ĐOẠN KẾT CỦA ĐỜI CHỨNG NHÂN
Khi đọc hạnh các thánh, để tìm cho mình một mẫu gương để noi theo hoặc để cho mình có một tâm tình muốn tận hiến cho Chúa thì người tín hữu thường ít thích đọc hạnh thánh tử đạo. Lý do, phần lớn câu truyện chỉ xoay quanh việc thánh nhân đã bị bắt thế nào, rồi chịu những tra khảo cực hình thể nào, chịu ngục tù khổ sở ra sao rồi kết thúc ở cái chết: bị trảm giảo, lăng trì, bá đao... Chúng ta thích đọc hạnh thánh hiển tu, thánh đồng trinh như thánh Phanxicô, thánh Têrêsa, thánh Martinô vì ở nơi các thánh này, có lẽ chúng tìm thấy nhiều gương mẫu hơn về sự ăn năn sám hối, sự hãm mình đền tội, sự hy sinh bác ái . . . Những ý tưởng này có thể làm cho ta coi thường các thánh tử đạo.
Tuy nhiên tôi cũng có suy nghĩ này là VN chúng ta gần đây, thử hỏi đã có những vị nào đã được tử đạo để nên thánh. Điều này cho thấy được phúc tử đạo không phải là chuyện dễ dàng. Đó là môt ân phúc, chứ không phải là một chuyện con người bình thường có thể làm nổi. Có thể nói tử đạo là hoa quả của cả một đời sống chứng nhân tốt đẹp. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận ơn đặc biệt của Chúa. Thông thường thì, vị thánh đó trước khi lên đoạn đầu đài đã từng bước làm chứng nhân cho tình yêu Chúa trong đời sống hằng ngày của mình. Tử đạo là một hoa quả tốt đẹp của một quá trình con người hợp tác với ơn Chúa trong việc tuân giữ giới răn mến yêu người của mình.
Chân dung đích thực của các thánh tử đạo không chỉ sự can đảm can trường ở giây phút chịu chết, biểu lộ đức tin đức cậy anh hùng nhưng chân dung đích thực của các Ngài cũng được nổi bật nổi bật ở lòng bác ái anh hùng.
Như y sĩ Phan Khắc Hoà, một người làm nghề có tiền có bạc thì ông rộng rãi giúp những người nghèo khó, riêng bệnh nhân túng thiếu, ông không những chửa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa.
Với ông Martinô Thọ thì “công bằng chưa đủ phải có bác ái nữa, mà phải muốn thực thi bác ái thì phải có điêù kiện”, và ông trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn.
Ông Năm Thuông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng.
Ông trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.
Nếu tình thương bác ái đã được Đức Giêsu coi là dấu hiệu của những môn đệ Ngài, ta không lạ gì linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bửa ăn ân huệ trước giờ xử tử: “Xin cầm tiền và gởi người nghèo giùm tôi”.
Linh mục Phan Văn Minh dặn đừng tổ chức đám tang lớn, để dành tiền giúp đở người bần cùng.
Linh mục Khang trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục.
Và giám mục Henares Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.
Với ông Năm quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả đức tin, ông từng nói với gia đình: Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn để hoặc làm thuê để kiếm tiền giúp đở họ”. Vì ông nói: “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó mà lại túng bấn bao giờ. Kinh thánh chẳng dạy chúng ta coi họ như chi thể Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
Với quan Hồ Đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà làm với thiện ý”. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức an táng tử tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành. Một cô xin đi tu, một lập gia đình, ông quảng đại lo cho đến nơi đến chốn.
Với một số các mẫu gương như thế, chúng ta thấy các thánh tử đạo rất gần gũi với chúng ta. Các ngài không chỉ anh hùng lúc máu chảy đầu rơi nhưng đã từng anh hùng cả suốt cuộc đời, với tầm lòng hy sinh bác ái, nhiều khi rất âm thầm, rất bình thường như bao giáo dân khác. Phúc tử đạo ngoaị trừ vài trường hợp đặt biệt thường chỉ là đoạn kết của những con người đã thường cố gắng sống chứng nhân tình yêu cho Chúa Kitô.
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết noi gương các thánh tử đạo VN để ngay tại gia đình, ngay tại xóm làng của mình, trong những địa vị, chức vụ, hoàn cảnh sống của mình biết sống chứng nhân tình yêu Chúa.
JB. Lê Ngọc Dũng