CHÚA NHẬT XXVI C, Cái không ngờ của cuộc đời - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ năm - 26/09/2019 04:47
Cái không ngờ của cuộc đời
(Lc 16,19-31)
 
Dụ ngôn người giàu có và người ăn mày Lazaro cho ta thấy có sự không ngờ trong cuộc đời, của vận mệnh con người.
Thứ nhất, đó là sự không ngờ về phía anh nhà giàu. Anh giàu nức vách đổ tường, ngày ngày yến tiệc linh đình. Anh không ngờ rằng mình bị rơi xuống hỏa ngục, chịu cực hình muôn thuở.
Anh không ngờ vì thấy mình đâu có làm gì bất chính, gian manh, hay bóc lột người khác. Anh giàu, có thể là vì anh đã có tài năng, đã đầu tư và làm ăn thành công, có thể là vì anh được hưởng gia tài kếch xù từ cha mẹ, có thể là vì anh đã tìm thấy được hũ vàng ở đâu đó, có thể là vì anh trúng số độc đắc...
Dụ ngôn không nói gì đến những hành vi gian trá, bóc lột hay cậy thế cậy quyền của người giàu có. Vì vậy, giả thiết anh là người vô tội nếu xét đến những hành vi tội lỗi, gian ác.
Anh giàu có thì anh có quyền sử dụng tiền bạc mình, đâu có gì sai trái! Anh mở tiệc đãi bạn bè hàng ngày thì đâu có gì là xấu! Và nếu có tội ăn uống, chè chén say sưa hay ham mê ăn uống thì cũng là tội nhẹ nhẹ thôi, chứ làm gì mà phải sa hỏa ngục?
Thứ hai, là sự không ngờ về phía anh ăn mày Lazarô, một người nghèo, nghèo mạt rệp.
Anh không ngờ vì qua đời sau, anh được lên Thiên đàng, được thiên thần đem vào lòng tổ phụ Abraham, được hạnh phúc viên mãn. Nhìn lại cuộc đời dương thế, anh đâu có làm gì để tạo nên công phúc gì lớn lao. Dụ ngôn đâu có kể ra việc bác ái, xả thân hy sinh phục vụ cho người khác của anh. Thế mà, anh lại được hưởng phúc Thiên đàng; mà lại hạnh phúc đời đời cơ chứ!
Thứ ba, đó cũng là sự không ngờ đối với những người Do Thái.
Tại sao vậy? Vì theo truyền thống của họ, của cải giàu sang là bằng chứng cho sự chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Chẳng hạn như trường hợp ông Job, khi bị nghèo khổ bệnh tật ghẻ lỡ, thì bà vợ và các bạn hữu đã coi ông ta bị chúc dữ, bị Chúa phạt.
Như vậy, cả hai kẻ giàu, nghèo đều thấy không ngờ, và hầu hết những người Do Thái đều thấy không ngờ! Tại sao ta có thể khẳng định là họ không ngờ như vậy? Thưa, bởi vì, chính anh nhà giàu đã xin Chúa cho người chết hiện về để báo cho anh em mình biết để mà tránh cái hỏa ngục không ngờ này.
Vậy thì, ý Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn?
Ít ra là có ba giáo huấn của Chúa, gây nên sự không ngờ, được nhận ra trong dụ ngôn này.
Không ngờ thứ nhất, là có đời sau. Cũng nên biết thời Chúa Giêsu, người Do Thái chưa có niềm tin vào hạnh phúc đời sau, chưa tin vào sự sống lại, chỉ có tin vào Lâm bô, một nơi ở đời sau mà chưa rõ ràng nó là gì. Trong những người Do Thái, nhóm Biệt phái thì tin có đời sau, nhưng nhóm Saduceo lại không tin và họ đã tranh cải nhau kịch liệt.
Giáo huấn về đời sau đồng thời cũng sửa lại quan niệm Do Thái về của cải vật chất đời này. Chúa Giêsu cho họ thấy rằng của cải giàu sang, không là bằng chứng cho sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ, bệnh tật không là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa hay bị chúc dữ.
Quan điểm chung của loài người  cũng thường bị sai lầm như những người Do Thái. Khi thấy mình được sinh ra đẹp trai, đẹp gái, khỏa mạnh, có nhiều tài năng, giàu có, sang trọng, có địa vị cao trong xã hội … thì nghĩ rằng mình có phúc, mình vô tội, mình được trời thưởng công. Khi thấy người khác bị bệnh tật, nghèo khổ, gặp tai nạn, phải đi ăn xin…, thì nghĩ rằng người ấy vô phúc, và có khi suy đoán rằng, ông bà cha mẹ nó làm điều gian ác, hay chính nó đã có cuộc sống tội lỗi, nên bị trừng phạt như vậy.
Không ngờ thứ hai, chính là lòng nhân hậu vô cùng, hay ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta thường nghĩ có công được thưởng, có tội bị phạt. Điều này không sai, nhưng nhiều khi không có công cũng được thưởng. Đó là trường hợp của người ăn mày Lazarô. Tổ phụ Abraham giải thích: “còn Lazarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lazarô được an ủi nơi đây” (Lc 16,25).
Ngài đã không giải thích, là vì Lazarô đã làm việc bác ái, đã có công trạng này kia nên được thưởng hạnh phúc Thiên đàng, nhưng chỉ nói đó là sự “an ủi” cho người trước đây đã chịu toàn là những sự bất hạnh. Sự an ủi hay hạnh phúcThiên đàng, vì vậy, đều do từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đó là một ơn huệ nhưng không.
Chúng ta cũng hãy nhớ lời dạy trong Tám mối phúc thật (x. Mt 5,1-10): “Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an”. Ngài chỉ nói đơn giản những ai “đau buồn”, sẽ được ủi an. “Ủi an” hay “hạnh phúc” ở đây không có được từ công trạng nhưng chỉ do tình yêu thương của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng nhớ đến dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20,1-16a). Ông chủ trả cho người chỉ làm một giờ vào buổi chiều cũng ngang bằng với người làm tám tiếng, từ sáng sớm, cũng chỉ do lòng nhân hậu của ông chủ, chứ không phải là do trả công (Mt 20,15).
Không ngờ thứ ba, là nổi bật nhất; không ngờ rằng sự thờ ơ ích kỷ của con người lại đưa mình xuống hỏa ngục. Cái giàu sang hay sự sung sướng ở đời này, tự nó, không làm một người xuống hỏa ngục. Nhưng chính cái xử sự, cách sống trái quấy, của con người, đem con người xuống hỏa ngục. Đó là cái thờ ơ ích kỷ, không muốn chia sẻ cho người khác.
Ông bà anh chị em có thấy cái cảnh anh giàu có yến tiệc linh đình lại bỏ mặc người nghèo, đói khát bên cạnh là bất công không? Mọi người bình thường đều cảm thấy có sự bất công rõ rệt, một sự vô đạo đức rõ rệt.
Vì vậy, xét một cách khách quan, thì anh nhà giàu không bị bất ngờ. Anh có thể thấy sự bất công như chúng ta thấy. Anh bất ngờ chỉ theo chủ quan của anh, khi cho rằng anh có quyền hưởng thụ mọi cái ta sở hữu, còn người khác thì mặc kệ nó; nó tội lỗi, nó bất tài, nó lười biếng, nó đáng kiếp...
Anh đã không nghĩ rằng, mọi sự anh có được là do Trời ban cho và anh có nhiệm vụ chia sẻ cho tha nhân. Cái lương tri của con người về sự quảng đại, cứu giúp người nguy khốn, mà Đấng Tạo Hóa đặt để trong con người đã bị xóa nhòa bởi sự ích kỷ, muốn được thỏa mãn những thú vui, muốn được quyền lực, danh vọng.
Về điểm này, chúng ta cũng nhớ lại giáo huấn về ngày phán xét, Đức Vua nói với những người bên tả rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom" (Mt 25,41-42).
Người Kitô hữu chúng ta không cho phép mình rơi vào cái không ngờ mà làm cho mình mất linh hồn. Phải xác định và luôn nhớ rằng là có hạnh phúc đời sau và đó là mục tiêu tối hậu, là cùng đích của đời người. Từ niềm tin vào đời sau này, chúng ta phải luôn đặt ra cho mình một lối sống, một cách cư xử phù hợp theo giáo huấn của Thiên Chúa.
Điều cốt yếu chính là sống quảng đại yêu thương, biết chia sẻ, cứu giúp người khác.  Nhưng để sống như vậy, ta phải chịu hy sinh mất mát, chịu bị thiệt thòi, và có khi chịu cả những sự thất bại và bị sĩ nhục nữa, như Đức Kitô trên Thập giá.
Xin Chúa cho chúng ta có đức tin mạnh mẽ, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa, để chúng ta có thể sống quảng đại hy sinh cho tha nhân, cho mọi người.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay810
  • Tháng hiện tại20,749
  • Tổng lượt truy cập11,104,599
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi