chứng tá trong cộng đoàn
Điều 665 qui định tu sĩ phải sống tại nhà dòng và không thể vắng mặt nếu không có phép của Bề trên. Sự bắt buộc sống trong chính nhà dòng giúp cho các thành viên sống đời sống chung huynh đệ. Điều luật này cũng bàn đến thẩm quyền của bề trên cho phép một tu sĩ sống ngoài một nhà của Tu hội theo luật riêng. Nếu sự vắng mặt không qúa một năm thì bề trên cao cấp, với sự chấp thuận của ban cố vấn có thể cho phép vì một lý do chính đáng (đ. 665§1).
Giáo hội nhắc nhớ các tu sĩ phải giữ luật nội vi thích hợp với đặc tính và sứ mạng của Tu hội, theo những qui định của luật riêng. Tu hội phải dành một phần của nhà luôn được dành riêng cho các thành viên mà thôi (đ. 667§1). Đối với các đan viện chuyên sống đời chiêm niệm phải tuân giữ nghiêm ngặt hơn luật nội vi. Đối với các đan viện hoàn toàn chuyên sống đời chiêm niệm phải tuân giữ luật nội vi giáo hoàng (đ. 667§2,3). Với các tu sĩ đời sống nội vi phải là hoa trái của một sự trưởng thành chắc chắn và bền vững vì bằng sự tự do tinh thần họ chọn lựa một hình thức sống mà họ có thể gắn bó một cách tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Ngoài ra giáo luật bàn đến việc mang tu phục như một chứng từ của sự thánh hiến. Tu phục trở thành một dấu hiệu của sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và sự trao dâng trọn vẹn cho Chúa Kitô. Thực vậy tu phục là dấu chỉ hữu hình của sự thánh hiến cho Thiên Chúa nên Giáo hội không thể làm mất đi dấu chỉ mà các tu sĩ diễn tả sự thánh hiến cho Ngài. Hơn nữa tu phục còn là dấu chỉ của sự thuộc về một gia đình tu trì chắc chắn, thuộc về một Tu hội[22].  
Đời sống chứng tá và tông đồ
Việc tông đồ trước tiên của tu sĩ là chứng tá của đời sống thánh hiến (đ. 673). Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống thánh hiến tái khẳng định chân lý này khi nói rằng việc tông đồ hiện diện trong chính đời sống tận hiến này[23]. Các Tu hội chiêm niệm luôn luôn có một chỗ đứng nổi bật trong Nhiệm Thể Đức Kitô: hiến dâng lên Thiên Chúa hy lễ ngợi khen tuyệt vời, làm vẻ vang dân Chúa bằng những hoa trái thánh thiện và làm cho dân Chúa phát triển nhờ thành quả của việc tông đồ âm thầm (đ. 674). Đối với những Tu hội dành riêng cho hoạt động tông đồ thì việc tông đồ thuộc về chính bản tính của những Tu hội ấy. Vì thế toàn thể đời sống của các thành viên phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ (đ. 675§1). Các tu sĩ phải tìm thấy sức mạnh cho việc tông đồ bằng việc kết hợp mật thiết với Chúa, đồng thời phải củng cố và hun đúc việc kết hợp ấy (đ. 675§2).
Sự dấn thân cá nhân với lời khấn
Với lời khấn khiết tịnh nhà làm luật khuyên các tu sĩ sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội với sự thận trọng và lưu tâm. Tu sĩ nên tránh những gì có hại cho ơn gọi của họ và gây nguy hiểm cho đức khiết tịnh (đ. 666).
Khi nói đến lời khần khó nghèo giáo luật đề nghị tu sĩ phải có một hành động cá nhân để quyết định về của cải. Tu sĩ không mất đi sự sở hữu của cải nhưng không thể quản trị và sử dụng nếu không có phép của bề trên hợp pháp. Trước khi khấn lần đầu tu sĩ phải quyết định về việc quản trị tài sản mà tu sĩ đang có, và phải làm giấy chuyển nhượng trước khi khấn trọn đời (đ. 668§1). Trong trường hợp thay đổi những sắp xếp hay làm những hành vi liên quan đến tài sản thì phải có phép của bề trên có thẩm quyền chiếu theo qui tắc của luật riêng (đ. 668§2).
Một tu sĩ khấn trọn, theo qui chế của luật riêng muốn từ chối một phần hay tất cả tài sản thì cũng phải có phép của bề trên tổng quyền (đ. 668§4). Một tu sĩ đã từ bỏ hoàn toàn tài sản của mình, do bản chất của Tu hội, mất đi khả năng thủ đắc và chấp hữu tài sản, vì thế những hành vi ngược với lời khấn khó nghèo do tu sĩ ấy thực hiện sẽ vô hiệu (đ. 668§5). 
Quyền được chuyển sang một Tu hội khác hay một tu đoàn tông đồ
  Mỗi tu sĩ đã khấn dòng có một mối dây ràng buộc giữa Tu hội và tu sĩ ấy. Mối ràng buộc này có thể được thay đổi hay được tháo gỡ do việc chuyển sang một Tu hội khác hay một tu đoàn tông đồ. Nhà làm luật bàn đến quyền này của tu sĩ trong giáo luật bởi vì tu sĩ vẫn còn là một người đang bước trên lộ trình, có thể còn có sự thay đổi. Quyền chuyển sang một Tu hội khác hay một tu đoàn tông đồ hợp lệ cho mọi tu sĩ (đ. 684-685).
   
  
 
[1] x. J. ESPINOZA, Perseveranza e misericordia: due risposte alla crisi di un religioso chierico, la dispensa dall’ordine sacro e dai voti perpetui, Pontificium Athenaeum Antonianum, Romae 2003, p. 92-93.
[2] x. SACRA CONGREGAZIONE PER I RELIGIOSI E GLI ISTITUTI SECOLARI, Istruzione Renovationis Causam  (6 gennaio 1969): AAS 61 (1969), 103-120, 34. II.
[3] x. G. RINALDI,  «I voti religiosi», in Vita Consacrata 4 (1968), 107-124, p. 115-116; x. D. ANDRÉS, Le forme di vita consacrata, commentario teologico giuridico al Codice di diritto canonico, Ediurcla, Roma 2008, p. 103; x. V. DE PAOLIS - A. D’AURIA, Le norme generali, commento al Codice di Diritto canonico- libro primo, Urbaniana Università Press, Roma 2008, p. 346.
[4] x.  RINALDI, «I voti religiosi», cit., p. 115.
[5] x. J.T. MARTIN DE AGAR, Codice di diritto canonico e leggi complementari - commentato, Coletti a San Pietro, Roma 2010, p. 791.
[6] LG  45.
[7] x. RINCÓN T., Codice di diritto canonico e leggi complementari - commentato, Coletti a San Pietro, Roma 2010, p. 514.
[8] x. E. GAMBARI, Il nuovo Codice e la vita religiosa, Editrice Ancora, Milano 1984, p. 32; x. J. KHOURY, Corpus Iuris Canonici I - Commento al Codice di Diritto canonico, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2001, p. 368.
[9] x. KHOURY, Corpus Iuris Canonici I…, cit., p. 406; x. G. GHIRLANDA, Il diritto nella Chiesa Mistero di comunione, compendio di diritto ecclesiale, Edizione Paoline, Torino 1990, p. 200.
[10] X. A. D'AURIA, Libertà del fedele e scelta della vocazione - La tutela giuridica del can. 219 C.I.C., Urbaniana University Press, Roma 2012, p. 99.
[11] x. P. PROVERA, Voti e consacrazione, Marietti, Torino 1969, p. 22.
[12] x. F. D'OSTILIO, Prontuario del codice di diritto canonico, Tavole sinottiche, Libreria Editrice Vaticana, Città Del Vaticano 1994, p. 263.
[13] x. F. GIORGINI, «Incentivare il sentimento di appartenenza all'istituto», in Informationes SCRIS 29 (2003), 74-95, p. 78.
[14] x. PC 2b.
[15] x. J. BEYER, «I religiosi nella Chiesa», in Vita Consacrata 12 (1976), 1-16, p. 1. 
[16] x. A. CALABRESE, Gli istituti religiosi: Lineamenti di diritto canonico, Fonti vive, Roma 1986, p. 86-87.
[17] x. VC 42.
[18] VC 92.
[19] x. PC 6.
[20] x. ET 45.
[21] x. ET 42.
[22] x. đ.669; x. VC 25.
[23] x. SINODO DEI VESCOVI, Proposte del Sinodo per la vita consacrata (28 ottobre 1994), in LORA Erminio (a cura di), Enchiridion Della Vita Consacrata. Dalle decretali al rinnovamento post-conciliare (385-2000), Ancora Editrice, Milano 2001, 3095-3149, 7.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay863
  • Tháng hiện tại20,802
  • Tổng lượt truy cập11,104,652
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi