CHÚA NHẬT VI A. Lề luật và tội lỗi - JB Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 11/02/2017 05:06


 LỀ LUẬT VÀ TỘI LỖI

Có người phê bình Đạo Công Giáo là đạo của “lề luật” và của “tội’. Họ nói: đạo gì mà cứ hở một chút là nói là phạm luật, là phạm điều răn này điều răn nọ; hở một chút là nói “có tội” nói Chúa phạt; hở một chút là nói bị "dứt phép thông công", bị xuống "hỏa ngục".
Đôi khi họ cũng có lý. Mới gia nhập đạo thì phải chịu rửa tội; phải học giáo lý xét mình để có thể xưng tội; phải xưng tội hàng tháng, hay hằng năm; rồi phải ăn năn đền tội suốt cả đời. Các đạo khác đâu có như vậy! Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Cao Đài đâu có đòi phải rửa tội, xưng tội như vậy!!!
Một cụ già người lương sống rất lương thiện tốt lành. Ông nghe người bạn giới thiệu về Chúa, ông thích quá. Nhưng khi người bạn đề nghị ông chịu phép rửa tội thì ông mới ngạc nhiên nói: “Tại sao lại phải rửa tội? Tôi có tội gì đâu? Tôi đâu có ăn trộm, giết người cướp của, ngoại tình gì đâu? Tôi đâu có làm hại ai mà tôi phải chịu rửa tội?”
Vậy thì phải chăng đạo Công giáo có một nền luân lý quá khắc khe? Một đạo đặt nặng vấn đề lề luật, vấn đề tội?
Quả đúng“tội” là một khái niệm khá quan trọng trong đời sống người Kitô hữu của chúng ta. Sách Sáng Thế Ký đã nói đến Tội Nguyên Tổ làm cho con người phải đau khổ và phải chết. Con Thiên Chúa giáng trần là để chuộc tội nhân loại. Tuy nhiên quan niệm về lề luật và tội lỗi đã có nhiều sai lệch.
Một sáng sớm CN, tôi đang chuẩn bị dâng lễ, chỉ còn môt vài phút nữa là ra bàn thờ, một giáo dân chạy vào nói: Xin cha giải tội cho con. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao ông lại xin xưng tội gấp gáp vào giờ này ? Người ấy đáp: Thưa cha tuần vừa rồi con đi đường xa nên bỏ lễ CN, con có tội trọng nên không thể rứơc lễ được. Tôi bảo: “Không sao, ông cứ việc dự lễ và rước lễ, ông không có tôi trọng đâu. Ông bỏ lễ CN có lý do chính đáng ông không có tội gì cả.”
Trường hợp người giáo dân này phản ảnh thái độ quá câu nệ về lề luật như người Do Thái ngày xưa.  Người ta cho rằng làm điều tội chỉ vì có luật cấm làm điều đó. Không có luật cấm thì không có tội. Như thế tội được định nghĩa hoàn toàn theo pháp lý. Đây là một quan niệm cứng nhắc, coi Thiên Chúa như một quan tòa hung dữ, chỉ chờ người ta phạm tội để rồi phạt.
Hậu quả là người giữ đạo như giữ một số lề luật và con người cảm thấy bị trói buộc, vì nếu phạm đến lề luật là phạm tội trọng và nếu chết lúc đó thì xuống hỏa ngục.
Có phải giữ đạo là giữ những điều luật của đạo? Anh chị em thử nghĩ xem, có đúng không?
Cũng đúng đó chứ, bằng chứng là có những người trong nhà thờ hôm nay sợ tội nên không bỏ lễ Chúa Nhật, sợ tội nên không ăn cắp ăn trộm, sợ tội nên không ngoại tình gian dâm.
Nhưng cũng có điều không đúng nếu như chỉ khư khư bám vào lề luật để đánh giá trị việc làm của mình. Một thái độ khư khư bám vào lề luật như thế được gọi là chủ nghĩa duy pháp lý, một chủ nghĩa sai lạc vì bỏ qua chiều kích thăng tiến con người, hạ giá con người.
Cái nhìn duy pháp lý này lại gây một hậu quả ngược lại, rất nghiêm trọng hơn nữa, đó là góp phần vào tình trạng giảm ý thức về tội. Càng thấy mình phạm luật là phạm tội thì người ta càng giảm ý thức về tội. Lý do là người ta chỉ tố giác những hành vi phạm bên ngoài chứ không còn tố giác sự đồi bại bên trong, sự đồi bại nội tại của tội nữa.
Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tội, về lề luật. Ngài coi là tội không chỉ như những hành vi phạm một điều cấm như giết người, ngoại tình nhưng xét đến cái ý muốn nội tại xấu xa của hành vi: Giận anh em mình cũng đã là tội, căm ghét anh em cũng đã là tội, nhìn người nữ mà ước muốn phạm tội thì cũng đã là tội rồi.
Điều cơ bản mà mọi tội quy về đó là sự vi phạm đức bác ái yêu thương. Xét mình có tội hay không là xét theo đức bác ái yêu thương.
Trường hợp sau đây có lẽ là một minh họa rất hay. Một linh mục kể lại rằng có một người đàn ôngvào xưng tội. Ông ta nói: “Thưa cha, con có không vâng lời vợ con.” Vị linh mục ngạc nhiên, tưởng mình nghe sai, hỏi lại. Ông kia nói lại: “Thưa cha, con là một ông chồng, con có tội là không vâng lời vợ con”. “Sao con nghĩ không vâng lời vợ lại có tội ?”. “Dạ, thưa cha, vợ con nói đúng, nói có lý mà con không nghe lời, nên con thấy là con có tội.”
Đây là quả một cái nhìn về tội rất đúng đắn. Tội được xét cách tích cực như những lỗi phạm hay những thiếu sót của đức bác ái. Đức bác ái ở đây là sự tôn trọng phẩm giá, quyền lợi và ý kiến của người khác. Đức bác ái của ông chồng này thể hiện ở chỗ không độc tài, xem vợ mình như người bạn bình đẳng, và biết tôn trọng vợ mình.
Về phần chúng ta, đã nhiều lần chúng ta xét tội như những vi phạm những luật cấm, thế nhưng thử hỏi đã bao nhiêu lần chúng ta xét mình là có tội vì thiếu vắng tình yêu thương, đã bao nhiêu lần chúng ta hành động, suy nghĩ, nói năng mà gây tổn hại cho người anh em, đã bao lần chúng ta bỏ cơ hội thăng tiến bản thân mình trước Thiên Chúa là cha giàu lòng yêu thương.
JB. Lê Ngọc Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay954
  • Tháng hiện tại1,843
  • Tổng lượt truy cập11,155,176
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi