CN PHỤC SINH 2 A. Bên trong những vết đinh - JB Lê Ngọc Dũng
Lm JB Dũng
2020-04-18T09:21:10-04:00
2020-04-18T09:21:10-04:00
https://giaoluatconggiao.com/giang-le/cn-phuc-sinh-2-a-ben-trong-nhung-vet-dinh-jb-le-ngoc-dung-217.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ bảy - 18/04/2020 09:19
Bên trong những vết đinh
Nhiều người trong chúng ta yêu thích cái vẻ bên ngoài, cái mặt nổi của sự vật, không thích đi sâu hơn vào bên trong. Cái bề mặt xấu xí, gồ ghề bên ngoài nhiều khi lại ẩn dấu một sức mạnh, một sự phong phú vĩ đại, và một cái đẹp tuyệt vời. Điều này cũng đã xảy ra cho các môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta hãy cùng suy niệm để nhận bài học về cái nhìn bên trong, cái nhìn sâu xa hơn.
Cái chết của Chúa Giêsu đã gây một tác động trên các môn đệ của ngài. Họ đã có một hình ảnh rất lý tưởng về Đấng Cứu Thế. Đấng Cưú Thế sẽ là một nhà lãnh đạo vĩ đại, một nhà chiến thắng vẽ vang. Ý tưởng về một Đấng Cứu Thế đau khổ và thất bại thì không thể nào có được trong tâm trí họ.
Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh tất cả những hy vọng và sự tin tưởng của họ tan thành mây khói. Toma bị tác động nhiều hơn các tông đồ khác. Ông thành thật thú nhận: Trừ khi tôi sờ và tôi thấy vết đinh của Ngài, đặt tay vào cạnh sườn Ngài tôi vẫn không tin (Mt 20,25).
Tại sao mà Thánh Toma lại nằng nặc đòi phải sờ đến vết đinh của Chúa Giêsu? Thiết tưởng không phải chỉ để kiểm chứng rằng cái người sống lại đó có thật là Đức Giêsu đã chết không hay là một người nào khác, nhưng còn để kiểm chứng rằng, Đức Giêsu có tốt lành nhân hậu như những lời Ngài đã giảng dạy hay không. Ngài có dám xả thân chết vì người mình yêu, đúng như như những lời Ngài đã giảng dạy hay không.
Chúa Giêsu hiện ra, nói với Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nhưng hãy tin” (Mt 20,27). Tại sao Toma không đòi việc nhìn ra khuôn mặt, hình dạng hay y phục quần áo của Chúa Giêsu, nhưng đòi việc nhận ra vết đinh ở tay chân, vết thương ở cạnh sườn?
Vì những vết đinh ở tay chân, vết thương ở cạnh sườn là những thương tích quá đau đớn, vết thương nghiêm trọng, vết thươmg chí tử. Chắc hẳn Tin Mừng muốn nói đến việc Tôma nhận ra một cách đầy đủ, không phải chỉ sự sống lại từ cõi chết nhưng còn nhận ra tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho ông, dành cho mọi người, ngay cả những kẻ đã bách hại đã đóng đinh Ngài. Ngài yêu đến nỗi bị thương tích, yêu đến nỗi chịu chết vì người mình yêu.
Trong khoảnh khắc, Tôma nhận ra những hành vi chịu đau đớn nhục nhã, chịu chết là vì yêu thương của Thầy mình. Bởi vậy, Toma thưa Chúa Giêsu: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (Mt 20,28).
Trong một câu ngắn gọn mà Toma đã nói hai lần “của con”, “của con”. Điều này cho thấy Tôma xúc động đến chừng nào; xúc động vì tình thân hữu, vì tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã dành cho ông đến chừng nào! Đặc biệt là qua lời nói "của con", “của con”, Tôma đã nhận ra một vị Thiên Chúa rất gần gũi với con người, như là cha của con, như là mẹ của con.
Từ câu chuyện của Tôma và các môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng sợ rằng nhiều khi chúng ta cũng đã lý tưởng hóa chân dung của Đức Giêsu Kitô, một chân dung huy hoàng, chói ngời ánh sáng vinh quang chiến thắng. Những bức vẽ chân dung Chúa Giêsu thường diễn tả như vậy: Một gương mặt sáng ngời chiếu tỏa hào quang.
Chúng ta sợ rằng khi gặp một Đức Kitô thật, đặt biệt là Đức Kitô của thập giá. Chúng ta không những không nhận ra Ngài mà còn không muốn nhận là Ngài. Giống như thánh Phêrô, chúng ta la lên: “Tôi không biết người này”.
Chisty Brown, một văn sĩ bị tàn tật, chết năm 1981. Một hôm, tình cờ thấy tấm hình của một nữ tiểu thuyết gia, bà Magaret Foster ở trên một bìa sách cũ, ông đã cảm thấy yêu bà. Ông viết cho bà một lá thư, với lời lẽ khôn ngoan và đẹp đẽ duyên dáng. Bà ấy trả lời thư, và từ đó một mối tình bằng hữu, tình yêu nối kết giữa họ.
Những hình ảnh rất đẹp về ông ấy luôn ở trong tâm trí bà. Nhưng rồi sau đó bà ấy dần dà biết được rằng ông ta bị thương tật rất nặng. Bà ấy sợ rằng khi gặp mặt ông ấy thì hình ảnh đẹp đó sẽ bị tàn phá mất đi. Nhưng rồi có lần bà bất ngờ gặp ông ấy. Bà nhận ra rằng mình đã yêu một người trong trí tưởng tượng. Bà không thể chấp nhận một người tàn tật trong thực tế. Bà ngưng viết thư cho ông, Tệ hơn nữa bà đem đốt hết các lá thư của ông.
Cái lạ lùng của nhà văn Christy nằm ở sự kiện là, ông bị tàn tật. Thiếu hai bàn tay, ông chỉ có thể viết được bằng những ngón chân của ông, và ông còn có thể viết được những lá thư rất khôn ngoan, lời lẽ đầy tình cảm tươi đẹp ý vị. Nhưng bà Magaret không thể chấp nhận được điều ấy. Tất cả nơi ông, bà chỉ thấy một thân hình tàn tật dị dạng. Cái vẻ bên ngoài của một thân hình thương tật đã phá nát mộng tưởng của bà.
Thánh Toma và các môn đệ đã nhận ra cái vĩ đại của Chúa Giêsu. Cái vĩ đại hệ tại ở sự kiện là, mặc dù bị hiểu lầm, bị đau đớn, bị đánh đập nát thịt, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương, tha thứ. Ngài đã chứng tỏ sự trung thành, vâng phục Cha của ngài trên trời và đã bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Chính vì thế mà Thiên Chúa phục sinh Ngài vinh quang.
Xin Chúa giúp chúng ta chọn con đường dâng hiến, âm thầm hy sinh vì tình yêu, không chọn con đường của sự dễ dãi và hào nhoáng bên ngoài. Xin cho chúng ta được kết hiệp với thập giá và Phục sinh vinh quang với Đức Kitô.