LỄ PHỤC SINH. Từ Hiến Tế Đến Phục Sinh - JB. Lê Ngọc Dũng
Lm JB Dũng
2018-04-03T05:31:38-04:00
2018-04-03T05:31:38-04:00
https://giaoluatconggiao.com/giang-le/le-phuc-sinh-tu-hien-te-den-phuc-sinh-177.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ ba - 03/04/2018 05:23
Từ Hy Lễ đến Phục Sinh
Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa phục sinh, sau khi Ngài đã bị lên án tử hình, chịu nhục nhã và chịu đóng đinh trên thập tự giá, đã chịu chết ba ngày.
Điều này làm tôi nhớ lại câu chuyện vào năm 1975. Anh bộ đội sống chiến đấu ở trên rừng về, vào phòng khách một người Công Giáo, thấy ngay trên tường treo một thánh giá có tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, máu me thương tích nặng nề. Anh thắc mắc hỏi chủ nhà: “Cái ông này bị tội gì hung ác quá, đến nỗi bị hành hình ghê quá vậy? Chủ nhà đáp: “Đó là Chúa Giêsu, chịu chết, để chuộc tội cho chúng ta. Ngài đã sống lại và lên Trời”. Anh bộ đội nghe nhưng không thể hiểu được một tên tử tội mà lại là Chúa chuộc tội!
Nhiều khi, chúng ta vẫn thường hiểu rằng Chúa Giêsu chịu chết là để đền tội cho chúng ta. Tội nhân loại quá lớn, không ai có thể đền nỗi, chỉ có Con Thiên Chúa chịu khổ hình chịu chết mới có thể đền bù nỗi tội lỗi của loài người. Sau đó vì Ngài là Thiên Chúa nên Ngài đã tự mình sống lại và lên Trời vinh hiển.
Ngày nay các nhà thần học hồ nghi về sự lối giải thích như vậy. Vì, nếu như thế thì Thiên Chúa Cha sao lại ác vậy, bắt con mình đền tội. Ai mà lại bắt con mình đền tội. Và hơn nữa, nếu đền bù thì đền bù cho ai, cho Thiên Chúa Cha hay cho ma quỹ?
Để tìm ra giải thích cho sự Phục Sinh thích hợp hơn, chúng ta nên, đọc lại thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Philipphê, trong đó có ghi lại một đoạn tuyên xưng đức tin của các tín hữu thời ban đầu như sau:
Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl2, 6-9)
Ngay từ khởi điểm suy niệm, chúng ta cần nhớ Đức Giê-su Ki-tô đã trút bỏ vinh quang của Thiên Chúa, làm người như chúng ta. Việc Ngài giảng dạy chân lý, làm những phép lạ, chửa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ là do ơn Chúa Thánh Thần ban cho Ngài. Ngài như là một vị tiên tri, một thánh nhân. Sống trên trần thế Ngài vẫn là một con người, với những yếu đuối của thân phận con người. Vì vậy, ma quỹ cũng từng cám dỗ Ngài về danh lợi, về sự kiêu căng bất phục tùng Thiên Chúa.
Cần thiết phải hiểu về Ngài như vậy, chúng ta mới hiểu hơn về sự tử nạn và phục sinh của Ngài.
Xin suy tưởng hai câu chuyện khác nhau như sau:
Một hôm một bác nông dân hiền hậu đạo đức bổng thấy buồng chuối sắp chín của mình đã bị ai cắt mất. Bác biết đó là do người hàng xóm tham lam. Bác tự nhủ: Thôi thì mất một chút chả sao, ta tha cho nó. Ngày hôm sau con trai bác bị con người hàng xóm hiếp đáp, đánh chảy máu đầu. Bác cũng nghĩ chắc tại con mình hổn hào, không biết xư sự nên cũng tha thứ cho người hàng xóm. Ngày hôm sau chuồng gà của bác cũng bị kẻ trộm mở cửa, ôm luôn mấy con gà mái đẻ. Thủ phạm cũng là người hàng xóm, vì hắn đang vui vẻ nhậu thịt gà với chúng bạn. Bác nén lòng và nghĩ: Thôi thì, vì Chúa ta tha cho hắn. Rồi đến một hôm nữa, cái cày của bác để ở góc chuồng trâu đã không cánh mà bay. Bác còn nghe người người hàng xóm vừa ăn nhậu với bạn bè vừa chê bai bác là kẻ ngu đần, nhút nhát. Lần này thì hết nhịn được rồi, đã tha cho hắn ba lần rồi, lần này lại còn sỉ nhục bác. Bác không thể nào tha cho hắn được nữa. Bác vào nhà bếp rút con dao phay hùng hổ bước sang nhà hàng xóm để hỏi thăm, để cho hắn biết thế nào là công lý.
Chúa trên trời đang mong chờ bác tha thêm nữa theo lời dạy của Ngài, nhưng Chúa thất vọng!
Tuy nhiên, một hôm Ngài lại thấy một chàng thanh niên trẻ tên Giêsu, người ta gọi là Thầy. Ngài rất hài lòng vì thầy Giêsu dạy sự yêu thương tha thứ và tỏ cho mọi người thấy Thiên Chúa là Cha nhân lành hằng yêu thương con cái loài người. Vì vậy, Ngài ban cho Thầy Giêsu đầy ơn Thánh Thần, có thể làm phép lạ, chửa bệnh tật, xua trừ ma quỹ.
Thế rồi, sự giảng dạy yêu thương, kèm với sự lên án kẻ giả hình, làm tổn hại danh dự và quyền lợi của những kẻ cầm quyền. Họ lên án tử cho Thầy Giêsu một cách rất oan ức, vì Thầy chẳng có tội gì.
Thiên Chúa theo dõi cuộc xử án. Ngài quá đỗi ngạc nhiên vì sao Thầy Giêsu lại chẳng dùng phép lạ để chống lại kẻ dữ.
Thánh Kinh ghi lại: Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!. Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Người mặc lại áo của mình, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27, 28-31).
Xin được tưởng tượng thêm cho câu chuyện như sau:
Tại sao Thầy Giêsu lại cam chịu nhục nhã và khổ hình đau đớn như vậy, quá ngạc nhiên, Thiên Chúa liền mời gọi các Tổng Lãnh thiên thần trên trời đến và nói:
“Ta không thể nào để cho Thầy Giêsu này chết mãi được. Từ khi Ta tạo thiên lập địa đến bây giờ, Ta chưa bao giờ thấy được một con người mà lại tốt lành như Thầy Giêsu. Người này hoàn toàn tin tưởng nơi Ta, kính mến Ta hết lòng hết sức, hoàn toàn lấy tình thương mà đối xử với người khác, đã yêu thương, yêu thương cho đến cùng, và chết trên thâp giá. Vì thế Ta phải tôn vinh Thầy Giêsu. Ta là Thiên Chúa quyền năng vô cùng, thánh thiện; Ta mà để Giêsu chết thì Ta không còn là một Thiên Chúa Toàn Năng và Thánh Thiện nữa. Ta mà để Giêsu chết thì Ta tự mâu thuẩn với chính Ta. Ta phải siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (x. Pl 2, 9).
Thầy Giêsu đã hiến tế chính bản thân mình, thành của lễ đẹp lòng Ta mọi đàng. Vì vậy, Ta sẽ ban ơn tha thứ tội lỗi và cho sống lại tất cả những tin và sống theo lời dạy và gương mẫu của Thầy Giêsu. Ta đặt Ngài làm là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu (x. Cl 1:15,18).”
Như vậy, Thiên Chúa Cha chẳng đòi Chúa Con phải đền tội cho nhân loại, nhưng tội nhân loại được tha là nhờ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như là Lễ Hy Sinh vì tình yêu, vì sự vâng phục Thiên Chúa mà sống yêu thương đến cùng.
Mừng Lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa Giêsu. Xin Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần để chúng ta can đảm noi gương Chúa Giêsu, sống hy sinh phục vụ, yêu thương tha thứ, để rồi chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Người.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng