GIẢNG LỄ CN TN XXII A. Đau khổ của người Kitô hữu - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 29/08/2020 06:22
ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Người ta vẫn cho rằng Kitô giáo thật là phi lý, thật là mê tín khi đi tôn thờ một người chịu đóng đinh trên thập giá. Tuy nhiên, còn hơn nữa, Chúa Giêsu còn bảo: “Ai muốn theo Thầy  hãy vác Thập giá mình mỗi ngày mà theo Thầy” (Mt 16,24).
Phải chăng Kitô giáo là tôn giáo đề cao sự đau khổ?
Không, tuyệt đối là không có chuyện Kitô giáo đề cao đau khổ, kiểu tương tự như phái khắc kỷ. Họ cho rằng đời này, thân xác này là xấu xa, cho nên cần phải hãm dẹp nó, phải hành hạ nó.
Để trả lời trước hết chúng ta cần phân biệt có hai thứ đau khổ. Một thứ rất cần thiết và một thứ không cần thiết.
Thứ đau khổ không cần thiết, như  đau khổ mà ta mang lại cho người khác do sự ích kỷ của chúng ta; như việc ta hãm hại người khác, gây đau khổ cho người khác. Cũng có thứ đau khổ không cần thiết cần xa tránh như do ta thờ ơ, lười biếng, ngu dốt. Chẳng hạn như cậu học sinh lười biếng không muốn học hành gây ra việc thi rớt; như người cứ sống hưởng thụ rồi gánh lấy hậu quả của nghèo đói bệnh tật.
Còn thứ đau khổ cần thiết như  sự đau khổ cần có để tăng trưởng, để thành công. Đó có thể kể như sự khổ luyện để đạt tới một thành công nào đó. Chẳng hạn như, học sinh muốn thành tài, thì phải hy sinh những giờ chơi mà chăm lo học hành. Khi muốn phát triển tư cách, nhân đức, chúng ta phải tu luyện, hãm dẹp các đam mê, chiến thắng tính lười biếng, ích kỷ... Cũng có sự đau khổ cần thiết như hy sinh tiền bạc thời giờ để giúp đở người khác, để chu toàn bổn phận của mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến những đau khổ cần thiết liên hệ đến cả vận mạng cuộc đời chúng ta. Ngài dạy: “Ai muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất và ai chịu mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống” (Mt 16,25). Người muốn giữ mạng sống mình ở đây là người sẵn lòng chịu những đau khổ cần thiết, sẵn lòng chịu đến mức mất cả mạng sống đời này.
Điều mới mẻ và quan trọng trong giáo huấn của Chúa Giêsu hệ tại chính chữ "vì Thầy". Sự đau khổ mà ta sẵn lòng chịu đó là vì Chúa, vì Thiên Chúa. Đối với thế gian, người ta chịu đau khổ cần thiết để đạt được một thành công một hạnh phúc nào đó của thế gian, như quyền lực, tiến tài, danh vọng. Nhưng đối với Kitô hữu, sẵn sàng chịu đau khổ lại là vì Thiên Chúa, và vì cuộc sống hạnh phúc muôn đời.
Người Kitô hữu được mời gọi vác thập giá là để theo Chúa Giêsu, như lời Ngài dạy: "Ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy" (Mt 16,24).
Sau năm 1975, Việt Nam hết chiến tranh, một chú bộ đội, vốn từ hồi còn thanh niên sống trong núi rừng, bây giờ mới về thành thị. Chú vào nhà một gia đình Công giáo. Chú ngạc nhiên trợn mắt khi thấy ngay trên bàn thờ phòng khách một thánh giá to lớn. Chú hỏi: “Ông này có tội gì nặng mà bị hành hình dữ tợn như vậy. Ông bị treo lên, bị đóng đinh chân tay vào cây gỗ; đầu ông lại bị gai đâm sâu vào nữa chứ!” Vị chủ nhà trả lời: “Đó là Chúa Giêsu, chúng tôi tôn thờ”. Chú bộ đội hỏi lại hỏi: “Đạo gì mà lại tôn thờ một người bị xử tội như thế?”
Thế gian, sẽ thấy chúng ta mê tín, khi đi tôn thờ cây Thánh Giá. Chúng ta, thật ra, tôn thờ Thiên Chúa vì ơn cứu độ của Ngài thực hiện qua cuộc tử nạn trên thập giá. Chúng ta nhận ra vì yêu thương, Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên thập giá. Ngài đã chịu đau khổ đến tận cùng, trong sự chịu sỉ nhục tận cùng.
Tuy nhiên, người Kitô hữu không dừng lại ở việc chiêm ngắm, tôn thờ mà còn được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, tức là sống noi gương Ngài. Noi gương Ngài chịu đau khổ, chịu chết để dâng lên Thiên Chúa hiến lễ tình yêu.
Mẹ Têrêsa Calcuta và những vị thánh khác đã chịu nhiều khổ nhọc, hy sinh, để giúp đở những người yếu đau bệnh tật, bị xã hội bỏ rơi, là cũng vì Chúa, cũng vì muốn theo gương Chúa Giêsu. Và khi làm theo gương Chúa Giêsu, chúng ta cảm thấy được hạnh phúc phát sinh. Những niềm vui hạnh phúc đã bắt đầu phát sinh ngay cả ở đời này khi ta chịu đau khổ vì tình yêu, khi ta muốn dâng hiến vì tình yêu.
Kitô giáo không phải là tôn giáo đề cao đau khổ, nhưng dạy đấu tranh chống đau khổ bằng sự chấp nhận  những đau khổ cần thiết để xây dựng con người xây dựng cuộc sống, làm cho cuộc sống được tốt đẹp hạnh phúc hơn. Và hơn nữa, người Kitô hữu sẵn lòng chịu khổ hình là vì chính Thiên Chúa và sống theo gương Chúa Giêsu, và vì sự sống hạnh phúc muôn đời mà Thiên Chúa muốn dành cho con người chúng ta.
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay1,444
  • Tháng hiện tại36,086
  • Tổng lượt truy cập11,236,458
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi