CN THĂNG THIÊNG. Chúa lên trời hay ở cùng chúng ta? - JB. Lê Ngọc Dũng
Lm JB Dũng
2020-05-23T05:18:20-04:00
2020-05-23T05:18:20-04:00
https://giaoluatconggiao.com/giang-le/cn-thang-thieng-chua-len-troi-hay-o-cung-chung-ta-jb-le-ngoc-dung-222.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ bảy - 23/05/2020 05:16
CHÚA LÊN TRỜI HAY Ở CÙNG CHÚNG TA?
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Trước đây khoảng 40 ngày chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Phục sinh.
Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời có ý nghĩa gì? Có thắc mắc rằng, Chúa Giêsu sống lại thì Ngài đã lên trời rồi hay còn đợi 40 ngày sau rồi Ngài mới lên trời?
Thực ra, ngay khi Chúa Giêsu sống lại, là Ngài đã lên trời rồi. Trên thập giá Đức Giêsu đã nói với người trộm lành: Ngay hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta.
Tuy nhiên, nói 40 ngày sau khi sống lại Đức Giêsu mới về trời là nói theo kiểu dễ hiểu về thời gian, không gian và cũng phù hợp với con số 40 của Kinh Thánh. Ngày xưa, người ta vẫn nghĩ rằng vũ trụ này chia làm ba phần: phần dưới mặt đất, tức là âm phủ, dành cho người chết; phần trên mặt đất dành cho người sống; và trời là thế giới của Thiên Chúa và các thánh. Để thích ứng với quan niệm này, hành trình của Đức Giêsu chia thành hai giai đoạn :
Giai đoạn 1: Sống lại. Chúa Giêsu đi từ âm phủ lên mặt đất.
Giai đoạn 2: Lên trời. Chúa Giêsu bay từ mặt đất lên trời, tức là lên thế giới của Thiên Chúa.
Cách trình bày như vậy thì dễ hiểu, nhưng có thể khiến chúng ta nghĩ tưởng rằng khi lên trời như thế, Chúa Giêsu sẽ đi xa trái đất, đi xa cuộc sống loài người, vì trời ở trên cao, đâu có liên hệ đến trái đất.
Thực ra, Chúa Giêsu “lên trời” là lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, là mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha, của một vị Thiên Chúa. Và như vậy khi sống lại là Chúa Giêsu đã lên trời rồi.
Biến cố “Lên trời” của Chúa Giêsu mà chúng ta kính nhớ hôm nay là biến cố đánh dấu lần cuối cùng của Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các tông đồ và cũng mang ý nghĩa Đức Giêsu vinh thắng, mặc lấy quyền năng của một vị Thiên Chúa.
Nếu chúng ta hiểu phục sinh và lên trời cũng chỉ là một, và có nghĩa là mặc lấy vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa, thì khi lên trời Chúa Giêsu không đi xa chúng ta. Trái lại, với thân thể thánh thiêng đầy quyền năng trong Chúa Thánh Thần, từ nay Chúa Giêsu phục sinh không những ở bên cạnh chúng ta mà còn ở trong chúng ta.
Khi hai người yêu mến nhau thì hằng muốn sống bên nhau. Nhưng tới một giây phút nào đó, họ vẫn cảm thấy sống bên cạnh nhau vẫn chưa đủ. Môt thi sĩ nọ đã diễn tả sâu sẵc chân lý ấy: hai người tình ngồi sát bên nhau, mà vẫn còn cảm thấy xa xôi. Những người yêu mến nhau muốn sống trong nhau hoàn toàn, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được, vì dẫu sao mỗi người đều có một thân xác, thân xác đó tạo nên khoảng cách giữa người với người.
Nhưng điều mà loài người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Đức Giêsu, một khi ngự bên hữu Chúa Cha, đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa, thì Ngài đến ngự trong chính chúng ta. Chính Ngài đã phán dạy: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Sự yêu mến của Thiên Chúa bao hàm sự đến và “ở trong” người mình yêu, chứ không chỉ đến và ở bên cạnh người mình yêu.
Để hiểu hơn về sự hiện diện này, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn cây nho: Cây nho chính là Ta, các con là cành. Ai ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa quả” (Ga 15,5).
Hệ quả của việc Chúa Giêsu lên trời là thế đó. Ngài là Thiên Chúa quyền năng và thánh thiêng, Ngài có thể ở trong ta. Bao lâu Ngài còn sống như người phàm trần, hữu hình, thì ta khó có thể hiểu được Ngài ở trong chúng ta. Và vì vậy, chúng ta cứ đi tìm Ngài ở nơi này nơi kia; mong được gặp Chúa Phục sinh ở nơi này nơi kia, như các Tông Đồ và các môn đệ Ngài đã từng gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh. Điều này giúp ta hiểu được ý nghĩa giáo huấn của Chúa Giêsu, khi Ngài nói : “Thầy đi thì ích lợi cho các con hơn...”
Sự ích lợi này, chúng ta có thể ví như những giọt mưa trên cành và lá cây. Bao lâu chúng còn ở ngoài mặt đất thì chúng chưa ích lợi gì bao nhiêu cho cây cối. Nhưng khi chúng tan biến vào trong lòng đất, chúng mới có thể chạm tới gốc rễ và lúc ấy mới có thể trở thành nhựa sống cho cây cối. Giờ đây khi Đức Giêsu bước vào cõi vinh quang của Chúa Cha, Ngài có thể hiện diện trong chúng ta, và không chỉ hiện diện cho một số người, nhưng cho tất cả mọi người, không chỉ trong vài giây lát, nhưng là mãi mãi cho đến ngày tận thế.
Tuy nhiên đối với chúng ta, khuynh hướng tự nhiên, thì chúng ta chỉ nhìn nhận những cái gì thấy được, sờ mó được. Vì thế đức tin là một cuộc hành trình từ thế giới hữu hình sang thế giới vô hình. Nói rõ hơn, tin là đón nhận sự hiện diện vô hình, linh thiêng của Đức Giêsu phục sinh.
Để có niềm tin ấy, không những chúng ta phải học hỏi suy nghĩ, phó thác, nhưng chúng ta còn phải cầu nguyện, xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để chúng ta nhận biết Ngài, như thánh Phaolô đã cầu xin cho các tín hữu:
“Dám xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, khấng ban cho anh em được tinh thần khôn ngoan và mạc khải giúp anh em biết Ngài cho thật” (Ep1,17).
Một niềm tin như thế, được xây dựng trên ơn khôn ngoan của Chúa và trên sự tín thác của chúng ta, sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Đó là tâm tình các Tông Đồ sau khi được chứng kiến Chúa Giêsu lên trời: “Họ trở lại Giêrusalem vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong đền thờ chúc tụng Thiên Chúa.”(Lc24,53)
Ước gì đó cũng là tâm tình của tất cả chúng ta.