NIỀM VUI DÂNG HIẾN - Maria Trần Thị Tố Oanh
Lm JB Dũng
2018-06-07T05:38:56-04:00
2018-06-07T05:38:56-04:00
https://giaoluatconggiao.com/doi-song-thanh-hien/niem-vui-dang-hien-179.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 07/06/2018 05:32
NIỀM VUI DÂNG HIẾN
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn Gaudete et Exultate vào ngày 19 tháng 03 năm 2018. Ngài ước mong Tông huấn này sẽ trở thành luồng gió mới thổi vào Giáo hội hầu làm mới lại và tăng trưởng khát vọng thánh thiện. Sự thánh thiện theo Đức Phanxicô là con đường nên thánh thật giản dị, cụ thể và gần gũi với đời sống con người. Việc nên thánh không xa rời cuộc sống, nhưng "tất cả chúng ta được kêu gọi trở thành những vị thánh qua việc mỗi người sống tình yêu và hiến dâng chính sự làm chứng trong những bận tâm từng ngày, tại nơi mà họ sinh sống"[1]. Cách riêng đối với tu sĩ, Đức thánh cha viết: "Bạn là nữ tu hay nam tu? Hãy là một vị thánh bằng việc sống vui vẻ sự dâng hiến của mình"[2]. Vậy tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại nhấn mạnh đến sự thánh thiện của tu sĩ là sự dâng hiến trong niềm vui?
Để làm rõ vấn đề trên, chúng ta có thể nghĩ đến bản chất của đời thánh hiến trong khía cạnh thần học và pháp lý như sau: 1) đời sống thánh hiến là một ân ban; 2) đời sống thánh hiến được thực hiện trong một tu hội do Giáo hội thiết lập; 3) sứ mạng mở mang Nước Chúa của đời thánh hiến.
- Đời sống thánh hiến là một ân ban
Ngay từ hồi Giáo hội sơ khai có rất nhiều người nam nữ tự nguyện bước theo Chúa Giêsu bằng một nếp sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục để hiến thân cho Nước Chúa. Công Đồng Vaticano II nhấn mạnh đến bậc sống này được khởi phát từ lời dạy và gương sáng của Chúa Giêsu[3], được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội[4]. Một bậc sống mà Giáo hội luôn trân trọng để mỗi kitô hữu được tự do chọn lựa mà không phải chịu bất kỳ một sự cưỡng bách nào (đ.219). Như vậy, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ trở thành những dấu chỉ rạng ngời của vinh quang Nước Trời (đ.573§1). Một khi đã hiến thân cho Chúa và Nước của Ngài, tu sĩ cũng được mời gọi xây dựng Giáo hội của Chúa. Một cách cụ thể, Đức Thánh cha Phanxicô đã sánh ví các tu sĩ như là những nhà truyền giáo nhiệt tâm[5].
Bậc sống thánh hiến là một ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa dành cho những ai Ngài muốn kêu gọi. Vì thế, với mỗi tu sĩ, Giáo hội mời gọi "Hãy chăm lo để luôn bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã trao ban, và thăng tiến luôn mãi để làm cho sự thánh thiện của Giáo hội nên phong phú hơn"[6]. Thiết tưởng khi cảm nghiệm một lối sống qua việc thực hành những lời khuyên Phúc Âm là một tặng phẩm của Thiên Chúa mà Giáo hội nhận lãnh từ Chúa Giêsu[7]; là một ân huệ của của Ba Ngôi Chí Thánh[8] thì tu sĩ không thể không cảm thấy đây là một niềm vui!
Việc nên thánh qua việc sống các lời khuyên Phúc Âm là một sự hiến dâng thật sự chính con người của mình vì cả ba lời khuyên này giúp tu sĩ theo sát Chúa Kitô hơn và thoát khỏi những gì ngăn trở họ không nhiệt tâm yêu mến Thiên Chúa. Thế nhưng, cách thức thực hiện các lời khuyên này lại được qui định trong hiếp pháp của từng tu hội theo cách thức riêng của mình (đ.598§1). Đây cũng là nét phong phú trong Giáo hội của Chúa[9].
- Đời sống thánh hiến được thực hiện trong một tu hội do Giáo hội thiết lập
Đời sống thánh hiến được khởi sự từ Thiên Chúa nhưng từ phía con người cần có một lời đáp trả tự do và đầy trách nhiệm.Với sự gia nhập vào một tu hội bằng những lời khấn hoặc bằng những mối ràng buộc thánh khác người tu sĩ muốn nói lên ý chí bước theo Chúa. Ngang qua việc khấn dòng, tu sĩ được thánh hiến cho Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Giáo hội, được gia nhập vào một tu hội, với những quyền lợi cũng như bổn phận do luật quy định (đ.654).
Sự gia nhập vào một tu hội, một tu hội được Giáo hội thiết lập, là yếu tố cần thiết để làm cho đời sống tu sĩ được kết hợp cách đặc biệt với Giáo hội và với mầu nhiệm Giáo hội nhờ đức ái mà các lời khuyên Phúc Âm dẫn tới (đ.573§2). Do đó, sứ vụ của mỗi một tu sĩ ngoài việc tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, họ cũng lo việc xây dựng Giáo hội và cho phần rỗi thế giới (đ.573§1). Từ nay, tu sĩ gánh lấy sứ mạng của Giáo hội bởi chính đời sống của họ được tham gia vào đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. Ở điểm này, Giáo hội tha thiết mời gọi mọi người trong Giáo hội khích lệ và cổ vũ bậc sống này (đ.574§1).
Niềm vui trong sự dâng hiến của tu sĩ là có Chúa và Giáo hội cùng đồng hành. Hồng ân thánh hiến của Thiên Chúa dành cho một con người được lớn lên và phát triển trong một tu hội do chính Giáo hội thiết lập, quan tâm và mời gọi cộng tác. Do đó, tu sĩ luôn góp phần vào sứ mạng cứu rỗi của Giáo hội, theo mục tiêu và tinh thần của tu hội (đ.574§2).
- Sứ mạng mở Nước Chúa của đời thánh hiến
Có thể nói rằng không có tu sĩ nào sống ngoài Giáo hội bởi vì ơn gọi sống đời thánh hiến được Thiên Chúa ban tặng cho Giáo hội và trong Giáo hội. Đời sống này được lớn lên trong sự quan tâm và hướng dẫn của Giáo hội. Đồng thời, vì tham dự vào đời sống của Giáo hội nên mỗi tu sĩ được mời gọi tham dự vào chính bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Việc truyền giáo là làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa. Một cách rõ nét, Đức Thánh Cha Gioan II đã nêu lên hình ảnh những con người theo sát Đức Giêsu được thánh hiến để bắt chước gương Người và tiếp tục sứ mạng của Người. Do vậy, "chính đời thánh hiến trở thành một sứ mạng, như cả cuộc đời Đức Giêsu đã là một sứ mạng"[10].
Con người thời nay mong ước được nghe các chứng nhân hơn thầy dậy[11]. Lời giáo huấn của Đức Thánh Cha Phaolo VI một lần nữa giúp các tu sĩ thực hiện sứ mạng loan báo Nước Chúa trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống thánh hiến của họ (đ.673). Trong khi thực thi đòi hỏi của các lời khuyên Phúc Âm, họ trở nên chứng từ nổi bật và ngoại thường cho thấy người ta không thể dâng hiến cho Thiên Chúa mà không có tinh thần của các mối phúc[12]. Ngoài ra, Giáo hội giới thiệu đời sống thánh hiến, ngang qua các lời khuyên Phúc Âm như dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội, dấu chỉ mang tính ngôn sứ cho thời đại[13] và dấu chỉ sống động của Thiên Chúa[14] và sự hiện diện của Người[15]. Dấu chỉ này là dấu chứng toàn bộ đời sống được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc bước theo Đức Kitô và phục vụ Giáo hội (đ.573§1).
Tự bản chất đời sống thánh hiến là một chứng tá diễn tả cho thế giới về tình yêu của Thiên Chúa[16]. Vì được gọi từ Thiên Chúa vào bậc sống tu trì nên các tu sĩ là những nhà truyền giáo được Thiên Chúa chọn lựa.
THAY LỜI KẾT
Việc nên thánh là sứ mạng hàng đầu của tu sĩ bởi đây chính là bản chất của đời sống thánh hiến, đó chính là sự tham gia vào sự thánh hiện của Giáo hội. Việc nên thánh qua lối sống vui tươi sự dâng hiến của mình là lời mời gọi thiết thực của Đức Thánh cha Phanxicô dành cho từng tu sĩ. Ngài luôn nói rằng ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui. Đáp lại lời mời gọi này, tu sĩ cần lắm sự trở về với căn tính đích thực của đời tu, nơi đó, tu sĩ nhận biết được tình yêu của Thiên Chúa.
Thực vậy, Ơn gọi thánh hiến được hình thành, một mặt, do sự chọn gọi của Thiên Chúa với những ai người muốn, mặt khác, do lời đáp trả hoàn toàn tự do của người tu sĩ. Khi xác tín sống đời thánh hiến, tu sĩ chứng tỏ cho mọi người thấy được Hồng ân lớn lao qua việc gia nhập vào một tu hội dưới sự hướng dẫn và quan tâm của mẹ Giáo hội; qua việc cùng Giáo hội diễn tả cho thế giới biết về Chúa, Đấng luôn yêu thương từng người. Ngang qua việc sống các lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ diễn tả cho mọi người thấy được ơn Chúa đang hoạt động trong họ, vì đó là một lối sống đi ngược với các trào lưu ngày nay. Như thánh Phaolo, tu sĩ có thể thốt lên: Ơn Thầy đủ cho con! (x. 2Cr 12,9).
Vâng, để sống triệt để đời sống thánh hiến, người tu sĩ có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa gọi-chọn-sống cùng. Điều đó chính là một niềm vui lớn lao mà mẹ Giáo hội mong muốn ở từng tu sĩ diễn tả ra bên ngoài cho thế giới ngày nay.
[1] Gaudete et Exultate 14.
[2] Gaudete et Exultate 14.
[5] x. Gaudete et Exultate, số 138.
[11] x. Evangelii nuntiandi 41.
[15] x. Redemptionis Donum 8.