CNC30
Lc18, 9-14
Cái tự hào tai hại
Có một ông khá đạo đức, thường hay quỳ ở cuối nhà thờ, gục đầu cầu nguyện. Sau khi nghe cha giảng xong bài Tin Mừng như hôm nay, ông nói thầm: “Tạ ơn Chúa, con không giống như người biệt phái kia.”
Thật là khôi hài!
Khi nói: “Tạ ơn Chúa, tôi không giống như người biệt phái kia.”, thì cũng chứng tỏ mình đã giống người biệt phái kia rồi.
Tuy nhiên, không chỉ riêng ông ấy mà chúng ta, nếu thành thật, phải nhận rằng chúng ta nhiều khi cũng nghĩ là mình không giống người biệt phái.
Thật ra, chúng ta đã từng hành động như người biệt phái mà chúng ta không hề hay biết. Chúng ta có thể không nói ra bằng lời lẽ nhưng trong ý tưởng lại giống như vậy. Chẳng hạn chúng ta có thể có ý tưởng như những mẫu sau:
Một người cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa, là vì con đã có được một việc làm tốt, con đã biết sống tiết kiệm. Con biết quý trọng những đồng bạc do mồ hôi nước mắt làm ra. Con không giống như những người không lo làm ăn, cứ lang thang, la cà hết chỗ này đến chỗ nọ, ăn xài phung phí.
Một người khác cầu nguyện: Lạy Chúa, con có uống rượu, nhưng uống chừng mực, con biết lúc nào nên dừng lại. Con không như cái thằng cha kia. Hôm nào cũng say xỉn, ăn nói lè nhè, thật đáng xấu hổ, lại còn đánh đâp vợ con nữa chứ! Không biết là vợ con nó có thấy mình đang sống trong hỏa ngục hay không?
Một người dự lễ, đứng bên ngoài nhà thờ cầu nguyện: Lạy Chúa, con dự lễ là để giữ luật ngày chủ nhật mà thôi, con không sốt sắng đạo đức mấy, con ngồi ở ngoài là để cho người ta thấy lòng khô đạo của con. Con không như những người đi vào nhà thờ kia. Họ cho mình là xứng đáng để thờ phượng Chúa. Thật ra họ là một bọn giả hình, ra vẻ đạo đức. Trong nhà thờ họ có vẻ sốt sắng cầu nguyện, họ thân thiện cầu chúc bình an cho nhau nhưng ngoài nhà thờ họ lại không muốn nhìn mặt nhau. Còn con, con thành thật với chính mình. Con không phải là ông thánh, nhưng còn hơn những người giả hình.
Tất cả những người trên đều thành thật với chính mình. Họ không nói dối. Họ đã nói những gì họ làm. Người biệt phái trong dụ ngôn Chúa Giêsu cũng vậy. Ông ta rất thành thật, đã giữ luật Chúa rất kỷ. Còn hơn thế nữa, xét dưới một khía cạnh nào đó ông ta rất đạo đức, vì ông muốn làm nhiều hơn luật dạy để đẹp lòng Chúa. Luật chỉ dạy ăn chay một năm một lần, nhưng ông ta ăn chay hai lần một năm. Quả là một tâm hồn nhiệt thành. Và nữa, thuế thập phân chỉ áp dụng cho một số sản phẩm. Còn ông ông áp dụng cho tất cả lợi tức của ông.
Vậy thì ông đã sai lầm, đã xấu ở chỗ nào ?
Thứ nhất, đó là thái độ của ông đối với Chúa. Ông muốn kể công trả giá với Chúa. Dường như ông ta muốn Thiên Chúa phải nhìn đến những điều xấu mà ông đã tránh được và nhìn vào những việc tốt lành mà ông đã làm được. Thiên Chúa như đang mắc nợ ông.
Thứ hai, thái độ của ông đối với người láng giềng cũng sai. Ông đã nhìn xuống và đã có thái độ khinh dễ kẻ khác. Ông ta nghĩ ông ta tốt khi đem so sánh với cái xấu của người thu thuế.
Người biệt phái trong câu chuyện được Chúa Giêsu dùng như một cảnh giác cho những người được coi là đọa đức, lương thiện. Nhìn chung quanh, chúng ta thấy quá nhiều, dối trá, quá nhiều tội ác, tham nhũng hối lộ, trộm cắp. Chúng ta có thể không nói to, nói lớn rằng: “Con cảm ơn Chúa vì con không như họ...” nhưng mà trong thâm tâm, trong những điều tốt việc đạo đức chúng ta làm vẫn thường có cái tự hào cái vị kỷ của mình xen vào.
Còn người thu thuế nói: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Anh ta nói lên một sự thật. Sự thật thứ nhất là anh tuyên xưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và anh tín thác vào Ngài. Sự thật thứ hai là anh tội lỗi. Anh không dám sánh mình với kẻ khác. Anh chỉ nhìn xuống, không dám ngẩng đầu lên. Anh chân thành cầu khẩn Chúa. Trọng tâm anh không hướng về mình nhưng hướng về Chúa. Anh không tin tưởng vào sự tốt lành của mình nhưng tin tưởng vào sự tốt lành của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đã nói: “Người này, khi trở xuống và về nhà thì được công chính rồi, còn người kia thì không.”
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy mối nguy hiểm phát sinh lối sống mà chúng ta gọi là đạo đức. Nó dễ làm cho mình kiêu ngạo, xa rời Thiên Chúa và anh em. Đồng thời qua câu chuyện này chúng ta có thể nuôi lớn niềm hy vọng thoát khỏi tình trạng tội lỗi, trở nên hoàn thiện hơn, nếu chúng ta biết đặt niềm trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa.
JB. Lê Ngọc Dũng