KHIẾT TỊNH, KHÓ NGHÈO VÀ VÂNG PHỤC THEO GIÁO LUẬT 1983 - Maria Trần Thị Tố Oanh

Thứ ba - 01/03/2016 07:47

KHIẾT TỊNH, KHÓ NGHÈO VÀ VÂNG PHỤC THEO GIÁO LUẬT 1983

 
Dựa trên nền tảng của điều 573§2, một Kitô hữu bước vào đời sống thánh hiến khi đảm nhận cách tự do bậc sống này qua việc tuyên giữ các lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục bằng lời khấn hoặc bằng mối ràng buộc thánh. Khi đã tuyên khấn tu sĩ được mời gọi tuân giữ trọn vẹn các lời khuyên phúc âm về khía cạnh thần học lẫn khía cạnh pháp lý (đ. 598§2; đ. 587§3). Để hiểu rõ hơn về những nền tảng thần linh và nội dung pháp lý của lời khấn bài viết trình bày ba điểm liên quan đến các lời khuyên phúc âm: 1) nền tảng thần linh của các lời khuyên phúc âm đ. 575, 2) quyền giải thích của Giáo hội đ. 576, 3) nội dung của các lời khuyên phúc âm đ. 599-601.
 

1. NỀN TẢNG THẦN LINH CỦA CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Các lời khuyên phúc âm, dựa trên giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô là Thầy, là một hồng ân thần linh mà Giáo hội đã nhận lãnh nơi Chúa và luôn luôn gìn giữ nhờ ân sủng của Người (đ. 575).
Nguồn gốc của điều luật này dựa trên giáo huấn của Công đồng Vaticano II trong hiến chế Lumen Gentium số 43 và Perfectae Caritatis số 1. Không chỉ trên câu chữ, thực tế cho thấy rằng lời khuyên phúc âm được sống như hồng ân thần linh mà Giáo hội đón nhận từ Thiên Chúa và luôn luôn gìn giữ nhờ ân sủng của Người. Lời khuyên này được được xây dựng trên giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô[1]. Đức Kitô vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta (2Cr 8,9). Người nói rằng lương thực của Người là thi hành ý muốn của Chúa Cha (Ga 4,34). Người đã vâng phục Cha cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Như vậy đời sống thánh hiến không chỉ được xây dựng trên Lời của Chúa nhưng còn bằng chính đời sống của Đức Kitô. Công đồng Vaticano II khẳng định: "Kiên tâm sống Đức Ái trọn hảo qua các lời khuyên phúc âm, đó chính là bậc sống được đề cập đến trong Hiến chế mang tựa đề Ánh sáng muôn dân, và Thánh Công Đồng đã nêu rõ đây là nếp sống khởi phát từ lời dạy và gương sáng của Thầy Chí Thánh, nên như dấu chỉ rạng ngời của Nước Trời"[2].
Đức Gioan Phaolô II xác quyết các lời khuyên phúc âm là một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Qua hồng ân đó các tu sĩ diễn tả cho thế giới biết rằng Thiên Chúa yêu thương và Ngài hoạt động trong trong sự yếu đuối nơi bản tính mỏng dòn của những người Ngài kêu gọi. Thiên Chúa Cha đã làm những điều Người muốn nhờ tình yêu của Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần[3]. Sự khiết tịnh xây dựng một tình yêu không chia sẻ như tình yêu sâu thẳm của đời sống Ba Ngôi. Sự khó nghèo diễn tả sự giàu sang của ba Ngôi vị Thần linh và sự vâng phục được diễn tả qua đời sống của Đức Giêsu, Đấng đã chọn lấy ý Cha làm lương thực nuôi sống mình[4].
Như vậy, điều 575 mang tính pháp lý theo giáo luật nhưng lại chứa đựng nội dung mang tính thần học được khởi đi từ Công đồng Vaticano II. Lời khuyên phúc âm là hồng ân thần linh và qua lời khuyên mà mỗi tu sĩ khấn hứa tuân giữ sẽ làm nên một bậc sống bền vững trong Giáo hội[5]. Bậc sống này không lệ thuộc vào cơ cấu phẩm trật nhưng tham gia vào sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội. Đây là lý do tại sao Giáo hội kêu gọi mọi người trong Giáo hội khích lệ và cỗ vũ (đ. 574§1).

2.  QUYỀN GIẢI THÍCH CỦA GIÁO HỘI

Nhà chức trách có thẩm quyền Giáo hội giải thích các lời khuyên phúc âm, điều chỉnh việc thi hành bằng các luật lệ và thiết lập các hình thức sống các lời khuyên đó cách bền vững bằng việc phê chuẩn theo giáo luật; về phần mình, nhà chức trách cũng liệu sao cho các tu hội tăng trưởng và phát triển theo tinh thần của của các vị sáng lập và theo các truyền thống lành mạnh (đ. 576).
Với điều 576 nhà làm luật xác định lại nhiệm vụ quan trọng của các nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội. Nhiệm vụ này bao hàm nghĩa vụ mang tính pháp lý. Theo mạch văn của điều luật có bốn việc Giáo hội cần làm: giải thích các lời khuyên phúc âm; điều chỉnh việc sống các lời khuyên; phê chuẩn theo giáo luật các hình thức sống các lời khuyên; làm cho các tu hội tăng trưởng phù hợp với tinh thần của Đấng Sáng lập.
Giáo hội giải thích các lời khuyên phúc âm dựa trên quyền giáo huấn. Khởi đi từ hiến chế Lumen Gentium, những lời khuyên phúc âm khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục là tặng phẩm của Thiên Chúa mà Giáo hội đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu[6], Giáo hội xác tín hồng ân thần linh này được trao ban cho mình qua những người khấn giữ các lời khuyên phúc âm, được bảo đảm với ơn của Chúa Thánh Thần và phát sinh hoa trái phi thường mà qua đó Đức Giêsu hiện diện, giúp đỡ, củng cố và an ủi Giáo hội của Người[7]. Vì thế Giáo hội có nhiệm vụ chú giải, qui định việc thực hành, cũng như thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy[8]. Giáo hội có bổn phận làm cho những người thánh hiến được triển nở và với ơn gọi riêng của mình, mỗi tu sĩ có thể chuyên chăm cộng tác, thi hành nhiệt thành vào việc xây dựng và phát triển toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô và mưu cầu lợi ích cho Giáo hội[9].
Cũng trong hiến Chế này, Công Đồng Vaticanô khẳng định: "Vì có nhiệm vụ chăn dắt và dẫn đưa Dân Chúa đến những đồng cỏ phì nhiêu, nên hàng Giáo phẩm phải dùng những luật lệ để hướng dẫn cách khôn ngoan việc thực hành những lời khuyên phúc âm"[10]. Một cách cụ thể, trong tông hiến Pastor Bonus Giáo hội trao cho Bộ các Tu hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ nhiệm vụ chính yếu là thăng tiến và qui định việc thực hành các lời khuyên phúc âm[11]. Đồng thời với quyền phê chuẩn hiến luật, nhà chức trách có thẩm quyền có thể tham gia vào công việc giúp cho mỗi tu sĩ sống các lời khuyên một cách cụ thể (đ. 587§2). Qua việc thực thi sứ vụ của mình, Giáo hội cùng lúc một mặt gìn giữ những yếu tố cốt yếu của các lời khuyên phúc âm, mặt khác không đánh mất nét riêng biệt của từng Tu hội trong khi tu sĩ thực hành các lời khuyên theo hiến pháp riêng của mình. Vì "những hình thái đa dạng của việc sống các lời khuyên phúc âm biểu lộ và kết tụ các ân huệ thiêng liêng mà các đấng sáng lập nam nữ đã nhận được. … Bản sắc của mỗi Tu hội bao hàm một linh đạo và hoạt động tông đồ riêng, quy định dần dần trong một truyền thống nhất định, với những yếu tố khách quan. Theo chiều hướng này, Giáo hội quan tâm lo cho các Tu hội được tăng trưởng và phát triển trong sự trung thành với tinh thần của đấng sáng lập và với những truyền thống lành mạnh của họ"[12].

3. NỘI DUNG CỦA CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Nội dung của lời khấn là các lời khuyên phúc âm được Giáo luật trình bày trong các điều 599-601.  

a. Khiết Tịnh

Lời khuyên phúc âm về đức khiết tịnh được đảm nhận vì Nước Trời là dấu chỉ của thế giới sẽ đến, là nguồn sinh lực phong phú hơn trong một con tim không chia sẻ, và bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân (đ. 599).
Theo điều 599 nội dung nền tảng mang tính pháp lý của lời khuyên khiết tịnh được xác định rõ: sự khiết tịnh bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân. Điều luật này bàn đến tiết dục và độc thân. Độc thân là khước từ hôn nhân tự nhiên cũng như hôn nhân Kitô giáo, và hơn nữa từ chối những hành động và mọi điều kiện hoặc tình trạng có thể tương đương với hôn nhân một cách thể lý[13]. Ngược lại, tiết dục là một sự khước từ các hành vi tính dục và việc sử dụng tính dục của người nam và người nữ[14].
Lời khấn khiết tịnh diễn tả những yếu tố thiêng liêng và pháp lý. Giáo sư De Paolis, nhà thần học và giáo luật tại Roma, đã giải thích sâu sắc điều luật này khi cho rằng, khởi đi từ khía cạnh pháp lý, nội dung của lời khuyên khiết tịnh được diễn tả chính ngay trong lời văn của điều luật: "Lời khấn khiết tịnh bao hàm nghĩa vụ tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân". Ở đây có 2 khẳng định rõ ràng: tiết dục hoàn toàn và độc thân. Khi nói đến lời khuyên khiết tịnh thì cả hai được nhắc đến và được đòi hỏi như nhau. Thực vậy tình trạng độc thân chỉ nêu ra một khía cạnh của lời khấn là một người không lập gia đình, nhưng không nói lên được gì về nhân đức của sự tiết dục hoàn toàn[15]. Khi xét điều 599 người ta có thể thấy được sự hòa hợp của hai khía cạnh được nêu ra: tiết dục trong sự độc thân. Cả hai khía cạnh không thể tách rời. Tu sĩ không chỉ sống lời khấn, nghĩa là chỉ dừng lại khía cạnh pháp lý, nhưng còn sống nhân đức khiết tịnh nữa. Thật vậy, trước giáo luật 1983, Giáo hội đã nói đến sự khiết tịnh như một nguyên tắc bao trùm tất cả đời sống của tu sĩ. Tuân giữ sự tiết dục hoàn toàn đụng chạm đến những khuynh hướng thâm sâu của bản tính con người. Lời khấn khiết tịnh bắt buộc các tu sĩ sống độc thân, xa lánh từng hành động trái ngược với sự khiết tịnh cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì thế mỗi một tội nghịch với sự khiết tịnh cũng là một tội nghịch với lời khấn này[16].
Thật cần thiết để tu sĩ có một sự hiểu biết rõ ràng về lời khấn khiết tịnh. Ai còn chưa trưởng thành về tâm lý tốt hơn không tuyên giữ lời khấn này. Giáo hội cũng đưa ra một lời khuyên cho các ứng sinh như sau: "Những ai muốn khấn giữ khiết tịnh chỉ nên quyết định và chỉ được chấp thuận sau một thời gian thử thách đầy đủ, và có được sự trưởng thành cần thiết về tâm lý cũng như tình cảm"[17]. Ngoài ra với kinh nghiệm thiêng liêng Giáo hội chỉ cho con cái mình cách thức giữ lời khấn khiết tịnh: một mặt cần đến sự khôn ngoan và cố gắng từ phía con người (x. đ. 666), mặt khác tu sĩ cần cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, Giáo hội khuyến khích những ai sống trong bậc độc thân cần cảm nhận đây là hồng ân của Thiên Chúa, cần đến ơn Chúa nâng đỡ chứ không chỉ sống như một qui định của giáo luật[18].
Điều 599 của giáo luật 1983 không đề cập đến việc sống lời khuyên về khiết tịnh theo luật riêng như hai lời khuyên khác, nhưng ở trong cái nhìn chung của qui tắc giáo luật 1983. Như vậy sự tiết dục hoàn toàn trong bậc độc thân là một yếu tố cốt yếu cho đời sống thánh hiến không thể miễn trừ. Lời khấn này được luật chung nhìn đến như một cản trở tiêu hôn đối với tu sĩ đã khấn công vĩnh viễn trong một Tu hội (đ. 1088). Tuy nhiên mỗi một lời khuyên phải được sống theo bản chất riêng của mỗi Tu hội, vì vậy những nghĩa vụ cụ thể về sự khiết tịnh cũng phải được thực hiện theo hiến pháp riêng của mỗi Tu hội (x. đ. 587§1).

b. Khó Nghèo

Lời khuyên phúc âm về đức nghèo khó theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo quy tắc luật riêng của mỗi Tu hội (đ. 600).
Trong giáo luật 1983 ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, lời khuyên phúc âm về đức khó nghèo còn bao hàm sự lệ thuộc và sự hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản (đ. 600). Liên quan tới lời khuyên này, nhà làm luật lưu tâm đến việc các Tu hội phải xa tránh mọi hình thức xa hoa, thu lợi quá đáng và tích lũy tài sản (đ. 634§2). Đặc biệt tùy theo hoàn cảnh địa phương mỗi Tu hội phải cố gắng làm chứng về đức nghèo khó cách tập thể, và theo khả năng có thể đóng góp tài sản mình để đáp ứng nhu cầu của Giáo hội và trợ giúp những người nghèo (đ. 640). Hơn nữa lời khấn khó nghèo phải được sống theo bản chất của mỗi Tu hội. Lãnh vực sử dụng và quản trị tài sản phải được thiết lập trong luật riêng của mỗi Tu hội để diễn tả sự nghèo khó phúc âm đích thực (đ. 600, đ. 718). Trong hiến pháp riêng mỗi Tu hội có thể cho phép các thành viên từ bỏ tài sản thủ đắc được hoặc để thủ đắc và qui định những nghĩa vụ liên quan đến lời khấn này (đ. 668).   
Sự nghèo khó về vật chất lẫn tinh thần là một thực tại trong đời sống tu trì. Trước hết sự nghèo khó là một tình trạng tinh thần. Để có thể thực hiện hóa và cụ thể hóa lời khấn, tu sĩ cần đến một hình thức cụ thể là sự tách rời với vật chất và sự giới hạn trong việc sử dụng tài sản. Tự nền tảng tu sĩ sống sự khó nghèo trong một tình trạng siêu thoát và tự do với chính của cải. Mục đích của sự khó nghèo được diễn tả ngang qua nếp sống đơn sơ, giản dị và một tinh thần chia sẻ được nới rộng đến anh chị em đồng loại. Thứ đến sự nghèo khó thực sự phải là động lực thúc đẩy tu sĩ biết giúp đỡ người nghèo khó trong tất cả phương tiện. Một cách cơ bản sự nghèo khó thực sự không phải là một phong trào thuộc phạm vi chính trị hay trần thế mà là lời mời gọi biến đổi các con tim, để giúp con người đạt tới một sự tự do khỏi những ràng buộc vật chất, để sống một tình yêu đại đồng[19]. Do đó hoa quả lao động của người thánh hiến phải được chia sẻ cho những nhu cầu của người nghèo. Ngoài ra khía cạnh phúc âm của lời khấn nghèo chính là sự làm chứng về ý nghĩa nhân bản của lao động và đem lại cho bản tính của lao động tính cách mưu sinh và phục vụ[20].

  c. Vâng Phục

 Lời khuyên phúc âm về đức vâng phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng (đ. 601).
Chúng ta cùng xem xét những yếu tố thiêng liêng và pháp lý của điều luật này. Trước hết, hình ảnh Bề Trên hợp pháp phải được phù hợp với luật chung và luật riêng. Những quyền lợi và bổn phận của các Bề trên phải được tôn trọng (đ. 617-631). Bề trên Tổng quyền: chỉ chức vụ cao nhất trong nội bộ Tu hội. Những trách nhiệm hoặc quyền hạn nào giáo luật hay hiến luật xác định rõ thuộc trách nhiệm của Bề trên Tổng quyền, thì chỉ dành riêng cho quyền bính bề trên thượng cấp này (x. đ. 592§1; đ. 616§1; đ. 622…) . Bề trên cao cấp: khi được nhắc đến, thì có thể được hiểu đối với cả hai cấp bậc trong Tu hội: là Bề trên Tổng quyền đối với toàn Tu hội; hoặc là Bề trên Giám Tỉnh đối với Tỉnh dòng (đ. 620). Nếu vấn đề thuộc phạm vi toàn Tu hội, thì “Bề trên cao cấp” được hiểu là Bề trên Tổng quyền; nếu là vấn đề thuộc phạm vi Tỉnh dòng, thì “Bề trên cao cấp” được hiểu là Bề trên Giám tỉnh. Ngoài ra, theo điều 590§2 mỗi tu sĩ phải vâng phục Đức Thánh Cha như Bề trên tối cao do dây ràng buộc thánh của đức vâng lời.
Thứ đến, thành ngữ "ban lệnh hợp theo hiến pháp riêng" trong điều 600 diễn tả ý nghĩa sâu sắc. Bề trên không thể vượt qua ranh giới của hiến pháp. Như thế lời khấn vâng phục không ra khỏi dự định của Tu hội[21]. Hơn nữa Giáo hội muốn các tu sĩ vâng phục trong tinh thần đức tin với các bề trên là những người đại diện Thiên Chúa và đặt mình dưới sự hướng dẫn của các ngài trong sự phục vụ Thiên Chúa và anh chị em trong tinh thần đức ái và trong việc tông đồ[22]. Thực vậy qua việc giữ lời khấn vâng phục tu sĩ bắt chước Đức Kitô và tham gia vào sứ mạng của Người. Ai tuyên khấn giữ lời khấn vâng phục thì đã "tận hiến ý muốn của mình như lễ vật dâng lên Thiên Chúa"[23]. Từ sự dâng hiến này nảy sinh một ý chí mạnh mẽ hơn và tự do hơn.
Ngày nay người ta nhấn mạnh và tìm kiếm những giá trị như phẩm giá, tự do, trách nhiệm và những giá trị nhân bản khác nên rất khó khăn để hiểu được những giá trị của sự vâng phục. Giáo hội khẳng định lời khấn vâng phục không làm mất đi phẩm giá con người, bởi vì không có sự mâu thuẫn giữa vâng phục và tự do trong đời sống tu trì[24]. Hơn nữa sự vâng phục được đề cập đến một sự cộng tác, cần một sự tôn trọng quyền bính và nghĩa vụ của bề trên thực hiện quyền bính đó. Với lời khấn này các tu sĩ thực hiện lễ hiến dâng trọn vẹn ý chí của họ cho Thiên Chúa và phục vụ Giáo hội một cách tích cực hơn[25]
          
  
 
[1] x. LG 43.
[2] PC 1.
[3] x. VC 20.
[4] x. VC 21.
[5] x. đ. 573§1, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 926.  
[6] x. LG 43.
[7] x. E. GAMBARI, «La vita religiosa dono di Dio», in Vita Religiosa 2 (1966), 299-308, p. 301.
[8] x. LG 43.
[9] x. CD 33.
[10] LG 45.
[11] x. GIOVANNI PAOLO II, Cost. Apost. Pastor Bonus (28 giugno 1988): AAS 80 (1988), 841-934; EV 11, 787-1070, Art. 105.
[12] VC 48.
[13] x. S. RECCHI, «Il consiglio evangelico della castità (can. 599)», in Vita Consacrata 47 (2011), 256-263, p. 259.
[14] x. J. KHOURY, Corpus Iuris Canonici I - Commento al Codice di Diritto canonico, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 2001, p. 363.
[15] x. V. DE PAOLIS, La vita consacrata nella Chiesa, Edizione rivista e ampliata a cura di Vincenzo Mosca, Facoltà di diritto canonico San Pio X, Manuali 4, Marcianum Press, Venezia 2010, p. 78.
[16] "Votum castitatis adstringit sorores ad servandum coelibatum et insuper novo titolo, id est ipsius voti, ad abstinendum ab omni actu castitati opposito tum interno tum externo. Unde omne peccatum contra castitatem est simul peccatum contra votum", SACRA CONGREGAZIONE DE PROPAGANDA FIDE, Norme per redigere le costituzioni di nuove congregazioni di diritto diocesano da essa dipendenti (29 giugno 1940), in E. LORA (a cura di), Enchiridion Della Vita Consacrata. Dalle decretali al rinnovamento post-conciliare (385-2000), Ancora Editrice, Milano 2001, 1081-1118, n. 63.
[17] PC 12.
[18] x. OT 10.
[19] x. ET 17.
[20] x. ET 20.
[21] x. DE PAOLIS, La vita consacrata nella Chiesa, 2010, cit., p. 82.
[22] x. PC 14.
[23] x. PC 14.
[24] x. VC 91.
[25] x. ET 23.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay816
  • Tháng hiện tại15,134
  • Tổng lượt truy cập11,054,665
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi