CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Đoạn kết của đời chứng nhân - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 16/11/2019 05:00
ĐOẠN KẾT CỦA ĐỜI CHỨNG NHÂN
Chúng ta thường thích đọc hạnh các thánh mục tử, các thánh hiển tu, các thánh đồng trinh...  như thánh Phanxicô, thánh Têrêsa, thánh Martinô hơn là đọc hạnh các thánh tử đạo.
Lý do tại sao vậy? Vì ta cảm phục những  tâm hồn thánh thiện, những hành vi đạo đức của các thánh mục tử, các thánh hiển tu. Các ngài đã từ bỏ của cải trần gian, sống cầu nguyện, hãm mình đền tội. Các ngài đã sống hy sinh bác ái, xả thân phục vụ cho người nghèo. Các ngài  không quản ngại hy sinh gian khổ để đi truyền giáo ở vũng xa xôi hiểm trở. thiếu mọi tiện nghi của cuộc sống...  Không những chúng ta cảm phục mà gương mẫu của các ngài còn thôi thúc chúng ta cũng noi gương bắt chước để nên thánh, hướng tâm hồn chúng ta lên để sống theo Lời Chúa.
Còn những hạnh tích các thánh Tử đạo, phần lớn chỉ xoay quanh việc thánh nhân đã bị bắt thế nào, rồi chịu những tra khảo cực hình thể nào, chịu ngục tù khổ sở ra sao rồi kết thúc ở cái chết: bị trảm giảo, lăng trì, bá đao...
Phải chăng nên thánh tử đạo như vậy quả là đơn giản, chỉ cần can đảm chịu nhục hình và chịu chết là nên thánh? Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng: Chẳng qua là hoàn cảnh ngày nay khác ngày xưa, đạo không có bị cấm cách, không bị bách hại nên chúng ta không có dịp để tử đạo mà thôi. Nếu bây giờ có bị cấm cách, thì tôi cũng sẵn sàng tử vì đạo, đâu có gì là khó!
Có thể là bạn là rất can đảm để tử đạo khi nghĩ như vậy, nhưng Thiên Chúa lại không để cho bạn được cái phúc ấy! Rõ ràng là hoàn cảnh bách hại như xưa đâu có xảy ra nữa. Các quan hay những người bách hại đạo bây giờ đâu có đòi người Kitô hữu bước qua Thánh Giá nữa, đâu có bắt ta chối đạo như xưa nữa, đâu có xử chém, lăng trì bá đao nữa! Sự bách hại đạo trên địa cầu này, như lời Chúa Giêsu tiên báo, hầu như luôn xảy ra, nhưng lại ở những dạng thức khác. Được ân phúc tử đạo không phải là chuyện dễ dàng!
Trước tiên chúng ta phải nhận rằng, được tử đạo quả là một ân phúc do Thiên Chúa ban cho.
Tuy nhiên, ta cũng phải khẳng định thêm điều này: tử đạo là hoa quả của cả một đời sống chứng nhân tốt đẹp. Hay nói cách khác, cái chết của các thánh tử đạo là hoa quả, là cái kết của cả một cuộc sống chứng nhân. Vì chính tử đạo, chữ “Martir”, cũng có nghĩa là sự làm chứng, là chứng nhân. Các vị thánh đó trước khi lên đoạn đầu đài đã từng bước làm chứng nhân cho tình yêu Chúa trong đời sống hằng ngày của mình. Tử đạo là một hoa quả tốt đẹp của một quá trình con người hợp tác với ơn Chúa trong việc tuân giữ giới răn mến yêu người của mình.
Chân dung đích thực của các thánh tử đạo không chỉ sự can đảm can trường ở giây phút chịu chết, biểu lộ đức tin, đức cậy, đức mến anh hùng nhưng chân dung đích thực của các Ngài cũng được nổi bật nổi bật ở lòng bác ái anh hùng, có giá trị như những tử đạo nho nhỏ, những chứng nhân nho nhỏ, trong đời sống thường ngày.
Như thánh y sĩ Phan Khắc Hoà, một người làm nghề có tiền có bạc thì ngài rộng rãi giúp những  người nghèo khó. Riêng bệnh nhân túng thiếu, ngài không những chửa bệnh miễn phí, lại còn giúp gạo, giúp tiền bạc.
Thánh Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng.
Thánh trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà  mình.
Nếu tình thương bác ái đã được Đức Giêsu coi là dấu hiệu của những môn đệ Ngài, ta không lạ gì thánh linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bửa ăn ân huệ trước giờ xử tử. Ngài nói: “Xin cầm tiền và gởi người nghèo giùm tôi”.
Thánh linh mục Phan Văn Minh dặn đừng tổ chức đám tang lớn, để dành tiền giúp đở người bần cùng.
Thánh linh mục Khang trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục.
Thánh giám mục Henares Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.
Đối với Thánh Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả đức tin. Ngài đã từng nói với vợ con: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn để hoặc làm thuê để kiếm tiền giúp đở họ”. Ngài nói: “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó mà lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta coi họ như chi thể Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
Thánh quan Hồ Đình Hy thì nói: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà làm với thiện ý”. Ngài đã từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, ngài đã tổ chức an táng tử tế. Ngài cũng  đã nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành. Một cô xin đi tu, một lập gia đình, ông quảng đại lo cho đến nơi đến chốn.
Với một số các mẫu gương như thế, chúng ta thấy các thánh tử đạo rất gần gũi với chúng ta. Các ngài không chỉ anh hùng lúc máu chảy đầu rơi, nhưng đã từng anh hùng suốt cả cuộc đời, với tấm lòng hy sinh bác ái, nhiều khi rất âm thầm, rất bình thường như bao giáo dân khác. Các ngài đã là những chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Thiên Chúa đã cho các Ngài được diễm phúc làm một chứng nhân lớn lao vào lúc cuối đời, phúc tử vì đạo. Phúc tử đạo này như là phần thưởng, là điểm kết của cả cuộc đời nhân chứng.
Xin Chúa cho chúng ta được noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, biết sống chứng nhân tình yêu Chúa, không phải đến lúc gần chết, mà ngay ngày hôm nay, ngay trong hiện tại, ngay trong gia đình, ngay tại xóm làng của mình, ngay tại cơ sở làm việc, trong những hoàn cảnh sống thường ngày của mình. Để rồi điểm kết thúc của cuộc đời chúng ta, cũng là kết quả lớn lao của cả những chuỗi ngày làm nhân chứng nho nhỏ cho tình yêu Thiên Chúa.
 
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,686
  • Tháng hiện tại30,338
  • Tổng lượt truy cập11,281,831
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi