CNA24
CÔNG BẰNG HAY BẤT CÔNG TRONG THA THỨ?
Chúa Giêsu đã trả lời cho Thánh Phêrô về sự tha thứ. Đó là tha tới bảy mươi lần bảy, nghĩa là, tha mãi, tha hoài, tha vô hạn định. Tuy nhiên, qua phần dụ ngôn kế tiếp cho thấy, mặc dù được thứ tha quá lớn, quá nhiều, nhưng con người chúng ta vẫn không chịu tha thứ cho nhau.
Ta như người đầy tớ đã được ông chủ tha nợ mười ngàn nén vàng nhưng lại không chịu tha cho người bạn chỉ mắc nợ ta chỉ có một trăm quan tiền.
Tôi tự hỏi vì sao con người chúng ta lại khó mà tha thứ cho nhau?
Ai đó đánh tôi, tôi có đánh lại không? Ai đó cướp bóc hành hạ tôi, tôi có trả thù không? Ai đó mắng chưởi hay nói hành nói xấu tôi thì liệu tôi có im lặng chịu thua không? Có lẽ chỉ người điên điên khùng khùng không nghe không hiểu, hoặc lành thánh lắm mới im lặng tha thứ.
Trả thù như đã nằm trong bản năng hiếu chiến của con người nên khó mà làm ngược lại. Trong các phim võ hiệp Trung quốc, một nét khá nổi bật, đó là sự trả thù. Dĩ nhiên là phải có thù hận mới có đánh nhau, nếu không có thù hận làm sao đánh nhau. Thế nhưng có điều rất lạ là việc trả thù được coi như là một nghĩa vụ. Con phải báo thù cho cha mẹ, trò phải báo thù cho sư phụ, nếu không thì mang tội bất hiếu, bất trung, hơn thế nữa mang tội với trời đất.
Có trường hợp một đứa trẻ sinh ra, sớm mồ côi cha mẹ, không biết mặt mũi cha mẹ mình ra sao, cũng không biết kẻ thù giết cha mẹ mình ra sao nhưng dù muốn dù không cũng phải có bổn phận tìm thầy học võ để có thể báo thù. Và cảnh ngộ lại éo le thay, khi lớn lên và có đủ khả năng trả thù thì chàng lại vô cùng đau khổ vì khám phá ra rằng chính cha mẹ nuôi mình, hoặc có khi đó chính là sư phụ của mình là người đã giết cha mẹ mình, hoặc có khi đau đớn hơn nữa vì chính người con gái mà chàng yêu mến lại là con của kẻ thù, hay là đệ tử của kẻ thù.
Nếu không trả thù cho cha mẹ thì mang tội bất hiếu, nếu trả thù lại mang tội bất nghĩa bất trung. Giữa chữ hiếu và chữ tình mâu thuẩn nhau làm sao giải quyết đây? Quả là éo le! Sau cùng chàng phải trả thù, chàng đành cắn răng chịu đau khổ, nén lòng mình lại để đánh nhau với người thân yêu của mình là cha mẹ nuôi mình, hoặc là sư phụ mình.
Trường hợp éo le nhất là chàng phải giao đấu với người mình yêu. Nàng cố ý để thua, chàng lại lỡ tay đâm nàng bị trọng thương. Chàng quá đau lòng, rút gươm tự vẫn để chết theo nàng, hầu vừa trọn được chữ hiếu vừa trọn được chữ tình.
Tại sao họ làm như vậy? Không những vì bản năng đấu tranh để sinh tồn mà còn vì quan niệm: Có ân nghĩa thì đền đáp, có thù thì phải trả. Đó là quan niệm căn cứ trên lẽ công bằng.
Chính cái lý lẽ công bằng có sẵn trong tâm trí con người đã khiến con người không thể tha thứ: Có ân nghĩa thì đền đáp, có thù thì phải trả. Nói một cách khác, tâm trí ta không chịu được sự bất công, sự phi lý của kẻ khác.
Chúng ta vẫn biết rằng sự thù hận làm cho mình bất an trong tâm hồn, sự thù hận lôi kéo mình làm nhiều nhiều bất nhân, mất lương tri thế mà khó mà không trả thù. Sự trả thù ăn sâu trong con người như một bản năng khó tẩy rửa, và như thế sự tha thứ khó mà được chấp nhận. Chúng ta như bị nô lệ trong sự thù hận, nó trói buộc chúng ta, nó không cho chúng ta tha thứ.
Thế thì làm sao chúng ta có thể thoát khỏi một cái bản năng trói buộc như thế?
Chỉ có Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự thù hận, khi Ngài giáo huấn, chính vì sự công bình mà đòi ta phải tha thứ.
Con người không chịu tha vì đòi có sự công bằng: ân đền, oán trả. Bây giờ Chúa Giêsu cũng nhắc lại chính sự công bằng đó: Anh đã được tha thứ, vậy anh phải tha thứ thì mới công bằng chứ. Anh đã được tha nợ mười ngàn nén vàng mà bây giờ anh lại không tha cho người khác chỉ nợ anh có một trăm nén bạc. Quả là bất công! Anh phải bị phạt vì anh hành xử cách bất công quá lớn!
Tại một nhà thờ ở bên Tây Ban Nha, có một tượng Thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ thánh giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa ra phía trước trong tư thế ban phước lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng Thánh Giá này như sau: Một hôm có một tội nhân đến xưng tội với một vị linh mục chính xứ ngay dưới chân cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.
Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật đó, không bao lâu người đó lại sa ngã. Lần này sau khi anh xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe dọa như sau: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này vị linh mục đã dứt khoát. Ngài trả lời: "Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể giải tội cho ông nữa".
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì bỗng ông nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho tội nhân. Và vị linh mục lại nghe tiếng thì thầm ấy như sau: “Chính ta là người đổ máu ra cho người này, chứ không phải là ngươi".
Bên kia của sự oán thù, của sự không thể tha thứ, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá chúng ta cảm nếm được ơn tha thứ của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi cảm thông, để tha thứ cho anh chị em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng