RỐI LOẠN NHÂN CÁCH PHẢN XÃ HỘI (ANTISOCIAL)

Chủ nhật - 13/11/2022 08:41

Rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial personality disorder)

J.B. Lê ngọc Dũng

1. Bệnh lý

Rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial personality disorder) có điểm đặc trưng là sự coi thường và vi phạm các quyền của người khác, biểu hiện chủ yếu bằng sự khó khăn hoặc không thích ứng được thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật, bắt đầu trong thời thơ ấu hoặc đầu tuổi dậy thì và tiếp tục vào tuổi trưởng thành.[1]
DSM V xác định sự rối loạn này khi thấy xuất hiện ba hay nhiều hơn trong các đặc điểm sau:[2]
1) Không tuân thủ các chuẩn mực xã hội
Họ thường bị bắt giữ vì phạm pháp, rơi vào một trong bốn lãnh vực tội: gây hấn với mọi người và động vật, phá hoại tài sản, mê đắm hoặc trộm cắp, hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy tắc.
2) Lọc lừa dối trá
Họ hay nói dối, sử dụng bí danh, lèo lái người khác vì lợi nhuận cá nhân hay để vui thú. 
3) Bốc đồng hoặc không có kế hoạch trước
Họ hành động mà không cần suy tính trước và không xem xét về các hậu quả đối với bản thân và người khác.
4) Hung hăng, bạo lực
Họ thường hay hành hung đập đánh người khác, ngay cả vợ con.
5) Cẩu thả, coi thường sự an toàn của bản thân hoặc người khác
Ví dụ, họ lái xe tốc độ cao, uống rượu hay say sưa khi lái xe.  
6) Thiếu trách nhiệm thường xuyên
 Họ thường hay vắng mặt khỏi công việc không lý do, hay vỡ nợ, bỏ bê chăm sóc và không cung cấp cho vợ con, nghiện hút, không chung thủy.
7) Thiếu hối hận
Họ không hối hận, thể hiện bằng cách thờ ơ hoặc hợp lý hóa việc làm tổn thương, ngược đãi hoặc đánh cắp người khác, hay bằng việc đổ lỗi cho người khác; hoặc có thể cho rằng các nạn nhân là ngu ngốc, bất lực hoặc đáng với số phận của họ.


2. Hỗ trợ chẩn đoán
Cá nhân bị rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial) có thể có những biểu hiện như sau:[3]
- Thường thiếu sự đồng cảm và có xu hướng nhẫn tâm, yếm thế và coi thường cảm xúc, quyền lợi và sự đau khổ của người khác;
- Có thể quá tự tin, tự phụ và kiêu ngạo;
- Có thể biểu lộ một sự quyến rũ hời hợt, dùng kiểu nói gây ấn tượng cho người khác;
 - Có thể lạm dụng tình dục người khác, có nhiều bạn tình, không duy trì mối quan hệ một vợ một chồng;
- Họ có thể trở nên nghèo khổ, hoặc thậm chí vô gia cư, hoặc có thể ở tù nhiều năm.
Tiến triển rối loạn
Rối loạn nhân cách chống xã hội có tính kinh niên nhưng cũng có thể trở nên ít rõ ràng hoặc trú ẩn ở tuổi cao hơn, đặc biệt là ở khoảng 40-50 tuổi. Theo định nghĩa, tính cách phản xã hội không thể được chẩn đoán trước 18 tuổi.[4]
Liên hệ tới văn hóa
Rối loạn nhân cách phản xã hội dường như có liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội thấp và môi trường đô thị, có thể như là một phần của một cách để sinh tồn hay tự bảo vệ.[5]
Chẩn đoán phân biệt
Rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial) cần phân biệt với:[6]
- Rối loạn sử dụng chất: Khi có liên quan đến một chứng rối loạn sử dụng chất, thì cần có những dấu hiệu của rối loạn nhân cách chống xã hội cũng đã có mặt trong thời thơ ấu.
- Tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực (schizophrenia and bipolar disorders).
- Rối loạn nhân cách khác: Để phân biệt cần dựa trên sự khác biệt về tính năng đặc trưng của họ. Tuy nhiên, nếu một cá nhân có các đặc điểm đáp ứng tiêu chí cho một hoặc nhiều rối loạn nhân cách, thêm vào rối loạn nhân cách chống xã hội, thì có thể chẩn đoán nạn nhân đồng thời có nhiều rối loạn nhân cách. Cá nhân có rối loạn nhân cách chống xã hội và ái kỷ (narcissistic) đều có cùng xu hướng khó tính, lém lỉnh, hời hợt, bóc lột, và thiếu sự đồng cảm. Tuy nhiên, rối loạn nhân cách ái kỷ lại không bao gồm các đặc điểm của sự bốc đồng, hung hăng và lừa dối. Các cá nhân có rối loạn nhân cách chống xã hội có thể không có nhu cầu được ngưỡng mộ và ghen tị với người khác, không có hứng thú tìm kiếm, thiếu thận trọng, quyến rũ, và lôi cuốn.
- Hành vi phạm tội không liên quan đến rối loạn nhân cách: Chỉ khi đặc điểm tính cách phản xã hội là không linh hoạt, thích nghi không tốt, dai dẳng và gây suy thoái chức năng nhân cách mới chẩn đoán là rối loạn nhân cách chống xã hội.


3. Vụ án rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial)
Vụ án được xử tại tòa án Tổng Giáo phận Hartford (1976), Hoa Kỳ. Tòa đã xác nhận hôn nhân vô hiệu do bị đơn, anh Theodore Heron, bị rối loạn nhân cách phản xã hội (antisocial)[7]
Cô Isabel Gallo và anh Theodore Heron, cả hai đều theo đạo Công Giáo, đã kết hôn vào thời điểm Isabel 19 tuổi và Theodore mới 20 tuổi.
Họ sống với nhau, với một vài cuộc chia ly, trong mười tám năm và sinh được ba đứa con (một trong số họ chết non). Tuy nhiên, trong suốt mười tám năm, người chồng, Theodore, vô trách nhiệm và cuộc hôn nhân kéo dài như vậy là nhờ sự chịu đựng cực độ của người vợ. Cuộc chia ly cuối cùng diễn ra vào năm 1973 và ly dị vào năm 1974.
Cô Isabel đã đệ đơn xin tiêu hôn và tòa án hôn phối giáo phận đã tuyên bố hôn nhân của họ là vô hiệu, dựa trên cơ sở là sự thiếu khả năng kết hôn của anh Theodore.
Sự thiếu khả năng của anh Theodore là do anh bị rối loạn nhân cách phản xã hội (Antisocial personality disorder).
Trong phần luận chứng các thẩm phán đã nhận thấy các điểm sau:
- Anh Theodore Heron, bị đơn, đã được thông báo về các thủ tục tố tụng này và được mời trả lời nhưng đã từ chối và nói rằng thủ tục tố tụng là vô lý.
- Các sự kiện đã được trình bày cho bác sĩ Roger Martin, chuyên gia tâm thần do tòa án chỉ định và báo cáo của bác sĩ Martin được lưu trong hồ sơ vụ án.
- Các vấn đề của Theodore trong cuộc sống bắt đầu khá sớm. Cha anh uống rượu quá mức và không phải là một công nhân ổn định, trong khi người mẹ, có tính khá tự lập, luôn bảo vệ Theodore bé nhỏ, và luôn cho rằng anh ta là một cậu bé tốt.
- Theodore gặp khó khăn khi đi học trường trung học. Anh ta đã vắng mặt rất nhiều và đã bị ở lại một vài năm. Phải mất sáu năm anh mới tốt nghiệp. Anh ta hai lần đăng ký vào đại học nhưng rồi bỏ học cả hai lần vì anh không quan tâm đến việc học.
- Về công việc làm ăn, anh đã có bốn mươi hai công việc khác nhau, trong mười tám năm kết hôn. Anh là nhân viên bán xe cho một số hãng nhưng sau đó mất hứng thú. Anh mở một nhà hàng với một đối tác nhưng đã phá sản. Nhiều công việc bán hàng của anh ta rất ngắn ngủi và anh ta thường thất nghiệp.
-Anh ta đánh bạc và liên tục mắc nợ và luôn có nguy cơ bị bắt. Anh đã không nộp thuế thu nhập của mình trong vài năm; giả mạo tên của vợ mình cho một khoản vay mà anh ta không thể trả được; đã nói dối rằng mình là đại diện cho một công ty làm bánh và bị bắt vì điều đó. Anh ta đã sử dụng người khác, liên quan đến gái mại dâm và có một mối tình kéo dài với một người phụ nữ vào năm 1965. Isabel rời bỏ anh ta một năm trong khi anh ta ngoại tình và trong khi ngoại tình, mẹ của cô gái đã tự tử. Cô gái cuối cùng đã chia tay với anh. Theodore đã quay lại với Isabel. Dường như anh ta không hối hận về bất kỳ hành vi xấu xa nào của mình.
- Anh ta vô tâm và thờ ơ với vợ và con cái. Khi Isabel mang thai tám tháng vào tháng 1 năm 1956, cô đã bị biến chứng và có nguy cơ mất đứa trẻ. Tuy nhiên, anh vẫn bỏ mặc vợ và đi nghĩ ở Florida. Ngày hôm sau Isabel sinh và đứa trẻ chết non. Năm 1965, đứa con trai bảy tuổi của họ bị một chiếc xe tải đâm phải khi đang đi xe đạp. Đứa bé nhập viện cả tuần nhưng anh ta chỉ đến để gặp con hai lần trong vài phút mỗi lần. Kể từ khi chia tay, anh chỉ gặp con một vài lần và chưa bao giờ hỗ trợ tài chính cho con cái.
Chuyên gia của tòa án, Roger Martin, đã chẩn đoán Theodore bị mắc chứng rối loạn nhân cách phản xã hội nghiêm trọng, khiến anh ta mất năng lực tình yêu, lòng trung thành và trách nhiệm với bất kỳ người nào khác.
Tòa án chứng thực rằng anh ta không có khả năng kết hôn, do anh ta không thể thực hiện được những quan hệ hôn nhân, nghĩa là không thể quan tâm, chia sẻ và tôn trọng người khác.
 
[1] x. DSM V, 659.
[2] x. Ibidem.
[3] x. Ibidem, 660.
[4] x. Ibidem, 661.
[5] x. Ibidem, 662.
[6] x. Ibidem, 662-663.
[7] x. L.G. WRENNN, Decisions, Washington DC, 1983, 69-74.

Tác giả: JB Dũng Lm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

GIAOLUATCONGGIAO.COM

GIỚI THIỆU TRANG GIÁO LUẬT CÔNG GIÁO

Con xin giới thiệu trang Web ;http://giaoluatconggiao.com được thành lập với sự khuyến khích của Đức cha Toma Nguyễn Văn Trâm, Gp. Bà Rịa phụ trách Giáo Luật trong HĐGMVN, Đức cha Giuse Võ Đức Minh Gp Nha Trang. Trang Web được phát kiến và hình thành với các lý do sau: - Trong khóa Bổ Túc...

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay752
  • Tháng hiện tại29,263
  • Tổng lượt truy cập11,182,596
Liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi