THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN (Đ. 1095) – JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ hai - 25/04/2016 23:12
Thiếu khả năng kết hôn không chỉ xảy ra nơi người khù khờ hay điên khùng mà còn nơi người thiếu khả năng phán định về nghĩa vụ trao ban cho nhau trong hôn nhân hoặc người vì bản chất tâm lý không thể đảm nhận nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân. Đó là vì, đối tượng kết ước hôn nhân không chỉ là thi hành quyền trên thân xác nhau mà là "hiệp thông thân mật về đời sống và tình yêu” (intima communitas vitae et amoris coniugalris) (Gaudium et Spes, 48). Khi không có khả năng thực hiện đối tượng của kết ước thì sự ưng thuận kết ước sẽ vô hiệu.

THIẾU KHẢ NĂNG KẾT HÔN (Đ. 1095) – JB. Lê Ngọc Dũng

 
Can. 1095
Sunt incapaces matrimonii contrahendi:
1° qui sufficienti rationis usu carent;
2° qui laborant gravi defectu discretionis iudicii circa iura et officia matrimonialia essentialia mutuo tradenda et acceptanda;
3° qui ob causas naturae psychicae obligationes matrimonii essentiales assumere non valent.
Điều 1095
Không có khả năng kết hôn:
10 những người không sử dụng đủ trí khôn;
20 những người thiếu nghiêm trọng khả năng phán định về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;
30 những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.
 
Những yếu tố về thiếu khả năng kết hôn ở khoản luật 1095 là điều mới mẻ, không được đề cập ở bộ luật cũ 1917. Luật gia L.G. Wrenn đã nhận xét rằng “Các nhà giáo luật, đặc biệt các thẩm phán, vui mừng khi có điều luật nầy. Đó là một trong những điểm canh tân quan trọng trong bộ giáo luật mới.”[1]
Hôn nhân có đối tượng được tóm gọn trong cụm từ consortium omnis vitae vốn đã xuất hiện trước công đồng và được bộ Luật 1983 sử dụng trong điều khoản 1055§1, nói lên yếu tính hôn nhân (Matrimoniale foedus, quo vir et mulier inter se totius vitae consortium constituunt).[2]
Chữ consortium được cấu tạo bởi hai chữ  con có nghĩa là  cùng và chữ sors có nghĩa là vận mệnh. Consortium omnis vitae có ý nói đến sự thông hiệp suốt đời gồm cả vận mệnh, cả cuộc sống hiện sinh. Công Đồng Vatican II tái xác nhận bằng một kiểu diễn tả khác, được kể như là một định nghĩa về hôn nhân: Hôn nhân là "một sự hiệp thông thân mật về đời sống và tình yêu” (intima communitas vitae et amoris coniugalris) (Gaudium et Spes, 48).
Kết ước hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là để thực thi đối tượng của nó, tức là yêu thương hiệp thông suốt đời: consortium omnis vitae. Một khi người kết ước không có khả năng thực hiện điều này, tức là không có khả năng thực hiện đối tượng của kết ước, nên kết ước vô hiệu.
Công Đồng Vaticanb II đã bày tỏ một cái nhìn nhân vị (personalism) trỗi vượt hơn về hôn nhân so với trước đó. Về việc thẩm xét sự vô hiệu của hôn nhân, các thẩm phán cần có cái nhìn canh tân thì mới có thể triển khai và áp dụng đúng đắn giáo thuyết của Giáo Hội, cách riêng về việc áp dụng điều 1095.
Cũng nên biết trước Công Đồng Vatican II, như trong giáo luật cũ 1917, hôn nhân chỉ được coi như là một bản hợp đồng pháp lý (contract) để thực hiện hai mục đích: 1- sinh sản;  2- giúp đỡ lẫn nhau và là thuốc chữa cho tình dục (adiutorium et remedium concupiscentiae).[3] Và vì thế, chỉ khẳng định hai vợ chồng có quyền trên thân xác nhau (ius in corpus) mà không để ý đến phần tinh thần hay tâm lý. Quan niệm cũ này cần phải được vượt qua trong khi thẩm xét vụ án vô hiệu hôn nhân chiếu theo bộ luật hiện hành.  
Có vẻ như điều 1095 đưa ra ba yếu tố tương tự như nhau trong việc xét định sự thiếu khả năng ưng thuận kết hôn, nhưng lý thuyết và án lệ (jurisprudence) phân biệt ba yếu tố, cần được khảo sát một cách riêng biệt, cho dù có những nét tương đồng.[4]

1. KHÔNG SỬ DỤNG ĐỦ TRÍ KHÔN (Đ. 1095,10)

Điều 1095,10
Không có khả năng kết hôn:
10 những người không sử dụng đủ trí khôn;

1.1. Ý nghĩa

Cụm từ “sử dụng trí khôn” chỉ khả năng suy tư độc lập, nhận định điều gì tốt điều gì xấu, phân biệt cái gì đúng cái gì sai hay điều thật điều giả. Luật yêu cầu việc sử dụng trí khôn phải đủ (sufficiente) khi kết hôn, không buộc phải sử dụng trí khôn vượt trội hơn mức bình thường (đ.1058).
Tuy nhiên, để kết hôn thành sự, ít nhất phải hiểu biết cách sơ lược, về hôn nhân như điều 1096 quy định:
- Sống chung hiệp thông với nhau trọn đời;
- Nhắm đến việc sinh sản con cái, do một sự công tác nào đó thuộc phạm vi phái tính.

1.2. Phân biệt

Không sử dụng trí khôn có thể:
- Thường xuyên: như bị tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc chậm phát triển tâm lý nghiêm trọng (mental retardation)…
Thiếu trí khôn thường xuyên kết hôn vô hiệu.
- Tạm thời: như bối rối, hoang tưởng, giận dữ quá mức, mê sảng, động kinh… say rượu, nghiện ma túy và những chất kích thích tương tự hay trạng thái chập choạng giữa say thuốc và động kinh.
Thiếu sử dụng trí khôn tạm thời, nếu rơi vào thời gian cử hành kết hôn, hôn nhân vô hiệu. Ví dụ, bị say rượu, say thuốc, quá buồn phiền, giận dữ, bị khủng hoảng bởi một biến cố (lỡ mang thai, được tin người yêu chết).
Trong cả hai trường hợp trên, sự vô hiệu cũng có thể thẩm xét theo hai số 2 hoặc 3 của điều 1095, được đề cập ở phần tiếp sau đây.

2. THIẾU NGHIÊM TRỌNG ÓC PHÁN ĐỊNH (Đ. 1095,20)

Thiếu khả năng kết hôn ở điều 1095, 20 được quy định:
Không có khả năng kết hôn:
20 những người thiếu nghiêm trọng óc phán định về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;

2.1. Ý nghĩa

2.1.1. Thiếu nghiêm trọng óc phán định

Thiếu: không có; hoặc là có nhưng không đủ, khiếm khuyết. 
Phán định: discretionis iudicii (discretion of judgment, discrezione di giudizio) gồm hai thành tố:
- discretio có nghĩa là khả năng, của lý trí lẫn ý muốn, suy xét, biện phân, đánh giá có chủ tâm và độc lập.[5]
- iudicum cũng có nghĩa như discretio nhưng lại muốn nói đến một thực tại cuối cùng của một hoạt động trí tuệ, đó là gán một giá trị hay phẩm chất cho điều gì đó trong hoạt động đánh giá.[6]
Bản Việt ngữ chính thức năm 2007 dùng chữ “óc phán đoán”. Chữ “óc phán định” nên được chọn dùng, để cho chính xác hơn.
Khả năng phán định thường được cho là khả năng hoạt động của lý trí. Tuy nhiên, Tiểu Ban tu chính bộ luật 1983 và các luật gia đều thấy ở đây là một khả năng của cả lý trí lẫn ý muốn (Communicationes, 1983, 2, 231).[7]
Thiếu khả năng phán định, vì vậy, không chỉ là sự khiếm khuyết về khả năng trí khôn hay trí tuệ nhưng còn là sự khiếm khuyết trong khả năng về ý muốn nữa. Ví dụ, người bị rối loạn nhân cách dạng paranoia có khuynh hướng giải thích hành động người khác như thể là muốn hạ phẩm giá và đe dọa người đó có chủ ý; hoặc như người bị rối loạn nhân cách chống xã hội (antisocal personality disorder) thì không có khả năng gần gũi người khác, không chân thành và dường như không bao giờ muốn nhận biết lỗi lầm của mình.[8]

2.2.2. Sự phán định thích đáng

a- Sự thích đáng của phán định

Mặc dù điều 1095,20 không dùng bổ túc từ “thích đáng” (due) cho cụm từ “óc phán định”, óc phán định thích đáng (due discretion of judgment) nhưng các án lệ Rota vẫn thường dùng nó.[9] Lý do là đối tượng của phán định ở đây là các nghĩa vụ và bổn phận của hôn nhân. Sự phán định phải thích đáng với đối tượng của nó, tức là tương xứng với những điều liên hệ đến tương lai của hai người dấn thân sống trao ban cho nhau và bất khả phân ly. Khả năng phán định để kết ước hôn nhân như vậy phải là “thích đáng”.[10]
Nó phải “thích đáng” do chính bản chất của kết ước hôn nhân, là phải chu toàn bổn phận trao ban và đón nhận cho nhau chính bản thân mình suốt cả đời. Kết ước hôn nhân, vì vậy, thì rõ ràng là cần một sự tự do, một sự cân nhắc chín chắn hơn rất nhiều so với một kết ước chỉ thực hiện trong một thời gian thời hay không quan trọng nào khác.[11]
Vì vậy, khả năng nhận thức hay nhận biết (cognostive faculty) giúp người ta hiểu biết được, thì vẫn không đủ thích đáng. Ở đây cần sự phán đoán cao hơn, là biết suy xét, đánh giá và từ đó đi đến một sự thẩm định để thực hiện trong cuộc sống (x. Quyết định của Felici, 3-12-1957; bản án của Lama 21-10- 1959).[12]

b- Sự hiểu biết người phối ngẫu

Để có thể có được sự phán định thích đáng về nghĩa vụ trao ban cho nhau, tất nhiên là phải biết nhau, ít là biết những điều liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ đó.  Nói cách khác người kết hôn cần phải được biết, nhờ qua một phương cách nào đó, những phẩm cách, tâm hồn, sự tự do, sự hiểu biết, hoàn cảnh, sở thích, cách suy nghĩ … của người kia để hai bên có thể tương giao hợp lý trong cái nhìn và cảm nghiệm, cảm thông nhau.
Nói rõ hơn, người kết ước phải thẩm định được, ít ra là được một phần nào, những khả năng của chính mình và người mình kết ước và tự do quyết định rằng họ mong muốn được thiết lập một sự sống chung hiệp thông trong sự yêu thương chăm sóc nhau suốt đời.[13]
Một sự kết hôn vội vã vì hoàn cảnh nào đó hoặc tuổi còn quá trẻ dễ rơi vào tình trạng thiếu phán đoán về phương diện biết này, mặc dù người ấy đã có những hiểu biết về bản chất cơ bản của hôn nhân mà người qua tuổi dậy thì được giả thiết là đã biết (đ. 1096).

2.3. Đối tượng của sự phán định

Đối tượng của sự phán định là “những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân".
Mệnh đề trên gồm phần chung là “quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu" và nét riêng biệt là "của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân".
Phần chung, những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, được nói đến trong ba điều "tốt" (bonum) hay ba thiện ích của hôn nhân, khởi xướng bởi thánh Augustino, và vẫn được Giáo Hội dùng trong giáo thuyết hôn nhân:
- Bonum prolis: thiện ích con cái, bao gồm sự sinh sản và giáo dục con cái.
- Bonum fidei: thiện ích chung thủy một vợ một chồng.
- Bonum sacramentum: thiện ích bí tích, dấu hiệu của sự thánh thiện và bất khả phân ly (dấu hiệu của sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh).
Giáo Luật, dựa theo giáo thuyết Công Đồng Vaticano II, đã thêm Bonum coniugum và đặt nó như một yếu tố chính yếu của hôn nhân:
- Bonum coniugum: thiện ích vợ chồng (đ. 1055)
"Trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân" như là đặc điểm của tất cả các các sự thiện ích nói trên mà sự phán định của người phối ngẫu về nó phải đúng đắn. Trong thiện ích hôn nhân (bonum coniugum), những quyền lợi và bổn phận phải bao gồm:[14]
a- Là người đáng được tin tưởng, nghĩa là, sống làm sao để cho người kia biết rõ được căn tính của mình, là tự tỏ lộ ra những gì cần thiết cho đời sống vợ chồng, không dấu diếm lẫn nhau.
b- Tôn trọng người phối ngẫu như một nhân vị khác, nghĩa là tôn trọng người phối ngẫu như là một người với những phẩm giá, quyền lợi, sự độc lập tự do của người ấy.
c- San sẻ tình yêu thương lẫn nhau
Nếu một người không có khả năng chu toàn được những nhiệm vụ này, người ấy thiếu khả năng kết hôn

2.4. Nguyên nhân thiếu phán định

  2.4.1. Những nguyên nhân nội tại

Nhân tố nội tại, có thể thấy nơi người còn quá trẻ, nơi người bị xáo trộn nhân cách, hoặc nơi người thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm (psycho-affective immaturity). Một số tình trạng có thể gây thiếu phán định được kể như sau:

a- Chậm trí khôn

Sự phát triển trí khôn dưới mức bình thường có thể gây thiếu phán định. Theo một quyết định của thẩm phán Roger của tòa Rota, ngày 31-1-1970, một người có chỉ số thông minh IQ dưới 80, được coi là thiếu phán định để kết hôn thành sự. Ông viết: “Một hàng những chỉ số IQ 70-80 chỉ một tình trạng bệnh thiểu năng tâm trí,  làm cho một người không thể hiểu biết và muốn, không thể điều hành tình trạng riêng và tiến hành công việc làm ăn… Sự thông minh dưới tiêu chuẩn IQ 80 không tránh khỏi sự thiếu khả năng kết ước hôn nhân”.[15]

b- Động kinh (Epilepsy)

Động kinh (epilepsy) là một loại bệnh thần kinh thường gặp, có những biểu hiện từng cơn về rối loạn ý thức, vận động, cảm giác, ngôn ngữ … tái phát nhiều lần, có những lúc bình thường tùy theo đặc điểm tổn thương bệnh lý của não. Bệnh nhân có thể có những giai đoạn loạn tâm thần[16] và có thể có biểu hiện nhân cách: tính không ổn đinh, tính bùng nổ, tính dẻo quyện, tính vị kỷ...[17]

c- Nghiện rượu (alcoholic intoxication)

 Đang trong thời kỳ nghiện rượu mà kết hôn thì được coi là kết hôn trong sự say sưa bất toàn (có độ cồn 0,15%- 0,20%) và nó cũng đủ để làm cho kết hôn bất thành.
Tuy nhiên, nếu ban đầu đã tỉnh táo và có ý muốn tự do, thì một sự say sưa hoàn toàn (có độ cồn 0,25% - 30%) đang khi cử hành hôn phối, có thể gây vô hiệu khi hội đủ tiêu chuẩn: người say không phân biệt được tốt xấu, không nhớ được những sự kiện quan trọng trong những ngày trước đó và có những thái độ bất thường.
Trong trường hợp say hoàn toàn, có thể người say vì một lý do nào đó không muốn kết hôn, hoặc bằng lòng kết hôn và dùng rượu để vượt qua sự khó khăn. Vì vậy, có thể có những lý do khác khiến hôn nhân bị hà tỳ. Ví dụ, một người quá đau khổ vì người yêu mình qua đời nên đành kết hôn với cô gái khác như một điều anh hy vọng sẽ xoa dịu nỗi đau khổ.

d- Những rối loạn nhân cách

“Các rối loạn nhân cách là một tập hợp các trạng thái để biệt định các đối tượng có cách sống, cách cư xử và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt với người thường nhưng lại không đủ các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần đặc trưng”.[18]
Sự rối loạn này thường trở nên rõ ràng vào thời kỳ thiếu niên và tồn tại trong suốt cuộc đời. Hầu hết các chứng rối loạn nhân cách không được mô tả bằng các hành vi hoang dại hoặc kỳ quái. Tuy nhiên hành vi của họ cũng đủ kỳ lạ khiến người khác không muốn gặp gỡ họ hoặc phải chịu đau khổ vì họ. Đặc điểm của rối loạn nhân cách là con người có xu hướng phản ứng với một sự khó khăn hay căng thẳng theo cùng một kiểu như nhau. Vì vậy, tâm lý học thường phân biệt những dạng rối loạn nhân cách khác nhau.[19]
S. Worchel và W. Shebilsue đã kê ra một bảng rối loạn nhân cách có lựa chọn như sau:[20]
Paranoia: Khuynh hướng chủ yếu và không có lý do xác đáng là giải thích hành động của người khác như thể hạ phẩm giá và đe dọa có chủ ý. Mang mối ác cảm, cho rằng mình bị lợi dụng, nghi ngờ người khác và giận dữ rất nhanh.
Loạn tâm thần: Đặc điểm chủ yếu là sự lãnh đạm đối với mối quan hệ xã hội và giới hạn của những biểu hiện tình cảm. Lựa chọn những hoạt động một mình, khen ngợi hoặc phê bình người khác một cách hờ hững, không thích có bạn thân.
Đóng kịch: Đặc điểm chủ yếu là tính đa cảm thái quá và sự chủ ý tìm kiếm. Thường xuyên đòi hỏi được ngợi khen và đồng ý, quan tâm quá mức về sự thu hút của cơ thể, tự coi mình là trung tâm, thể hiện sự nhanh chóng thay đổi và nông cạn của biểu hiện tình cảm.
Tránh né: Đặc điểm chủ yếu là tránh né xã hội, nỗi sợ hãi những đánh giá tiêu cực, và tính rụt rè nhút nhát. Dễ dàng bị tổn thương bởi sự phê phán, sợ bị bối rối đỏ mặt và khóc, tránh những hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp liên quan đến giao tiếp giữa cá nhân với nhau.
Gây hấn thụ động: Đặc điểm chính là sự phản kháng thụ động với những đòi hỏi sự thực hiện xã hội hoặc nghề nghiệp tương xứng. Chần chừ, hờn dỗi và dễ cáu kỉnh khi bị yêu cầu làm một việc gì đó, làm việc chậm có chủ ý hoặc làm việc xấu khi thực hiện những nhiệm vụ không mong muốn, trốn tránh nghĩa vụ bằng cách bảo là “đã quên”, chỉ trích không lý do những người có quyền hành.
Rối loạn nhân cách là một khái niệm tiến triển và thay đổi theo sự phát triển của khoa thần kinh học. Còn những dạng rối loạn nhân cách khác, tùy theo sự phân biệt của các chuyên gia tâm lý.  J.Reich cũng như Kaplan đều đưa ra các con số là từ 6 tới 11,1% dân số chung có vấn đề về rối loạn nhân cách.[21]
Đối với Tòa án hôn phối, vấn đề được đặt ra là, thẩm phán, trong trường hợp không có giám định viên của khoa tâm lý giúp đỡ, làm sao có thể định mức độ rối loạn nhân cách như thế nào mới có thể kết luận hôn nhân vô hiệu. Những sự học hỏi qua các tài liệu khá phong phú hiện nay sẽ giúp ích cho các thẩm phán xét định.

2.4.2. Những nguyên nhân ngoại tại

Những nguyên nhân ngoại tại tức là những nhân tố thuộc hoàn cảnh, tác động vào sự phán định, có thể được kể như sau (x. quyết định của coram Davino, 20-3-1985)[22]:
- Kết hôn vội vã, thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn ngũi: Ví dụ như người nữ lỡ có thai nên lo kết hôn sớm kẻo bị phát hiện “ăn cơm trước kẻng” và sợ bị phạt vạ.
- Kết hôn cho xong chuyện vì đã muộn màng: như người nữ đã luống tuổi, khi được người làm mai mối giới thiệu là ưng thuận ngay, chưa kịp tìm hiểu người chồng tương lai cho thấu đáo.
- Bị thúc ép kết hôn sớm do cha mẹ: như cha mẹ sắp đi định cư ở nước khác, ép con gái trẻ một mình ở lại nước nhà lấy chồng cho bảo đảm.
- Sợ bị thiên hạ chê cười, vì khuyết điểm riêng của mình hay vì cảnh ngộ nào đó kết hôn thiếu suy nghĩ;
- Muốn được giải thoát khỏi sự bất hạnh, gánh nặng trong gia đình, như một cô gái muốn thoát ra khỏi cảnh cha mình ngày ngày uống rượu say sưa chưởi rủa, đánh đập mẹ con.
- Thiếu giáo dục, như thành viên của một băng nhóm phản xã hội hay thiếu văn hóa kết hôn.
Trong những trường hợp thiếu phán định có nhân tố ngoại tại thì dường như người kết hôn không thiếu khả năng hiểu biết hay nhận thức về những bổn phận và nghĩa vụ hôn nhân. Tuy nhiên, vì họ thiếu hiểu biết về người mà mình kết ước suốt đời nên khó có thể “trao ban cho nhau” để xây dựng thiện ích vợ chồng (bonum coniugum). Nói cách khác, họ khó có thể tin tưởng, tôn trọng những phẩm giá, quyền lợi, sự độc lập tự do của nhau, khó có thể san sẻ vui buồn của cuộc sống vợ chồng.
Sự tan vỡ hôn nhân nhanh chóng sau kết hôn là một dấu hiệu khá rõ, chứng minh cho sự cho sự kết hôn thiếu phán định với những nhân tố ngoại tại. Sự thiếu phán định về đối tượng kết hôn cũng có thể dẫn tới sự lầm lẫn khi kết hôn và hôn nhân vô hiệu theo quy tắc của điều 1097 hoặc điều 1098.[23]

3. THIẾU KHẢ NĂNG ĐẢM NHẬN (Đ. 1095,30)

Điều 1095: Không có khả năng kết hôn:
30 những người không thể đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân vì những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý.

3.1. Thiếu khả năng đảm nhận

Tình trạng thiếu khả năng kết hôn được xác định ở điều 1095,30 là vì nguyên nhân «thuộc bản chất tâm lý» chứ không phải xuất phát từ nguyên nhân ngoại tại, như bị tù bị đày, bị tàn tật, hoặc kết hôn vội vã nên thiếu phán định.[24]
Nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý ở đây có ý nói đến sự phát xuất từ một tình trạng của bất thường hoặc bệnh tâm lý.
Nhà lập pháp dùng hạn từ đảm nhận (adsumere) mà không dùng từ chu toàn (adimplere). Chữ đảm nhận nghĩa vụ của hôn nhân ám chỉ đến khả năng đảm nhận của người kết hôn vào lúc cử hành lễ kết ước (in fieri). Chữ chu toàn lại nói đến sự hoàn thành trách nhiệm trong đời sống thực tế của hôn nhân (in facto).
Thông thường hầu hết những dữ kiện về bất thường tâm lý lại xảy ra sau kết hôn, nghĩa là, chúng xảy ra trong cuộc sống hôn nhân khiến người này không thể chu toàn nghĩa vụ hôn nhân. Vậy có thể dựa vào đó để kết luận người này đã không có khả năng đảm nhận hay không? Câu trả lời rất khó, vì có thể kể ra những trường hợp có khả năng xảy ra khác nhau:
- Không có khả năng đảm nhận và sau đó cũng không chu toàn được (trước đã có bệnh, sau vẫn bệnh): kết ước hôn nhân vô hiệu.
- Không có khả năng đảm nhận và sau đó lại chu toàn được vì được khỏi bệnh (trước đã có bệnh, sau khỏi bệnh): kết ước hôn nhân vô hiệu.
- Có khả năng đảm nhận nhưng sau đó không chu toàn do bệnh phát ra (trước không có bệnh, sau mới bệnh): kết ước hôn nhân hữu hiệu.
Trong thực hành, thẩm phán sẽ phải khảo sát vấn đề thiếu khả năng đảm nhận (adsumere) một cách gián tiếp, nhờ qua việc khảo sát trực tiếp những khả năng chu toàn (adimplere). Thẩm phán sẽ khảo sát những thói quen, cách cư xử của đương sự trước và sau hôn nhân. Nếu đạt tới kết luận là người này không có khả năng chu toàn thì thẩm phán cũng kết luận người này không có khả năng đảm nhận, bởi vì rõ ràng là không ai có thể đảm nhận một việc nếu không có khả năng chu toàn.[25]
Tuy nhiên, nguyên tắc vừa kể thì đúng với trường hợp thứ nhất nhưng lại không đúng với trường hợp thứ ba. Dù vậy, trường hợp thứ ba này thì ít khi xảy ra. Mặt khác, sự bất thường tâm lý bẩm sinh thường có những dấu hiệu từ trước khi kết hôn, cho dù còn nhẹ nhưng đã biểu lộ là có nguồn gốc bệnh.
Đối với trường hợp thứ hai, tuy rất ít khi xảy ra, đó là sự khỏi bệnh. Như vậy khi thấy có sự chu toàn được nghĩa vụ hôn nhân một cách bình thường, cũng không nhất thiết phải kết luận rằng người này khi kết hôn là đã có khả năng đảm nhận như người bình thường.

3.2. Những nguyên nhân thuộc bản chất tâm lý

Cần phân biệt tâm lý bên trong của con người với những hoàn cảnh hay những xáo trộn xảy ra trong đời sống mà có nền tảng từ tâm lý.[26] Tâm lý, bên trong, tự nó, chỉ tất cả lãnh vực tinh thần của một người. Tâm lý bất thường, không có nghĩa chỉ là có bệnh tâm thần hay điên loạn. Nó có thể được hiểu trong liên hệ với những dữ kiện văn hóa, giáo dục, đạo đức và ý muốn của một người.
L.G. Wrenn liệt kê tóm tắt các dạng tâm lý bất thường như sau:
- loạn thần kinh (psychoses);
- loạn thần kinh chức năng (neuroses);
- rối loạn nhân cách (personality disorder);
- đồng tính luyến ái (homosexuality) dạng ego dystonic (ám ảnh và thôi thúc làm). Nếu đôi bạn vẫn có thể thiết lập được mối quan hệ vợ chồng bình thường thì được coi như đủ khả năng đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân (x. Coram Serrano, 5-4, 1973). 
Nếu muốn đi sâu vào các dạng thức riêng biệt của các loại tâm lý bất thường trên, cần tham khảo các tài liệu khoa học. Hiện nay, phổ biến nhất là DSM- IV và DSM- V (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders), tài liệu chuẩn đoán và hướng dẫn về bệnh tâm lý được Hiệp Hội Khoa Thần Kinh Mỹ (American Psychiatric Association) xuất bản. Khoa thần kinh học tại Việt Nam cũng đang phát triển, cũng có nhiều tài liệu chuyên môn về vấn đề này.

3.3. Xét theo đ. 1095,20, hay 1095.30 ?

Hai số 2 và 3 của điều 1095 đưa ra hai trường hợp khác nhau về thiếu khả năng, một thuộc sự phán định của tâm trí, một thuộc bản chất tâm lý. Trong một số vụ án, có thể có cả hai yếu tố nói trên đan xen, khó mà phân biệt, được thấy trong một số trường hợp rối loạn nhân cách. Ví dụ trong trường hợp người thường xuyên bạo lực, hành hạ vợ, thì khó mà xác định người này thiếu phán định hay không thể đảm nhận bổn phận và nghĩa vụ hiệp thông vợ chồng hay trao ban cho nhau. Trong trường hợp này, thẩm phán tùy hoàn cảnh cụ thể, chọn xét yếu tố nào mà những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ biểu tỏ nhiều hơn.[27]

3.4. Chỉ là những khó khăn

Cần phân biệt sự thiếu phán định hay thiếu khả năng tâm lý để chu toàn bổn phận với những khó khăn (difficulty) trong cuộc sống gia đình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong bài diễn văn trước Tòa Thượng thẩm Roma năm 1987 đã minh định rằng là có những khó khăn trong đời sống có thể khiến hôn nhân bị tan vỡ nhưng không làm cho hôn nhân vô hiệu. Những khó khăn này có thể xuất phát từ những: sự lơ là hay coi thường bổn phận; sự không chấp nhận gánh vác những gánh nặng; không vượt qua được những giới hạn của đời sống vợ chồng; sự khống chế của bản năng; đời sống vô luân…
Những hành vi tội lỗi xấu xa như ngoại tình, lừa gạt, dối trá… của một bên khiến cuộc tan nhân tan vỡ, tự nó không làm cho kết ước hôn nhân vô hiệu. Chúng chỉ gây ra những khó khăn trầm trọng cho đời sống gia đình. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là biểu hiện cho những nền tảng tiêu hôn như thiếu khả năng phán định, lầm lẫn, hay simulatio

3.5. Một số yếu tố giúp thẩm định sự thiếu khả  năng

Độ bất thường tâm lý phải:
- Nghiêm trọng (severity): Nếu bị xáo trộn nhẹ thì không thể coi như là không có khả năng. Nghiêm trọng là “không đủ mạnh” (not strong enough) để có thể đảm nhận nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân. Sự rối loạn không thể chữa lành có thể đủ để coi là nghiêm trọng cho sự vô hiệu của hôn nhân.[28]
- Có trước (antecedence): Thiếu khả năng đảm nhận nghĩa vụ có trước và vào lúc kết hôn, đương nhiên làm hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên án lệ không đòi sự biểu hiện rõ ràng sự thiếu khả năng. Cũng đủ để kết luận thiếu khả năng kết hôn khi đã xuất hiện căn gốc hoặc tiềm ẩn, miễn là sự biểu hiện phải xảy ra vào thời gian gần với kết hôn.[29]
- Vĩnh viễn hay không vĩnh viễn: Sự không có khả năng đảm nhận có thể là vĩnh viễn nhưng cũng có thể là tạm thời hay gián đoạn. Bệnh tâm lý có thể là có trước và trong khi kết hôn nhưng nó có thể được chữa lành hay tự khỏi sau kết hôn. Trong trường hợp này kết hôn vô hiệu.
- Không là thiếu khả năng tương đối
 Thiếu khả năng tương đối có nghĩa là một người không có khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân chỉ đối với một số người nào đó chứ không phải tất cả mọi người. Ví dụ một người chồng nóng tính, vũ phu thì không thể chu toàn nghĩa vụ yêu thương đối với người vợ cũng nóng tính, cứng cỏi, nhưng người chồng đó lại có thể chu toàn nghĩa vụ đối với người vợ dịu hiền. Thiếu khả năng tương đối, khiến không thể chu toàn nghĩa vụ vợ chồng, thường được nêu ra như là hệ quả của sự không hợp nhau, tính tình xung khắc.
Những năm trước đây, từ năm 1970, một số tòa án Giáo Hội tại Hà Lan đã coi rằng không hòa hợp tính cách khiến họ không thể chu toàn nghĩa vụ vợ chồng làm cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, cụ thể như thẩm phán Mario Pompedda của tòa Rota, đã từ chối xử hôn nhân vô hiệu chỉ với lý do thiếu khả năng tương đối trong việc đảm nhận nghĩa vụ hôn nhân.[30]
3.6. Giám định viên
Trong các vụ án liên quan đến những sự rối loạn nhân cách hoặc có bệnh tâm trí, thẩm phán cần nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên viên để giám định.  Tuy nhiên, nếu thẩm phán thấy rõ là không cần thiết thì có thể miễn sự giám định (đ. 1678&3).
Trong trường hợp có giám định viên giúp đỡ, các thẩm phán cần phải tin tưởng vào kết luận của họ, tuy nhiên thẩm phán cũng cần phải tham gia xem xét các bối cảnh của vụ án, chứ không phó mặc cho họ.[31]
Trong trường hợp không có giám định viên, cần thiết phải thu thập chứng cứ về những thói quen, cách hành xử của đối tượng, trước và sau kết hôn, nhờ qua các nhân chứng những người thân.

4. Những vụ án minh họa cho điều 1095,20&30

4.1. Vụ án có phán quyết tại tòa án cấp giáo phận

4.1.1. Thiếu phán định về bổn phận và nghĩa vụ hôn nhân (đ. 1095,20)

Angela 21 tuổi, đẹp, duyên dáng và quyến rũ. Roland 24 tuổi, cao, đẹp trai và hấp dẫn. Hai người quen nhau trong buổi dạ vũ mừng sinh nhật của em gái Angela.
Họ gặp nhau thường xuyên sau đó, ai cũng khen họ xứng đôi vừa lứa. Roland lịch lãm với bạn bè, lễ phép với người trên, anh xài tiền khá hào hoa và thường lái những chiếc xe hơi mới khác nhau, mặc dù ngay cả Angela cũng không biết đích xác anh làm nghề gì, khi được bố mẹ hỏi, Angela cũng chỉ cho biết loáng thoáng rằng Roland làm chủ một cơ sở buôn bán xe du lịch.
Chuyện kém may mắn đầu tiên xảy ra cho hai người được Roland kể lại cho Angela khi trao cho cô chiếc nhẫn đính hôn: Chiếc nhẫn này không phải là chiếc nhẫn chính anh mua, chiếc nhẫn anh mua xong để trong xe đậu trong sân đậu xe, khi trở lại vào buổi chiều, kiếng xe đã bị đập bể và kẻ trộm lấy cắp hết tiền bạc và cả chiếc nhẫn. Anh đã xin bảo hiểm đền và hãng bảo hiểm đã đền đầy đủ những thứ bị mất. Chiếc nhẫn anh trao cho Angela là chiếc nhẫn được hãng bảo hiểm đền.
Ðám cưới của hai người tổ chức linh đình với đầy đủ bạn bè tham dự. Sau tiệc cưới, hai người thong dong đi hưởng tuần trăng mật. Khi đến nơi, Roland hoảng hốt cho Angela biết anh để quên "chiếc bóp" ở nhà với tất cả tiền bạc của anh. Angela bèn dùng "credit card" của cô để trang trải mọi phí tổn của tuần trăng mật. Angela hưởng tuần trăng mật một cách kinh hoàng, không phải vì số tiền cô phải trả, nhưng vì Roland quá vũ phu trong hành động vợ chồng, cô bắt đầu cảm thấy chán nản.
Khi về đến nhà, Roland có lẽ vì nhiều công chuyện, nên quên trả lại tiền cho vợ. Bàn đến việc trang hoàng nhà cửa, Roland đưa ra những hoạch định xa hoa và tốn kém để cuối cùng Angela biết rằng Roland là một gã thất nghiệp, du thủ du thực chuyên môn cờ bạc, lường gạt, vay mượn không bao giờ trả. Angela đã lỡ chân, cố gắng đi làm nuôi chồng, cô đề nghị chồng đi tìm việc, Roland hăng hái nhận lời yêu cầu vợ đưa tiền đổ xăng, ăn uống. Mỗi tuần Angela đều cung cấp gần nửa số lương cho chồng đi tìm việc, nhưng không bao giờ chồng tìm được công việc nào cả. Angela quyết định không đưa tiền cho chồng nữa, kết quả đưa đến là việc đánh đập tra khảo tiền bạc. Khi Angela có thai, sự việc càng khủng khiếp hơn nên cô tuyên bố ly dị Roland.
Khi nghe tin Angela sẽ li dị, Roland khóc lóc thảm thiết nài van vợ đừng bỏ anh, anh sẽ không thể sống được nếu không có nàng, cuối cùng, anh dọa sẽ tự tử nếu Angela bỏ anh. Angela nén lòng chịu đựng.
Gần đến ngày sinh, Angela không còn đi làm được nữa, gia đình không có tiền, cô bèn phải về nhà bố mẹ để nương nhờ. Roland tưởng vợ đã bỏ anh, anh dọa sẽ giết cô và cả gia đình, nếu gia đình chứa chấp vợ anh.
Angela bỏ trốn đi một nơi khác, trình bày với Tòa Án Hôn Phối. Sau khi điều tra với những nhân chứng xác thực, Tòa Án tuyên bố hôn nhân giữa Roland và Angela không thành sự đặt trên căn bản việc Roland vũ phu, cách xử thế không bình thường và Roland không có khả năng chu toàn vai trò của người chồng trong gia đình.
(Trích từ Những trường hợp hôn phối đã được tháo gỡ của linh mục Giuse Bùi Đức Tiến).[32]

4.1.2. Thiếu khả năng (đ. 1095,20&30) do bạo dâm, bạo động, say rượu

Sylvia Giancomo và Ivan O'Donnell, cả hai là Công Giáo, lãnh Bí Tích Hôn Phối tháng 6 năm 1960. Lúc đó Sylvia 20 tuổi và Ivan 24 tuổi. Hai người sống với nhau 17 năm được hai người con. Ivan là người bạo dâm, bạo động, hay say rượu. Sylvia xin tòa đời ly dị và sau đó thỉnh nguyện tiêu hôn. Theo lời nhân chứng, Ivan là con người bất bình thường, dễ cáu kỉnh. Trong đêm tân hôn Ivan khóc thương mẹ đã chết mấy tháng trước và không giao hợp với Sylvia. Việc giao hợp vợ chồng là một khó khăn cho Ivan, hai người chỉ giao hợp với nhau 20 lần trong suốt 17 năm.
Trong tuần trăng mật, Sylvia mới khám phá ra Ivan nghiện rượu. Ông đi uống rượu đến 4, 5 giờ sáng mới về, trong tuần trăng mật và sau này. Mỗi tháng Ivan chỉ cho Sylvia 70 đô la, trả tiền nhà và ăn uống theo giá biểu thập niên 60. Số tiền còn lại ông đem uống rượu và cờ bạc. Ivan thường hay nổi nóng đánh đập Sylvia, có lần toan xiết cổ bà cho chết. Ðối với con cái, ông hay dọa nạt, đánh đập khiến chúng khiếp sợ, trở nên nhát đảm phải nhờ bác sĩ tâm lý điều trị. Tòa tuyên bố hôn nhân bất thành vì Ivan không có khả năng gánh vác trách nhiệm của khế ước hôn nhân.
(Trích Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ Số Tháng 7 năm 1992)[33]

4.2. Vụ án có phán quyết tại Tòa Thượng thẩm Roma

4.2.1. Thiếu trưởng thành tâm lý tình cảm, còn lệ thuộc cha mẹ, coram Stankiewicz, 11-07-1985

John 20 tuổi, Linda tuổi, theo giám định viên, cả hai bên thiếu trưởng thành tình cảm và chẳng có sự chuẩn bị gì về mặt xã hội cho hôn nhân; bị đơn không có khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân và có lẽ thiếu cả khả năng ưng thuận hôn nhân.
Nguyên nhân chính của quyết định tòa án: trước hôn lễ, đối với mẹ, bị đơn chỉ là một đứa trẻ. Sau ngày cưới, anh ta quyến luyến với bố mẹ hơn là đối với vợ. Phần lớn thời gian, trong việc kinh tế anh ta thiếu thực tế, tất cả đều do bố mẹ quyết định cho anh. Sau đám cưới một ngày anh ta muốn xé giấy chứng hôn và trở về nhà bởi gì hôn nhân chẳng có gì tốt đẹp gì như những người bạn nói, và anh ta không muốn chịu làm một người chồngng nữa. Vậy anh ta thiếu khả năng thực hiện ưng thuận kết hôn. Anh ta không phải thiếu khả năng chu toàn nghĩa vụ hôn nhân bởi vì điều đó đã chấm dứt sau khi bố mẹ qua đời. Trong thực tế anh ta đã có mối quan hệ với một người phụ khác và đã có vài con. (Trích Monitor Ecclesiaticus, 1986, tr. 163-172- hoặc Studi Giuridici XXIII, tr. 44-45).[34]

4.2.2. Rối loạn nhân cách do nghiện rượu, coram Comac Burk 2.12.1993 (đ. 1095, 20)

Cuộc sống hôn nhân của Maria và Bill kéo dài hơn 30 năm nhưng rồi kết thúc vào năm 1980. Vào năm 1986, Maria đã đệ đơn ra tòa án Omaha xin tuyên bố hôn nhân của mình vô hiệu.
Bị đơn, Bill, là người nghiện rượu kể cả thời gian trước hôn nhân. Khá nhiều nhân chứng rõ ràng và cũng được bệnh viện xác nhận “nghiện rượu, giai đoạn nặng”; “nghiện rượu mãn tính”. Giám định viên tòa Rota trong vụ nầy, giáo sư Claudio Di Liberto, cho rằng có đủ chứng cớ về sự không có khả năng, xuất phát từ sự rối loạn nhân cách nặng nề của bị đơn.
Bill được mô tả là thường xuyên gây bạo lực. Chị dâu Patrricia M. của nguyên đơn xác thực rằng để cứu cuộc sống, cô ta phải cách ly khỏi anh ta. Cũng vậy, anh ta có khuynh hướng muốn thống trị người khác và nhắm đến việc lợi dụng họ, thích gian dối, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và về tiền bạc. Chứng nghiện rượu đã đưa đẩy anh ta tới đam mê bài bạc. Mọi thứ dường như phù hợp với nhận xét của một nhân chứng: “Tôi cho rằng Bill không có khả năng ứng xử bình thường”. Có nhiều chứng cứ về ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng do rối loạn nhân cách đối với con cái của họ, vì vậy con cái của họ cũng đã trải qua cuộc điều trị về tâm thần. Người chị dâu của nguyên đơn khẳng định rằng “Con cái của họ có thần kinh bất ổn ngay khi còn nhỏ”.
Trong bản án, Tòa Rota nhận xét: “Từ những điều nầy, giáo sư Di Liberto đi đến một kết luận về ‘rối loạn nhân cách’ đáng lưu ý: ‘một sự thiếu trưởng thành nhân cách trầm trọng gây ra bởi yếu tố bệnh thái nhân cách… trong mối liên hệ giữa con người với nhau, với tiền bạc và công việc, … chúng ta nhận xét rằng ý kiến các chuyên viên, dựa trên những chứng cứ khác của án từ, thì đủ để có một sự chắc chắn luân lý về sự trầm trọng và rối loạn nhân cách tự bản tính nơi bị đơn và không nghi ngờ là đã có thể hiện ngay trong khi cử hành hôn nhân, đó là điều làm cho anh ta không có khả năng đảm nhận những nghĩa vụ căn bản của hôn nhân”.
Sau khi cân nhắc mọi khía cạnh về luật và sự kiện, Tòa án “xác nhận” nghĩa là “hôn nhân đã được chứng minh là vô hiệu vì lý do tâm lý bị đơn không có khả năng đảm nhận những bổn phận căn bản của hôn nhân”.

4.2.3. Thiếu phán định về hôn nhân do mang thai ngoài ý muốn (đ. 1095,20&30), Coram Cormac Burke, 24-10-1994 (Dublin)[35]

Khi còn rất trẻ Denis và Bernadette bắt đầu yêu nhau. Vào tháng 5 năm 1974, cô gái đã bị thương trong một vụ nổ bom khủng bố, trong đó một người bạn cùng làm việc đã bị chết. Cô bị giải phẩu và được điều trị 6 tháng. Bắt đầu từ khi đó, họ có quan hệ tình dục với nhau và Bernadette có thai. Khi gia đình hai bên biết chuyện này họ lập tức chuẩn bị đám cưới ngay vào ngày 1-10-1975. Lúc đó, Berrnadette mới 16 tuổi và Denis 18 tuổi. Sống với nhau đến năm 1982, đã có hai người con, thì Bernadetteb bỏ chồng đi lấy người khác.
Ở Tòa Thượng Thẩm Roma, có những nghi vấn mới được đặt ra cho việc xét hôn nhân vô hiệu và được thiết lập như sau: “Hôn nhân có vô hiệu hay không: a) ở tòa cấp III, trên cơ sở của sự thiếu phán đoán trầm trọng của nguyên đơn; b) như ở tòa cấp I: (I) trên cơ sở thiếu khả năng đảm nhận những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân, của hai bên; hoặc, (II) trên cơ sở của sự bị ép buộc và sợ hãi tác động trên nguyên đơn?”
Các thẩm phán đồng ý rằng:
Hôn phối được luận xét này là vô hiệu do bởi thiếu trầm trọng phán đoán của nguyên đơn, phát sinh từ một tình trạng tâm lý hoàn toàn riêng biệt và bất thường, mặc dù tạm thời, vào lúc ưng thuận hôn nhân. Hoàn cảnh bị chấn thương trước kết hôn, ảnh hưởng của thuốc men, và sự lo lắng không yên phát sinh từ chuyện có thai ngoài ý muốn, cùng với sự không thể ngay cả xin bị đơn tư vấn về tình trạng khó khăn – tất cả những hoàn cảnh riêng biệt đã làm giao động sự hoạt động của những khả năng của nguyên đơn đến nỗi cô ta không thể định được giá trị của những bổn phận thiết yếu của hôn nhân một cách có suy xét nghiêm túc được và không thể chọn lựa chúng với tự do bên trong đòi hỏi.
Tòa án đã nhận lý do thiếu phán đoán của nguyên đơn. Bà ta đã thiếu một sự phán đoán tối thiểu, tương xứng với tuổi còn rất trẻ (chỉ mới 15 tuổi khi mang thai), quyết định kết hôn đã bị điều kiện hóa bởi hai hoàn cảnh rất đặt biệt.
Ann, chị của bà, nói rằng: “Họ không trưởng thành và có trách nhiệm do tuổi tác”.
Thomas C nói: “Tôi không nghĩ là cô ta đủ trưởng thành để kết hôn vào thời gian đó. Cô ta còn ở trong giai đoạn nữ sinh”.
Người anh, Vincent: “Chúng tôi đang nói về những người chỉ hơn những trẻ con đang đi học (26/9). Xét đến khái niệm về hôn nhân, ông ta nói: “Họ có thể có những ý tưởng trẻ con về hôn nhân”.
Ann K, mô tả họ như là: “hai người rất thiếu trưởng thành với một kết hôn vội vã” (31/3), thêm rằng: “Thật là sai lầm ngay cả đề nghị kết hôn”.
Tòa ghi nhận rằng, theo chứng cứ của nguyên đơn, bắt đầu có quan hệ tình dục giữa hai bên vào khoảng 2 năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, gần sau khi bà ta bị tai nạn bom và bà mang thai chỉ một tháng sau vụ nổ bom. Bà ta đã toan tự tử khi biết mình có thai.
Các thẩm phán đã kết luận: "Xác nhận chỉ cho nghi vấn đầu tiên, nghĩa là, hôn nhân đã được chứng minh vô hiệu trong vụ án trước tòa, dựa vào nền tảng là thiếu trầm trọng phán đoán về phía nguyên đơn”.

4.2.4. Chồng bạo lực, bất trung, bài bạc, lừa dối, Coram Cormac Burke, 26-10-1992[36]

Sau một năm đính hôn, Anne T và Frank M kết hôn ngày 23-2-1980. Khi đó, cả hai đều 23 tuổi. Hầu như bắt đầu đời sống chung, chồng đã cư xử bạo lực với vợ. Càng tệ hại hơn, khi ở bệnh viện, nàng biết được chồng mình đã qua những đêm với một cô gái khác tại chính nhà mình. Không lâu sau đó, 16 tháng sau kết hôn, nàng chia tay chồng.
Một số điều khác được ghi nhận trong bản án như sau:
-Nguyên đơn, trước khi kết hôn, nói hoàn toàn sai lầm về bản tính của bị đơn, nhưng thẩm phán thấy khó mà xác định.
- Ấn tượng của cô ta trong thời gian đính hôn về chàng ta là “ngay thẳng, thật thà, tử tế; nhưng sau đám cưới chẳng bao lâu thì đã đối xử “bạo lực nghiêm trọng”, mà cô ta nói “tiếp tục cho đến cuối hôn nhân”.
- Anh ấy đã đối xử bạo lực với nguyên đơn. Nguyên đơn bị “hành hung”. Dường như bị đơn đã đòi hỏi quan hệ tình dục ngay sau khi đánh vợ (13). Trong khi đó anh ấy khai rằng mình chỉ hành hung vợ chỉ có bốn lần.
- Cô ta khai rằng cô đã bị lừa dối về tật cờ bạc của anh ta, bởi vì trước kết hôn cô nghĩ rằng chỉ chơi nho nhỏ. Sự thật anh ta là tay cờ bạc lớn, được xác nhận vào hồ sơ vụ án.
- Bị đơn xác nhận rằng, cha mình là người uống rượu nhiều. Có một chút khác với mức độ uống của anh ta.
- Sự vô trách nhiệm về hôn nhân trầm trọng của anh ta nói chung (và cách riêng trong vấn đề tài chánh), được thấy rất nhiều trong hồ sơ vụ án. Tòa nhận ra sự hững hờ đối với vợ trong những lúc rất cần thiết: khi cô ta ở bệnh viện, lần đầu vì xẩy thai, và lần thứ hai vì sinh đứa con duy nhất của họ. Bị đơn có xác nhận sự vô trách nhiệm của mình.
- Bị đơn cũng thú nhận mình không chung thủy. Tòa lưu ý đặt biệt đến cảnh anh ta đã ngoại tình ngay trong nhà vợ chồng mình khi vợ đang ở bệnh viện sinh con. 
Quyết định của tòa Rota về vụ án này cũng khá đặc biệt, vì phần cuối bản án, Tòa đã ra phán quyết xác nhận hôn nhân vô hiệu nhưng lại không xác định rõ một nguyên nhân vô hiệu nào, chỉ có nghiêng về sự lừa gạt, như sau:
27. Việc anh ta cờ bạc thì rõ là trước kết hôn. Khuynh hướng bạo lực thì cũng không nghi ngờ là cũng vào thời đó, dù anh ta rõ là kiểm soát được chúng, nhưng có lẽ với những hoạch định để có thể có được ưng thuận kết hôn.
28. Bạo lực và không chung thủy sau hôn nhân không chứng minh thiếu khả năng đảm nhận những nhiệm vụ chính yếu của hôn nhân là đã có trước và thường xuyên. Bài bạc và thiếu trách nhiệm tài chính cũng không được coi là bỏ bê nhiệm vụ cốt yếu (cấu thành) nào của giao ước hôn nhân. Chứng cứ của thiếu khả năng ưng thuận không có được từ những khiếm khuyết cá nhân này. Tuy nhiên, khi tổng hợp lại và sau khi suy xét kỹ lưỡng các dữ kiện và hoàn cảnh, cũng đặt biệt không bỏ lơi những lừa gạt được đề xuất ra, chúng tôi đồng ý rằng lời xin của nguyên đơn nên được chấp thuận.
29. Sau khi xem xét tất cả những khía cạnh pháp lý và sự kiện, chúng tôi, những dự thẩm của phiên tòa này… trả lời cho nghi vấn đã được nêu ra là:
“XÁC NHẬN”, nghĩa là, “sự vô hiệu hôn nhân đã được chứng minh, trong vụ án trước tòa, dựa trên những lý do đơn thuần là bị đơn thiếu khả năng đảm nhận những bổn phận của hôn nhân”. 
           
 
 
[1] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 184.
[2]Cf. DAVID E. FELLHAUER, "The consortium omnis vitae as a Juridical Element of Marriage," trong Studia Canonica 13 (1979) 50-54.
[3] Điều 1013§1 của bộ luật 1917: Matrimonii finis primarius est procreatio atque educatio prolis; secundarius mutuum; adiutorium et remedium concupiscentiae.
[4] Cf. M.F. POMPEDDA: "Incapacity to assume the essential obligations of marriage", trong AA.VV. Incapacity for Marriage, Rome 1987, 195.
[5] Cf. HÉCTOR FRANCESCHI, “L'incapacità relativa. Status quaestionis e prospettiva antropologico-giuridica”, trong AA.VV. Incapacity for Marriage, Rome 1987, 122.
[6] Cf. Ibidem.
[7] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 25.
[8] Cf. S. WORCHEL – W. SHEBILSUE, Tâm lý học. Nguyên lý và ứng dụng, Nxb Lao động - Xã hội, (Người dịch: Trần Đức Hiển), 530-531.
[9] Cf. Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 26.
[10] Cf. Ibidem, 26.
[11] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 26;  trích từ  Coram Sabattani, 24-2-1961 (53,118).
[12] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 26.
[13]  Cf. Ibidem, 26.
[14] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 27-28.
[15] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 35.
[16] Cf. Ibidem, 38.
[17] Cf. http://hoitamthanhoc.com/en/component/content/article/119-tieng-viet/kien-thuc-tam-than-hoc/778-chan-doan-dong-kinh-co-bieu-hien-tam-than-phuc-tap.html.
[18] BS TRẦN DUY TÂM, BS CK1, Phòng KHTH, BVTT TP.HCM (x. http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1424-0/roi-loan-nhan-cach/roi-loan-nhan-cach.html).
 
 
[19] Cf. S. WORCHEL – W. SHEBILSUE, Tâm lý học. Nguyên lý và ứng dụng, Nxb Lao động - Xã hội, (Người dịch: Trần Đức Hiển), 530.
 
[20] Cf. Ibidem, 530.
[21] Cf. BS Trần Duy Tâm, BS CK1, Phòng KHTH, BVTT TP.HCM (x. http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1424-0/roi-loan-nhan-cach/roi-loan-nhan-cach.html).
 
[22] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 28
[23] Cf. Coram Cormac Burke, 26-10-1992.
[24] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage… 44.
[25] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …,  44.
[26] Paolo Bianchi, “Le ‘causae naturae psychicae’ dell’incapacità”, trong Studi Giuridici XLVIII, 142.
[27] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, …52.
[28] Cf. Ibidem, 47.
[29] Cf. Ibidem, 48.
[30] Cf. MARIO POMPEDDA, “Incapacitry to Assume the Essential Obligation of Marriage” trong Incapacity For Marriage, Rome 1987, 205-206.
[31] Cf. lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 24.
[32] Vụ án do linh mục Giuse Bùi Đức Tiến sưu tập và biên khảo dựa vào các bản án ban hành của các giáo phận trên thế giới.
 Cf. http://buiductien.com/index_html/books/ToaAnhonphoi/plonearticle.2007-01-09.7337445372
 
[34] Vụ án này được cha Jos. Huỳnh Văn Sỹ biên dịch.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay1,022
  • Tháng hiện tại29,707
  • Tổng lượt truy cập11,281,200
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi