CNC22
Lc14,1.7-14
KHIÊM NHƯỜNG TRÊN NỀN TẢNG ĐỨC ÁI
Chúa Giêsu dạy khi đi dự tiệc thì hãy chọn chỗ sau hết. Một em học sinh trong lớp giáo lý, liên tưởng đến Thánh Lễ, mới hỏi thầy dạy: “Thưa thầy có phải có mấy cô chú ngồi đi lễ ngồi ở dưới được cha mời lên bàn đầu là những người làm theo lời Chúa dạy không thầy?”
Câu hỏi của em học sinh làm tôi nghĩ đến trường hợp, giả sử rằng, vào bàn tiệc mà ai cũng tranh nhau tìm chỗ sau hết thì tôi làm gì?
Phải chăng tôi cũng tìm chỗ sau hết như họ?
Hay là tôi cứ lên chỗ trên còn trống mà ngồi?
Nếu hiểu lời dạy bài Tin Mừng hôm nay một cách nào đó, thì có lẽ tôi cũng phải chọn chỗ sau hết như những người khác.
Tuy nhiên, làm như vậy, thâm tâm tôi cũng cảm thấy mình cũng chưa đúng. Cuối cùng tôi quyết định lên chỗ trên mà ngồi. Chắc là sẽ có những người nhìn tôi với ánh mắt chê bai. Nhưng cũng chắc có người ít ra là thấy tôi can đảm hay là đã không tranh dành với người khác
Trong bài Tin Mừng, ngay từ đầu thánh Luca có ghi: “Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”. Điều này cho thấy, thực khách có ý tranh dành nhau chọn cỗ nhất. Và trong trường hợp này thì Chúa Giêsu khuyên là: “Hãy vào ngồi chỗ cuối mà ngồi”.
Nhưng trong trường hợp ngược lại, khách dự tiệc không chọn chỗ nhất nữa mà chỉ tranh nhau chỗ sau hết, thì chắc là Chúa dạy: “Hãy vào ngồi chỗ nhất mà ngồi”.
Có nghĩa là Ngài dạy: Con đừng có tranh dành với người ta, con hãy nhường chỗ nào mà người ta muốn.
Tôi thiết nghĩ, khiêm nhường đích thực là ở chỗ này, là nhường lại phần tốt, phần hơn cho người khác.
Khiêm nhường không có nghĩa là tỏ mình ra hèn hạ thấp kém hơn người khác. Khiêm nhường có nghĩa là mình nhường phần hơn cho người khác và mình chấp nhận phần thua thiệt thấp kém về mình.
Ở đây cần chú ý hai thái độ khác nhau: Có ý tỏ ra mình thấp kém, thua thiệt và chấp nhận mình thấp kém thua thiệt.
Người môn đệ của Chúa Giê su chấp nhận bị yếu kém thua thiệt để nhường phần cho người khác. Đó mới là sự khiêm nhường đích thực. Sự khiêm nhường đích thực này có nền tảng trên đức ái, không cầu danh cầu lợi cho mình, nhưng là cho người khác.
Ý nghĩa của sự khiêm nhường này được chứng thực qua lời dạy kế tiếp của Đức Giê su: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù".
Khi đãi tiệc mà mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù thì người ta đánh giá chủ tiệc ra sao? Người đời thì khoe mình con ông cháu cha, quen với những danh gia vọng tộc. Ông chủ tiệc này quả là người hèn kém, bạn bè với những quân vô lại nghèo hèn! Người ta sẽ phê bình, đánh giá chủ tiệc này như vậy!
Người khiêm nhường sâu thẳm chịu phần thiệt hai cho mình cách riêng về mặt thanh danh tiếng tốt để nhường cho người khác.
Thiền sư Hakuin được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình người Nhật ở gần đó, có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai. Sau bao nhiêu tra hỏi, cuối cùng cô khai tác giả của bào thai đó là nhà sư Hakuin.
Cha mẹ cô gái, vô cùng phẫn nộ, chạy ngay đến nhà sư này. Nghe tra hỏi nhà sư Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng"Thế à?" rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm cho Hakuin buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế. Hakuin xin sữa của các bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái không còn chịu được nữa. Nàng nói lên sự thật với cha mẹ rằng: người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin, mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức, cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin, xin Hakuin tha lỗi, và xin đứa bé về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt lên hai tiếng "Thế à ?".
Hakuin quả là đã đạt tới đỉnh cao của nhân đức. Đức khiêm nhường nơi Hakuin quả tuyệt vời. Nhà sư đã không biện minh biện hộ cho mình. Ông chịu phần thiệt là mất tất cả danh dự của mình để cho cô gái khỏi bị sỉ nhục. Nhà sư đã đành chịu người đời phỉ báng đang khi đó cô gái có tội đáng ra phải chịu sự phỉ báng đó.
Đức Giê su là người vô tội nhưng Ngài vẫn cam chịu đội mũ gai, nhổ nước bọt vào mặt. Sự khiêm tốn của Chúa mới đúng thực, mới thẳm sâu. Nó đặt nền tảng trên đức ái. Ngài không những nói năng dạy bảo nhưng còn thực hành chính Lời Ngài rao giảng. Ngài đã hy sinh tất cả vinh quang, danh dự, điều mà Ngài xứng đáng để có, để rồi chết trần truồng trên thập giá như một tên tử tội.
Xin Chúa cho chúng ta, được theo gương Đức Giêsu không đi tìm lợi lộc vinh quang cho mình, nhưng can đảm chấp nhận những hy sinh thua thiệt để nhường phần danh thơm tiếng tốt, phần lợi lộc cho người khác.
Xin cho chúng ta vững tin rằng, vinh quang lợi lộc mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người chúng ta chính là vinh quang của con cái Thiên Chúa, là vinh quang ở trên trời.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng