GIOAN TẨY GIẢ: Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 22/06/2018 21:48

Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.” (Ga 3,30 )
 Lời Gioan nói biểu lộ một đức tính quan trọng đó là sự khiêm tốn. Và vì thế, Đức Giêsu đã đề cao Gioan: Trong các kẻ sinh ra từ người nữ, không ai cao trọng hơn Gioan. Và nếu như Đức Giêsu đã nói: kẻ nhỏ nhất sẽ nên lớn nhất thì Ngài cũng xác nhận Gioan là người đã trở nên nhỏ để rồi được lớn, cũng đồng thời xác nhận sự khiêm tốn nơi Gioan là đích thực.
Vậy đâu là sự khiêm tốn đích thực? Khi hỏi như thế thì cũng hàm ý rằng có những điều chúng ta tưởng là khiêm tốn mà lại chẳng phải là  khiêm tốn, có những điều tưởng là kiêu ngạo mà lại chẳng kiêu ngạo.
Cổ học tinh hoa có ghi lại câu  chuyện: Án Tử làm tướng nước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu. Vợ tên đánh xe nhìn qua khe cửa, thấy chồng mình tay cầm cái dù, tay cầm dây cương, mặt vác lên trời, dương dương tự đắc. Lúc chồng về nhà, nàng xin từ bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi: “Tại làm sao?” Nàng nói :
“Án Tử người gầy thấp, bé nhỏ đến làm tướng nước Tề, danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn có ý cẩn trọng, khiêm nhường, như chưa bằng ai. Chớ như chàng cao lớn đãy đà, chỉ mới làm được một tên đánh xe tầm  thường hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh, tưởng không ai bằng. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi.”
Từ hôm ấy tên đánh xe bỏ được cái bộ vênh váo, chừa được cái tính nông nỗi. An Tử thấy thế, lấy làm lạ, hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại. An Tử cất nhắc cho làm quan đại phu.
Từ thái độ cao ngạo dễ ghét của người đánh xe sau đã trở thành người dễ mến là vì anh biết nghe lời vợ đón nhận sự thật về mình. Trước đây  anh coi mình quan trọng như quan quyền thì anh kiêu ngạo. Bây giờ anh nhận mình chỉ là một người đánh xe thì anh đã có đức khiêm tốn. Án Tử đã mến phục và cất nhắc anh ta lên.
Khiêm tốn là đón nhận sự thật. Bây giờ thử hỏi, nếu người phu xe hạ mình hơn nữa, coi mình là kẻ hốt rác  thì anh ta còn khiêm tốn nữa không? Không. Một ngườii cao 2m mà nói: “Tôi chỉ cao có 1m 8”,  thì người đó không khiêm tốn. Một văn sĩ tài gỏi mà nói : “Tôi là một văn sĩ bất tài” thì người đó cũng không khiêm tốn. Những kiểu nói như thế chỉ nhằm mục đích từ chối hầu để được khen nhiều hơn. Tốt hơn ông ta nên nói “Vâng bất cứ tài năng nào tôi có được đều là quà tặng của Thiên Chúa và tôi xin cảm ơn Ngài về điều ấy”. Lời nói này là hợp với con người khiêm tốn vì người ấy đã chấp nhận một sự thật về mình một cách khách quan, không tự nâng mình lên, cũng không tự hạ mình đến nỗi chối bỏ sự thật.
Điều này chúng ta thấy rõ nơi Gioan Tẩy Giả. Gioan không đóng kịch, không giả đò. Người ta hỏi Gioan: " Có phải ông là Đấng Cứu Thế không?"
"Không, tôi không phải là Đấng Cứu Thế!"
"Nếu không phải là Đấng Cứu Thế thì ông có phải là Eliah không?"
"Không, tôi cũng không phải là Eliah."
"Như vậy ông là ai? Xin nói cho chúng tôi biết để chúng tôi còn về trình lại với những người đã sai chúng tôi."
"Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đến."
"Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Eliah hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?"
"Tôi làm phép rửa trong nước nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng đó có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Người."
Gioan đã không làm bộ tỏ ra mình là quan trọng; ông không lo xác định địa vị hay đòi hỏi ưu tiên. Ông không hổ thẹn nhận mình không xứng đáng cởi dây giầy cho người ông có trách nhiệm làm chứng. Nhưng ông lại vui mừng hãnh diện trong vai trò làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Ở đây chúng ta còn nhận thấy một nét đặt biệt nơi đức khiêm tốn của Gioan nữa là dám gánh trách nhiệm. Khi đã nhận ra sứ vụ ơn gọi của mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông vui trong trách nhiệm chỉ cho người ta thấy ánh sáng là Đức Kitô. Ông chu toàn sứ vụ đó một cách hoàn hảo và ông đã sẵn lòng chịu lao tù chịu chết để chu toàn sứ vụ.
Điều này cũng giúp chúng ta cũng khám phá ra cái nét khiêm tốn giả tạo thường có của con người. Đó là tự cho mình bất tài, không có khả năng để rồi trốn tránh, không dám đảm nhận công việc. Ví dụ: Mọi người đều nhận ra anh A là người có khả năng lãnh đạo, bầu anh làm trưởng ban. Anh A từ chối viện lẽ mình không đủ khả năng. Chị B có biệt tài ai cũng mong chị ra giúp việc  chung. Chị từ chối viện lẽ mình bất tài. Khiêm tốn đó là khiêm tốn giả tạo.
Khiêm tốn đích thực thì chấp nhận sự thật về mình về khả năng và ơn gọi riêng của mình và can đảm lãnh trách nhiệm. Trách nhiệm của một người trong gia đình cũng như trong việc xây dựng xã hội, cộng đoàn. Ngược lại không chấp nhận sự thật về mình, không dám lãnh trách nhiệm chính là thái độ của người nhút nhát, bạc nhược, được che đậy bởi cái khiêm tốn giả tạo.
Chúng ta có thể tin nhận rằng lý lẽ sống của Gioan cũng là lý lẽ sống của chính chúng ta. “Người phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại”. Là Kitô hữu sứ vụ của chúng ta cũng là làm chứng về Đức Ktiô và giới thiệu Đức Kitô cho thế giới. Chúng ta không ai được phép nói rằng tôi bất tài, không đủ khả năng để  làm tiếng kêu dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Chúng ta có lấy việc chu toàn sứ vụ chứng nhân ấy làm niềm vui cho đời sống của mình hay không?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay3,430
  • Tháng hiện tại38,387
  • Tổng lượt truy cập10,740,210
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi