HƯỚNG DẪN ĐỆ ĐƠN TÒA ÁN HÔN PHỐI - J.B. Lê Ngọc Dũng

Thứ sáu - 19/02/2021 05:14
 
HƯỚNG DẪN ĐỆ ĐƠN TÒA ÁN HÔN PHỐI

I. TƯ VẤN
Tòa Thánh, trong Huấn thị Dignitas Connubii, khuyên mỗi tòa án có một văn phòng hoặc một người sẵn sàng để bất kỳ ai cũng có thể tự do đến và xin được tư vấn về vấn đề bất thành của hôn nhân và được hướng dẫn thủ tục để tiến hành nộp đơn (DC, art. 113§1&3).
Vì vậy, nếu trong giáo phận đã thành lập được tòa án hôn phối, người muốn tòa án này thẩm tra và xét xử về sự bất thành của hôn nhân mình, nên tìm liên lạc với những vị hữu trách trong ban tòa án giáo phận. Nên nhờ qua cha sở để biết địa chỉ hay số điện thoại để liên lạc.

II. NHIỆM VỤ GIÚP TÍN HỮU TIẾN HÀNH THỦ TỤC TIÊU HÔN
Việc tư vấn này rất phù hợp với tinh thần của Tông huấn Mitis Iudex. Bản Quy tắc thủ tục của Tông huấn khuyên các mục tử, nhất là cha sở, nếu qua việc điều tra ban đầu mà thấy hôn nhân của tín hữu có thể có lý do tiêu hôn thì giúp họ đệ đơn lên tòa án.
Việc điều tra tiền-tư-pháp hay mục vụ, bao gồm việc tiếp đón trong khung cảnh giáo xứ hay giáo phận những tín hữu đã ly thân hay ly dị mà có nghi ngờ hay xác tín hôn nhân của họ bất thành, là nhằm để biết tình trạng hôn phối của họ và để thu thập những yếu tố hữu ích cho việc tiến hành tố tụng hôn nhân nếu cần, hoặc theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục ngắn gọn. Việc điều tra sơ khởi này được thực hiện theo chương trình mục vụ hôn nhân đồng nhất trong giáo phận (Khoản 2).

III. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CHẤP ĐƠN
Khi muốn được tòa án của Giáo hội chấp đơn của mình, bạn cần biết trước sơ khởi rằng, bạn chỉ có thể được chấp đơn khi hội đủ các điều kiện sau:

1)- Thẩm quyền
Bạn cần biết tòa án mà bạn xin xử có thẩm quyền đối với vụ án của bạn hay không. Thẩm quyền đó được ấn định ở điều 1672 của bộ Giáo luật:
10 Tòa án tại nơi đã cử hành hôn nhân;
20 Tòa án tại nơi mà một hoặc cả hai bên có cư sở hay bán cư sở;
30 Tòa án tại nơi mà trong thực tế phải thu thập được phần lớn các chứng cứ.
Riêng số 2 nói trên cho thấy có 4 tòa án khác nhau có thẩm quyền: 2 tòa án nơi nguyên đơn có cư sở hay bán cư sở và 2 tòa án nơi bị đơn có cư sở hay bán cư sở.
Như vậy, nếu tính thì tổng cộng có đến 6 tòa án khác nhau có thẩm quyền nhận đơn của bạn. Bạn tìm giáo phận nào trong số đó đã có đủ nhân sự chuyên môn, thiết lập được tòa án hôn phối để nộp đơn. Và theo nguyên tắc gần gũi, nên chọn tòa án ở gần để tránh bớt chi phí. Khi đã nộp đơn tòa án này rồi thì không được nộp đơn tòa án khác nữa. Trong trường hợp có nhiều tòa án có thẩm quyền cùng nhận đơn thì tòa nào đã triệu tập các bên trước thì tòa ấy có quyền xét xử vụ án (đ. 1415).

2)- Có nền tảng tiêu hôn
Điều kế tiếp là về phần bạn, cần thiết là hôn phối của bạn có thể bị vô hiệu do có một nguyên nhân, hay một nền tảng, cơ sở nào đó, ví dụ như bạn hay người bạn đời của bạn thiếu khả năng kết hôn, bị ép buộc, sợ hãi, lầm lẫn... (đ. 1676§1). Nếu hôn nhân bạn, sơ khởi mà không thấy có nguyên cớ gì mà bị vô hiệu thì tòa án từ chối nhận đơn; vì nếu nhận, việc xét xử trở nên vô ích.

3)- Tan vỡ
Điều kiện thứ ba, là hôn nhân của bạn đã tan vỡ không còn sửa chữa được, đến nỗi không thể tái lập đời sống chung vợ chồng (đ. 1675). Hội Thánh luôn muốn bảo vệ đời sống hôn nhân, tha thiết mời gọi các bạn  giữ gìn hôn nhân, không nhận xử hôn nhân vô hiệu khi các bạn còn có thể sống chung hòa thuận với nhau.
Ví dụ như trường hợp chồng bạn ngoại tình, Giáo hội khuyên bạn nên tha thứ, nếu không tha thứ được thì Giáo hội chỉ cho phép bạn ly thân. Nếu bạn chủ động ly dị ở tòa án dân sự, tòa án giáo phận sẽ khó mà xử hôn nhân của bạn là vô hiệu. Nhưng nếu chồng bạn không có đức tin, ngoại tình nhiều, chủ động ly dị bạn và cưới người khác thì hôn nhân của bạn có thể xử là bất thành do chồng bạn đã có ý kết hôn một cách mô phỏng (simulatio), chứ không thật tình giữ một hôn nhân theo đúng ý nghĩa của một hôn nhân Công giáo.
Không thể tái lập đời sống chung có thể xác định được nếu một bên đã tái hôn, hoặc một bên không có khả năng kết hôn (đ. 1095), lừa gạt kết hôn (đ. 1098), gây thiệt hại nặng nề cho người phối ngẫu hay cho con cái, cụ thể nhất là họ đã ly thân hay ly dị lâu năm.
Nếu không đủ ba điều kiện như nói trên mà bạn vẫn cứ nộp đơn, chánh án sẽ ra sắc lệnh bác đơn của bạn (DC, art. 121§2).

IV. NHỮNG CƠ SỞ  GÂY TIÊU HÔN
Chiếu theo điều kiện thứ hai nói trên, anh/chị hãy xem xét mình có ít nhất một nguyên nhân hay cơ sở nào đó, khiến việc kết hôn bị vô hiệu. Khi được tư vấn, bạn sẽ hiểu biết nhiều hơn về những nguyên nhân này. Để nhận biết một cách tổng quát, bạn hãy dựa vào những điều được liệt kê dưới đây:
[Chữ "anh/chị" ở đây ám chỉ chính bạn hoặc người vợ hay chồng của bạn. Ví dụ trong trường hợp bị cưỡng ép kết hôn, thì chính bạn hoặc người chồng hay vợ của bạn bị ép hôn].
1- Ngăn trở tiêu hôn
- Anh/chị có bị vướng mắc một ngăn trở tiêu hôn, ví dụ như khác đạo, họ máu, khấn dòng... nào mà chưa được miễn chuẩn khi kết hôn không?
- Nếu vợ/chồng của anh chị trước kia là người lương đã có kết hôn và đã ly dị nhưng vẫn kết hôn với anh chị với miễn chuẩn khác đạo không?
2- Điều 1095: Thiếu khả năng kết hôn, do thiếu phán đoán hay tâm lý bất thường.
- Anh/chị rơi vào một trong những tình trạng sau đây:
a- Bệnh tâm thần nào trước kết hôn không?
b- Tâm tính bất thường nào như là người điên điên, dở hơi, hoặc có nhân cách bất thường nào, như là quá ích kỷ, quá kiêu ngạo, quá ngang tàng, quá phạm pháp, quá thích cô độc hay lãnh cảm, luôn luôn chống đối hay ngang ngược..., đến nỗi không thể sống chung vợ chồng được không?
c- Có bị bệnh đồng tính không?
d- Đời sống tình dục có bất thường không?
e- Có hoang tưởng không?
f- Có ghen tuông qua đáng một cách hoang tưởng (biểu hiện có bệnh hoang tưởng) không?
g- Có quan niệm hôn nhân một cách đồi bại, xa lạ với giáo thuyết hôn nhân Kitô giáo không?
- Anh/chị có rơi vào một tình trạng khủng hoảng, như bị mang thai, nợ nần, bệnh tật... khiến mình không đủ bình tĩnh trong phán đoán, quyết định kết hôn không?
3- Điều 1096: Thiếu hiểu biết về hôn nhân
- Anh/chị có thiếu hiểu biết về hôn nhân đến nỗi không biết hôn nhân là có sống chung thân mật, suốt đời, và sinh sản con cái nhờ qua hành vi tình dục nào đó không?
4- Điều 1097: Lầm lẫn về người  hoặc phẩm cách trực tiếp và chính yếu nhắm đến
- Anh/chị có nhầm lẫn nặng nề về những phẩm cách quan trọng của vợ/chồng anh/chị không?
- Anh/chị có nhầm lẫn về một phẩm cách nào đó của người bạn đời mà anh/chị đã nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu không?
5- Điều 1098: Lầm lẫn do lừa gạt
- Anh/chị có nhầm lẫn do bên kia lừa gạt hay giấu giếm anh/chị để anh/chị bằng lòng kết hôn, về một phẩm cách của người đó mà có thể gây xáo trộn trong đời sống hôn nhân như: nợ nần nghiêm trọng, vô sinh, có con riêng trước kết hôn, bệnh tật truyền nhiễm nghiêm trọng... không?
6- Điều 1101#2: Kết hôn mô phỏng (simulatio)
Kết hôn mô phỏng (simulatio) hệ tại quan điểm hay chủ ý của một người ngay khi ký giao ước hôn nhân. Đó là, ngay từ lúc kết ước hôn nhân, người ấy có ý không tôn trọng hay loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân, như sự chung thủy, bất khả phân ly, sinh sản con cái. Một cách cụ thể:
- Khi kết hôn, anh/chị có quan điểm hay chủ ý là sẽ hủy bỏ cuộc hôn nhân này sau một thời gian hay vì một lý do, mục đích nào đó không (loại trừ chính hôn nhân)?
- Khi kết hôn, anh/chị có quan điểm hay chủ ý chấp nhận một hôn nhân có thể ngoại tình với người khác ngoài vợ/chồng mình không (loại trừ sự chung thủy)?
- Khi kết hôn, anh/chị có quan điểm hay chủ ý chấp nhận một hôn nhân có thể ly dị với vợ/chồng mình, vì một lý do nào đó không (loại trừ sự bất khả phân ly)?
- Khi kết hôn, anh/chị có quan điểm hay chủ ý không sính sản con cái không (loại trừ sự sinh sản và giáo dục con cái)?
- Anh/chị kết hôn với mục đích chính yếu khác (tiền bạc, kinh doanh, con cái được nuôi dưỡng, vui lòng cha mẹ...) chứ chẳng phải vì mục đích sống chung yêu thương nhau không (loại trừ thiện ích hôn nhân)?
7- Điều 1102: Kết hôn có điều kiện
- Khi kết hôn anh/chị có đặt điều kiện gì ở hiện tại hay tương lai với nhau không?
8- Điều 1103: Kết hôn vì cưỡng ép hay sợ hãi
- Anh/chị có bị một áp lực nào buộc mình phải kết hôn một cách miễn cưỡng không?
- Anh/chị có vì kính sợ cha mẹ nên đành phải kết hôn một cách miễn cưỡng không?

V- ĐƯỢC HƯỚNG DẪN NỘP ĐƠN
Đơn xin phải hội đủ những quy định của Giáo luật, như điều 1504 quy định:
Đơn khởi tố phải:
10 Bày tỏ cho biết vụ án được khởi tố trước thẩm phán nào, yêu cầu điều gì và với ai;
20 Chỉ rõ nguyên cáo căn cứ vào luật nào, vào những sự kiện nào và vào những chứng cớ nào, ít là cách sơ lược, để xác minh những điều mình viện dẫn;
30 Được nguyên cáo hay người đại diện ký, phải đề ngày, tháng và năm, cũng như địa chỉ của nguyên cáo và của người đại diện cư ngụ, hoặc những địa chỉ do họ chọn để nhận những án từ;
40 Ghi rõ cư sở hay bán cư sở của bị cáo
Vì vậy, bạn cần có cha phụ trách trong ban tòa án hôn phối giáo phận hướng dẫn bạn làm đơn.
Đơn xin thường được làm theo mẫu của tòa án giáo phận. Cùng với đơn xin, anh/chị phải đính kèm một số tài liệu hay chứng nhận khác như Chứng nhận hôn phối, ngày và nơi Rửa tội... Trong các tài liệu đính kèm đơn xin đó phải có bản mô tả tóm tắt sự kiện của cơ sở tiêu hôn. Ví dụ, nếu hôn nhân bị cưỡng ép, anh/chị phải mô tả và đưa ra những bằng chứng một cách tóm tắt.
Đơn xin được gởi về tòa án hôn phối của giáo phận.
Nếu tòa án đã nhận được đơn mà không thông báo gì cho bạn thì được hiểu là tòa đã chấp đơn một cách mặc nhiên (đ.1560). Tuy nhiên, khi gởi qua bưu điện bạn nên nhắn tin hay hỏi lại tòa án để chắc chắn đơn đã được nhận.
Sau khi nhận đơn một thời gian lâu hay mau thì  tùy theo tòa án, vụ án của bạn sẽ được thẩm tra và xét xử. Thông thường tòa sẽ lần lượt giải quyết các vụ án theo thứ tự, bạn hãy chờ đợi. Theo luật định, vụ án được giải quyết trong vòng một năm (đ. 1453). Trong trường hợp đặc biệt, nếu vị Đại Diện tư pháp thấy vụ hôn nhân của bạn khá rõ ràng là vô hiệu, có đầy đủ chứng cứ, và có sự đồng thuận xin tiêu hôn của cả hai bên, thì có thể trình lên Giám mục để xử với thủ tục ngắn gọn hơn (đ.1683-1687) và có kết quả sớm hơn.

VI- NHỮNG LINH MỤC TƯ VẤN GIÁO PHẬN NHA TRANG
Giáo phận Nha Trang có một số linh mục đảm trách tư vấn và hướng dẫn làm đơn ở những vùng miền khác nhau. Bạn không cần phải đi xa mục để xin tư vấn. Dưới đây là danh sách những Giáo hạt với các cha phụ trách:
Giáo hạt Nha Trang và Diên Khánh: Cha J.B. Lê Ngọc Dũng, Đại Diện tư pháp, tại Tòa Giám mục, Đt. 0988214072.
Giáo hạt Vạn Ninh: Cha Stêphanô Nguyễn Thông, cha sở giáo xứ Dục Mỹ, Đt. 0984900100.
Giáo hạt Cam Ranh và Cam Lâm: Cha G.B. Nguyễn Văn Thanh Tòa, cha sở giáo xứ Hòa yên, Đt. 0704726764.
Giáo hạt Ninh Hải, Phan Rang, Ninh Phước và Ninh Sơn thuộc miền Ninh Thuận: Cha Gioan Phan Tiến Dũng, cha sở giáo xứ Tấn Tài, Đt. 0768702225; cha Phaolô Trần Xuân Lãm, cha sở giáo xứ Tân Hội, Đt. 0983923277.
Các bạn muốn xin tư vấn nên liên lạc qua điện thoại để hẹn gặp các cha, theo danh sách nêu trên.
Sau khi hoàn thành bộ đơn xin, bạn gởi về địa chỉ:
Văn phòng hôn nhân
Trung Tâm Mục Vụ, 22 Trần Phú, p. Lộc Thọ, Nha Trang
 
 
 
 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập8
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,240
  • Tháng hiện tại29,892
  • Tổng lượt truy cập11,281,385
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi