Sống bên cạnh nhau trong một gia đình mà như sống với người dưng nước lã; nhiều khi chẳng xây dựng được sự bình an hạnh phúc mà lại chịu đựng lẫn nhau. Người này như một hoả ngục đối với người kia.
Tại sao lại có một tình trạng như vậy? Tại sao con người vẫn cứ sống trong kỳ thị, chia cách nhau, làm khổ cho nhau, hoả ngục cho nhau?
Đó là bởi vì con người vẫn thường thấy mình là đúng là tốt và thấy người khác là sai, là dở, là vô lý, là vô đạo đức... Và vì thế mới cảm thấy bực mình, mới giận, mới phê bình chỉ trích. Ngoài ra, chúng ta còn thấy người khác làm ta bị hại, bị mất mát…
GIẢI PHÁP CHO KỲ THỊ XUNG ĐỘT
Chúa Giêsu dạy: "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy" (Mt 10,40).
Ngày nay, có lẽ người ta đang theo Lời Chúa dạy, khi các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trớ trêu thay, khi cùng nhau xích lại gần nhau con người ngày nay cũng đồng thời càng tỏ ra kỳ thị, phân rẽ nhau.
Như chúng ta đã thấy người Hutu căm ghét người Tussi đã gây nên những cuộc thảm sát đẫm máu. Rồi như cuộc chiến sắc tộc ở Coartia, Nam Tư cũ. Dân Israel, không muốn sống chung với người Palestine, nên cuộc xung đột giữa hai phe cứ tiếp tục kéo dài. Có những nhóm Hồi Giáo không muốn sống với các tôn giáo khác. Cuộc chiến trừng phạt, cuộc chiến vì kỵ thị, cuộc chiến vì tinh thần báo thù lại cứ tiếp diễn .
Điều này cũng còn thấy xảy ra ngay trong một phạm vi nhỏ hơn: trong một khu phố, trong một trong một gia đình.
Một ngày Chúa Nhật ở Pari bên Pháp, một cộng đoàn các sơ thường xuyên có một linh mục già đến dâng lễ vào lúc 4 giờ chiều. Vào ngày đó vị linh mục vì đau yếu nên không thể đến dâng lễ được, vì thế ngài nhờ một linh mục người Nigeria, một người bạn tình cờ đến thăm ngài, đến cộng đoàn dâng lễ thay ngài. Lúc 4 giờ kém 5 vị linh mục người Nigeria đến cổng tu viện và bấm chuông. Theo thói quen ở Pari vào thời ấy, ngài mặc thường phục chứ không mặc áo giáo sĩ. Bà sơ giữ cổng nhanh nhẹn mở cổng vì nghĩ rằng cha đến làm lễ. Nhưng khi thấy một người Phi Châu, da đen, sơ không kịp để cho người này nói được câu nào, mà sơ vội nói như xua đuổi ngay: “Xin lỗi tôi không có gì để giúp ông. Chúng tôi sắp dâng lễ ngay bây giờ. Khi khác ông hãy tới.” “Cám ơn sơ”, vị linh mục Nigeria nói và quay lưng đi. Vài phút sau đó chuông điện thoại reng ở nhà vị linh mục già. Đó là điện thoại các sơ gọi. Các sơ nói rằng họ đang đợi cha đến để làm lễ nhưng chưa thấy tới, xin cho biết lúc nào cha đến. Và họ được trả lời rằng: “Ngài đã đến, nhưng các sơ đã nói với ngài rằng hãy đi và ngày khác hãy đến”
Giống như vị nữ tu, tuy vẫn ý thức rằng cần phải sống yêu thương, cần phải đón nhận tha nhân, không được kỳ thị… nhưng chúng ta cứ vẫn chưa làm được.
Sống bên cạnh nhau trong một gia đình mà như sống với người dưng nước lã; nhiều khi chẳng xây dựng được sự bình an hạnh phúc mà lại chịu đựng lẫn nhau. Người này như một hoả ngục đối với người kia.
Tại sao lại có một tình trạng như vậy? Tại sao con người vẫn cứ sống trong kỳ thị, chia cách nhau, làm khổ cho nhau, hoả ngục cho nhau?
Đó là bởi vì con người vẫn thường thấy mình là đúng là tốt và thấy người khác là sai, là dở, là vô lý, là vô đạo đức... Và vì thế mới cảm thấy bực mình, mới giận, mới phê bình chỉ trích. Ngoài ra, chúng ta còn thấy người khác làm ta bị hại, bị mất mát…
Ví dụ một người chỉ thấy người sống chung với mình chỉ làm cho nhà thêm chật chội, tốn kém thêm tiền điện tiền nước; một người mẹ chồng chỉ thấy nàng dâu lười biếng chỉ lo son phấn; một người vợ chỉ thấy chồng là người vô trách nhiệm; một người chỉ thấy chị hàng xóm tham lam hà tiện… Nếu chỉ thấy như vậy, thì làm sao tâm hồn mình thư thái bình an được, mà ngược lại chỉ chịu đựng một gánh nặng, chịu một bức xúc cho đến một ngày nó bùng ra, rồi cải vả, rồi phê bình chỉ trích, cải vả, oán ghét lẫn nhau.
Vậy thì thử hỏi có điều gì giúp chúng ta vượt qua được những cái khó khăn đó, để sống tốt đẹp với người trong gia đình, với người hàng xóm?
Thưa, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta điều ấy. Đó là ngài đã đồng hoá mình với tha nhân: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”, “và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi . . ., thì người đó không mất phần thưởng đâu.”
Đúng hơn, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một cái nhìn đổi mới về tha nhân. Với cái nhìn này, thì người khác, không chỉ là một người cho tôi những điều lợi này hay mang đến cho tôi điều hại kia; người khác không chỉ là dễ yêu hay dễ ghét theo xét đoán bình thường nữa; người khác không chỉ là đúng đắn hay vô lý nữa; là đạo đức hay tội lỗi nữa…, mà người khác chính là Đức Giêsu đang hiện diện. Khi đón tiếp tha nhân thì cũng là đón tiếp chính Chúa. Và do đó cái nhìn về tha nhân là cái nhìn kính trọng và yêu mến. Họ như là một hồng ân Chúa ban cho ta.
Nhưng đâu dễ có được cái nhìn này. Phải có đức tin cao độ mới có thể nhìn thấy Ngài nơi tha nhân. Và vì thế, thế giới, con người nếu xa rời đức tin thì mãi mãi con người vẫn cứ sống trong kỳ thị, xung đột, làm khổ cho nhau, cho dù con người có ý thức về liên đới đến mấy chăng nữa. Thực tế cho thấy, thế giới càng đánh mất đức tin, thế giới càng đi vào chiến tranh lẫn nhau, cho dù họ biết rõ chiến tranh chỉ gây huỷ diệt.
Xin Chúa cho chúng ta có cái nhìn đức tin mạnh mẽ để nhìn thấy Chúa nơi người anh chị em, để chúng ta mới có thể vươn lên khỏi cái nhìn ích kỷ kiêu căng mà có cái nhìn cao thượng hơn. Cái nhìn vươn lên tới Chúa chứ không phải chỉ với cái nhìn hạn hẹp trong thế giới này.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng