RỐI LOẠN NHÂN CÁCH KỊCH TÍNH (HISTRIONIC)

Chủ nhật - 13/11/2022 09:04

Rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic personality disorder)

J.B. Lê Ngọc Dũng

1. Bệnh lý


Rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic) được đặc trưng bởi xúc động quá mức và tìm kiếm sự chú ý, bắt đầu sớm từ tuổi trưởng thành, được chẩn đoán khi mắc năm (hoặc hơn) các điểm sau:[1]
1) Không thoải mái khi mình không được là trung tâm của sự chú ý
Họ có xu hướng liên tục đòi hỏi phải là trung tâm của sự chú ý. Nếu họ không phải là trung tâm của sự chú ý, họ có thể làm một điều gì đó kịch tính, như dựng chuyện, tạo cảnh, để thu hút sự chú ý vào chính họ (tâng bốc, quà tặng, giới thiệu đầy kịch tính...)
2) Quyến rũ hoặc khiêu khích tình dục không phù hợp
Họ không chỉ quyến rũ người mình yêu thích mà con quyến rũ những người khác trong môi trường sinh sống, làm việc.
3) Cảm xúc hời hợt và thay đổi nhanh chóng
4) Quá quan tâm đến ngoại hình của mình để thu hút sự chú ý vào bản thân 
Họ tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc vào quần áo và chải chuốt... để thu hút. Họ khó chịu và thất vọng nếu bị bình luận là không đẹp.
5) Có một phong cách nói gây ấn tượng thái quá và thiếu chi tiết.
Ví dụ, họ có thể nhận xét rằng một cá nhân nào đó là một con người tuyệt vời, nhưng không thể cung cấp bất kỳ ví dụ cụ thể nào để chứng tỏ.  
6) Tự thể hiện như đóng kịch, phóng đại cảm xúc
Họ có thể khiến bạn bè và người quen bối rối bởi sự thể hiện tình cảm công khai quá mức. Ví dụ, họ ôm hôn những người quen thông thường với nhiệt tình quá mức, khóc nức nở không kiểm soát.
7) Ý kiến và cảm xúc của họ dễ bị ảnh hưởng bởi những người khác
Ví dụ, họ có thể quá tin tưởng vào nhân vật quyền lực mạnh mẽ mà họ xem là có thể giải quyết vấn đề của họ một cách thần kỳ.
8) Thân mật hơn thực tế bình thường 
Ví dụ, họ gọi hầu hết mọi người quen là "bạn thân mến của tôi".


2. Hỗ trợ chẩn đoán
Cá nhân bị rối loạn nhân cách kịch tính có thể có những biểu hiện như sau:
- Gặp khó khăn trong việc đạt được cảm xúc thân mật trong các mối quan hệ lãng mạn hay tình dục;
- Thường thực hiện một vai trò (ví dụ: "nạn nhân" hoặc "công chúa") trong mối quan hệ của họ với người khác;
- Tìm cách kiểm soát đối tác của mình thông qua các thao tác cảm xúc hoặc quyến rũ;
- Thường làm hư hỏng mối quan hệ bạn bè cùng giới tính vì phong cách khiêu khích tình dục của họ;
- Thường trở nên chán nản thất vọng khi họ không phải là trung tâm của sự chú ý.
- Khao khát sự mới lạ, kích thích và có xu hướng trở nên chán với thói quen thông thường của họ.
- Thường không khoan dung, hoặc thất vọng khi không đạt được sự hài lòng ngay lập tức, như họ mong đợi.
- Mặc dù họ thường khởi công một việc hoặc dự án với sự nhiệt tình, nhưng lại suy giảm quan tâm đến nó một cách nhanh chóng. Mối quan hệ lâu dài có thể bị họ bỏ lơ để nhường chỗ cho mối quan hệ mới.
Tỷ lệ
Rối loạn nhân cách kịch tính được thống kê khoảng 1,84% theo số liệu của National Epidemiologic Survey on Alcohol and Related Conditions vào năm 2001-2002.[2]


3. Vụ án rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic)
Vụ án được xử tại Tòa Án Tổng Giáo phận Hartford (1979), Hoa Kỳ. Tòa đã xác nhận hôn nhân vô hiệu do bị đơn, cô Wendy Corvo bị rối loạn nhân cách kịch tính (histrionic)[3]
Anh Eric Wachtel và cô Wendy Corvo, cả hai đều theo đạo Công Giáo, đã kết hôn tại bang Connecticut trong Tổng giáo phận Hartford vào ngày 28 tháng 6 năm 1962, lúc cả hai bên đều 23 tuổi.
Cặp đôi sống với nhau (với một cuộc chia ly khá ngắn ngủi khoảng một năm sau khi kết hôn) cho đến tháng 2 năm 1965. Cô Wendy rời bỏ chồng để sống với một người đàn ông mà cô đã ngoại tình trong vài tháng. Tuy nhiên, vào tháng 11/1965, Eric và Wendy đã hòa giải. Họ sống với nhau sau đó không có tình cảm trong một năm nữa, cuối cùng họ đã ly thân vào tháng 10 năm 1966.
Năm 1979 anh Eric đã đệ đơn xin tòa án tuyên bố kết hôn là vô hiệu.
Trong phần luận chứng, một số dữ kiện được thẩm xét như sau:
- Cô Wendy lớn lên trong một gia đình mà người cha là người nghiện rượu nặng và là người quan hệ với nhiều phụ nữ. Cuối cùng ông ta bổ với một người phụ nữ khi Wendy mười hai tuổi. Ông ta tự tử vào đầu năm 1963, khoảng tám tháng sau khi Wendy và Eric kết hôn.
- Wendy là con cả trong ba cô gái và họ thường ganh đua với nhau một cách cay đắng và dữ dội. Vì vậy, có lẽ, là nguyên nhân khiến cô Wendy kết hôn với anh Eric. Dường như em gái của Wendy tuyên bố rằng cô sẽ kết hôn vào tháng 8 năm 1962. Khi nghe tin đó, cô Wendy đã cầu hôn ngay lập tức với Eric và thúc giục để cuộc hôn nhân có trước em gái mình.
- Sau khi kết hôn, chị gái của Wendy tuyên bố rằng cô đã có thai. Khi nghe tin này, Wendy, mặc dù cô đã thực hành kiểm soát sinh sản trước thời điểm đó, đã phàn nàn rằng chồng mình không đủ tinh lực để cô mang thai.
- Cặp đôi gặp nhau vào năm 1956 khi họ còn học trung học. Khi cả hai đều 19 tuổi, họ đã đính hôn, điều này dường như gây ngạc nhiên cho một số bạn bè, vì họ thấy cô thường hay lăng nhăng. Tuy nhiên, cô đính hôn với Eric nhưng đã hủy bỏ hôn ước để đi đến với một người đàn ông khác hơn cô 8 tuổi. Nhưng rồi năm sau đó, Eric và Wendy bắt đầu hẹn hò trở lại và đi đến kết hôn.
- Trong năm đầu tiên của hôn nhân, Cô Wendy có năm công việc thư ký khác nhau. Cô cảm thấy mọi người chống lại cô. Cô gặp khó khăn lớn với mọi người và bị đuổi việc hoặc hết việc này đến việc khác. Trong khi đó cô ít chú ý hoặc không chú ý đến công việc nhà. Vì vậy, ngôi nhà là một mớ hỗn độn.
- Cô Wendy cũng phàn nàn liên tục về Eric và việc anh không thể cung cấp cho cô theo kiểu cách mà cô đã quen. Trên thực tế, anh Eric là một công nhân ổn định có mức lương tốt. Họ đã mua một ngôi nhà chỉ sau vài tháng kết hôn. Và họ cũng đã có một chiếc xe mới, nhưng Wendy không bao giờ hài lòng và luôn muốn nhiều hơn nữa.
- Sau vài tháng kết hôn, Wendy ngưng quan hệ tình dục với chồng. Cô ấy có vẻ không hứng thú. Trong năm thứ hai của hôn nhân, Wendy đã đi làm cho Công ty Everglade. Cô ấy bắt đầu ở ngoài cho đến hai hoặc ba giờ sáng và cô bị phát hiện có quan hệ với một nhân viên đồng nghiệp, mười bốn tuổi. Cuối cùng cả hai đều bị sa thải khỏi công ty vì hành vi tai tiếng của họ. Wendy sống với anh ta từ tháng 2 đến tháng 11/1965.
- Khi người đàn ông này rời khỏi bang vào tháng 11/1965, Wendy đã yêu cầu Eric đưa cô ấy trở lại, theo lời khuyên của một linh mục, anh ta đã làm. Trong vòng một năm, Wendy và Eric tách ra một cách dứt khoát và sau đó, Wendy lại sống với người bạn Everglade của mình và có hai đứa con.
- Cô ấy hiện đang trong quá trình ly dị với một người đàn ông thứ ba, một người đàn ông lớn hơn cô mười một tuổi, sau quen biết nhau chỉ bốn tháng và kết hôn.
- Bản thân cô Wendy đã từ chối hợp tác trong các phiên tòa, nhưng hai nhân chứng am hiểu, bao gồm cả mẹ của Wendy, đã làm chứng. Wendy được mô tả là phù phiếm, được cho là nói dối và cực kỳ ghen tị với các em gái của cô.
Trong vụ án này, bác sĩ James Oriole, đã chẩn đoán Wendy mắc chứng rối loạn nhân cách cổ điển và nghiêm trọng. Bệnh lý này đã tước đi khả năng kết hôn duy nhất và bất khả phân ly của Wendy.
 
[1] x. DSM V, 667-668.
[2] x. DSM V, 668.
[3] x. L.G. WRENN, Decisions, Washington DC 1983, 59-62.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập5
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay1,771
  • Tháng hiện tại19,372
  • Tổng lượt truy cập11,219,744
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi