NHỮNG THẮC MẮC THÔNG THƯỜNG VỀ TÒA ÁN HÔN PHỐI - Giuse Bùi Đức Tiến  

Thứ tư - 20/01/2016 08:41
Linh mục Giuse Bùi Đức Tiến, làm việc mục vụ tòa án hôn phối tại Úc Châu, đã nhiệt tâm biên soạn 61 thắc mắc thông thường và giải đáp, rất hữu ích. Xin đăng lại tại đây.
 
 
Công việc của Tòa Án Hôn phối (Marriage Tribunal) là công khai hóa việc bất thành sự (invalidity) của những giao ước hôn phối đã thiết lập nhưng vô hiệu (không có hiệu quả Bí tích), và tuyên bố tháo gỡ (Declaration of Nullity) sự ràng buộc hôn nhân của những hôn phối đó.
Việc tuyên bố này của Tòa Án Hôn Phối, đưa đến kết quả là hai vợ chồng liên hệ dù đã thực hiện bí tích hôn phối với nhau, nhưng việc thực hiện vì những ngăn trở (impediments) trong hoàn cảnh cá nhân của họ, hay khiếm khuyết (defects) nào đó về sự ưng thuận khi kết hôn, hay về thể thức cử hành hôn phối, khiến giao ước đã thiết lập không có hiệu quả Bí tích, và vì thiếu hiệu quả Bí tích nên không được kể là Bí tích ngay từ lúc thực hiện (ab initio).
 
Tòa Án Hôn Phối làm công việc điều tra, dựa trên những bằng chứng hiển nhiên thu thập được, chiếu theo luật tuyên bố giao ước hôn phối đã thực hiện không thành sự và hai vợ chồng không bị bó buộc trong giao ước hôn phối đó, kể từ lúc tuyên bố tháo gỡ giao ước, hai người có quyền tự do lấy vợ hay lấy chồng khác.
 
Ðể có thể tuyên bố tháo gỡ một hôn nhân bất thành sự, Tòa Án phải dựa trên những chứng cớ hiển nhiên và rõ ràng, những chứng cớ này được cung cấp do hai vợ chồng liên hệ và những người làm chứng đáng tin cậy khác.
 
Sẽ có nhiều thắc mắc từ hai vợ chồng liên hệ và những người làm chứng, những câu hỏi và trả lời sau đây có thể giúp phần nào giải đáp những thắc mắc thông thường. Những thắc mắc sâu xa hơn phải được trả lời trực tiếp từ các nhân viên của Tòa Án Hôn Phối nơi vụ tranh tụng được phán xử.
 
GIẢI ÐÁP
NHỮNG THẮC MẮC THÔNG THƯỜNG.
 
1. Việc tháo gỡ giao ước hôn phối có phải là ly dị không?
Ðáp: Nếu xét về hiệu quả, việc tháo gỡ giao ước hôn phối cũng giống như việc ly dị nơi tòa án đời, nghĩa là hai "vợ chồng" sau khi được tháo gỡ, có quyền cử hành Bí tích Hôn Phối với người khác. Nhưng thật ra, có sự khác biệt rất quan trọng như sau:
- Trong việc ly dị, giao ước hôn phối đang có của hai vợ chồng bị bãi bỏ, bị tiêu hủy, khiến hai người được tự do tái hôn.
-          Trong việc tháo gỡ Hôn Phối Công Giáo, Giáo Hội tuyên bố rằng dù đã cử hành hôn phối, nhưng giao ước hôn phối của hai người không được thiết lập cách hữu hiệu, vì vậy, kể như hai người không bị bó buộc với nhau.
 
2. Có giao ước hôn phối nào đã được thiết lập cách hữu hiệu mà được tháo gỡ không?
Ðáp: Một giao ước hôn phối đã được thiết lập cách hữu hiệu chỉ có sự chết (của một trong hai người) mới có thể hủy bỏ được. Tuy nhiên, có hai trường hợp ngoại lệ được kể như sau:
            a. Giao ước hôn phối thiết lập cách chính thức theo nghi thức Công Giáo giữa hai người mà một người là Công Giáo còn người kia chưa bao giờ rửa tội (dù rửa tội trong các Giáo Hội Kitô Giáo khác), giao ước hôn phối này dù hữu hiệu, nhưng không phải là Bí tích (non-sacramental marriage), có thể được tháo gỡ do quyền bính tối cao của Giáo Hội: Ðức Giáo Hoàng.
            b. Giao ước hôn phối đã thiết lập cách hữu hiệu nhưng chưa hoàn hợp (ratified but non-consummated): Một giao ước hôn phối đã thiết lập cách chính thức theo nghi thức Công Giáo giữa hai người Công Giáo, nhưng hai vợ chồng chưa bao giờ giao hợp với nhau (kể từ sau hôn lễ), có thể được tháo gỡ do quyền bính tối cao của Giáo Hội: Ðức Giáo Hoàng.
 
3. Việc tháo gỡ giao ước hôn phối có khác việc ly thân không?
Ðáp: Tháo gỡ giao ước hôn phối và ly thân giống nhau ở chỗ: Cả hai trường hợp, hai vợ chồng đều không sống chung với nhau nữa. Nhưng khác nhau ở điểm trong trường hợp hai vợ chồng ly thân, họ không có quyền lập gia đình khác, nhưng nếu họ được tuyên bố tháo gỡ, họ có quyền lập gia đình khác trong Giáo Hội.
 
4. Có phải ngày nay Giáo Hội dễ dàng hơn trong việc tháo gỡ giao ước hôn phối không?
Ðáp: Tòa Án Hôn Phối không có quyền tự mình tháo gỡ giao ước hôn phối của bất cứ ai. Tòa Án chỉ có thể làm được điều này là dựa trên những chứng cớ hiển nhiên của một trường hợp hôn phối, mà những chứng cớ này chứng minh rằng có những ngăn trở khiến giao ước hôn phối ấy không hữu hiệu khi thực hiện, để tuyên bố rằng giao ước hôn phối ấy thực sự không có hiệu quả Bí tích và như thế, hai người liên hệ không bị ràng buộc bởi những điều đã giao kết, họ có quyền tự do lập gia đình khác. Có thể cho rằng ngày nay nhiều người đưa trường hợp hôn phối của mình ra Tòa Án hơn là ngày xưa, cũng như các thủ tục bớt rườm rà hơn và do đó, có nhiều trường hợp tháo gỡ hơn ngày xưa.
 
5. Có phải bất cứ trường hợp hôn phối nào khi đã đưa ra Tòa Án Hôn Phối là đều được tháo gỡ không?
Ðáp: Ðiều này không thể xác định được, vì việc tuyên bố tháo gỡ một giao ước hôn phối, tùy thuộc vào việc thật sự có ngăn trở hiện diện lúc hai người cử hành hôn lễ hay không. Có những trường hợp vì nghĩ rằng chắc hoàn cảnh của mình không được, nên không đưa ra Tòa Án, cũng có những trường hợp khác vì nghĩ rằng việc ra Tòa Án sẽ nhiều lôi thôi rắc rối nên đành im lặng.
Một giao ước hôn phối có được tuyên bố tháo gỡ hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào những ngăn trở hay khiếm khuyết hiện diện lúc thực hiện Bí tích Hôn Phối và việc chứng minh được những ngăn trở hay khiếm khuyết đó.
 
6. Những trường hợp hôn phối nào cần đưa ra Tòa Án Hôn Phối?
Ðáp: Nếu một gia đình chỉ có những bất thuận, cãi cọ hay bất đồng ý kiến trong một vài lãnh vực; nếu một gia đình thiếu hạnh phúc vì hoàn cảnh xã hội; nếu một gia đình vì lý do kinh tế, chính trị, vợ chồng phải xa nhau một thời gian...thì không phải là những trường hợp đưa ra Tòa Án Hôn Phối.
Nhưng nếu một gia đình đã tan vỡ, vợ chồng đã bỏ nhau, đã ly dị nơi tòa án dân sự và một trong hai người hay cả hai người muốn lập gia đình khác mà vẫn không vấp phạm luật Giáo Hội, thì nên đưa ra Tòa Án Hôn Phối càng sớm càng tốt.
 
7. Nếu gia đình đã tan vỡ và hiện đang sống với một người khác như vợ chồng, liệu có được phép đưa trường hợp hôn phối trước đó của mình ra Tòa Án Hôn Phối không?
Ðáp: Ðược và rất nên làm, càng sớm càng tốt. Tòa Án Hôn Phối chỉ là nơi xét về việc hữu hiệu hay vô hiệu giao ước hôn phối của bạn, không phải là tòa án lương tâm xét xử tội phúc. Tuy nhiên, có thể Tòa Án sẽ khuyên bạn cố gắng hòa hoãn một thời gian trước khi thật sự tái kết hôn.
 
8. Giả sử tôi là "thủ phạm", gây ra việc tan vỡ gia đình, liệu tôi có quyền đưa trường hợp của mình ra tòa án hôn phối không?
Ðáp: Bạn có thể là "thủ phạm" trong trường hợp bạn là người có ngăn trở lúc cử hành, bạn cũng có thể là "thủ phạm" gây ra việc gia đình tan vỡ hay cả hai. Tòa án Hôn Phối cũng như các tòa án khác, quan niệm rằng người "đứng đơn" phải là người vô tội. Tuy nhiên, nếu bạn thật lòng hối hận, tự hứa sẽ sửa đổi, Tòa Án sẽ nhận đơn bạn và xét xử. Nên nhớ rằng, việc đầu tiên, Tòa Án Hôn Phối Công Giáo làm đó là việc săn sóc mục vụ cho các tín hữu.
 
9. Nếu muốn đưa trường hợp hôn phối của mình ra Tòa Án Hôn Phối, đầu tiên phải làm sao?
Ðáp: Liên lạc với Tòa Án trong Giáo Phận nơi mình đang sống, các nhân viên trong Tòa Án sẽ hướng dẫn những điều phải làm, cho bạn biết Tòa Án nào sẽ thụ lý trường hợp của bạn. Nếu bất tiện, có thể gặp Cha Sở hay Cha Tuyên Úy nơi mình cư ngụ nhờ liên lạc giúp.
 
10. Có phải mỗi địa phận đều có Tòa Án Hôn Phối không?
Ðáp: Ðúng ra, mỗi địa phận đều có một Tòa Án Hôn Phối để xét xử những trường hợp hôn phối của các giáo hữu sống trong địa phận. Tuy nhiên, vì các yếu tố như thiếu các linh mục nhân sự chuyên môn về luật pháp, vì địa phận quá nhỏ, có thể có những địa phận không có Tòa Án Hôn Phối. Trong trường hợp một địa phận không có Tòa Án Hôn Phối, bạn vẫn có thể liên lạc với Tòa Giám Mục và Ðức Giám Mục sẽ chỉ định một Tòa Án Hôn Phối tại một địa phận khác nhận đơn và xét trường hợp của bạn.
 
11. Có thể có những Tòa Án Hôn Phối này xét xử dễ dàng hơn những Tòa Án Hôn Phối khác không?
Ðáp: Có thể có, vì nhân sự xét xử tại Tòa Án Hôn Phối là những con người, và có thể người này dễ tính hơn người khác mặc dù họ phải áp dụng cùng một nguyên tắc luật pháp để điều tra và xét xử. Trong kinh nghiệm của Tòa Án Hôn Phối, cùng một trường hợp, có thể không được tháo gỡ nơi Tòa Án Hôn Phối này, nhưng lại được tháo gỡ nơi Tòa Án Hôn Phối khác.
 
12. Phải chuẩn bị những gì trước khi đưa trường hợp của mình ra Tòa Án Hôn Phối?
Ðáp: Không phải chuẩn bị gì cả! Sau lần gặp đầu tiên (priliminary interview) với nhân viên của Tòa Án, thường là một Dự Thẩm (auditor), bạn sẽ được cho biết là bạn có nên tiếp tục hay không: Nếu giao ước hôn phối của bạn vào lúc thiết lập, có những ngăn trở có thể chứng minh được, bạn sẽ được khuyên tiếp tục tiến tới.
 
13. Khi gặp Dự Thẩm sẽ phải làm những công việc gì?
Ðáp: Vì Dự Thẩm là người thu thập những chứng cớ, chi tiết, lời khai liên hệ đến tình trạng cá nhân và gia đình bạn. Nên khi gặp Dự Thẩm, bạn sẽ phải cung cấp các chi tiết, chứng cớ bằng giấy tờ nếu có và cả danh sách của những người sẽ làm chứng nữa. Những lời khai, chi tiết và chứng cớ này rất quan trọng, vì nó chính là căn bản để các Thẩm Phán (judges) sẽ căn cứ vào đó phán xử trường hợp của bạn.
 
14. Sẽ có bao nhiêu Thẩm Phán phán xử một trường hợp hôn phối?
Ðáp: Thường trong một trường hợp phán xử hôn phối sẽ có ba Thẩm Phán. Các Thẩm Phán còn là người sẽ gặp các nhân chứng trong danh sách bạn cung cấp nữa. Tuy nhiên, thường các Thẩm Phán ủy quyền cho một người nào đó gặp các nhân chứng thay cho họ. Các Thẩm Phán chính là những người quyết định một giao ước hôn phối có được tháo gỡ hay không.
 
15. Liệu có thể có những trường hợp thiên vị không?
Ðáp: Không thể có được! Vì trong mỗi một trường hợp phán xử hôn phối có rất nhiều nhân sự liên can, có thể kể: các Thẩm Phán, các Dự Thẩm, các Lục Sự (notary) và người Bảo Hệ (defender of the bond). Hơn nữa, Tòa Án Hôn Phối còn có những qui tắc giúp cho các nhân viên của mình tránh bị nghi ngờ thiên vị, trong những trường hợp sau đây, các nhân viên dù có trách nhiệm vẫn có quyền khước từ thi hành nhiệm vụ:
 
- Khi phải phán xử những trường hợp có liên hệ đến thân nhân có họ hàng huyết tộc hay hôn thuộc, tính đến cấp thứ bốn bàng hệ.
 
- Khi phải phán xử những trường hợp có liên hệ đến người mình được đặt làm Giám hộ hay Quản tài.
 
- Khi phải phán xử những trường hợp có liên hệ đến người có tình nghĩa riêng, hoặc thù địch riêng.
 
- Khi vụ kiện đưa đến lợi lộc hay thiệt hại cho chính mình.
Nguyên đơn hay bị đơn nếu bị thiệt hại vì nghi ngờ có sự thiên vị, có thể kháng án vì những lý do trên.
 
16. Các Lục Sự liên can thế nào trong một vụ phán xử?
Ðáp: Lục Sự là người ghi chép tất cả các biên bản từ lúc khởi sự cho đến lúc kết thúc, trên tất cả các văn kiện đều phải có chữ ký của Lục Sự, bản văn nào không có chữ ký của Lục Sự sẽ không có giá trị pháp lý.
 
17. Người Bảo Hệ có phận sự nào trong một vụ phán xử?
Ðáp: Bảo Hệ là người bênh vực, bảo vệ cho giao ước Bí Tích Hôn Phối, có nghĩa là người chống lại quyết định của các Thẩm Phán cho rằng một giao ước hôn phối nào đó có thể tháo gỡ được. Tuy nhiên, không phải Bảo Hệ lúc nào cũng khăng khăng chống đối, nhất là trong một trường hợp với những chứng cớ đã quá rõ ràng. Thật ra, vai trò của người Bảo Hệ chỉ có tính cách kiểm soát lại một cách chắc chắn các chứng cớ đã thu thập được và chứng minh rằng giao ước hôn phối ấy đã được xét một cách kỹ càng.
 
18. Một phiên xử nơi Tòa Án Hôn Phối có giống như một phiên xử nơi Tòa Án dân sự không?
Ðáp: Hoàn toàn không! Khi bạn gặp các nhân viên trách nhiệm của Tòa Án Hôn Phối về trường hợp của bạn, sẽ không có sự hiện diện của người khác. Việc gặp gỡ, điều tra sẽ được thực hiện trong bầu không khí mục vụ giữa con chiên và chủ chiên. Tất cả những điều đề cập tới sẽ được ghi vào biên bản với chữ ký của Lục Sự. Việc gặp gỡ các nhân chứng cũng vậy.
Các cuộc gặp gỡ nêu trên thường không cùng một nơi và không cùng một ngày. Việc phán xử hoàn toàn đặt căn bản trên các văn kiện có được từ các lần gặp gỡ này. Không ai trong hai người liên hệ và cả những người làm chứng phải hiện diện trong lúc phán xử.
 
19. Khi gặp gỡ để điều tra, liệu có phải trả lời những câu hỏi "gài bẫy" sẵn không?
Ðáp: Không bao giờ! Vì người đứng ra "điều tra" là người giúp bạn chứ không phải là Chưởng Lý hay Chánh Án, hiểu theo Tòa Án dân sự. Ðừng đối chiếu hình ảnh của một phiên tòa dân sự vào một trường hợp phán xử nơi Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội.
 
20. Khi điều tra, những điểm nào sẽ được chú trọng nhất?
Ðáp: Ðiểm được chú trọng nhất là khoảng thời gian tiền hôn phối tính đến ngày hôn lễ và chính hôn lễ. Tuy nhiên, việc điều tra sẽ bắt đầu từ gia đình cha mẹ hai bên, kế đến là diễn tiến của việc hai người quen biết nhau ra sao, tình yêu khởi sự thế nào, những hứa hẹn và ước hẹn đã thề thốt với nhau, việc đính hôn và hôn lễ, tuần trăng mật, cuộc sống gia đình sau đó, con cái sinh ra, những lý do đã tạo nên bất hòa, ly thân, ly dị v.v...
21. Liệu Tòa Án Hôn Phối có thật tin những điều tôi trình bày không?
Ðáp: Vấn đề ở đây là mình có trình bày đúng sự thật không, với những chứng cớ có thể chứng minh được, với những người chứng sẽ cung cấp những chi tiết cần thiết, với sự đối chiếu với câu chuyện của người chồng hay vợ phía bên kia và cuối cùng với khả năng chuyên môn của các Thẩm Phán, sự thật sẽ được phô bày.
 
22. Tôi có thể nhờ một luật sư biện hộ, can thiệp cho tôi không?
Ðáp: Bạn có thể nhờ một luật sư (advocate) hay người thụ ủy (procurator), thay mặt bạn trong suốt thời gian phán xử. Nơi mỗi tòa án đều có danh sách của các Luật sư. Những người này là những chuyên viên về luật pháp trong Giáo Hội, thường là các Linh Mục chuyên biệt về Luật Giáo Hội.
 
23. Liệu tôi có phải giáp mặt người chồng hay vợ của tôi không?
Ðáp: Không! Dù trong chính lúc phán xử cũng vậy. Tuy nhiên, người chồng hay vợ đó sẽ được Tòa Án Hôn Phối liên lạc, gặp gỡ để điều tra, nhưng khác ngày, khác giờ với ngày giờ của bạn.
Hôn Phối là một giao ước được thực hiện, ký kết giữa hai người, cả hai người đều có quyền biết việc gì đang xảy ra cho giao ước hôn phối của mình. Ðây là một quyền lợi thuộc lãnh vực công bằng tự nhiên. Khi đưa trường hợp hôn phối của bạn ra Tòa Án Hôn Phối, bạn phải cung cấp những chi tiết liên hệ tới người phối ngẫu của bạn như tên tuổi, địa chỉ để liên lạc.
 
24. Nếu tôi không biết hiện giờ người đó đang ở đâu thì sao?
Ðáp: Bạn phải cố gắng hết sức để biết "người đó" hiện ở đâu để liên lạc. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tìm được sau khi đã cố gắng hết sức thì trường hợp của bạn vẫn được tiếp tục. Trong hoàn cảnh này, người Bảo Hệ (defender of the bond) sẽ lãnh trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người vắng mặt. Nhưng việc đầu tiên người Bảo Hệ sẽ làm là thăm hỏi xem bạn đã cố gắng hết sức chưa trong việc tìm kiếm.
 
25. Nếu biết được "người đó" hiện ở đâu, nhưng họ từ chối hợp tác trong việc tháo gỡ giao ước hôn phối thì sao?
Ðáp: Tòa Án Hôn Phối sẽ liên lạc và sau khi chắc chắn rằng người vợ hay chồng bạn đã nhận được thư mời của Tòa Án, nhưng không trả lời, hay trả lời không hợp tác, trường hợp của bạn vẫn được Tòa Án tiếp tục phán xử.
 
26. Trong hai điều: một là "người đó" hợp tác; hai là "người đó" không hợp tác thì điều nào tốt hơn?
Ðáp: Việc người vợ hay chồng "cũ" có hợp tác là tốt hơn, vì để phán đoán về một sự việc có hai người liên hệ, thì phải nghe cả hai bên trình bày. Nghe chỉ một bên trình bày sẽ khó khăn cho Tòa Án khi phán xử.
 
27. Vậy có phải là Tòa Án không tin những gì tôi nói không?
Ðáp: Không phải vậy! Nhưng thường mọi người đều nhận xét và trình bày mọi việc qua cái nhìn riêng của mình. Phán đoán về một trường hợp hôn phối sẽ dễ dàng hơn, sau khi nghe cả hai bên trình bày về phần mình.
 
28. Vậy có phải là Tòa Án sẽ xử ai là người có lỗi phải không?
Ðáp: Không phải! Tòa Án Hôn Phối không phải là nơi phán xét về luân lý, phạm tội hay không phạm tội, người này đúng, người kia sai.
Việc tháo gỡ một giao ước hôn phối không đặt căn bản trên việc qui tội cho người nào đã làm tan vỡ gia đình, nhưng chỉ tìm hiểu về việc liệu có ngăn trở nào hiện diện lúc hai người thiết lập giao ước hôn phối, khiến hôn phối đó không có hiệu quả Bí tích (không thành sự-invalid).
 
29. Nếu người chồng hay vợ kia chống đối việc tháo gỡ giao ước hôn phối của họ thì sao?
Ðáp: Nếu bạn có quyền trình bày hôn phối của bạn để tháo gỡ, thì người chồng hay vợ của bạn cũng có quyền chống đối việc tháo gỡ đó. Họ có quyền đưa ra những chứng cớ, những người làm chứng để chống lại việc tháo gỡ.
 
30. Vậy người chồng hay vợ đó có quyền bãi bỏ việc phán xử của Tòa Án Hôn Phối về trường hợp của họ không?
Ðáp: Không! Họ không có quyền đó. Khi một người đã đưa trường hợp hôn phối của mình ra Tòa Án Hôn Phối xin xét xử, không ai có quyền bãi bỏ cả. Nếu người vợ hay chồng cũ của bạn muốn chống đối, người ấy phải chống đối theo những cách thế luật pháp qui định, tỉ như đưa ra những bằng cớ ngược lại, giới thiệu những người làm chứng cho những bằng cớ đó v.v...
Tòa Án Hôn Phối sẽ nghe cẩn thận những điều bạn trình bày về phía bạn, đồng thời cũng nghe người vợ hay chồng cũ của bạn trình bày về họ cẩn thận giống như vậy.  Quyền lợi của cả hai bên đều được tôn trọng ngang nhau, nhưng sự phán xử vẫn tiếp diễn đến khi có kết quả
sau cùng.
 
31. Liệu Tòa Án Hôn Phối có cho người vợ hay chồng cũ của tôi biết lý do căn bản tôi đưa ra để tháo gỡ giao ước hôn phối không?
Ðáp: Nếu người vợ hay chồng cũ của bạn đến Tòa Án sau khi được mời, Tòa Án sẽ cho họ biết lý do căn bản bạn đưa ra và giải thích cho họ hiểu.
 
32. Phải cần bao nhiêu người làm chứng?
Ðáp: Một hay hai người biết sự thực thì hơn mười người không biết. Một trường hợp rõ ràng thì không cần nhiều người làm chứng.
Những người chứng có thể là thân nhân trong gia đình, bạn bè quen biết hay có thể là những nhà chuyên môn trong các lãnh vực y khoa, tâm lý...Các nhân viên trong Tòa Án sẽ giúp bạn về việc này sau khi nghe trường hợp của bạn.
 
33. Nếu người làm chứng ở xa quá thì sao?
Ðáp: Trong mỗi giáo phận, đều có Tòa Án Hôn Phối và các Tòa Án này liên hệ với nhau trong cùng một hệ thống, bạn cứ cung cấp địa chỉ, Tòa Án Hôn Phối đang thụ lý trường hợp của bạn sẽ liên lạc với Tòa Án Hôn Phối nơi người chứng trú ngụ và Tòa Án nơi ấy sẽ gặp người chứng đó.
 
34. Nếu tôi không tìm được người chứng nào thì sao?
Ðáp: Hôn phối là một cuộc sống công khai, do đó lúc nào cũng có người chứng. Sau khi nghe bạn trình bày, các nhân viên Tòa Án sẽ hướng dẫn bạn tìm người chứng. Người chứng không cần phải biết hết mọi chuyện. Có thể người này biết phần này và một người khác biết phần khác rồi một người khác biết phần khác nữa.
 
35. Nếu có người biết chuyện, nhưng họ không chịu ra Tòa giúp thì sao?
Ðáp: Giấy mời của Tòa Án Hôn Phối không có hiệu lực bắt buộc, do đó, bạn là người chịu trách nhiệm đứng ra mời người làm chứng cho chính bạn. Nhưng nên nhớ một điều: Nếu người làm chứng bị ép buộc, họ sẽ không giúp được gì nhiều.
 
36. Tôi phải dặn người chứng những gì?
Ðáp: Dặn họ nói sự thật và chỉ sự thật thôi. Một câu chuyện tự tạo trước sau gì cũng bị khám phá. Ðiều tốt nhất là không dặn người chứng gì cả, để tự họ nói lên những điều họ đã biết một cách khách quan.
 
37. Những giấy tờ nào cần thiết để đưa một trường hợp hôn phối ra Tòa Án Hôn Phối?
Ðáp: Thông thường, những giấy tờ sau đây cần thiết:
            1. Giấy hôn thú của hôn phối muốn được tháo gỡ.
            2. Giấy chứng nhận rửa tội, nếu là người Công Giáo.
            3. Giấy ly dị dân sự.
            4. Những giấy tờ khác sẽ do Tòa Án cho biết, trong trường hợp đặc biệt nào đó.
 
38. Vậy Tòa Án Hôn Phối cũng phán xử cả những hôn phối giữa những người không phải là Công Giáo nữa sao?
Ðáp: Giáo Hội công nhận là thành sự (valid) hôn phối của những người không công giáo cử hành theo thể thức riêng của họ. Nếu sau đó hôn phối của họ tan vỡ và một trong hai người hay cả hai người muốn kết hôn với người Công Giáo thì hôn phối trước đó của họ phải được tháo gỡ trước khi kết hôn lần thứ hai.
Hơn nữa, có những giao ước hôn phối thiết lập với phép chuẩn giữa một người Công Giáo và một người ngoại đạo. Sau đó hôn phối tan vỡ, người ngoại đạo muốn kết hôn lần thứ hai với một người Công Giáo khác, giao ước hôn phối trước đó phải được tháo gỡ.
 
39. Sao lại cần giấy ly dị dân sự?
Ðáp: Tòa Án Hôn Phối là tòa án của Giáo Hội Công Giáo, việc tháo gỡ giao ước hôn phối chỉ có giá trị trong lãnh vực thiêng liêng, phần hồn. Sự tháo gỡ này không có giá trị nơi tòa án dân sự. Vì thế, dù đã được tuyên bố tháo gỡ nơi Tòa Án Hôn Phối, theo luật của quốc gia bạn vẫn không được phép kết hôn lần thứ hai vì hôn thú dân sự thứ nhất của bạn vẫn còn giá trị. Nếu muốn kết hôn lần thứ hai, bạn phải làm giấy ly dị dân sự hôn phối trước đó.
Hơn nữa, những vấn đề liên can sau một thời sống chung như tài sản, tiền bạc, con cái...phải được phân chia hay trách nhiệm như thế nào là việc phán xử của  Tòa án dân sự, Tòa Án Hôn Phối chỉ giới hạn trong phạm vi thiêng liêng mà thôi. Tốt hơn, trước khi đưa trường hợp hôn phối của bạn ra Tòa Án Hôn Phối, bạn nên thu xếp xong mọi việc phần đời đã.
 
40. Có thể vì hoàn cảnh chiến tranh chẳng hạn, tôi không có giấy hôn thú, cũng không có giấy chứng nhận rửa tội thì phải làm sao?
Ðáp: Trong trường hợp này, bạn cần sự giúp đỡ của Linh Mục Bổn Sở hay Linh Mục Tuyên Úy nơi bạn cư ngụ. Dầu sao chăng nữa, bạn cũng cần có một Linh Mục giúp đỡ từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc việc phán xử.
 
41. Kể từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, thời gian mất khoảng chừng bao lâu?
Ðáp: Thời gian tùy thuộc vào nhiều vấn đề: việc cung cấp các bằng cớ và người chứng đúng hay không đúng theo thời hạn ấn định, việc liên lạc không bị trì hoãn vì thay đổi địa chỉ không thông báo, các chứng cớ trái ngược nhau v.v...Tuy nhiên, điều quan trọng có lẽ không phải là mất bao lâu, mà điều quan trọng là liệu giao ước hôn phối có được tháo gỡ không? Vội vàng thiếu chứng cớ để được câu trả lời "không", thì tốt hơn nên kiên nhẫn.
Mỗi Tòa Án Hôn Phối địa phương ấn định thời hạn khác nhau tùy theo số nhân viên và số trường hợp phải phán xử. Ðiều này, tòa án đang thụ lý trường hợp của bạn có thể cho biết.
 
42. Nếu trường hợp của tôi cần gấp thì sao?
Ðáp: Có lẽ trong hoàn cảnh này, trường hợp của ai cũng cần gấp cả. Tòa án Hôn Phối không thể phán xử một trường sau, trước một trường hợp trước. Việc gì đến trước thì ưu tiên theo luật (quod prius in tempore, prius in iure). Tòa án không thể làm việc theo thời khóa biểu bạn đặt ra được. Trước tòa án, mọi người đều bình đẳng.
 
43. Trong thời gian Tòa Án Hôn Phối đang phán xử trường hợp của tôi, tôi có quyền làm đám cưới khác không?
Ðáp: Thật ra, chẳng có Linh Mục nào dám đứng ra làm chứng hôn phối cho bạn khi trường hợp trước của bạn chưa được giải quyết xong.
 
44. Nếu tôi chỉ làm đám cưới dân sự thôi có được không?
Ðáp: Trình bày trường hợp hôn phối của bạn ra Tòa Án Hôn Phối là vì bạn không muốn bị vướng mắc phần thiêng liêng, không chống lại luật Chúa và Giáo Hội, nếu bạn lại chuốc thêm những phiền toái khác vào mình, thì đó là ý kiến riêng của bạn, bạn chịu trách nhiệm trước mặt Chúa.
 
45. Nếu tôi làm đám cưới dân sự, liệu Tòa Án có vẫn tiếp tục phán xử cho tôi không?
Ðáp: Tòa Án Hôn Phối vẫn tiếp tục phán xử trường hợp của bạn.
 
46. Tôi có thể theo dõi diễn tiến trường hợp của tôi tại Tòa Án Hôn Phối không?
Ðáp: Có lẽ tòa án không có đủ nhân viên để trả lời cho tất cả mọi người theo dõi về các trừơng hợp của họ đang được phán xử. Tuy nhiên, nếu quá cần thiết, và chỉ trong trường hợp cần thiết thôi, bạn có thể liên lạc để hỏi thăm về trường hợp của bạn.
 
47. Nếu tôi không bị vướng mắc, nhưng người tôi định kết hôn đã một lần kết hôn rồi, tôi có thể đưa trường hợp của người ấy ra Tòa Án Hôn Phối không?
Ðáp: Chỉ những người sau đây mới có quyền đưa một trường hợp hôn phối ra Tòa Án Hôn Phối:
- Người vợ hay chồng của chính giao ước hôn phối đó.
- Chưởng lý, khi sự vô hiệu của một giao ước hôn phối đã trở thành công khai.
Trong trường hợp của bạn, người bạn định kết hôn phải là người đưa trường hợp hôn phối của họ ra Tòa Án Hôn Phối.
 
48. Nếu người ấy không phải là người Công Giáo và người phối ngẫu trước đó cũng không phải là người Công Giáo thì sao?
Ðáp: Người ấy vẫn có quyền đưa trường hợp đó ra Tòa Án Hôn Phối, nhưng cần sự giúp đỡ của những người hiểu biết khác.
 
49. Làm sao Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội lại tháo gỡ một giao ước hôn phối không phải là Công Giáo được?
Ðáp: Giáo Hội Công Giáo xét về hôn phối trong lãnh vực này như sau:
- Giáo Hội công nhận là thành sự (valid) những giao ước hôn phối của hai người không phải là Công Giáo kết hôn theo nghi thức riêng của tôn giáo của họ.
- Giáo Hội Công Giáo có quyền qui định ai được kết hôn trong Giáo Hội.
- Tòa Án Giáo Hội Công Giáo xét một giao ước hôn phối của hai người không phải là Công Giáo, vì chính họ yêu cầu, để sau đó họ được kết hôn với một người Công Giáo.
 
50. Tháo gỡ giao ước hôn phối có nghĩa là tuyên bố rằng hôn phối ấy không thành sự ngay từ lúc cử hành hôn lễ. Vậy những đứa con sinh ra do hôn phối ấy có phải là những đứa con ngoại hôn không?
Ðáp: Những đứa con sinh ra không phải là con ngoại hôn, vì khi tạo thành, cưu mang và sinh ra chúng cha mẹ chúng vẫn có ý nghĩ rằng không có gì "trục trặc" trong giao ước hôn phối của hai người. Những đứa con đã được sinh ra đều là con chính thức.
 
51. Tháo gỡ một giao ước hôn phối có nghĩa là tuyên bố rằng hôn phối ấy không thành sự ngay từ lúc cử hành hôn lễ. Vậy sau khi đã tháo gỡ rồi, hai người liên hệ có còn trách nhiệm gì với nhau và với con cái đã được sinh ra không?
Ðáp: Ðây là một vấn đề luân lý rất quan trọng trong Giáo Hội. Khi phán đoán về một giao ước hôn phối, Giáo Hội rất cân nhắc về điểm này. Nếu một trong hai người hay cả hai người muốn kết hôn sau khi được tháo gỡ, Giáo Hội nhấn mạnh điều kiện phải chu toàn bổn phận theo lẽ công bằng và bác ái Kitô Giáo đối với người phối ngẫu và con cái sinh ra từ hôn phối trước đó.
Trong một vài trường hợp, đương sự phải viết giấy cam đoan. Cũng có những trường hợp sau khi tháo gỡ giao ước hôn phối rồi, đương sự bị cấm tái kết hôn trong Giáo Hội vì đã không thực hiện bổn phận và trách nhiệm nói trên.
Nếu việc bỏ bê trách nhiệm như trên không được Giáo Hội để ý đến khi tháo gỡ giao ước hôn nhân, thì có khác gì Giáo Hội xúi dục, đồng lõa trong những việc bất công và thiếu bác ái.
 
52. Trong việc tháo gỡ một giao ước hôn nhân như vậy, phải tốn phí ước chừng bao nhiêu tiền?
Ðáp: Dù với tất cả các khoản chi tiêu trong việc giấy tờ, sổ sách, văn phòng, các nhân viên, phí tổn di chuyển trong việc điều tra...đương sự không phải trả hoàn toàn các khoản chi phí này. Thông thường mỗi Tòa Án Hôn Phối địa phương có những ấn định khác nhau, nhưng với người có nhiều thì trả nhiều, với người có ít thì trả ít và với người không có thì không phải trả gì cả. Chưa có một trường hợp nào Tòa Án Hôn Phối từ chối phán xử vì đương sự không có tiền trả.
 
53. Nếu người chồng hay vợ cũ của tôi đã được tháo gỡ do Tòa Án Hôn Phối và có quyền lập gia đình, còn tôi có phải ra tòa nữa không?
Ðáp: Giao ước hôn phối được ký kết do hai người nam và nữ để trở thành vợ chồng. Giờ đây vì những ngăn trở đã có, giao ước hôn phối ấy kể như không có. Vì thế, nếu một người được tự do, thì người kia không ràng buộc với ai được nữa. Bạn không phải ra tòa và có quyền lập gia đình khác.
 
54. Khi nào tôi biết được Tòa Án Hôn Phối đã quyết định xong trường hợp của tôi?
Ðáp: Bạn sẽ được liên lạc để cho biết điều này. Tuy nhiên, không phải là sau khi các thẩm phán quyết định xong trường hợp của bạn. Việc tháo gỡ một giao ước hôn phối trong giai đoạn này như sau:
Sau khi các thẩm phán quyết định xong một trường hợp hôn phối, quyết định này phải được trình lên Tòa Kháng Án (Appeal Tribunal). Tòa Kháng Án này do các Giám Mục trong toàn vùng chịu trách nhiệm. Thường không mất thời gian lâu tại Tòa Kháng Án, nhưng án văn sẽ không có hiệu lực nếu chưa qua Tòa này.
Nếu bạn không đồng ý với phán quyết sau cùng này, bạn có thể chống án và trường hợp của bạn sẽ được xét ở cấp thứ hai cũng do Tòa Kháng Án này.
 
55. Ðể tháo gỡ một giao ước hôn phối, có phải gửi hồ sơ qua Tòa Thánh tại Rôma không?
Ðáp: Không! Không phải gửi qua Rôma, trừ một vài trường hợp đặc biệt như hôn phối hợp pháp giữa một người Công Giáo và một người ngoại đạo, hay một hôn phối bất hoàn hợp.
 
56. Hôn phối bất hoàn hợp là hôn phối thế nào?
Ðáp: Là một hôn phối đã được cử hành đúng luật theo nghi thức Bí tích Hôn Phối (ratum), nhưng vì một lý do nào đó không hoàn hợp (non-consummatum), có nghĩa là hai vợ chồng chưa chung đụng xác thịt với nhau kể từ sau khi cử hành hôn lễ.
 
57. Có phải sau khi có án văn tuyên bố tháo gỡ rồi, các đương sự liên hệ lập tức được lập gia đình khác không?
Ðáp: Thường thì được, nhưng cũng có những trường hợp Tòa Án Hôn Phối buộc phải qua một thời gian được hướng dẫn do các nhà chuyên môn về hôn phối, để các lý do đã xảy ra trong lần hôn phối thứ nhất sẽ không xảy ra nữa.
 
58. Vậy khi nào tôi có thể định ngày cưới của tôi được?
Ðáp: Sau khi bạn nhận được án văn của Tòa Kháng Án, tuyên bố chính thức rằng giao ước hôn phối bạn ký trước kia đã được tháo gỡ (declaration of nullity, non-existence, annulment hay dissolution).
 
59. Một khi Tòa Án Hôn Phối nhận phán xử trường hợp của tôi rồi và đang xúc tiến, tôi có thể phỏng đoán rằng tôi sẽ được tháo gỡ không?
Ðáp: Không ai có thể phỏng đoán kết quả của một trường hợp được đưa ra Tòa Án Hôn Phối cả, vì kết quả này tùy thuộc vào quá nhiều yếu tố: Không có lý do xác đáng; có thể có lý do nhưng không viện dẫn, minh chứng được...
 
60. Trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa phán về Bí Tích Hôn Phối rằng: "Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly". Vậy Tòa Án Hôn Phối dùng quyền gì để tháo gỡ một trường hợp hôn phối?
Ðáp: Như trong phần mở đầu của chương này tác giả đã xác định công việc của Tòa Án Hôn Phối: chỉ công khai hóa việc bất thành sự (invalidity) của giao ước hôn phối đã thiết lập. Nghĩa là khi cử hành hôn phối, hoàn cảnh của hai đương sự liên hệ đã đang có những ngăn trở nào đó, khiến hôn phối cử hành không có hiệu quả Bí Tích. Vì không có hiệu quả Bí Tích nên không được kể là Bí Tích. Tòa Án Hôn Phối thực hiện công việc điều tra và chiếu theo luật tuyên bố giao ước hôn phối ấy vô hiệu.
Một hôn phối khi cử hành, không có một ngăn trở nào hiện diện, đã thành nhận (ratum) và hoàn hợp (consummatum), chỉ có sự chết mới tháo gỡ được mà thôi.
 
61. Hai vợ chồng trong một giao ước hôn phối đã được tháo gỡ, có thể tái kết hôn với nhau không?
Ðáp: Sau khi tháo gỡ, hai "vợ chồng" không còn bị ràng buộc gì với nhau nữa, hoàn toàn tự do, họ có thể lập gia đình với bất cứ ai hay với nhau. Tuy nhiên, phải lưu ý về những ngăn trở "cũ", nếu chúng còn hiện diện, chúng sẽ là nguyên cớ khiến giao ước hôn phối vô hiệu một lần nữa.

Giuse Bùi Đức Tiến
====================
Xem tại nguồn:
http://buiductien.com/index_html/books/ToaAnhonphoi/plonearticle.2007-01-09.5068535765/index.html
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập14
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,022
  • Tháng hiện tại29,698
  • Tổng lượt truy cập11,281,191
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi