CHÚA NHẬT TN VI A. Đạo đức duy pháp lý? - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 14/02/2020 22:27

A6    
Mt5,17-37  

 

ĐẠO ĐỨC DUY PHÁP LÝ?

Phải chăng đạo Công giáo có một nền đạo đức luân lý quá khắc khe? Một đạo đặt nặng vấn đề lề luật, vấn đề tội?
Có người phê bình Đạo Công Giáo là đạo của “lề luật” và của “tội’. Họ nói đạo gì mà cứ hở một chút là nói: “phạm luật”, phạm điều răn này điều răn nọ; hở một chút là nói “có tội”, nói “Chúa phạt”; hở một chút là nói “bị dứt phép thông công", “bị xuống hỏa ngục".
Đôi khi họ cũng có lý. Bởi thực tế là, mới gia nhập đạo thì phải chịu “Rửa tội”; phải học giáo lý xét mình để có thể “xưng tội”; phải xưng tội thường xuyên, ít ra là mỗi năm một lần; rồi phải “ăn năn đền tội” suốt cả đời, mỗi năm đều có mùa chay để ăn năn đền tội.
Các đạo khác đâu có như vậy! Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão, Đạo Cao Đài ... đâu có nói đến tội nhiều như vậy; đâu có đòi phải rửa tội, xưng tội, đền tội như vậy!!!
Một cụ già người lương sống rất lương thiện tốt lành. Ông nghe người bạn giới thiệu về Chúa, ông thích quá. Nhưng khi người bạn đề nghị ông chịu phép Rửa tội thì ông mới ngạc nhiên nói: “Tại sao lại phải rửa tội? Tôi có tội gì đâu? Tôi đâu có ăn trộm, giết người cướp của, ngoại tình gì đâu? Tôi đâu có làm hại ai mà tôi phải chịu phép Rửa tội?”
Vậy thì phải chăng đạo Công giáo chúng ta đặt nặng vấn đề lề luật, vấn đề tội?
Trước tiên, chúng ta thấy “tội” là một khái niệm khá quan trọng trong đạo. Sách Sáng Thế Ký đã nói đến Tội Nguyên Tổ làm cho con người phải đau khổ và phải chết. Con Thiên Chúa giáng trần là để cứu nhân loại khỏi tội, khỏi sự chết. Tuy nhiên quan niệm về lề luật và tội lỗi của chúng ta cũng đã có những sai lệch.
Một sáng sớm Chúa nhật, tôi đang chuẩn bị dâng lễ, chỉ còn không đầy một phút nữa là tiến ra bàn thờ, một giáo dân chạy vào nói: “Xin cha giải tội cho con”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao ông lại xin xưng tội gấp gáp vào lúc này?” Người ấy đáp: “Thưa cha tuần vừa rồi con đi đường xa nên bỏ lễ Chúa nhật, con có tội trọng nên không thể rước lễ được. Tôi bảo: “Không sao, ông cứ việc dự lễ và rước lễ, ông không có tôi trọng đâu. Ông bỏ lễ Chúa nhật có lý do chính đáng, nên ông không có tội!”
Trường hợp người giáo dân này phản ảnh thái độ quá lệ thuộc lề luật như người Do Thái ngày xưa.  Người ta cho rằng làm điều tội chỉ vì có luật cấm làm điều đó, hoặc có tội nếu không làm điều luật buộc phải làm. Và cũng cho rằng, nếu không có luật cấm thì không có tội. Như vậy, tội được định nghĩa hoàn toàn theo pháp lý. Đây là một quan niệm cứng nhắc, tai hại, coi Thiên Chúa như một quan tòa hung dữ, ban ra lề luật, để rồi phạt khi người ta phạm luật.
Hậu quả là người giữ đạo như giữ một số lề luật và con người cảm thấy bị trói buộc; thấy giữ đạo như mang một gánh nặng. Họ thấy, phạm đến lề luật là phạm tội trọng và nếu chết bất ngờ mà không kịp xưng tội trọng thì bị xuống hỏa ngục.
Có phải giữ đạo là giữ những điều luật của đạo; chúng ta thử nghĩ xem, có đúng không?
Cũng có cái đúng đó chứ, bằng chứng là có những người trong nhà thờ hôm nay sợ tội nên không bỏ lễ Chúa Nhật, sợ tội nên không ăn cắp ăn trộm, sợ tội nên không ngoại tình gian dâm!
Nhưng cũng có điều không đúng nếu như chỉ khư khư bám vào lề luật để đánh giá việc làm của mình. Một thái độ khư khư bám vào lề luật như thế được gọi là chủ nghĩa duy pháp lý, một chủ nghĩa sai lạc vì bỏ qua chiều kích thăng tiến con người, hạ giá con người.
Cái nhìn duy pháp lý này lại gây một hậu quả ngược lại, rất nghiêm trọng hơn nữa, đó là góp phần vào tình trạng giảm ý thức về tội. Càng thấy mình phạm luật là phạm tội thì người ta càng giảm ý thức về tội. Lý do là người ta chỉ tố giác những hành vi phạm bên ngoài chứ không còn tố giác sự đồi bại bên trong, sự đồi bại nội tại của tội nữa.
Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn về tội, về lề luật. Ngài coi là tội không chỉ như những hành vi phạm một điều cấm như giết người, ngoại tình nhưng xét đến cái ý muốn nội tại xấu xa của hành vi. Ngài dạy:
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22a). Ngài còn dạy: “Bất cứ ai nhìn người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5, 28).
Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài phải công chính hơn các kinh sư và người Biệt phái. Công chính hơn ở đây, được hiểu như là sống chân thật: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Công chính hơn ở đây, được hiểu là sống bác ái yêu thương, không giận ghét người khác, trung tín với nhau, tôn trọng lẫn nhau.
Một hôm, tôi nghe một ông xưng tội: “Thưa cha, con có không vâng lời vợ con.” Tôi ngạc nhiên, tưởng mình nghe sai, hỏi lại. Ông này nói rõ hơn: “Thưa cha, con là một ông chồng, con có tội là không vâng lời vợ con”. Tôi hỏi: “Sao ông nghĩ: không vâng lời vợ lại có tội ?”. Ông đáp: “Dạ, thưa cha, vợ con nói đúng, nói có lý, mà con không nghe lời, nên con thấy là con có tội!”
Đây là quả một cái nhìn về tội rất đúng đắn. Tội được xét một cách tích cực như những lỗi phạm hay những thiếu sót của đức bác ái. Đức bác ái ở đây là sự tôn trọng phẩm giá, quyền lợi và ý kiến của người khác. Đức bác ái của ông chồng này thể hiện ở chỗ không độc tài; ông xem vợ mình như người bạn bình đẳng, và biết tôn trọng vợ mình.
Về phần chúng ta, đã nhiều lần chúng ta xét tội như những vi phạm những luật cấm. Thế nhưng, thử hỏi đã bao nhiêu lần chúng ta xét mình là có tội vì thiếu vắng tình yêu thương; đã bao nhiêu lần chúng ta hành động, suy nghĩ, nói năng mà gây tổn hại cho người anh em; đã bao lần chúng ta đã khước từ phẩm giá người môn đệ của Chúa Kitô; đã sống theo kiểu thế gian, chứ không sống theo cung cách của con cái Thiên Chúa!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay1,126
  • Tháng hiện tại29,637
  • Tổng lượt truy cập11,182,970
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi