CN MÙA CHAY II A. Vinh quang đích thực- JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 07/03/2020 05:12
VINH QUANG ĐÍCH THỰC
 
Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor cho ba môn đệ là Phêrô, Gioan và Giacôbê được thấy vinh quang sáng láng của Ngài. Aó Ngài trắng tinh như tuyết; mặt Ngài sáng chói như mặt trời. Chứng kiến cảnh tượng đó các tông đồ ngây ngất hạnh phúc (x. Mt 17,1-9).
Danh dự, vinh quang là điều thường ai cũng mong được. Danh dự vinh quang đôi khi còn được đặt cao hơn cả lợi lộc, hơn cả miếng cơm manh áo. Tục ngữ Việt Nam, có câu “Một miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”. Hẳn là chúng ta cảm thấy hạnh phúc vui sướng khi có được danh dự, vinh quang.
Đức Giêsu tỏ mình vinh quang để làm gì? Phải chăng Ngài cũng thích danh dự vinh quang như con người chúng ta?
Có người tưởng như vậy, vì đã từng được nghe sách Thánh nói trên trời các thiên thần hằng ca tụng Thiên Chúa, hằng tung hô ngài là “Thánh, Thánh, Thánh”. Ở trần thế này, chúng ta được dạy rằng phải ca tụng Thiên Chúa, hãy làm vinh danh Ngài và để rồi chúng ta cũng được vinh quang với Ngài trên thiên đàng.
Vậy phải chăng Chúa Giêsu cũng muốn tỏ vinh quang kiểu như con người chúng ta, khi Ngài biến hình trên núi?
Chắc chắn là Chúa Giêsu không muốn tỏ vinh quang như kiểu con người chúng ta. Tuy nhiên, ta có thể hỏi, kiểu tỏ vinh quang của Ngài phải chăng là để chứng tỏ mình là đấng thánh, đấng thần thiêng, có đủ quyền năng, đầy cao sang, để rồi các tông đồ luôn trung thành theo Ngài?
Nếu chỉ như vậy thì xem ra Đức Giêsu đã bị thất bại nặng nề, vì các tông đồ đã không trung thành gần ngay sau đó. Ở vườn Cây Dầu, khi Đức Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ trốn hết! Phêrô, người đứng đầu nhóm, chối Chúa đến ba lần!
Vậy thì việc biến hình trên núi Tabor của Chúa Giêsu có ý nghĩa như thế nào?
Chìa khóa để hiểu, chính là lời dạy của Chúa Giêsu: “Các con không được nói với ai thị kiến naỳ cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17,9). Chúa Giêsu đã cấm các môn đệ loan truyền vinh quang của Ngài cho tới khi Ngài từ cõi chết sống lại. Điều này hàm ý rằng: Nếu loan truyền sớm trước đó, thì sẽ bị hiểu lầm. Vinh quang của Thiên Chúa sẽ bị hiểu lầm như kiểu vinh quang thế gian.
Như thế vinh quang đích thực của Chúa Giêsu liên hệ mật thiết với sự chết và sống lại của Ngài.
Để hiểu rõ hơn chúng ta cùng quay trở về bài Tin Mừng tuần trước: Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ. Ma quỷ đã nói : “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy biến đá thành bánh đi . . . Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy nhảy từ nóc đền thờ xuống đi.” (x. Mt 4,1-11).
Đức Giêsu đã không tỏ mình ra là Con Thiên Chúa theo kiểu ma quỷ nói. Điều này có nghĩa là, Ngài đã không bày tỏ vinh quang bằng cách phô trương thanh thế, biểu dương quyền lực. Đức Giêsu đã từ chối chước cám dỗ đó. Nhưng Người sẽ tỏ mình ra là Con Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh. Chính thập giá mới là nơi Ngài tỏ cho nhân loại biết mình là Con Thiên Chúa. Chỉ có cái chết của Con Thiên Chúa mới thắng nổi sự chết, và nhờ đó chúng ta được vượt qua sự chết. Cái vinh quang thật sự của Thiên Chúa là sự cứu thoát chúng ta. Có thể nói đó là vinh quang cứu độ, vinh quang cứu giúp chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi sự chết muôn đời.
Chính cái vinh quang mà Ngài tỏ cho ba môn đệ được thấy, sẽ chỉ đạt được trong Mầu nhiệm Thập giá. Qua sự biến hình, Ngài muốn cho các  ông đừng có ảo tưởng về một vinh quang trần thế, nghĩa là mơ ước rằng Ngài sẽ làm vua cai trị Israel và các ông sẽ được như những ông quan lớn, cao sang, có nhiều quyền lực. Đồng thời, Ngài cũng chuẩn bị cho các ông khỏi chán nản thất vọng sau này, khi đi rao giảng, bị bắt, bị lên án và chịu tử đạo.
Vì vậy, qua việc biến hình, Chúa Giêsu dạy cho các Tông đồ và các Kitô hữu rằng, vinh quang đích thực không là con đường của danh giá, của quyền lực, nhưng phải là con đường của hy sinh đau khổ vì yêu thương, yêu cho đến cùng, cho dù có chết vì yêu.
Ở trong tập nhật ký của Charles de Foucaul, người ta đọc thấy câu này :
“Tôi muốn lập một tu hội tiểu đệ và tiểu muội của Đức Giêsu trên khắp thế giới.”
Năm năm sau đó, người ta cũng lại đọc thấy câu này, nhưng có dài thêm một ít : “Tôi muốn lập một tu hội tiểu đệ và tiểu muội của Đức Giêsu trên khắp thế giới bằng sự hy sinh cầu nguyện.” Ngài đã thêm dòng chữ: “bằng sự hy sinh cầu nguyện.”
Và mười năm sau, người ta lại đọc thấy câu đó, nhưng dài hơn một chút nữa:
“Tôi muốn lập một tu hội tiểu đệ và tiểu muội của Đức Giêsu trên khắp thế giới bằng sự hy sinh và cầu nguyện và bằng cái chết của tôi.” Ngài đã thêm dòng chữ: “và bằng cái chết của tôi”.
Và đúng như thế! Charles de Foucaul đã bị một kẻ cuồng tín đâm chết. Sau đó tu hội tiểu đệ tiểu muội đã nổi tiếng, phát triển nhanh, hầu như có mặt khắp nơi trên thế giới.
Con đường vinh quang qua đau khổ và cái chết của Đức Giêsu ban đầu đã bị các Tông đồ chối từ, nhưng sau này trở thành con đường cho chính các Tông đồ đã đi. Các ngài đã hy sinh, hy sinh ngay cả chính mạng sống mình để loan báo tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Tiếp theo sau các Tông đồ biết bao nhiêu thế hệ cha ông chúng ta cũng đã đi con đường vinh quang đích thực đó. Các ngài đã trở nên thánh. Cách riêng là các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Còn chúng ta chúng ta sẽ đi con đường vinh quang nào?
 
Lm. JB Lê Ngọc Dũng

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay895
  • Tháng hiện tại15,213
  • Tổng lượt truy cập11,054,744
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi