CHÚA NHẬT TN XIII A. Đón tiếp tha nhân như đón tiếp chính Chúa- JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 27/06/2020 09:52

Đón tiếp tha nhân như đón tiếp chính Chúa
Trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37); “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40)...
Nếu nhìn Thầy Giêsu như bao vị thầy, giáo sư hay tôn sư khác thì lời dạy của Ngài quả là khó nghe, quá đáng. Một lương dân mà nghe như vậy thì lắc đầu ngao ngán bỏ đi vì không thể chấp nhận một người đòi mình yêu người đó hơn cả cha mẹ. Một cách tương tự, một người vẫn khăng khăng không cho con cái theo đạo vì sợ con cái bỏ ông bỏ bà.
Nhưng nếu nhìn thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa làm người thì Lời Chúa hôm nay vang vọng lại lệnh truyền của Chúa cho dân Israel và được Chúa Giêsu nhắc lại. Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12,29-31).
“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”, dĩ nhiên có nghĩa là yêu hơn cả cha mẹ. Vậy, Đức Giêsu là Thiên Chúa thì Ngài đương nhiên đòi hỏi chúng ta yêu mến Ngài hết lòng hết sức, yêu mến hơn cả cha mẹ.
Tuy nhiên, cái hay cái tuyệt vời, trong giáo huấn của bài Tin Mừng hôm nay đó là một Thiên Chúa làm người, có thân xác linh hồn như chúng ta, lại muốn đồng hóa với những môn đệ Ngài, và cũng muốn đồng hóa mình với những người bé mọn. Đón tiếp các môn đệ của Ngài cũng là đón tiếp chính Ngài; đón tiếp những kẻ bé mọn cũng là đón tiếp Ngài. Và khi đón tiếp Ngài như vậy cũng có nghĩa là đón tiếp chính Đấng đã sai Ngài, tức là đón tiếp Thiên Chúa Cha. Cái hay, cái tuyệt vời ở chỗ Yêu Chúa lại được thực hiện qua yêu tha nhân.
Trong thực tế, thực hiện được giáo huấn này của Chúa Giêsu, tuy vậy, cũng không dễ. Có thể dễ khi ta đón tiếp một Giám mục, một linh mục, một tu sĩ, nhưng không dễ gì đón tiếp những kẻ bé mọn, không dễ gì đón tiếp những kẻ khác màu da sắc tộc, không dễ gì đón tiếp kẻ bất đồng ý kiến, kẻ tội lỗi...
Một ngày Chúa Nhật ở Pari bên Pháp, một cộng đoàn các sơ thường xuyên có một linh mục già đến dâng lễ vào lúc 4 giờ chiều. Vào ngày đó vị linh mục vì đau yếu nên không thể đến dâng lễ được, vì thế ngài nhờ một linh mục người Nigeria da đen, là một người bạn tình cờ đến thăm ngài,  đến cộng đoàn dâng lễ thay ngài. Lúc 4 giờ kém 5 vị linh mục người Nigeria đến cổng tu viện và bấm chuông.
Theo thói quen ở Pari vào thời ấy, ngài mặc thường phục chứ không mặc áo giáo sĩ. Chị nữ tu giữ cổng nhanh nhẹn mở cổng vì nghĩ rằng cha đến làm lễ. Nhưng khi thấy một người Phi Châu, da đen, sơ không kịp để cho người này nói được câu nào, mà sơ vội nói như xua đuổi  ngay: “Xin lỗi tôi không có gì để giúp ông. Chúng tôi sắp dâng lễ ngay bây giờ. Khi khác ông hãy tới.” “Cám ơn sơ”, vị linh mục Nigeria nói và quay lưng đi.
Vài phút sau đó chuông điện thoại reng ở nhà vị linh mục già. Đó là điện thoại các sơ gọi. Các sơ nói rằng họ đang đợi cha đến để làm lễ nhưng chưa thấy tới, xin cho biết lúc nào cha đến. Và họ được vị linh mục già trả lời rằng: “Ngài đã đến, nhưng các sơ đã nói với ngài rằng hãy đi và ngày khác hãy đến”.
Giống như vị nữ tu, tuy vẫn ý thức  rằng cần phải sống yêu thương, cần phải đón nhận tha nhân, không được kỳ thị… nhưng chúng ta cứ vẫn chưa làm được.
Chúng ta vẫn chưa làm được vì sao?
Đó là bởi vì con người chúng ta vẫn thường thấy mình là đúng là tốt và thấy người khác là sai, là dở, là vô lý, là vô đạo đức... Và vì thế mới cảm thấy bực mình, mới giận, mới phê bình chỉ trích. Ngoài ra, chúng ta còn thấy người khác làm ta bị hại, bị mất mát…
Ví dụ một người mẹ chồng chỉ thấy nàng dâu lười biếng chỉ lo son phấn; một người vợ chỉ thấy chồng là người vô trách nhiệm; một người chỉ thấy chị hàng xóm tham lam hà tiện… Nếu chỉ thấy như vậy, thì làm sao tâm hồn mình thư thái bình an được, mà ngược lại thấy mình đang chịu đựng một gánh nặng, chịu một bức xúc cho đến một ngày nó bùng ra, rồi cải vả, rồi phê bình chỉ trích, cải vả, oán ghét lẫn nhau.
Chúng ta cần nhớ lại Lời Chúa dạy: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”, “và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi . . ., thì người đó không mất phần thưởng đâu.”
Đúng hơn, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một cái nhìn đổi mới về tha nhân.  Với cái nhìn này, thì người khác, không chỉ là một người cho tôi những điều lợi này hay mang đến cho tôi điều hại kia; người khác không chỉ là dễ yêu hay dễ ghét theo xét đoán bình thường nữa; người khác không chỉ là đúng đắn hay vô lý nữa; là đạo đức hay tội lỗi nữa…, mà người khác chính là Đức Giêsu đang hiện diện. Khi đón tiếp tha nhân thì cũng là đón tiếp chính Chúa. Và do đó cái nhìn về tha nhân là cái nhìn kính trọng và yêu mến. Họ như là một hồng ân Chúa ban cho ta. Ta yêu mến họ cũng có nghĩa là ta yêu mến Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,308
  • Tháng hiện tại29,960
  • Tổng lượt truy cập11,281,453
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi