CHÚA NHẬT VỌNG IV A. Sống bao dung- JB. Lê Ngọc Dũng
Lm JB Dũng
2019-12-21T05:26:10-05:00
2019-12-21T05:26:10-05:00
https://giaoluatconggiao.com/giang-le/chua-nhat-vong-iv-a-song-bao-dung-jb-le-ngoc-dung-202.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ bảy - 21/12/2019 05:24
CNVA4
Mt1, 18-24
SỐNG BAO DUNG
Con Thiên Chúa, quyền lực, cao sang quyền quý vô cùng, sao lại chọn một người cha mọn hèn dưới đất làm cha của mình? Đấng Cứu Thế sao lại thưa với bác thợ mộc rằng: “Thưa cha”, “Con xin phép cha”? Trong cả hằng trăm ngàn hậu duệ của Đavit sao không chọn người nào khác mà chọn Giuse, một người thợ mộc tầm thường.
Để có thể hiểu được phần nào, chúng ta hãy nhìn vào một số sự kiện liên quan đến Thánh cả Giuse, được Kinh Thánh thuật lại. Khi vị hôn thê yêu quý của mình có bầu, Thánh sử Mathêu ghi lại rằng: Giuse đã định tâm sẽ bỏ vị hôn thê của mình cách kín đáo.
Theo tâm lý người đời, thì chắc hẳn Giuse sẽ vô cùng tức giận, cho rằng vị hôn thê của mình đã phản bội, đã ngoại tình. Giuse sẽ tức tốc tố cáo Maria trước hội đường cho hả giận, và kẻ phản bội sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng Giuse đã không làm như vậy. Giuse đã không tố cáo nàng, đã không cãi vã to tiếng, ngài chỉ âm thầm rút lui.
Khi định tâm với tấm lòng bao dung tha thứ như vậy, Thiên Chúa không để cho Giuse phải bối rối, liền sai Thiên thần ra tay can thiệp để soi sáng cho Giuse biết rằng, đây là chương trình của Thiên Chúa.
Chúng ta phải ghi nhận rằng, Thiên Chúa chủ động tất cả trong chương trình cứu thế của Ngài. Việc chọn Giuse làm dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế, là tùy theo ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng ở đây chúng ta cũng phải ghi nhận rằng sự quảng đại và bao dung của Thánh cả Giuse, đã góp phần rất lớn vào sự chọn lựa của Thiên Chúa
Giuse vâng theo ý Chúa, đón nhận Maria về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như người con sắp sinh ra.
Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa, phải quyết định. Thiên Chúa biết rõ, thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm lòng chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta. Đó là phản ứng của lòng yêu thương hay giận ghét, của lòng quảng đại hay hẹp hòi.
Có những người luôn phản ứng với sự chê bai ghen ghét, luôn chỉ trích phê phán, cho dù người khác có làm điều tốt đi chăng nữa. Ta thấy có những người thường tụ tập, la cà nơi này đến nơi khác, quán này đến quán khác, miệng mồm luôn tuôn ra những câu chưởi thề, dọa nạt người khác. Mà lại nói to, có ý nói cho cả người không muốn nghe. Họ muốn biểu lộ ra bên ngoài một tâm hồn chất chứa đầy những kiêu hãnh, những bất mãn, và muốn che dấu cái bất an, bực tức trong tâm hồn. Vì vậy, những cuộc chiến tranh nhỏ thường xảy ra trong xã hội.
Lại có những người vợ người chồng, không tha thứ cho nhau, cải vả nhau. Một cuộc chiến tranh nhỏ xảy ra trong gia đình, của những người đã thề nguyền yêu thương nhau suốt đời, và kết thúc ở tòa án, ly dị. Gia đình tan vỡ và họ gây đau khổ cho nhau, cho con cái; mà nhiều khi cũng chỉ vì tự ái, vì bất mãn, vì thiếu khoan dung, thiếu tâm lòng quảng đại.
Hơn bao giờ hết, con người chúng ta cần có sự bao dung, tha thứ.
Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu chuyện như sau:
Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập để an cư nhập định, một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có gì xảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều nầy làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng nếu sư phụ không xử tội hắn thì bọn họ sẽ bỏ, theo thầy khác hết.
Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói:
“Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê lầm lạc và thiếu can đảm để tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cả các anh có bỏ đi hết.”
Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải người ta tự dưng biết mất khỏi anh.
Nhờ cảm được tấm lòng xót thương mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào. Như vậy, tiến trình hoán đổi con người không nhất thiết là cứ phải kết án, khước từ, hay trục xuất. Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng sự cảm thông nhân ái mới làm tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người.
Sự kiện Con Thiên Chúa chọn Giuse làm nghĩa phụ của Đức Kitô làm nổi bật đức tính bao dung. Đó là một đức tính khởi đầu cho một gia đình thánh thiện, một gia đình an vui hạnh phúc. Khoan dung tha thứ quả là rất cần thiết để xây dựng một cộng đoàn dòng tu được bình an thánh thiện. Những bậc chính nhân quân tử, những bậc lãnh đạo đều cần trang bị cho mình sự bao dung. Chắc chắn mọi người sẽ mến phục người bao dung và được Thiên Chúa chúc phúc.
Sống bao dung cũng là một nét của sống yêu thương, quảng đại theo gương Đấng Cứu Thế mà chúng ta sắp mừng Đại lễ Giáng Sinh. Ngài đã khoan dung tha thứ, tha thứ cho kẻ bách hại mình và Ngài đã yêu thương đến cùng, cho đến chết và chết trên thập giá. Ngài đã nêu gương và luôn kêu gọi chúng ta noi gương Ngài.
Hôm nay, chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, ít nhất chúng ta cũng cần noi gương Thánh Giuse, không lên án, tố cáo người khác, ngay cả khi người khác ấy phản bội. Chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa của lễ của lòng yêu thương tha thứ. Một tâm hồn yêu thương quản đại chắc chắc sẽ được Thiên Chúa ban nhiều ân phước. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta.