Mặc khải cho những người bé mọn
Chúa Giêsu nói: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 26).
Phải chăng Chúa Giêsu đã chê bai các bậc khôn ngoan thông thái và khen những người bé mọn?
Không, Ngài không chê bai các bậc khôn ngoan thông thái và khen những người bé mọn. Đây là một cảm xúc thốt lên lời. Ngài đã cảm xúc mạnh mẽ và bật lên tiếng ngợi khen Cha trên trời. Ngài thấy cảm động vì đoàn lũ hay nhóm dân chúng đã biết lắng nghe và tiếp nhận giáo huấn của Ngài về Nước Trời và Ngài thấy họ sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Họ thường là những người đơn sơ ít học, là người hiền lành và khiêm tốn, là những người nghèo khổ, là những người yếu đau bệnh tật, là những người được thế gian coi là xấu số, là những người bị bỏ rơi, bị khinh khi, bị xa cách.
Và phía những người thông thái khôn ngoan, có thể đó là những luật sĩ biệt phái, là những người có địa vị, có bằng cấp trong xã hội, họ là những đại gia, nhà giàu, là những người đang khỏe mạnh hạnh phúc, là những người mà thế gian cho là tốt số, những người được tôn kính trọng vọng, được bái chào nơi phố chợ.
Điều này làm tôi suy tưởng đến những ông bà cụ nhà quê, ít học, những người có số phận gắn liền với bệnh tật, với sự nghèo khổ, gắn liền với hậu quả của sự bất công xã hội, của sự tham danh danh vọng của những người cấp trên. Chúng ta suy tưởng đến họ vì họ quả thật đáng thương, xấu số. Nhưng ở đây chúng ta lại thấy họ quả thật là họ có nhiều điều kiện để đón nhận Lời Chúa và hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Tôi không nói, họ đương nhiên tự hoàn cảnh của họ là họ được hưởng hạnh phúc Nước Trời, như là một đền bù công bằng. Nhưng chúng ta phải nhận ra rằng, họ có một hoàn cảnh, một điều kiện để dễ dàng đón nhận Phúc Âm và sống Phúc Âm.
Điều này cũng làm chúng ta suy tưởng đến đối tượng ngược lại, những kẻ giàu có, những kẻ tri thức, có địa vị trong xã hội. Họ không đương nhiên là bị xa rời Nước Thiên Chúa, nhưng chính hoàn cảnh, cái gọi là số phận may mắn ở đời này lại là một cản trở khiến họ xa rời Phúc Âm, xa rời Nước Trời. Như Chúa Giêsu đã phán dạy: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao [...] Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa” (Mc 10, 17-27).
Điều này cũng làm chúng ta suy tưởng đến những bậc cha mẹ ít học nhưng đạo đức, luôn cầu nguyện, hy sinh tận tụy lo cho con cái, nhưng con cái khi học hành được thành công, được có địa vị trong xã hội lại sống theo kiểu thế gian xa rời Thiên Chúa.
Giáo huấn của Chúa Giêsu cũng là tôi nhớ lại lời của một vị Giám mục, qua kinh nghiệm của cuộc sống, soi dẫn bởi Lời Chúa, ngài nói: “Khi ta được thành công, được người ta khen tặng thì cũng hãy coi chừng ta bị thất bại, bị khinh chê đối với Thiên Chúa”. Thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu ở Corinto, ngài đã viết:
Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người (1 Cor 1,26-29).
Chúa Giêsu sau khi ngợi khen Thiên Chúa, với hướng lòng về những kẻ mọn, Ngài kêu gọi:
Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của ta, và hãy học cùng ta, vì ta hiền hậu và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách ta thì êm ái, và gánh ta thì nhẹ nhàng (Mt 11,28-30).
Để có thể đứng vào hàng ngũ những kẻ bé mọn, cần phải khiêm tốn nhận ra cái yếu kém của mình. Điều này không dễ thực hiện nhưng phải học phải luyện tập, phải cậy nhờ đến ơn Chúa.
Chúng ta cần phải nhìn lên Thập Giá Chúa Kitô, phải nhớ đến Thập Giá Chúa Kitô, khi hành động, khi xử sự với người anh em, với vợ, với chồng, với cha mẹ, với con cái, với bạn hữu, với bà con lối xóm, với những người xa lạ, để ta có thể hành xử một cách hiền lành và khiêm nhường.
Chính nhờ Thập Giá Chúa Kitô, nhờ về ân sủng và nhờ về gương mẫu, mà ta mới có thể sống, có thể hành xử được một cách hiền lành và khiêm nhường. Và một khi ta sống được đức khiêm nhường và hiền lành thì đã sống đức yêu thương bác ái. Khi đó, ta được xếp vào hàng ngũ những kẻ bé mọn mà Chúa Giêsu nói đến, những người được hưởng hạnh phúc Nước Trời.