Khi Đấng vô tội chịu rửa tội
Làm sao Đấng vô tội lại chịu phép rửa tội?
Đức Giêsu, Đấng vô tội đã bước xuống dòng sông, xếp hàng với đoàn tội nhân để chịu phép rửa tội thống hối. Điều này xem ra không hợp với lời dạy trong Kinh Thánh, khi khẳng định rằng: Đức Giêsu được sinh ra làm người như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2,6-7 và Dt 4,15).
Đức Giêsu không có tội mà lại chịu phép rửa tội, có ý nghĩa gì?
Điều này được các nhà thần học suy tư về công trình cứu độ của Thiên Chúa ở một chiều kích khá mới khác. Đó là sự “liên đới”.
Đức Giêsu đã muốn “liên đới” với hết mọi tội nhân với những đau khổ yếu đuối của họ để họ có thể chung hưởng thân phận, công việc của mình. Khi Đức Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh vinh hiển, thì những ai liên đới với Ngài cũng sẽ được phục sinh vinh hiển. Như Thánh Phao-lô đã khám phá vai trò của Anh Cả Giêsu liên đới với đàn em. Ngài dạy: “…Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1:15,18).
Ngược với ý niệm “liên đới”, người ta thường hay nói đến độc lập tự do. Ngày nay có lẽ hơn bao giờ hết chúng ta thấy sự liên đới quả là quý giá và là điều cần thiết cho sự sống của con người.
Đầu tiên chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta không thể hoàn toàn độc lập tự do mà phải chịu nhiều liên đới. Giả sử như một quả bom nguyên tử nổ bên Campuchia hay bên Lào, hay bên Trung Quốc, thì chúng ta có thể sống an bình, sống khỏe không? Tất nhiên là chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, khó có một quốc gia nói rằng tôi độc lập tự do, nên tôi đâu có bị sao. Đơn giản thôi, khi Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế, đồng Đôla bị xuống giá, những nước khác có sử dụng đồng đôla cũng bị ảnh hưởng theo ngay. Khi nước Hy Lạp ở Âu châu có nguy cơ bị khủng hoảng kinh tế, lập tức các nước Âu Châu ra tay trợ giúp, đặc biệt là sự trợ giúp từ nước Đức. Sự trợ giúp ấy có hiệu quả, khiến cho Hy Lạp khỏi bị khủng hoảng kinh tế và vì thế đồng Eurô không bị mất giá và các nước Châu Âu khỏi rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Một sự kiện nổi bật khác, khác là vụ dịch cúm chim ở Hồng Kông năm 1997. Hồng Kông hoảng sợ, cả thế giới y học cũng quan tâm. Các bác học tìm thấy nguyên nhân là do virut của bệnh cúm chim lây sang gia cầm rồi lây sang người. Trước mối hiểm họa đó, chính phủ ra lệnh tiêu diệt hết tất cả các con gà, vịt , ngan ngỗng, chim chóc. Thiệt hại nhất là những trại gà. Hàng triệu con gà lớn bé đều phải bị giết và đốt bỏ. Các chủ trại gà phải chịu thua thiệt, phải chấp nhận đốt bỏ hàng ngàn hàng triệu con gà, từ lớn đến bé, diệt hết. Lúc đó không thể nói tôi độc lập, tôi tự do lưu giữ đàn gà của tôi.
Những sự kiện nều trên chứng minh rằng, còn có một quy luật khác là sự “liên đới”. Nó chi phối cuộc sống bình thường, cả trên bình diện quốc gia xã hội, cả trên bình diện đạo đức cá nhân, cả trên đời sống tâm linh.
Liên đới lại có vẻ như trái ngược với tự do độc lập, sự liên đới đòi mình phải hạn chế cái tự do của mình. Chủ trại gà không thể nhân danh sự tự do độc lập của mình để lưu giữ đàn gà của mình khi dịch cúm gà gia tăng. Tôi không thể nhân danh độc lập tự do của tôi để tôi chất một đống rác hôi thối ở góc vườn của tôi, nhưng rất gần nhà người hàng xóm. Không thể nhân danh độc lập tự do của tôi mở nhạc oang oang, trong khi những người khác cần sự an nghĩ.
Ở chiều kích tích cực, chúng ta có thể thấy là, hàng triệu người đau khổ vì căn bệnh Siđa và đang mong chờ một khám phá mới có thể chửa lành họ. Giả sử có một thiên tài nào đó tìm ra được thuốc chửa bệnh Sida và có hiệu quả nhanh chóng, thì quả là một tin mừng cho toàn thế giới, một sự cứu độ cho sức khỏe cho mạng sống của những người nhiễm virus HIV. Chỉ cần có một thiên tài mà cả thế giới được nhờ.
Không dễ gì có một thiên tài như thế. Về mặt đời sống tâm linh, cũng không dễ gì có được một sự liên đới để con người được sống hạnh phúc.
Thử hỏi dễ gì chúng ta dám xếp hàng đi với một đám ăn xin dơ dáy bẩn thiểu không? Hay đi với một đám đĩ điếm không? Đức Giêsu cũng là một con người nên Ngài cũng cảm thấy khó khăn để bước xuống đồng hành với những tội nhân. Chỉ có một tấm lòng yêu thương bao la mới có thể làm được như vậy.
Và chính khi Đức Giêsu hạ mình xuống để yêu thương, để có thể liên đới với loài người tội lỗi thì trời mở ra, Thiên Chúa Cha tuyên phán "Con là con Cha yêu dấu" và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Nghĩa là Thiên Chúa đã tích cực xác nhận việc làm của Đức Giêsu rất đẹp lòng Ngài và chính khi ấy mầu nhiệm Thiên Chúa ba Ngôi tỏ hiện.
Chúa Giêsu đã tự mình liên đới với hết chúng ta để có thể đại diện cho chúng ta và có thể cứu chúng ta; cho chúng ta cùng thừa hưởng hưởng gia nghiệp của Ngài; và có thể đưa chúng ta lên làm bạn hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mỗi người chúng ta không thể tự cứu lấy mình. Ta không thể tự hào với độc lập với cái tự do riêng của mình để muốn làm gì thì làm; không thể đóng vai một mackeno chỉ sống cho riêng mình mà không quan tâm đến những người khác.
Xin Thiên Chúa luôn giúp chúng ta sống liên đới với anh em. Đó biết giới hạn mình lại, đó là khiêm tốn hạ mình xuống để giao hảo với những người anh em, để gạt bỏ những đố kỵ căm ghét, để yêu thương phục vụ. Người anh em càng bất xứng càng tội lỗi thì sự hạ mình xuống càng có giá trị. Để chính lúc đó chúng ta mới thực sự sống ơn cứu độ của Đức Giêsu, Đấng đã trở nên người và đã ở giữa chúng ta.