GIẢNG LỄ CN TN XXIII A. Nghệ thuật sửa lỗi - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 05/09/2020 09:34

NGHỆ THUẬT SỬA LỖI

Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Con người là tội lỗi”. Chính vì vậy, ngay cả trong cộng đoàn Giáo Hội thánh thiện cũng có những người tốt và có cả những người chưa tốt, thậm chí còn có cả những người xấu nữa.
Cũng vì thế Chúa Giêsu muốn nêu lên tinh thần trách nhiệm của mỗi người là phải ân cần săn sóc cho nhau, giúp sửa lỗi cho nhau.
Tuy nhiên sửa lỗi cho nhau là một chuyện rất khó khăn. Đây là một nghệ thuật rất khó; khó đạt đến thành công mỹ mãn.
Theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu, điều đầu tiên là gặp gỡ riêng anh em. Tại sao lại phải gặp gỡ riêng trước? Ở đây chúng ta thấy hai điểm then chốt. Đó là tôn trọng danh dự anh em và có một mối dây liên đới thân tình.
Trong thế gian, người ta thường không tôn trọng danh dự người khác. Họ tố cáo những chuyện xấu, chuyện tội lỗi của kẻ khác; họ thường phê bình chỉ trích người khác; muốn hạ phẩm giá người khác. Ở đây, ngược lại, Chúa dạy chúng ta hãy giữ bí mật những tính hư nết xấu, những tội lỗi của kẻ khác. Khi ta nói ra điều xấu của kẻ khác thì ta đã xúc phạm đến danh dự người đó; khi đó ta đã phạm tội nói xấu kẻ khác. Có thể tật xấu hay tội đó là có thật, nhưng ta vẫn phải có bổn phận giữ kín và bảo vệ danh dự cho người khác; cũng như ta muốn bảo vệ danh dự cho mình. Trừ khi vì công ích nghiêm trọng đòi buộc, ta mới có thể tiết lộ những tbí mật xấu hay tội lỗi của kẻ khác.
Bên cạnh việc tôn trọng danh dự người khác, để có thể gặp gỡ riêng tư sửa lỗi thì ta cần có một mối liên hệ thân tình. Trong lời dạy của Chúa Giêsu, Ngài nói đến "người anh em" chứ không nói đến người dưng xa lạ. Vậy nếu chưa có đủ mối liên hệ thân tình, thì cần phải tạo mối liên hệ này trước khi gặp gỡ anh em. Mội đối xử tốt, nhận ra những điều tốt điều tích cực nơi người anh em là điều cần thiết để xây dựng mối thân tình và lòng nhiệt thành vô vị lợi của chúng ta.
Giai đoạn của việc sửa lỗi này nếu như không có kết quả, vì người anh em không chịu nhận lỗi và vâng phục, thì công việc sửa lỗi trong một cộng đoàn một tổ chức cần được tiến hành một cách từ từ, với sự góp ý của một vài người nữa để cho thấy sự việc mang tính khách quan hơn. Người lỗi phạm dễ chấp nhận phần lỗi hơn.
Sau đó, nếu vẫn không có kết quả, thì mới đưa lên cấp cao hơn để xét xử.
Trong tổ chức của Giáo Hội, đôi khi chúng ta thấy có sự việc phạt vạ người này người kia. Đó cũng là làm theo lời chỉ dạy của Chúa Giêsu.
Về phần người tín hữu của chúng ta, giai đoạn đầu tiên của việc sửa lỗi là đáng lưu ý hơn cả, vì nó thường xảy ra hơn, trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Bổn phận giữ kín chuyện xấu của người khác và gặp gỡ thân tình với sự tôn trọng danh dự người anh em là điều cần thiết.
Trong quyển sách về truyện các vị ẩn tu có ghi lại câu chuyện sau đây:
Ngày kia, khi giám mục Ambôtnat đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng bày tỏ nỗi bất bình của họ đối với vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống. Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng cho dân làng đàm tiếu và lên án.
Đức Giám mục Ambônat vừa đến, họ xúm lại vây quanh ngài và nói: Hôm nay ngài đã đến, thì ngài phải chấm dứt ngay tình trạng sa đọa, bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.
Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Giám mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu và dân làng nối gót theo sau.
Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến thì hoảng sợ và hấp tấp bảo người phụ nữ hãy chui vào một chiếc thùng gỗ trống. Giám mục là người duy nhất đến trước túp lều, và là người đầu tiên bước chân vào. Ông đưa mắt nhìn chung quanh, và hiểu ngay tức thì. Ngài ung dung đi thẳng đến cái thùng gỗ và ngồi lên trên, và bình thản ra hiệu và bảo dân làng: “Anh chị em hãy lục soát túp lều để tìm người phụ nữ”.
Khi họ không tìm ra bóng dáng người đàn bà, Giám mục nói; “Anh chị em hãy xin lỗi Chúa, vì đã nói xấu vị ẩn tu này cách vô cớ.”
Nhưng sau đó, chờ đến lúc mọi người đã xuống dưỡi chân núi, Giám mục Ambônat mới tiến đên gần vị ẩn tu, nắm chặt tay ông, đưa đôi mắt nhân từ nhưng cương nghị, nhìn sâu vào đôi mắt vị ẩn tu và chậm rãi nói: Hỡi người anh em. Hãy cẩn thận giữ mình, kẻo phải mất linh hồn.”
Trong câu truyện trên, phản ứng của dân làng trước lỗi lầm của vị ẩn tu thì trái nghịch với giáo huấn của Chúa Giêsu. Họ đã vội vã đồn thổi, lên án và phao tin về tội lỗi của vị ẩn tu. Dân làng đã quyết định làm nhục và khai trừ ông ta. Ngược lại, vị giám mục Ambônat đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân, riêng tư. Ngài đã dùng thẩm quyền mình để bảo vệ vị ẩn tu. Sau đó, ngài khuyên nhủ ông như một người anh em.
Trong vấn đề khó khăn để sửa lỗi, chúng ta cần cảm nghiệm được Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn chúng ta, như lời Ngài đã hứa: “Ở đâu có hai hay ba người tụ họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.” (Mt 18,20). Nhờ sức mạnh tình yêu của Ngài, Ngài giúp chúng ta sửa lỗi trong tinh thần xây dựng, và nhất là trong niềm kính trọng và thương yêu chân tình. Những người đang lầm lỗi có thể so sánh như những bệnh nhân về tâm hồn, cần đến sự cảm thông và tình thương nhiều hơn để được nâng đở và khuyến khích trên con đường hoán cải đời sống.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,309
  • Tháng hiện tại29,961
  • Tổng lượt truy cập11,281,454
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi