Một kiểu nhận thức tai hại
Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế, có ý cho thấy cái tai hại của những người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê những người khác.
Dụ ngôn khiến chúng ta phải nhìn lại chính mình và thấy rằng nhiều khi chúng ta cũng có thái độ giống như người biệt phái mà chính chúng ta cũng không ngờ, không hề hay biết.
Chẳng hạn chúng ta có thể có ý tưởng và cầu nguyện như những mẫu sau:
Nhìn về một người sống lang thang, lười biếng, một người cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa, là vì con đã có được một việc làm tốt, con đã biết sống tiết kiệm. Con biết quý trọng những đồng bạc do mồ hôi nước mắt làm ra. Con không giống như những người không lo làm ăn, cứ lang thang, la cà hết chỗ này đến chỗ nọ, ăn xài phung phí.
Nhìn về một người rượu chè say sưa, đánh đập vợ con, một người khác cầu nguyện: Lạy Chúa, con có uống rượu, nhưng uống chừng mực, con biết lúc nào nên dừng lại. Con không như cái thằng cha kia. Hôm nào cũng say xỉn, ăn nói lè nhè, thật đáng xấu hổ, lại còn đánh đâp vợ con nữa chứ!
Nhìn về một người đạo đức cầu nguyện trong nhà thờ, một người dự lễ, nhưng đứng bên ngoài nhà thờ cầu nguyện và thấy mình khiêm tốn hơn. Ông cầu nguyện: Lạy Chúa, con không sốt sắng đạo đức mấy, con ngồi ở ngoài là để cho người ta thấy lòng khô đạo của con. Con không muốn người ta thấy con có vẻ đạo đức. Họ cho mình là xứng đáng để thờ phượng Chúa, nhưng ngoài nhà thờ họ lại sống như không có đức tin. Như cái bà kia sáng đi lễ chiều đi nhà thờ mà về nhà thì chưởi rủa um sùm, chưởi con cái, chưởi hàng xóm; chưởi không ai bằng!
Tất cả những người kể trên đều thành thật với chính mình. Họ không nói dối. Họ đã nói những gì họ làm. Người biệt phái trong dụ ngôn Chúa Giêsu cũng vậy. Ông ta rất thành thật, đã giữ luật Chúa rất kỹ lưỡng. Còn hơn thế nữa, ông muốn làm nhiều hơn luật dạy để đẹp lòng Chúa. Luật chỉ dạy ăn chay một năm một lần, nhưng ông ta ăn chay hai lần một năm. Quả là một tâm hồn nhiệt thành. Và nữa, thuế thập phân chỉ áp dụng cho một số sản phẩm. Còn ông ông áp dụng cho tất cả lợi tức của ông.
Vậy thì ông đã sai lầm, hay ngay chính chúng ta cũng đã sai lầm, đã xấu. Hãy xét thêm là sự sai lầm hay xấu xa đó là ở chỗ nào?
Thứ nhất, đó là thái độ của ông đối với Chúa. Ông muốn kể công với Chúa. Dường như ông ta muốn Thiên Chúa phải nhìn đến những điều xấu mà ông đã tránh được và nhìn vào những việc tốt lành mà ông đã làm được. Thiên Chúa như đang mắc nợ ông, phải thưởng công cho ông.
Thứ hai, thái độ của ông đối với người thu thuế. Ông đã nhìn xuống và đã có thái độ khinh dễ kẻ khác. Ông ta nghĩ rằng ông ta tốt, khi đem so sánh với cái xấu của người thu thuế.
Người biệt phái trong câu chuyện được Chúa Giêsu dùng như một cảnh giác cho chúng ta, những người được coi là đạo đức, lương thiện. Vì lẽ, ít ra chúng ta nhận thấy mình: tin có Chúa, dự lễ ngày Chúa Nhật, đi xưng tội rước lễ thường xuyên; mình tuy có lỗi phạm đó, nhưng mà nhè nhẹ thôi, vì mình đâu có gian dâm, đâu có dối gạt ai, đâu có giết người cướp của... Rồi nhìn ra chung quanh, ra xã hội, ra thế giới, chúng ta thấy quá nhiều, dối trá, lừa gạt, quá nhiều tội ác, tham nhũng hối lộ, trộm cắp ... trong khi đó, chúng ta sống chân thật, không tham lam gì cả, còn làm việc từ thiện phước đức nữa chứ!
Chúng ta có thể không nói to, nói lớn ra hay cầu nguyện nho nhỏ rằng: “Con cảm ơn Chúa vì con không như họ...” nhưng mà trong thâm tâm, trong chính tư tưởng, chúng ta làm vẫn thường có cái tự hào, vì sự tin Chúa, vì sự giữ đạo tốt, vì những việc đạo đức, việc tốt chúng ta đã làm.
Chúng ta nghĩ rằng mình có công lao, có đạo đức, hay ít ra là người đàng hoàng, ngay chính, không làm điều gì thất đức.
Còn người thu thuế nói: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc, 18,13).
Anh ta nói lên một sự thật. Sự thật thứ nhất là anh tuyên xưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và anh tín thác vào Ngài. Sự thật thứ hai là anh tội lỗi. Anh không dám sánh mình với kẻ khác. Anh chỉ nhìn xuống, không dám ngẩng đầu lên.
Anh chân thành cầu khẩn Chúa. Trọng tâm của anh là không hướng về mình nhưng hướng về Chúa. Anh không tin tưởng vào sự tốt lành của mình nhưng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa.
Và Chúa Giêsu đã nói: “Người này, khi trở xuống và về nhà thì được công chính rồi, còn người kia thì không.” (Lc, 18,14).
Dụ ngôn của Chúa Giêsu về hai người lên đền thờ cầu nguyện cho chúng ta thấy có mối nguy hiểm phát sinh từ lối sống tự nhận mình là đạo đức và có ý phê bình người khác. Nó dễ làm cho mình kiêu ngạo, xa rời Thiên Chúa và anh em.
Cái gian tham, dối trá, cái xấu xa tội lỗi của xã hội của những người khác, ta dễ nhận ra, để rồi phê bình chỉ trích. Ngay trong họ hàng, gia đình, chúng ta cũng dễ thấy, dễ nhận ra cái tham lam, cộc cằn thô lỗ, cái ích kỷ, bất lịch sự, cái khô đạo... của người vợ người chồng, của người bà con chú bác, của ông bà xui gia. Chúng ta không thấy cái tốt, mà chỉ thấy cái xấu, cái sai của họ và thấy mình là tốt, là đúng!
Rõ ràng là cái kiểu nhận thức đó khiến gây xung đột trong gia đình, trong xã hội. Nếu mỗi người khiêm tốn hơn, chắc sẽ không có xung đột, không có làm khổ cho nhau, không có chiến tranh. Xin Chúa giúp con người chúng ta có lòng khiêm tốn thật sự, nhìn nhận cái yếu kém của mình để luôn tin cậy vào tình thương của Thiên Chúa.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng