CN PHỤC SINH 6 A. Đạo nào cũng tốt? - JB Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 15/05/2020 23:44
Đạo nào cũng tốt?
Thỉnh thoảng chúng ta nghe người ta nói: “Đạo nào cũng tốt”. Thử hỏi: Có đúng là đạo nào cũng tốt không?
Thực ra, chỉ trong một số trường hợp người nói câu này là để biện minh cho một hành vi, hay một quyết định của mình. Ví dụ, một anh chàng yêu cô gái Công giáo. Bên nhà nữ Công giáo đòi anh phải theo đạo mới cho kết hôn. Anh tuy không thích đạo Công Giáo nhưng vì muốn kết hôn nên đành phải theo đạo. Anh tự nhủ “Thôi thì, đạo nào cũng tốt, ta theo đạo có sao đâu”. Anh cũng thuyết phục cha mẹ anh: “Cho con theo đạo đi, vì đạo nào cũng tốt, cũng dạy ăn ngay ở lành”.
Sau khi học giáo lý và được Rửa tội anh chàng người lương đó có đức tin và sống đức tin hay không thì ta không biết. Nhưng rõ ràng là người nói “Đạo nào cũng tốt”, nhiều khi cũng là nói để biện minh cho một hành vi hay một quyết định của mình. Thực ra, mỗi người theo một đạo nào đó, đều cho rằng đạo mình là tốt nhất. Họ có thể nói rằng đạo khác cũng tốt, không xấu, nhưng đạo mình theo vẫn là tốt nhất.
Tôi cũng như vậy, chúng ta cũng vậy, vẫn tin rằng đạo Công Giáo là tốt nhất, vì không ai lại đi theo đạo tốt thứ nhì, thứ ba; vì chọn đạo là phải chọn đạo nào tốt nhất để mình sống cả đời.
Có nhiều lý do khiến chúng ta tin rằng đạo của mình là tốt nhất.
Riêng bài Tin Mừng hôm nay giúp tôi xác tín thêm rằng đạo Công Giáo là tốt nhất. Vì sao vậy?
Vì Lời Chúa dạy: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Lời dạy của Chúa Giêsu này cho thấy tình “yêu mến” là quan trọng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Chữ “yêu mến” này cũng thường được nói trong các tôn giáo bằng những ngôn từ khác như: bác ái, từ bi hỷ xả, yêu thương, thương xót... Trong các tôn giáo nói chung, thường dạy về yêu mến tha nhân. Sự yêu mến này thể hiện qua việc ăn ngay ở lành. Yêu mến, ăn ngay ở lành đối với tha nhân, như với cha mẹ anh em, bạn hữu, hàng xóm láng giềng; giúp đở người nghèo đói, bệnh tật, người sa cơ thất thế...
Tuy nhiên Lời Chúa Giêsu ở đây không nói trực tiếp đến yêu mến tha nhân mà nói yêu mến Thiên Chúa.
“Ai yêu mến Thầy, thì được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Ngài nhấn mạnh đến mối liên hệ tình yêu giữa con người với Thiên Chúa. Ngài muốn mối liên hệ tình yêu này phải được thể hiện một cách mạnh mẽ. Và hạnh phúc mà ta gọi là “thiên đàng” của con người chính là được sống trong tình yêu với Thiên Chúa, được Thiên Chúa tỏ mình ra. Niềm hạnh phúc này có thể nói là niềm hạnh phúc tuyệt diệu, vô biên; một niềm hạnh phúc thần thánh, linh thiêng. Nó không đơn giản như kiểu nói phần thưởng thiên đàng cho kẻ ăn ngay ở lành, hay ngược lại, kẻ dữ bị phạt ở địa ngục, như kiểu nói hứa hẹn hay ngăm đe, vẫn thường nghe.
Đạo Công Giáo không nhấn mạnh đến sự “tôn thờ” Đấng Thần Linh Cao Cả, như thường thấy trong các tôn giáo khác, nhưng nhấn mạnh đến “yêu mến” Đấng Thần Linh Cao Cả. Ngay từ thời Cựu Ước Thiên Chúa đã truyền dạy trong sách Đệ Nhị Luật: “ Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5).
Thiên Chúa đòi chúng ta “yêu mến” Ngài “hết lòng hết dạ, hết sức”, chứ không đòi chúng ta “tôn thờ” Ngài hết lòng hết dạ, hết sức. Ngài không đòi chúng ta “tôn thờ” bằng những hành vi quỳ lạy, với những khấn vái: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà không có tình yêu mến Ngài.
Đến đây, ta có thể hỏi: “Vậy thì Đạo Công Giáo có vẻ duy Thiên?”. Câu hỏi có ý phê bình rằng Đạo Công Giáo chỉ đặt nặng lòng trí mình về Thiên Chúa, một vị Thần Cao cả xa xôi tận trời cao mà không lưu tâm đến con người, đến xã hội trần thế mà  mình đang sống. Đã có những phê bình như vậy, như nói rằng: “Người Kitô hữu sống cam chịu để được hưởng thiên đàng mai sau”.
Nói như vậy là chưa đi sâu vào giáo huấn của Kitô giáo. Ngay trong bài Tin Mừng hôm nay, chưa kể đến nhiều giáo huấn khác tương tự, sự “yêu mến” Thiên Chúa phải được thể hiện qua việc thực hiện các giới răn, như Chúa Giêsu dạy: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21).
Mà giữ các “Giới răn” của Thiên Chúa, cũng chính là giữ luật bác ái yêu thương. Nghĩa là, khi sống bác ái yêu thương tha nhân thì chính lúc ấy ta yên mến Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Như thế, tình yêu tha nhân chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Chính Đức Giêsu đã  “yêu mến” loài người chúng ta hết lòng hết dạ, hết sức đến nỗi đã chịu đóng đinh trên thập gía cho đến chết. Ngài đã chết vì yêu nhân loại tội lỗi và đồng thời cũng tỏ lộ tình yêu đối với Thiên Chúa Cha, là hết lòng hết dạ, hết sức.
Đạo nào cũng tốt, nhưng không có đạo nào lại thể hiện và giúp con người thể hiện được tình yêu hay cái tốt đến mức tuyệt hảo như đạo Công Giáo, vì tình yêu này được chứng thực nơi thập giá của Đức Kitô; vì không có đạo nào lại liên kết mật thiết giữa tình yêu giữa tình yêu đồng loại và tình yêu đối với Đấng Thần Linh Cao cả. Và, chính tình yêu này phát sinh ra hạnh phúc chân thật, vĩnh viễn muôn đời.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,330
  • Tháng hiện tại29,982
  • Tổng lượt truy cập11,281,475
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi