CHÚA NHẬT XXV A. Có phải vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức? - JB. Lê Ngọc Dũng
Lm JB Dũng
2017-09-23T08:32:32-04:00
2017-09-23T08:32:32-04:00
https://giaoluatconggiao.com/giang-le/chua-nhat-xxv-a-co-phai-vi-toi-tot-bung-ma-ban-ghen-tuc-jb-le-ngoc-dung-169.html
/themes/default/images/no_image.gif
GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO
https://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ bảy - 23/09/2017 08:30
CNA25
Mt20, 1-16
Có phải vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?
Chúa Giêsu kể dụ ngôn thợ làm vườn nho, chỉ cho thấy sự so đo ganh tỵ của của con người và cách xử xự nhân từ yêu thương của Thiên Chúa.
Câu chuyện ở phần cuối quả là bất thường. Nó bất thường ở chỗ người bắt đầu làm từ sáng sớm cũng được trả một quan tiền, bằng người vào làm lúc trưa và ngay cả bằng người vào làm lúc chiều. Nó bất thường nên các người thợ làm từ sáng sớm cảm thấy bất công, vì họ tưởng họ đáng lý phải được lãnh nhiều hơn.
Dụ ngôn, vì vậy có liên hệ tới sự so sánh ganh tỵ trong chính cuộc sống của mỗi người.
Bạn có thói ganh tỵ không? Chắc là bạn sẽ trả lời là không. Tuy nhiên, điều chắc chắn mỗi người chúng ta đều có; đó là sự so sánh hơn thua.
Trong lớp học, chắc học sinh nào cũng muốn học giỏi hơn người khác. Trong làm ăn buôn bán, ai cũng muốn phát đạt hơn người khác. Ngay cả một tu sĩ cũng muốn mình đạo đức thánh thiện hơn người khác. Rõ ràng là sự so sánh và muốn hơn người là một điều tốt. Nó là động lực mà Thiên Chúa đặt để nơi lòng con người để con người vươn lên.
Tuy nhiên, nhiều khi so sánh mình với người khác lại trở thành nguồn gốc cho tội lỗi, nghĩa là, nó dẫn ta đến phạm tội. Khi có cái nhìn so sánh thì dễ thấy mình thua kém kẻ khác. Từ đó, mình tìm cách để không chịu thua. Mà những cách này thường lại là những cách xấu. Một trong những cách đó là phê bình chỉ trích, làm hạ giá người khác bằng lời nói.
Trong dụ ngôn, những người làm từ sáng sớm, đã cằn nhằn với chủ nhà, có vẻ như chỉ trích chủ nhà là bất công. Họ nói: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.
May mà họ mới cằn nhằn chỉ trích chứ chưa nổi loạn, chưa phạm đến tội lớn.
Sự so sánh ganh tỵ nhiều khi dẫn con người đến tội lớn. Chúng ta không nói đến sự ghen tuông trong tình yêu hôn nhân, như tạc acid vào mặt tình địch, như giết đôi tình nhân cho hả giận. Những phạm nhân này vì chịu tác động mạnh mẽ bởi bản năng của con người nên có thể được tha thứ ở mức độ nào đó.
Tuy nhiên, cũng nên nhắc lại, tội lớn nhất của nhân loại, là tội nguyên tổ. Nó có động cơ từ đâu? Đó là ông bà nguyên tổ đã muốn hiểu biết như Thiên Chúa nên đã phạm lệnh Chúa, ăn trái cấm. Và rõ ràng nhất, tội kế tiếp được Kinh Thánh nói đến là tội hai anh em giết nhau. Tội Cain giết em là Ebel. Tội này xảy ra cũng là vì sự so sánh ganh tỵ.
Làm sao để chúng ta thoát khỏi cái tính so sánh ganh tỵ, tránh xa được tội? Xin kể câu chuyện giả tưởng như sau:
Bạn là chủ hộ một căn nhà trị giá 1 tỷ. Nhà kế cận trị gíá ít hơn, 700 triệu và ngôi nhà thứ ba giá 500 triệu. Một người đến đề nghị mua nhà bạn với giá 2 tỷ. Bạn thật là vui mừng và đồng ý bán ngay.
Ngày hôm sau, bạn nghe nói rằng các ngôi nhà kế cận cũng đã được bán nhà họ cho chính người mua đó. Và thật là tin sét đánh! Mỗi người trong các chủ nhà cũng đã bán được căn nhà mình với giá 2 tỷ.
Nghe thế bạn liền giận dữ đến nỗi gọi điện cho người mua nhà và phiền trách ông ta về việc ấy. Ông ta liền trả lời: Tôi có làm gì phỉnh gạt anh đâu? Tôi muốn mua giá cao là tùy ở tôi chứ?
Bạn đã được trả gấp đôi. Bạn đã mừng hết sức rồi. Bạn sẽ khoe với người này người kia rằng bạn đã có được dip may chưa từng thấy. Bạn cám ơn Trời vô cùng. Nhưng khi chỉ nghe người hàng xóm có căn nhà xấu hơn bạn, mà cũng bán được giá như bạn, thì bạn lại xịu nét mặt xuống, đổi niềm vui thành sự oán giận.
Chúng ta thường ghen tỵ với với phận may của kẻ khác.
Để tránh được sự ghen tỵ đó, chúng ta phải nhận ra rằng, Thiên Chúa là ông chủ, có quyền cho ai bao nhiêu tùy ý của Ngài. Và chắc chắn rằng Ngài chẳng bao giờ bất công. Một số người nói: Ông Trời thật bất công; ông Trời không có mắt; Tại sao tôi sinh ra trong nhà nghèo, gương mặt xấu xí, còn thằng đó, con đó, lại sinh ra đẹp đẽ, con nhà giàu, mà cha mẹ nó lại gian tham hối lộ... nữa chứ. Thật bất công...!
Chúng ta phải xác định rằng, ông Chủ vườn nho, hình ảnh của Thiên Chúa, không bao giờ bất công.
Điều kế tiếp phải biết rằng chúng ta đã phạm sai lầm lớn khi đánh giá theo những tiêu chuẩn trần gian chứ không theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nếu chúng ta xét đoán theo tiêu chuẩn của Chúa thì chúng ta sẽ khám phá ra mình cũng không thua kém kẻ khác. Thử hỏi: phải chăng giàu có sung sướng, đẹp đẻ như người kia là tốt, là hơn ta?
Nhiều khi những hoàn cảnh tốt đẹp, giàu có, danh vọng lại gây hại cho chúng ta. Những người thợ được có việc làm ngay từ sáng sớm có vẻ là may mắn. Nhưng điều xấu xảy ra cho những người thợ này ra khi ra về thì lòng họ đầy oán hận trách móc ông chủ. Về đến nhà gặp vợ con với nét mặt buồn bã và bực dọc, trút ra những lời khó nghe.
Nhiều khi sự khó khăn bi thảm, như nghèo đói bệnh tật, xấu số lại là một hoàn cảnh tốt cho chúng ta. Chắc hẳn những người thợ bị thất nghiệp đến giờ cuối sẽ vui mừng và biết ơn ông chủ. Về đến nhà gặp vợ con với nét mặt hân hoan sung sướng, chia sẽ niềm vui mình vừa được.
Đánh giá theo Thiên Chúa, khác đánh gía theo thế gian đã được Thánh Phaolô biểu lộ trong thư gởi tín hữu Corintô, khi ngài nói: “Thiên Chúa đã cố ý chọn những gì mà thế gian xem là vô nghĩa để làm bẻ mặt những người thông thái, và Ngài chọn những gì thế gian cho là yếu nhược để những kẻ có thế lực phải hổ thẹn. Ngài đã chọn điều thiên hạ chê bai, khinh khi, bị liệt vào hạng không ra gì, để tiêu hủy những gì thiên hạ cho là quan trọng” (1Cr1,27-28).
Vì vậy, để tránh những lỗi phạm do sự so sánh ghen tỵ, cần phải tin tưởng Thiên Chúa là người cha nhân từ, luôn săn sóc chúng ta. Ngài không bao giờ để con cái Ngài bị thua thiệt thiếu thốn. Ngài rất công bằng nhưng cũng rất khoan dung, rộng tay ban phát. Điều Ngài ban phát, tuy nhiều khi ta không đáng giá được giá trị thực của nó, là hơn hay kém người khác, nhưng chắn chắn là vượt xa công trạng của mỗi người.
JB. Lê Ngọc Dũng