ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO - Maria Trần Thị Tố Oanh

Thứ sáu - 01/04/2016 09:51
 

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO

 
"Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28,19). Đón nhận lệnh truyền của Đức Kitô, các môn đệ thời xưa và cũng như các Kitô hữu thời nay luôn luôn sẵn sàng lên đường rao giảng Tin Mừng. Có thể nói, truyền giáo trở nên chính căn tính của Giáo hội. Vì thế, truyền giáo không chỉ mang tính chất thần học, mà còn được thể chế hóa và được diễn tả trong Giáo luật (x. 781). Đối với tu sĩ, điều 783 trong bộ giáo luật 1983 nêu lên nghĩa vụ quan trọng này khi nhấn mạnh đến bổn phận phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo theo tinh thần riêng của mỗi Tu hội. Một cách cụ thể mỗi tu sĩ tham gia vào công cuộc truyền giáo bằng chính đời sống của mình như một dấu chỉ mang tính ngôn sứ qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm (đ. 573§1) và bằng sự tham gia tích cực vào công việc tông đồ mà trước tiên hệ tại ở chứng tá đời sống (đ. 673). Để hiểu rõ nét hơn nghĩa vụ này, bài viết trình bày ba điểm sau: 1) chứng ta đời sống, 2) chứng tá mang tính ngôn sứ, 3) sự tham dự vào công cuộc tân phúc âm hóa.  

1. CHỨNG TÁ ĐỜI SỐNG

Mục đích và nội dung sứ mạng của Đức Kitô chính là chứng tá đời sống của Ngài: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9). Theo gương Đức Giêsu, người thánh hiến làm cho mọi người thấy cuộc sống của mình thuộc về Chúa. Vì thế, chứng tá đời sống chính là việc truyền giáo thuyết phục nhất, và nó được xem là bổn phận hàng đầu của đời sống thánh hiến. Thật vậy đời sống thánh hiến là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban tặng cho Giáo hội. Đời sống này cũng diễn tả cho thế giới thấy được Thiên Chúa đang hiện diện đầy quyền năng và sự trổi vượt của Nước Trời trên mọi sự trần thế[1]. Bằng sự thánh hiến toàn vẹn, đời sống tu trì biểu lộ trong Giáo hội hôn ước kỳ diệu được Thiên Chúa thiết lập như dấu chỉ của thế giới mai sau (đ. 607§1). Do đó, như lời mời gọi của các Bề trên thượng cấp Việt Nam, người tu sĩ không chỉ bằng lòng với việc chọn Đức Kitô làm ý nghĩa của đời mình, Nhưng còn nỗ lực diễn tả lối sống của Con Thiên Chúa khi Người xuống thế làm người[2]. Quả vậy qua đời sống khiết tịnh của tu sĩ, người ta thấy tình yêu ưu việt và vô vị lợi họ dành cho Thiên Chúa và tha nhân; với đời sống khó nghèo cả tinh thần lẫn vật chất để trở nên giống Đức Kitô trở nên nghèo khó vì nhân loại, tu sĩ nói với thế giới vị trí tối hậu của Nước trời; bằng một sự vâng phục trong đức tin và đức ái, tu sĩ nói với thế giới về ý định của Thiên Chúa. 
Trong thời đại chúng ta hôm nay cần đến chứng nhân mà theo Đức Thánh Cha Phaolô VI nhắc đến, đó là sự hiện diện quan trọng của các dòng tu. Sứ vụ của họ rất cần thiết cho Giáo hội. Giáo hội cần đến các chứng tá công khai và mang tính xã hội mà những người thánh hiến trao tặng cho nhân loại[3]. Và ngài nhấn mạnh rằng con người thời nay mong nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy là bởi vì các vị thầy này là những chứng nhân[4]. Trong tông huấn Chứng tá Phúc Âm (Evangelica testificatio) ngài nhấn mạnh đến đời sống tu trì như sự diễn tả một cách rõ nét tình yêu của Thiên Chúa. Ngài viết như sau:
"Suốt dòng lịch sử, Giáo hội không bao giờ ngừng sống động và hoan hỷ vì biết bao nam nữ tu sĩ, khi theo mẫu trọn lành Phúc âm dưới nhiều hình thức khác nhau, đã chứng minh tình yêu vô hạn của Đức Giêsu bằng đời sống của mình. Đối với con người ngày nay, đó lại chẳng phải là một luồng gió sống động từ cõi vô biên thổi tới, như một giải thoát cho chính họ, để họ nhìn thấy viễn tượng hoan lạc vĩnh cửu và tuyệt đối đó ư?"[5].
Trong tông huấn Hồng Ân Cứu Chuộc (Redemptionis Donum) Đức Gioan Phaolô II nêu lên vị trí của đời thánh hiến giữa lòng thế giới như một dấu chỉ đặc biệt nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa[6]. Ngài nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của đời thánh hiến không ở trên bình diện lý thuyết, nhưng các tu sĩ tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô qua việc bước theo Ngài một cách sát hơn và bằng chứng tá bản thân: để cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô[7]. Sự hiện diện của người thánh hiến "giúp cho Giáo hội nhớ lại rằng bổn phận hàng đầu là việc phục vụ Thiên Chúa cách nhưng không"[8]. Với Đức Thánh Cha Benedetto XVI, ngài liên kết ý nghĩa sự hiện hữu của tu sĩ một cách cụ thể với sự dấn thân đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Ngài viết như sau:
 "Khi một môn đệ của Chúa Giêsu đón nhận tiếng gọi thần linh để hiến dâng đời mình cho sứ vụ tư tế hoặc bước vào đời sống thánh hiến, người đó đang diễn tả một trong những hoa trái chín mọng của cộng đoàn Kitô hữu, giúp nhìn về tương lai của Giáo hội và sự dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng với niềm tin tưởng và hy vọng. …Những linh mục nào càng diễn tả sự phong phú của sự dấn thân nhiệt thành thì càng cảm nhận được ý nghĩa đầy tràn của chính sự hiện hữu của mình"[9].
Hơn nữa, đời sống chung của cộng đoàn tu sĩ là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi[10]. Bởi vì cộng đoàn là nơi tu sĩ có thể phân định, đón nhận ý muốn của Thiên Chúa và có thể bước đi cùng nhau trong sự hiệp thông tâm trí. Đồng thời sự hiện diện của một cộng đoàn tu sĩ như một lời loan báo sứ điệp Kitô giáo cách đặc biệt và hiệu nghiệm, như một lời rao giảng sống động và liên tục[11]. Thật vây, cộng đoàn là nơi mà những anh em, chị em khác biệt về ngôn ngữ, tuổi tác, màu da và văn hóa sống chung với nhau và là nơi của niềm hy vọng và của các mối phúc. Cộng đoàn này được mời gọi mang Tin Mừng vào trong thế giới vì người ta nhận biết họ là con của Thiên Chúa và sống tình yêu dâng hiến hướng về Chúa và anh chị em[12]. Nơi đâu các tu sĩ sống hạnh phúc và bình an thì nơi đó có sự hiện diện của sự hiện diện của Thiên Chúa.

2. CHỨNG TÁ MANG TÍNH NGÔN SỨ

Điều 573§1 trình bày đời sống thánh hiến, qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, như dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội, họ tiên báo vinh quang Thiên Quốc. Dấu chỉ này là chính đời sống hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc bước theo Đức Kitô và xây dựng Giáo hội. Khi suy tư về khía cạnh ngôn sứ của người thánh hiến, Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1994 đã khẳng định rằng đời sống thánh hiến tự bản chất là một lời tiên tri nhập thể, bởi vì bằng việc bước theo Đức Kitô, các tu sĩ trở nên câu trả lời mang tính ngôn sứ cho con người thời đại; lời tiên tri nhập thể là sự hiện hữu của tu sĩ làm cho đời sống của họ thành một hành trình của hội nhập Phúc âm tốt hơn[13]. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao sự hiện diện của người thánh hiến trong trong xã hội, vì họ trở nên dấu chỉ của Thiên Chúa trong các môi trường khác biệt và trở nên sức năng động cho việc dấn thân loan báo Tin Mừng[14]. Đặc biệt trong năm 2015 vừa qua ngài đã nêu lên đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến bởi việc bước theo sát Chúa. Nét đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ bởi vì các tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt. Với tính cách ngôn sứ này đời thánh hiến có nhiệm vụ phải thức tỉnh thế giới[15]
Đời sống thánh hiến tham gia vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô, nhờ đó sứ vụ này được thực hiện hóa ngày càng rõ nét. Trong lịch sử Giáo hội không thiếu những người nam và người nữ thánh hiến cho Thiên Chúa, nhờ đặc ân riêng của Thánh Thần, họ thi hành sứ vụ ngôn sứ chân chính nhân Danh Thiên Chúa[16]. Nhiệm vụ mang tính ngôn sứ của đời thánh hiến là nhắc nhở và phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Kế hoạch của Thiên Chúa có khi được diễn tả ngược lại với những điều thế gian yêu thích. Ngày nay thế giới đang có quá nhiều sự biến đổi của những giá trị tinh thần cũng như vật chất thì tu sĩ chọn sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục vì Nước Trời. Do đó, ba lời khuyên là ba thách đố của Giáo hội: những thách đố đến từ chính những hình thức mới của xã hội đương đại[17]. Đối diện với sự khiêu khích của thuyết duy vật, một cách sống hướng về sự chiếm hữu và tôn phong vật chất, người tu sĩ khấn khó nghèo và chọn một lối sống thanh thoát với của cải vật chất. Họ hướng về việc đồng hành với những người nghèo và cố gắng nhiều trong sự hiệp nhất và tình bác ái; đối diện với chủ nghĩa cá nhân, một cách sống hưởng thụ và qui hướng về mình, tu sĩ chọn sống vâng phục. Họ từ bỏ ý mình để tìm ý Chúa qua ý muốn của các bề trên; sau cùng, với thách đố của chủ nghĩa khoái lạc, một trào lưu luôn muốn đưa tình dục ra khỏi những nguyên tắc luân lý và dẫn vào những lối ăn chơi và hưởng thụ, người tu sĩ sống khiết tịnh. Họ muốn dành trọn tình yêu cho Đức Giêsu mà họ đang bước theo và từ đó họ được thúc đẩy dấn thân cho việc phục vụ Giáo hội.   
Một cách sâu sắc hơn, Thượng Hội Đồng Giám Mục XIII năm 2012 khẳng định chứng tá đời sống của tu sĩ qua ba lời khuyên phúc âm như sau: "Với viễn tượng siêu việt về ý nghĩa của sự hiện hữu nhân loại, các tu sĩ là những chứng nhân đặc biệt trong Giáo hội và trong thế giới, chính bởi vì họ đã sống một đời sống được thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa qua việc thực hành khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, là dấu chỉ cho một thế giới tương lai mà tương đối hóa mọi điều thiện ích của thế giới này"[18]. Qua việc sống ba lời khuyên phúc âm, tu sĩ trở nên dấu chỉ cho Giáo hội và cho thế giới[19]. Giáo hội xác định trong hiến chế Lumen Gentium: "Do bậc sống của mình, các tu sĩ nên như một chứng từ nổi bật và ngoại thường cho thấy người ta không thể biến đổi và dâng hiến thế giới cho Thiên Chúa mà không có tinh thần của các mối phúc thật"[20].
 

3. SỰ THAM DỰ VÀO CÔNG CUỘC TÂN PHÚC ÂM HÓA

Vì các thành viên của các Tu hội thánh hiến dấn thân phục vụ Giáo hội do chính sự thánh hiến của mình, cho nên họ buộc phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của hội dòng (đ. 783).
Sứ mạng của Giáo hội kéo dài sứ mạng của Đức Kitô, như một dấn thân để hiện tại hóa sự hiện diện của Nước Trời trong thế giới. Do đó, mỗi tu sĩ là người mang Tin Mừng và dĩ nhiên không thể từ chối trước lời mời gọi của công cuộc tân Phúc Âm hóa[21]. Các Tu hội chiêm niệm hay hoạt động đều góp phần rất quan trọng trong công cuộc Phúc Âm hóa thế giới này. Công đồng Vaticano II khẳng định như sau: "Các Hội dòng sống đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những kinh nguyện, hy sinh và thử thách vì Thiên Chúa luôn đoái nghe lời cầu xin sai thợ đến gặt lúa của Ngài"[22]. Hơn nữa, Giáo hội còn diễn tả sứ mạng truyền giáo của các Tu hội này, theo chiều kích pháp lý, khi đánh giá việc làm cho dân Chúa phát triển nhờ thành quả của việc tông đồ âm thầm (đ. 674). Đối với các Tu hội dành riêng cho hoạt động tông đồ cần gia tăng các hoạt động cho việc mở mang Nước Chúa nơi muôn dân, hay cống hiến công sức cho sứ vụ truyền giáo hoặc thích nghi hiến pháp của dòng, hay thích nghi nếp sống với dân chúng để trở nên chứng tá của Tin Mừng[23]. Thật vậy, toàn thể đời sống của các tu sĩ trong các Tu hội phải được thấm nhuần tinh thần tông đồ và ngược lại, tinh thần tu trì phải thúc đẩy toàn thể hoạt động tông đồ (đ. 675§1). Mối tương quan hỗ tương giữa sự thánh hiến và việc tông đồ đươc diễn tả qua ba yếu tố: bước theo Đức Kitô, dấu chỉ cánh chung và đức ái. Công Đồng Vaticanô II khẳng định:
"Vì những lời khuyên phúc âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy liên kết các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo hội và với mầu nhiệm Giáo hội, nên đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu lợi ích cho toàn thể Giáo hội. Do đó, tùy khả năng và tùy theo hình thức ơn gọi của mình, bằng kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, mỗi người có bổn phận làm cho Vương Quốc Đức Kitô bén rễ sâu và nên vững mạnh trong các tâm hồn, đồng thời lan rộng trên khắp vũ trụ"[24].
Giáo hội cảm nhận được vai trò quan trọng của tu sĩ trong công cuộc tân Phúc Âm hóa. Các nghị phụ trong Thượng Hội Đồng Giám Mục 1994 nói rằng nếu không có chứng tá khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, nếu không có đời sống chiêm niệm thì Giáo hội mất đi một phần lớn sức mạnh của người mang Tin Mừng[25]. Nguyên Đức Thánh Cha Benedetto XVI cũng khẳng định do được đánh dấu bởi ơn gọi mang một ý nghĩa rộng của truyền giáo, các tu sĩ mang Lời công bố Tin Mừng đến muôn dân, đặc biệt những người ở xa, ngang qua chứng tá gắn kết chặt chẽ với Đức Kitô và việc sống theo Tin Mừng của Người cách triệt để[26].
Khi thiết lập một Tu hội, nhà chức trách có thẩm quyền luôn lưu tâm đến ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và nhu cầu Dân Chúa trong hoàn cảnh địa phương và thời đại. Vì thế mỗi một Tu hội có một nét riêng biệt tham gia vào công trình Thiên Chúa đang thực hiện nơi trần thế. Đặc biệt tinh thần truyền giáo phải được tuyệt đối duy trì trong các Tu hội[27]. Đang khi hoạt động truyền giáo cách đặc biệt, mỗi Tu hội được mời gọi duy trì thể thức riêng của mình (đ. 783). Điều này góp phần vào sự phong phú ơn của Chúa Thánh Thần và là một yếu tố quan trọng trong công cuộc tân Phúc Âm hóa.
Một cách cụ thể trong khi thi hành sứ mạng ngôn sứ, điểm chung hoạt động tông đồ của tu sĩ là sự cộng tác với hàng giáo phẩm[28]. Giáo hội lưu tâm trong một số việc tông đồ các tu sĩ phải tùy thuộc quyền của các Giám mục (đ. 678§1)[29]. Tuy nhiên với sự tôn trọng lẫn nhau và trong tinh thần cộng tác hòa hợp giữa Giám mục giáo phận với các tu sĩ, các tu sĩ không đánh mất đặc tính và mục đích của Tu hội  (đ. 680). Giáo luật lưu ý các Giám mục phải nhớ thúc bách tu sĩ về điểm này (đ. 678§2)[30].
 

THAY LỜI KẾT

"Đừng bao giờ quên rằng, các con là những người một cách đặc biệt có thể và phải nói rằng không những các con thuộc về Đức Kitô, mà các con 'đã trở nên Đức Kitô nữa'"[31]. Hãy để lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vang vọng trong mỗi người tận hiến. Đó là sứ mạng của tất cả những người sống đời thánh hiến, một sứ mạng cao cả được diễn tả bằng chính đời sống của họ. Vì thế, dù hăng say phục vụ truyền giáo với những hoạt động tông đồ hoặc đang âm thầm trong nơi thanh vắng chịu những căn bệnh hiểm nghèo hay sự cô đơn của tuổi già, hoặc khi sống trong bốn bức tường kín thầm thĩ cầu nguyện, người tận hiến vẫn làm nổi bật chứng tá về Đức Kitô. Vâng "trong Giáo hội và trong thế giới, đời thánh hiến có sứ mạng đặc biệt là làm chứng cho Đức Kitô bằng cuộc sống, bằng việc làm và bằng lời nói"[32].   
  
 
 
 
 
[1] x. LG 44.
[2] x. Tâm thư của Liên hiệp Bề Trên thượng cấp Việt Nam gởi anh chị em sống đời thánh hiến. xem: http://dongten.net/noidung/54995 (mở ngày 03.03,2016).
[3] x. PHAOLÔ VI, Allocutio Magno gaudio (23 maggio 1964): AAS 56 (1964), 565-569. p. 566.
[4]  x. PHAOLÔ VI, Esort. apost. Evangelii Nuntiandi (8 dicembre 1975): AAS 68 (1976), 5-76, n. 41.
[5] ET 53.
[6] x. RD 8.
[7] x. VC 72.
[8] VC 25.
[9] BENEDETTO XVI, Messaggio del santo padre per la 50.ma giornata mondiale di preghiera per le vocazioni, 21 aprile 2013.
[10] x. VC 92.
[11] x. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn 60.
[12] x. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn 56.
[13] x. SINODO DEI VESCOVI, Messaggio At the end of the Synod  (27 ottobre 1994): EV 14, 1515-1564, n. VI; cfr. V. CODINA, «La vita religiosa come sequela di Cristo nella storia», in Vita Consacrata 20 (1984), 637-644, p. 642.
[14] x. PHANXICÔ, Kinh truyền tin ngày lễ đời sống thánh hiến 02.02.2014. x. http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2014/Thang02/03DoiSongTH.htm (mở ngày: 02.03.2016).
[15] PHANXICÔ, Tông thư Của Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả các người tận hiến nhân dịp Năm Ðời Sống Thánh Hiến.
[16] x. VC 86.
[17] x. VC 87.
[18] SINODO DEI VESCOVI, Messaggio al Popolo di Dio (7-28 ottobre 2012). Si vede in: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20121026_message-synod_it.html (accesso nel 13 gennaio 2014), n. 7.
[19] x. VC 15, 25.
[20] LG 31.
[21] x. GIOVANNI  PAOLO II, Lettera apost. Los Caminos Del Evangelio (29 giugno 1990): AAS 83 (1991), 22-45, n. 24.
[22] AG 40.
[23] x. Ibidem.
[24] LG 44.
[25] x. SINODO DEI VESCOVI, Messaggio At the end of the Synod  (27 ottobre 1994), n. VIII.
[26] x. BENEDETTO XVI, Messaggio In occasione per la Giornata missionaria mondiale 2008 (11 maggio 2008): AAS 100 (2008), 567-571, p. 571.
[27] x. PC 20; x. MR 51.
[28] x. VC 46.
[29] x. AG 30; x. CD 35,4.  
[30] x. MR 8; x. CD 35,2.  
[31] VC 109.
[32] ibidem.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay1,022
  • Tháng hiện tại29,839
  • Tổng lượt truy cập11,281,332
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi