GIÁO LUẬT CÔNG GIÁOhttps://giaoluatconggiao.com/uploads/logo.png
Thứ hai - 08/08/2016 23:21
C20, Lc12,49-53
ĐỨC GIÊSU ĐEM ĐẾN SỰ CHIA RẼ
Thật là kỳ lạ, tại sao Đức Giêsu "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" lại đem đến sự chia rẻ, chống đối lẫn nhau. Không lẽ một vị Thầy nhân hậu, hiền lành như Ngài lại đem đến cho ngươi ta chiến tranh, không đem đến hòa bình?
Vì thật ra, trong thực tế cuộc sống, nhiều khi không phải sự dối trá mà là sự thật lại dẫn đến chiến tranh. Trường hợp như tiên tri Giêrêmia, trong bài đọc thứ nhất, khi kêu gọi dân chúng từ bỏ tội lỗi trở về với Chúa. Tiên tri rao giảng sự thật, rao giảng chân lý thì bị cho là kẻ phá hoại hoà bình. Một trường hợp khác giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn:
Có một ngôi làng ở phía bắc Ấn Độ. Nước uống ở đây thật là hiếm hoi. Chỉ có một cái giếng ở rất xa ngôi làng. Cái giếng thuộc quyền của những người có giai cấp. Nó được coi là món quà dành riêng cho họ. Còn những kẻ không có giai cấp, là dân đen, tiện dân thì không được múc nước từ giếng này. Họ phải đi lấy nước từ những hố bùn, nước ở đó dơ bẩn, dễ gây bệnh tật.
Nhưng ngày nọ, một chàng kỹ sư trẻ thông minh và đầy lý tưởng đến làng. Chàng thiết lập một kế hoạch khoan một cái giếng ngay ở giữa làng. Nước trong sạch theo kế hoạch sẽ được đưa lên sẵn sàng ở các vòi nước. Chàng kỹ sư nói rằng : “Dĩ nhiên cái giếng này dùng cho tất cả mọi người, ngay cả những tiện dân”.
Chàng đã không biết cái mà mình đang dấn thân vào. Chàng đã chọc vào tổ ong bồ vẽ. Vì không thể nào mà dân làng có đẳng cấp mà lại chịu cho hàng tiện dân được dùng nước giếng mới này.
Một cuộc tranh cải xảy ra. Dân làng chia làm hai phe. Có lúc hai phe sừng sộ đòi đánh nhau. Nhưng cuối cùng phe không muốn cho tiện dân dùng giếng đã thắng thế. Họ trở mặt nhìn chàng kỹ sư trẻ và nói : “Anh hãy nhìn xem, làng này lâu nay vẫn sống bình thường trong an bình, chỉ khi anh tới mới xảy ra như bất ổn như vậy”. Anh lập tức phản đối : “Bình thường như vậy sao? Có phải là bình thường khi có những người phải uống nước dơ ở những hố bùn, trong khi có những người khác lại được uống nước giếng trong sạch sao?”
Nhưng họ đã không nghe anh. Họ đuổi anh ra khỏi làng, gọi anh là “kẻ gây rối”, một “kẻ phá hoại hoà bình”.
Như vậy, chúng ta thấy người mang lại công lý đã gây ra tranh chấp, chia rẻ như thế nào. Tương tự, sứ điệp của Đức Giêsu cũng đã gây ra những vấp ngã, chia rẻ tranh chấp.
Chúa Giêsu đến loan báo Tin Mừng về Nước Trời, Ngài loan báo lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, người công chính cũng như kẻ tội lỗi. Những người bé mọn, những người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi được Chúa Giêsu chăm sóc yêu thương hơn.
Thế nhưng điều này lại là điều gai chướng đối với những kẻ tin rằng mình là kẻ tốt lành, có quyền được ân phúc của Thiên Chúa. Thời Đức Giêsu, họ những luật sĩ và biệt phái. Quả thật Ngài đã đặt một quả bom vào thế giới tự mãn và đóng kín của họ. Họ đã chống lại Ngài, và Ngài đã không nhượng bộ.
Một cuộc chiến tôn giáo thật sự đã bùng ra. Ngài dùng những lời lẽ rất mạnh mẽ để tố cáo họ. Ngài gọi họ là những “kẻ giả hình”, những “người dẫn dắt đui mù, “những mồ mã tô vôi”. Đối lại họ tố cáo Ngài là “kẻ gây náo loạn”, gọi Ngài là “tướng quỷ Bêelzêbuth”, một “kẻ bị quỷ ám”, một “kẻ phá bỏ lề luật”, một “kẻ phạm thượng”. Như thế chúng ta có thể thấy Đức Giêsu đến không mang lại hoà bình mà là gây chia rẻ. Ngài buộc con người phải khẳng định lập trường, chỗ đứng của mình. Đó là ủng hộ hay chống lại chân lý, theo hay chống lại ánh sáng.
Là những Kitô hữu chúng ta cũng nên giống thầy mình.
Bằng sự trong sạch, chân thật của mình, người Kitô hữu sẽ tự nhiên đi vào cuộc chiến với những kẻ bất lương gian xảo. Bằng sự dấn thân hy sinh cho tha nhân, người Kitô hữu tự nhiên sẽ vạch trần những cái ích kỷ của những kẻ tự cho mình là số một. Bằng sự cởi mở và quảng đại của mình người Kitô hưũ tự nhiên sẽ tố cáo những kẻ hẹp hòi và mù quáng.
Khi ánh sáng được chiếu toả, thì tự nhiên bóng tối bị đe doạ và vì thế nó sẽ chống lại. Kẻ dữ sẽ không để người lành được yên. Đức Kitô đã tiên báo : “Trò không hơn thầy. Nếu người ta bách hại Thầy thì họ cũng sẽ bách hại các con.”(Ga 15, 20). Vì thế, người Kitô hữu sẽ không ngạc nhiên khi mình chịu đau khổ và bị bách hại. Và khi đó hãy yên tâm và vui mừng vì mình đã đóng được vai trò của người công chính, được trở nên giống Đức Kitô.
Lm JB. Lê Ngọc Dũng
Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang.
Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau:
- Trong khóa Bổ Túc...