CHÚA NHẬT XXIX C. Cầu nguyện trong hy vọng đợi chờ - JB. Lê Ngọc Dũng

Thứ bảy - 15/10/2016 10:14
Chúa Giêsu dạy: hãy xin thì sẽ được, nhưng nhiều khi người ta thấy xin rồi mà chẳng thấy được; tìm rồi mà chẳng thấy; gõ rồi mà chẳng thấy mở cho. Phải chăng là Chúa nhậm lời cầu xin rồi mà Chúa để từ từ hãy cho? Hay là Chúa bắt ta chờ đợi cho đến chết rồi Chúa mới cho? Hay là chẳng có Chúa đâu?
C29
Lc18, 1-8

Cầu nguyện trong hy vọng đợi chờ

Chúa Giêsu nhiều lần dạy cầu nguyện. Trong kinh Lạy Cha, Ngày dạy: Xin danh Cha cả sáng; xin cho chúng con lương thực hàng ngày; xin cứu chúng con sa chước cám dỗ. Rồi có lần Ngày dạy: Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Nghe Ngài dạy ta có cảm tưởng như cầu xin thì được ngay. Nhưng thực tế thì không như vậy.
Ví dụ như trường hợp một bà góa, chồng chết để lại hai đứa con thơ. Bà bị bệnh yếu sức, không thể lao động để nuôi hai đứa con. Bà đã cầu xin Chúa tha thiết cho bà được có sức khỏe để nuôi hai đứa con. Nhưng bà vần cứ yếu sức. Bệnh bà mỗi ngày một nặng và cuối cùng bà phải ra đi để lại hai đứa con thơ. Bà ra đi nhưng không đành lòng. Bà chết trong sự ấm ức đau khổ quá mức!
Chúa Giêsu dạy: hãy xin thì sẽ được, nhưng nhiều khi người ta thấy xin rồi mà chẳng thấy được; tìm rồi mà chẳng thấy; gõ rồi mà chẳng thấy mở cho. Phải chăng là Chúa nhậm lời cầu xin rồi mà Chúa để từ từ hãy cho? Hay là Chúa bắt ta chờ đợi cho đến chết rồi Chúa mới cho? Hay là chẳng có Chúa đâu?
Hãy thử tìm hiểu thêm về vấn đề này trong dụ ngôn của Chúa Giêsu.
Dụ ngôn cho thấy sự van xin của bà góa hầu như chẳng bao giờ được đáp ứng. Ông quan tòa là người có chức có quyền. Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. Còn bà kia lại là một bà góa bị coi thường. Chồng đã mất bà chẳng có ai để cậy dựa. Vậy có thể nói, chẳng bao giờ ông quan tòa này lại đi xử kiện cho một bà góa. Tuy nhiên, vì bà cứ đến xin hoài, khiến ông bị quấy rầy, thấy nhức óc nên đành xử cho rồi. Sự kiên trì cầu xin của bà góa cuối cùng cũng được viên quan tòa nhận lời.
Chúa Giêsu đã đưa ra một trường hợp mà hầu như người xin sẽ thất bại nếu không kiên trì cầu xin. Để rồi Ngài kêu gọi ta phải kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: "Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, đêm ngày hằng kêu cứu với người sao?'
Nhưng dù Chúa nói như vậy, ta vẫn thấy nhiều khi người ta kêu cứu đêm ngày, kiên trì cầu nguyện và điều cầu xin rất là hợp lý nhưng vẫn không được nhận lời.
Ngoài ví dụ thực tế như trên vừa kể, chúng ta còn thấy có người than van: Tôi có ăn ở thất đức gì đâu mà đứa con sinh ra lại đui mù què quặt. Tôi đã cố gắng ăn ở đạo đức sao bây giờ bác sĩ lại bảo tôi có bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhà cửa đất đai của tôi tạo dựng từ thời cha ông, bổng nhiên hôm nay người ta cậy quyền cậy thế lấy của tôi. Tôi phải ra sống ngoài bụi bờ! Tôi bị kết tội phạm tội giết người với bản án chung thân và có khi chết rũ tù, mà tôi có tội gì đâu. Không ít trong những người này nói: Sao ông Trời không có mắt, không công bằng. Người Kitô hữu có thể nói. Tôi cầu xin Chúa mãi, sao Chúa vẫn yên lặng? Phải chăng là không có Chúa?
Sự bất công, oan trái xảy ra trong cuộc sống khiến người ta không còn tin tưởng nơi sự thiện nữa. Họ nghĩ, nếu mình ăn ở lương thiện thì chỉ hại cho mình mà thôi. Mạnh được yếu thua, trường đời là vậy. Vậy thì mình cũng phải mạnh mẽ, phải mánh lới, phải gian dối, phải tham nhũng hối lộ thì mới sống được. Nếu không mình sẽ bị hại, bị dập mà thôi!
Thế là, từ chuyện bị oan trái, từ chuyện bị bất công đau khổ, người tín hữu có thể không còn tin vào Chúa, không còn tin vào sự ăn ngay ở lành nữa và sẵn sàng tiến đến làm sự gian dối, gian ác.
Ta thấy, ngay sau lời dạy hãy kiên trì cầu nguyện, Chúa Giêsu lại tự hỏi như than van: "Khi Con Người ngự đến, không biết còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?"
Thiết nghĩ là ngay cả Chúa Giêsu cũng cảm thấy có sự khó khăn trong việc truyền đạt niềm tin liên quan đến sự cầu nguyện. Ngài biết rằng hãy xin Chúa thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Tuy nhiên, Ngài cũng thấy rằng, Thiên Chúa cũng bắt người ta chờ đợi, có khi chờ đến chết luôn mà chẳng thấy đáp trả. Và hệ quả là người ta mất đức tin.
Và vì vậy, Ngài cũng hé mở cho chúng ta thấy một thực tế là loài người chúng ta khó có thể vâng nghe Ngài mà kiên trì cầu nguyện.
Thiết nghĩ, chúng ta cần nhìn vấn đề trong viễn cảnh toàn bộ chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy. Mãi đến mùa gặt, tức là ngày tận thế thì ông chủ mới cho thợ đi tiêu diệt cỏ lùng, tức là tiêu diệt kẻ dữ. Nghĩa là, đến ngày tận thế, hay nói cách khác đến ngày cánh chung thì người lành kẻ dữ mới được xét xử.
Qua dụ ngôn về bà góa cầu xin, Chúa Giêsu cũng cho thấy có một sự chờ đợi. Ngài nói: "Không lẽ chờ đợi mãi sao?", có nghĩa rằng là có "chờ đợi" nhưng không chờ đợi mãi. Điều này rất phù hợp với ý tưởng "chờ đợi" ngày Ngài tái lâm, tức là ngày chung thẩm. Các nhà thần học ngày nay cho thấy mọi sinh hoạt của nhân loại đều mang ý nghĩa của ngày chung thẩm. Cả bộ môn thần học về "chung thẩm" được nghiên cứu khai triển, trong đó có thể nói tất cả mọi sự kiện của con người đều mang ý nghĩa cánh chung.
Vậy thì, nếu như chỉ dừng lại ở chuyện được minh oan ở đời này, được nhậm lời cầu xin ở đời này, chúng ta sẽ không thể hiểu được nếu không nhìn vào khía cạnh cánh chung. Nếu chỉ nhìn ở kết quả ngay tại đời này, người ta dễ mất đức tin. Nó là hậu quả của cái nhìn sai lầm. Cần phải nhìn sự việc trong toàn bộ chương trình của Thiên Chúa.
Đích điểm hạnh phúc của loài người không phải là ở trần gian này. Nếu chỉ dừng lại ở trần thế như là đích điểm của cuộc đời, chúng ta dễ bị mất đức tin.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn hiểu rằng chúng ta không tìm đến và dừng lại ở hạnh phúc trần thế nhưng hiểu rằng chúng ta đang lữ hành từ trần thế để về quê trời đích thực. Xin Chúa giúp chúng ta luôn chạy đến Ngài, để được luôn giúp đở, để ta luôn vững bước tiến đến hạnh phúc đích thực.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay1,530
  • Tháng hiện tại36,905
  • Tổng lượt truy cập11,237,277
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi