CHÚA NHẬT XXXII C. Vấn đề đời sau - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ năm - 03/11/2016 22:15
CNC32
Lc20, 27-38                    
VẤN ĐỀ KẺ CHẾT SỐNG LẠI
 
Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái vẫn chưa có niềm tin vững chắc vào đời sau. Họ vẫn tranh cải về vấn đề này. Phái Phrisêo tin có đời sau, phái Saduceo lại không tin. Một tôn giáo lớn lại không tin có đời sau quả là điều làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nếu khảo sát các tôn giáo lớn hiện nay, như Kitô giáo, Phật giáo, Hồi giáo chúng ta thấy đều có niềm tin vào đời sau.
Niềm tin này gắn liền với giải đáp các thắc mắc lớn của con người: Con người có linh hồn không? Linh hồn đó là gì? Là vật chất hay phi vật chất? Chết rồi linh hồn đi đâu? Có Thiên Đàng hay có Niết Bàn không? Có hỏa ngục, địa ngục hay âm phủ không? Cuộc đời trần thế này có ý nghĩa gì? Tại sao người ta lại đau khổ, lại phải chết? Sao cuộc đời lại có nhiều bất công đến thế? Có người sinh ra đã sướng, sống trong nhung lụa, trong quyền thế, những tại sao lại có những người sinh ra trong một gia đình nghèo mạt rệp, lại sinh ra trong tật nguyền, đui mù…
Ôi vô vàn những câu hỏi, không những đối với người bình thường, mà ngay cả  các triết gia lớn phải lúng túng không biết trả lời ra sao. Người Saduceo hỏi Đức Giêsu: Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”
Chúa Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.
Xin nêu ra đây một thắc mắc tương tự của một giáo dân: Khi con hiến tặng một bộ phận cơ thể như hiến tặng đôi mắt, quả thận, trái tim cho người khác thì ở đời sau, đôi mắt ấy, quả thận ấy, trái tim ấy là của ai, của con hay của người được hiến tặng?
Có người nói: Ở đời sau, không có cưới vợ lấy chồng, người ta như thiên thần. Vậy ở đời sau người ta cũng chẳng có mắt, có thận, có tim!
Tâm trí chúng ta lại bị rối bời! Làm sao mà con người ta lại không có mắt, không có thận, không có tim! Trên thiên đàng đầy yêu thương hạnh phúc trong khi con người lại không có tim? Thiên đàng vì thế không đáng được có!
Chúng ta thấy có sự phi lý trong vấn đề này. Nhưng thử hỏi, có gì phi lý hơn khi Đức Giêsu chết ba ngày, đã được an táng trong mồ, mà đã sống lại. Khi người Hy Lạp được rao giảng về Đức Giêsu sống lại họ thấy ngay đây là một một điều điên rồ không thể chấp nhận được. Người Hy Lạp rất duy lý, có những cụ tổ là những triết gia lớn như Thales, Platon, Aristote… nên họ không tài nào chấp nhận được.
Tuy nhiên, loài người chúng ta lại có một xu hướng ngược lại, đó là tin vào đời sau, tin vào những chuyện linh thiêng. Những cuốn sách bán chạy nhất Âu Mỹ là những cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm của những người trở về từ cõi chết. Có những người tuyên bố rằng vô thần nhưng rồi cũng hay đi hỏi bói toán rồi thờ cúng.
Chúng ta thấy Chúa Giêsu không nói rõ cho chúng ta biết cuộc sống bên kia cái chết như thế nào, vì những chuyện thế giới bên kia hầu như vượt quá những tri thức thông thường của chúng ta. Ngang hàng với các thiên thần hay giống với các thiên thần cũng chỉ là một kiểu nói, mà nhờ đó Chúa Giêsu giúp cho chúng ta hiểu được phần nào. Vì ngay cả thiên thần là như thế nào, là nam hay nữ, có miệng, có tai, có mắt, có trái tim không thì ta cũng chẳng biết được.  Chúng ta chỉ biết con người khi chết được biến đổi, từ thân xác hay chết qua một thân xác thánh thiêng, bất tử.  Thử suy nghĩ chuyện từ con sâu chuyển sang con bướm thì có lẽ nó cũng giúp ta hiểu được phần nào.
Thật ra lý luận hay giảng giải của Chúa Giêsu cũng sẽ vô giá trị, nếu như Đức Giêsu đã không sống lại. Ngài đã sống lại, đó là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự sống mai hậu, đó là cốt lõi của niềm tin Kitô giáo. Vì nói như thánh Phaolô: nếu như Đức Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta chỉ là hảo huyền.
Các môn đệ đi theo Đức Giêsu phải chăng để được sống trên thiên đàng mai sau? Không, các ngài không mong đợi điều đó. Các ngài chỉ trông mong một cuộc giải phóng trần thế, khỏi sự thông trị của đế quốc Roma, chỉ trông mong một đất nước Israel cường thịnh, như một vùng đất hứa đầy sữa mật.  Điều này cho thấy, Do Thái giáo không cần tin vào đời sau.
Sự phục sinh của Chúa Giêsu đem đến cho các người Do Thái, cho các môn đệ của Chúa Giêsu một sự bất ngờ, một chân lý không thể chối bỏ. Và rồi, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, các ông đã lấy cả mạng sống của chính mình để làm chứng cho điều ấy. Nền tảng cuộc sống đạo chúng ta chính là sự sống lại của Chúa Giêsu. Tất cả những nổ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cữu và sự sống lại.
Nguyện cho niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự sống vĩnh cữu là động lực giúp chúng ta tin tưởng tiến bước trong cuộc lữ hành trần gian này, để giữa những thử thách, khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tiến bước trong tin tưởng và tin yêu.
 
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,486
  • Tháng hiện tại36,128
  • Tổng lượt truy cập11,236,500
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi